Bà Vú

Mẹ không có nguồn sữa khi sanh tôi ra và ba cũng không muốn cho con uống sữa bò, nên ba mẹ lo tìm vú nuôi cho tôi. Sáng đó, bà Năm từ xóm trên xuống thăm ngoại, bà có họ hàng xa với ba và nhờ ba đại diện gia đình đi dự đám tang con rể của bà, chồng của người con gái lớn, cô Huệ, hiện mới vừa cho ra đời bé Lan được 1 ngày.

Chồng cô là quân nhân được nghĩ phép về thăm gia đình mong nhìn mặt đứa con gái đầu lòng, nhưng trên lối về quê, các xe bị chặn lại vì đường cái bị đắp mô, tất cả phái nam bị lùa vào rừng để Việt Minh khám xét ai có những vết chai trên chân là dấu hiệu đi lính cho Pháp, họ giết hết và được chôn ở nghĩa trang quân đội.

Rể của bà Năm cũng không ngoại lệ nên gia đình đến dự lễ tang, hầu sau này khi cô Huệ cứng cáp thì biết chỗ mà đến thắp 1 nén nhang cho chồng. Bà Năm cũng muốn lập bàn thờ ở nhà để cúng giỗ con rể, và cô Huệ mới sanh nên cả gia đình giấu nhẹm chuyện tử nạn của chồng cô.

Bà Năm đề nghị cô Huệ đến nhà tôi ở làm vú nuôi cho tôi và đem theo bé Lan, vì sữa cô rất nhiều. Mẹ tôi mừng lắm! Mới sanh nở nên Vú Huệ nằm gọn trong chiếc võng đu đưa, hai người đàn ông khỏe mạnh vác trên vai mang đến nhà tôi hoàn hảo. Từ hôm đó Vú Huệ là thành viên trong gia đình với tình thương đầy ấp của tôi luôn dành cho Vú. Ba mẹ tôi trả lương cho Vú thật hậu để vú đủ tiền nuôi mẹ già và lo cho đàn em đi học. Ba tôi thường đi vắng nên Vú trở thành quản gia, coi sóc mọi việc và giúp mẹ thật nhiều.

Thuở ấy, làng tôi thường có cọp xuất hiện trên vùng núi non, còn có nai và nhiều thú rừng khác loại. Dưới xóm chúng tôi hay nghe được nai kêu vang vọng kèm theo tiếng của các con vật khác. Đôi khi ban đêm cọp xuống làng bắt heo, chó, hoặc loài chồn xuất hiện để bắt gà, bắt vịt.

Cuối làng tôi là một miếng đất trống thênh thang, Pháp cho xây lô cốt hình lục giác bằng đá thật kiên cố, một nửa chôn dưới đất, một nửa phía trên đều có những lỗ châu mai chung quanh để chỉa súng ra. Ở đấy toàn là đàn ông thuộc dân tộc thiểu số, biết 2 thứ tiếng Pháp và Việt.

Pháp cũng cho xây hai dãy nhà trệt dưới chân ngọn đồi lớn để nhân viên người Việt và gia đình cùng trú ngụ. Trên đồi họ xây nhà ba tầng như lâu đài, là nơi làm việc của Thương Chánh và gia đình họ cũng ở nơi đó, nhìn xuống thấy dãy làng nằm phơi trong bóng nắng liêu xiêu và phía sau ngọn đồi là mênh mông biển cả. Có một con đường bằng đá nối dài chạy ra bến cảng, nơi đó có những chiếc tàu cặp bến rồi đi. Sau này, người Pháp rút lui, ngôi Thương Chánh trên đồi có tên là “lâu đài tình ái”, vì nhà bỏ trống nên là địa điểm của những cặp tình nhân hò hẹn.

Cuối làng, một bưu điện gọi là nhà giây thép, vừa là chỗ làm việc cũng là chỗ ở rất tiện nghi cho công nhân viên trú ngụ. Người Pháp thường tổ chức đi săn nên thú rừng bớt hẳn đi, chỉ có các loại thú nhỏ mới còn tồn tại.

