Mặt Hồ Tĩnh Lặng – Quyển II

Đời sống một nhà sư

Một nhà sư trẻ sẽ sống an lạc hạnh phúc trong rừng sâu khi biết chiêm nghiệm bản chất thiên nhiên của sự vật. Khi nhìn quanh thầy ý thức được sự biến hoại của tất cả mọi hình thái và tất cả đều đi đến nơi hủy diệt.

Chẳng có gì trường cửu trên thế gian. Ý thức được điều này, nhà sư bắt đầu an nhiên tĩnh lặng.

Nhà sư tập bằng lòng với sự thiếu thốn: chỉ ăn những gì thấy cần, chỉ ngủ khi cần thiết, thỏa thích với tất cả những gì mình có. Đó là căn bản của thiền Phật Giáo. Nhà sư Phật Giáo không hành thiền với lý do vị kỷ. Trái lại, các thầy hành thiền để tự hiểu biết chính mình, đồng thời để có thể chỉ dạy kẻ khác sống trong bình an hiểu biết.

Thiền không phải chỉ là sống an lành trong cuộc đời này. Ngược lại, phải đương đầu với chính mình chẳng khác nào dấn thân vào phong ba bão táp. Lúc bắt đầu hành thiền tích cực, chúng ta thường cảm thấy chán nản, thất vọng đến nỗi muốn tự sát nữa là khác. Một số người nghĩ rằng đời sống của sư sãi thật rảnh rỗi và dễ dàng. Cứ để họ thử đi và xem họ chịu đựng được bao lâu. Nghiệp vụ của các nhà sư thật khó khăn. Các vị phải tích cực trong công tác tự giải toả tâm mình để lòng từ ái bao trùm mọi vật. Trong khi nhìn thấy sự sinh diệt của đời sống, nhà sư ý thức được rằng chẳng có gì tùy thuộc vào thầy cả, nhờ thế thầy dồn đau khổ đến đường cùng.

Nếu hành thiền một cách nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ gặt hái được thành quả ngay. Bạn cứ thử đi sẽ thấy, tôi chẳng cần quảng cáo làm chi.

Thu thúc

Lối sống thế tục có tính cách hướng ngoại, buông lung. Lối sống của nhà tu bình dị và tiết chế. Nhà sư có lối sống khác hẳn kẻ thế tục, từ bỏ thói quen, ăn ngủ và nói ít lại. Nếu làm biếng, phải tinh tấn thêm; nếu cảm thấy khó chịu đựng, phải kiên nhẫn thêm; nếu cảm thấy yêu chuộng và dính mắc vào thân xác, phải nhìn những khía cạnh bất tịnh của cơ thể mình.

Nhiều người cho rằng, “Đối kháng lại dục vọng, tham ái, là một điều khó khăn, chúng ta hãy nương theo nó và bỏ dần, đây là một phương pháp chậm chạp nhưng có hiệu quả.” Tôi không đồng ý như thế, vì dung túng cho tham ái, dục vọng bạn sẽ không bao giờ đến đích được.

Giới luật và thiền định hỗ trợ tích cực cho việc luyện tâm, giúp cho tâm an định và thu thúc. Nhưng bề ngoài thu thúc chỉ là một sự chế định, một dụng cụ giúp tâm an tịnh. Bởi vì dù bạn có cuí đầu nhìn xuống đất đi nữa, tâm bạn vẫn có thể bị chi phối bởi những vật ở trong tầm mắt bạn.

Có thể bạn cảm thấy cuộc sống khó khăn và bạn không thể làm gì được. Nhưng càng hiểu rõ chân lý của sự vật, bạn càng được khích lệ hơn. Giả sử trên đường về nhà, bạn dẫm phải gai. Gai đâm sâu vào chân bạn. Quá đau đớn bạn cảm thấy không thể nào đi nổi. Thế rồi, thình lình một con cọp xuất hiện. Bạn quên hết cái đau, nhỏm dậy chạy về nhà.

Phải luôn luôn tự hỏi, “Tại sao ta xuất gia?” Hãy xem câu này như một khích lệ giúp ta tiến bước. Không phải xuất gia để được thoải mái và hoan lạc. Sống ở đời còn dễ dàng hơn nhiều. Trong lúc đi khất thực, phải luôn luôn tự hỏi, “Tại sao ta phải làm như vầy? Ta không nên bỏ thói quen này.” Khi nghe pháp, bạn nghe lời dạy hay chỉ nghe âm thanh? Có thể lời nói đi vào tai, nhưng bạn đang suy nghĩ, “Khoai lang điểm tâm sáng nay thật tuyệt.”

Phải giữ tâm chánh niệm thật sắc bén. Trong khi làm các công việc trong tu viện phải làm với sự chú ý. Phải biết mình đang làm gì, đang có cảm giác gì trong khi làm. Phải biết rằng khi tâm quá dính mắc vào ý niệm thiện ác của nghiệp là tự mang vào mình gánh nặng nghi ngờ và bất an vì luôn luôn e sợ không biết hành động của mình có sai lầm, có tạo nên nghiệp ác không. Đó là một sự dính mắc cần tránh. Quá dính mắc vào điều này làm bạn trở nên e dè sợ hãi mỗi khi làm công việc gì. Chẳng hạn lúc quét nhà, bạn lo sợ sẽ làm kiến chết. Trong khi đi, bạn lo sợ sẽ làm hại cây cỏ. Càng giữ giới trong sạch, những nghi ngờ lo sợ càng đến với bạn nếu bạn dính mắc vào giới. Nếu tiếp tục băn khoăn lo lắng, bạn chỉ đạt được sự bình an tạm thời. Bạn phải hiểu rõ tiến trình của hoài nghi để chấm dứt nó.

Trong lúc tụng kinh chúng ta thường nói rằng chúng ta là những kẻ phụng sự Đức Phật. Phụng sự có nghĩa là hoàn toàn đặt mình dưới quyền điều khiển và sử dụng của ông chủ, và ông chủ sẽ ban cho ta mọi nhu cầu: thức ăn, quần áo, chỗ ở, lời hướng dẫn, v. v.

Chúng ta, những kẻ mặc áo thừa kế của Đức Phật, phải hiểu rằng mọi nhu yếu chúng ta nhận được từ thiện tín nhờ đức hạnh của Đức Phật chớ không phải ở phước báu riêng của chúng ta. Chúng ta phải biết tri túc trong vật dụng (thức ăn, y phục, chỗ ở, thuốc men). Chẳng cần phải mặc y thật tốt; y chỉ cốt đủ che thân. Chẳng cần phải có thức ăn ngon; thực phẩm chỉ để nuôi mạng sống. Đi trên đường Đạo là đối kháng lại mọi phiền não và ham muốn thông thường.

Một nhà sư lúc đi khất thực, nếu thấy lòng tham muốn nói, “Cho tôi nhiều”, ngài sẽ nói, “Cho tôi ít”. Nếu phiền não nói, “Cho tôi mau mau”, hạnh thu thúc sẽ nói, “Cho tôi chậm chậm”. Nếu tham ái muốn thức ăn nóng và mềm, hạnh thu thúc sẽ yêu cầu nó lạnh và cứng.

Trong mọi hành động của chúng ta — mặc y, đi bát, đều phải làm trong chánh niệm. Giáo pháp và giới luật Đức Phật ban cho ta chẳng khác nào một vườn cây trái ngon ngọt. Chúng ta khỏi bận tâm về việc gieo trồng và săn sóc. Chúng ta cũng khỏi phải lo sợ gặp phải trái cây độc hay không thích hợp. Tất cả đều có lợi ích và tốt đẹp cho ta.

Một khi đạt được sự mát mẻ bên trong, bạn không nên vất bỏ nếp sống tu viện này. Bạn hãy làm khuôn mẫu cho những kẻ đến sau, đó là thái độ của những nhà sư giác ngộ.

Giới là dụng cụ

Nhiều người sợ mình hành động sai lầm, tội lỗi, lo lắng quá đáng đến độ mất ngủ. Lúc còn dính mắc vào giới luật thì giới luật là gánh nặng, dần dần bạn sẽ giữ giới một cách nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Nhưng thoạt đầu bạn phải trải qua thời kỳ nặng nề cũng như trước khi vượt qua đau khổ, bạn phải đau khổ trước. Một người tận tâm, chu đáo trong việc tu hành, trước tiên phải chịu nhiều khó khăn, chẳng khác nào cá nước ngọt phải sống trong nước mặn. Cố gắng giữ giới luật khiến mắt bạn nóng bỏng, xốn xang.

Một người thờ ơ và cẩu thả trong việc giừ gìn giới luật thì sẽ chẳng cảm thấy bị phiền lụy chút nào, nhưng họ cũng chẳng bao giờ có dịp học hỏi để thấy chân lý.

Giữ hai trăm hai muơi bảy (227) giới là điều thiết yếu mà một nhà sư phải hành trì. Chúng ta phải giữ gìn giới luật trong sạch. Nhưng không phải chỉ giữ giới là đủ. Hãy nhớ rằng giới chỉ là sự chế định hay dụng cụ mà thôi. Không cần phải nghiên cứu hết mọi ý nghĩa lý của giáo pháp hay thông hiểu hết tất cả luật lệ. Cũng như khi làm một con đường băng qua rừng, bạn chẳng cần phải đốn hết cây rừng.