Một hôm đi chợ vừa về, Vú ra dấu cho mẹ vào phòng rồi nói nhỏ:

– Ông Hương Thơ mới bị giết.

Hoặc:

– Ông xã Tám làng Phú Thọ cũng bị giết.

Đêm nào chó sủa nhiều là sáng ra nghe tin có Việt Minh về làng. Việt Minh chỉ về ở đầu và giữa làng, vì cuối làng có lô cốt của dân Pháp.

Trí óc non dại của tôi, cứ nghĩ Việt Minh là một con vật gì ghê gớm hơn con cọp, bởi nói đến cọp xuống làng bắt heo, chó, Vú không run sợ bằng nghe đến Việt Minh về làng.

Rồi ba trở về. Buổi chiều cả nhà ăn cơm sớm, sau đó Ba lái xe chở gia đình qua làng Đông Hà ngủ nhờ. Ngoại, chị bếp và chú Hai làm vườn không chịu đi, ban đầu chỉ có riêng gia đình tôi, nhưng về sau, tất cả trai gái trong làng đều di tản ban đêm, ba phải gắn thêm cái rờ mọt phía sau xe để cho họ ngồi.

Trước khi qua làng Đông Hà, cuối cây cầu cũng có một lô cốt hình lục giác và những người ở trong đó vẫn là đàn ông thiểu số, đôi khi họ tra xét giấy tờ các người đi ngủ nhờ theo bổn phận. Cuối làng Đông Hà có kho chứa muối và những ngôi nhà của người Pháp.
Bất cứ ngôi nhà nào của Làng Đông Hà cũng được dân các làng khác đến đó ngủ nhờ nên làng vui nhộn hẳn lên. Hai bên đường bày bán đủ các loại hàng và món ăn, vú thường dẫn tôi và em Lan đi dạo để được ăn đủ tất cả món lạ lẫm của các miền.

Không ngờ những đêm đi dạo, có một người Pháp nói tiếng Việt rất sành điệu, ông có cảm tình đặc biết với Vú, nên đến gặp gia đình tôi để xin cưới Vú và hứa khi về Pháp sẽ mang theo Vú và em Lan. Nhưng Vú từ chối và nói một lần lấy chồng là đủ rồi, nay chỉ biết chăm sóc và nuôi 2 đứa con thôi. Gia đình tôi rất cảm động vì Vú xem tôi như con ruột của Vú, thương yêu và lo lắng cho tôi từng li từng tí.

Ba tôi nói không thể đi ngủ nhờ hoài nên đưa cả gia đình vào Nha Trang, vì nơi đó đã có sẵn nhà. Ba mẹ thường đi đến các cơ sở làm ăn ở tỉnh khác, các anh chị em tôi sống cùng Vú ở Nha Trang.

Vú thích đi coi hát bội, đó là môn hát của miền Trung. Có một lần tôi và em Lan theo Vú đi xem hát, Vú phải giảng từng chút mỗi điệu bộ hay từng động tác đều có ý nghĩa khác nhau cho chúng tôi tường tận. Như một cây roi với lông trắng phủ ra 2 bên, tượng trưng cho ngựa trắng, phất qua là điều khiển con ngựa phải phi. Hai chúng tôi đều không hiểu những tuồng tích mà Vú khen hay, vì chúng tôi chỉ thích ciné. Chúng tôi vừa đi xem phim cao bồi và muốn Vú cũng xem cho biết. Đưa Vú đến rạp hát mua vé, hẹn khi xuất hát tan, cả 3 sẽ cùng nhau đi ăn mì hoành thánh.

Tôi và em Lan đứng chờ, cùng chạy nhanh đến khi dáng Vú vừa xuất hiện, nhưng người vội quay đi giận dỗi, không thèm nhìn chúng tôi và nét mặt vô cùng mõi mệt. Hỏi ra mới biết, Vú đi coi hát bội quen rồi, ngồi gần sân khấu là vé thượng hạn, nên vào rạp ciné Vú cũng ngồi gần màn ảnh, mà phim chiếu với hình ảnh nổi, nên Vú cứ thấy người ta cởi ngựa cầm roi lùa đàn bò như sắp đánh trúng Vú, nên Vú cứ phải né tránh liên tục rồi đau cổ và mệt đừ vì tâm không ổn định. Phải cố nén để ghì chặt hai hàm răng lại, chúng tôi mới không phát ra tiếng cười ròn tan hợm hĩnh, lại một phen nịnh hót năn nỉ ỉ ôi của 2 đứa tôi, Vú mới nguôi ngoai.

Có một lần chị bếp bận nên Vú phải đi mua chè cho chúng tôi ăn. Ông chủ bán chè đó thương Vú lâu rồi. Chúng tôi mỗi đứa đòi một loại khác nhau. Không biết vì hồi hộp bị run hay vì chẳng tự nhiên mà lúc chủ tiệm hỏi: – Cô mua chè gì ? Thay vì nói chè táo và nhãn nhục, Vú lại nói chè áo vá quàng, nhẫn nhục. Từ đó, Vú xấu hổ không chịu ra mua chè nữa. Chúng tôi lại một phen xuống nước ngọt ngào năn nỉ bên tai Vú như mấy lần qua.

Về sau, tôi mới nghĩ ra cách viết lên giấy cho mỗi lần đi mua chè, vú cứ mở giấy ra đọc. Thuở ấy, người đàn bà nào biết chữ là oai lắm! Vú thấy có lý nên lấy lại tự tin, nhưng cũng là điều vô cùng tai hại! Vì ông chủ tiệm chè càng mê mệt vú nhiều hơn và cầu xin Vú bằng lòng tái giá với ông, bởi ông có hai con và vợ cũng đã chết rồi. Nhưng Vú quyết định không bước thêm bước nữa.

Vú là người đàn bà trọn tình vẹn nghĩa, tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam, chỉ biết trung thành gắn bó với chồng dù người chồng đã mù tăm vĩnh biệt. Vú can đảm đơn thân độc mã giữa đời, nuôi mẹ, thay chồng gánh vác việc nhà dạy dỗ con cái lớn khôn cùng chăm lo đàn em trở nên hữu dụng. Trong việc đối nhân, Vú là người vẹn toàn tình nghĩa trước sau như một. Vú là một bông hoa hương đồng lúa nội, không vương giả cao sang, nhưng đóa hoa đã trọn vẹn dâng đời một ảnh hình đức hạnh lung linh!

Cuộc đời tôi quá may mắn vì có hai bà mẹ, một người kiến tạo hình hài và một người nuôi tôi bằng dòng sữa chân tình, cả hai đều thương yêu và lo lắng, theo dõi từng bước chân tôi từ lúc tuổi ấu thơ, là hai bờ vai cho tôi vững tin nương tựa.

Ơi lời ru mẹ dịu hiền
Cho ngày thơ dại thần tiên ngọt ngào,
Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu, mưa nắng dãi dầu vì con (Như Nhiên)

Sau này trên đường đời, khi nhọc nhằn đau khổ, tôi chỉ cần gặp một trong hai bà mẹ, thì không khí thương yêu đó bao trùm lấy tôi, tôi cảm được sự ấm áp vỗ về và phiền muộn tan nhanh.

Đời vạn nẻo nhiều lần con vấp té
Khó khăn tìm nhân thế một bàn tay. (thơ Như Nhiên)

Bây giờ tóc tôi đã bạc, nhưng mỗi khi nhớ về hai người mẹ đó, tôi thấy mình luôn còn thơ trẻ. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi hưởng mật ngọt từ hai trái tim âm thầm hy hiến, một loại hạnh phúc vĩnh viễn chỉ biết trào tuôn như suối nguồn của hai người mẹ Việt Nam rạng ngời tiết hạnh.

Lớn khôn cách biệt mẹ rồi
Lời ru theo vạn bước đời của con..
Ru Đời, ru Đạo vuông tròn
Thiên thu tiếng mẹ hóa hồn núi sông. (Như Nhiên)

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.