Mọi phương pháp thực hành đều dẫn đến giải thoát, trở thành người thấy rõ ánh sáng trong mọi thời gian. Con đường duy nhất giúp giới tịnh là làm cho tâm trong sạch.

Sang trái, sang phải

Một nhà sư Tây phương lưu ngụ ở Wat Pah Pong đã lấy làm thất vọng vì phải thực hành khó khăn và phải giữ nhiều giới luật phức tạp và có vẻ phi lý. Thầy bắt đầu chỉ trích những vị sư khác là hành thiền tùy tiện không đến nơi đến chốn. Thầy nghi ngờ những lời dạy của Ajahn Chah. Một dịp nọ thầy đến gặp ngài Ajahn Chah than phiền, cho rằng ngay chính ngài Ajahn Chah cũng mâu thuẫn và dường như nhiều lúc đi ngược lại đường lối giải thoát.

Ajahn Chah cười và cho biết nhiều nhà sư đã tự gánh lấy đau khổ khi chú ý phán đoán những người chung quanh. Sau đó Ajahn Chah giải thích cho nhà sư Tây phương rõ đường lối giảng dạy đơn giản của ngài: Cũng giống như trường hợp tôi thấy một người đang đi trên con đường mà tôi quen thuộc. Tôi theo dõi và biết người ấy sắp rơi vào hố bên phải của con đường. Tôi bèn gọi người ấy, “Hãy đi sang trái, sang trái”. Cũng thế, khi thấy một người sắp rơi vào hố bên trái, tôi lại lớn tiếng, “Sang phải, sang phải”. Đó là phạm vi chỉ dẫn của tôi. Bất kỳ thầy dính mắc vào cực đoan nào, dính mắc vào cái gì tôi đều bảo, “Hãy buông bỏ chúng đi. Hãy đi sang phải, hãy đi sang trái, rồi trở về trung tâm”. Làm như thế thầy sẽ đến gặp Chân pháp.

Chửa trị bất an

Đây là phương pháp đối trị bất an và phóng tâm:

— Ăn thật ít. Đừng nói chuyện với ai.

Sau bữa cơm, trở về liêu cốc của mình, đóng cửa lớn và cửa sổ, mặc nhiều áo vào, ngồi xuống, cảm thấy thế nào cũng mặc kệ.

Bằng cách này bạn sẽ trực tiếp đối diện với bất an. Khi cảm giác khởi dậy, hãy đặt câu hỏi với chúng. Bạn sẽ thấy chúng chỉ là cảm giác mà thôi.

Khi bạn cần đi sâu vào việc thực hành, sẽ có lúc những căng thẳng lớn lao trong tâm hồn bạn trôi theo những giọt mồ hôi và nước mắt. Nếu bạn chưa trải qua vài lần như thế, bạn chưa hành thiền thật sự.

Ý nghĩa sâu xa của việc tụng kinh

Mỗi buổi sáng, sau khi đi khất thực về, các nhà sư vào trai phòng ngồi thành hai dãy dài. Họ chắp tay cung kíng đọc kinh trước khi vào bữa ăn. Đây là những bài kinh chúc lành bằng tiếng Pali, nhắc lại những lời dạy của Đức Phật, trở về với thời kỳ Phật còn hiện tiền. Thiện nam tín nữ thuần thành đem thực phẩm đến dâng cúng cho chư tăng ngồi yên lặng thành khẩn khi các nhà sư tụng kinh. Sau đó chư tăng dùng cơm trong yên lặng chánh niệm.

Một vị khách Tây phương, còn mới mẻ với nếp sống và truyền thống trong tu viện, hỏi Ngài Ajahn Chah ý nghĩa việc tụng kinh:

— Phải chăng những nghi lễ này có một ý nghĩa sâu xa bên trong?

Ajahn Chah trả lời:

— Vâng, rất có ý nghĩa. Đặc biệt là đối với những nhà sư đang đói bụng mà phải tụng kinh như thế này trước khi được ăn bữa cơm độc nhất trong ngày. Bài kinh bằng tiếng Pali có nghĩa là “Cám ơn.” Họ nói, “Rất cám ơn!”

Chân lý nằm trong những công việc hèn mọn

Việc hành thiền ở đây thật ra chẳng có gì khó khăn, thế nhưng vẫn có nhiều người không muốn làm. Chùa Wat Pah Pong trong những ngày đầu tiên rất thiếu thốn, không có điện, không có giảng đường hay phòng ăn lớn. Bây giờ chúng ta đã đầy đủ và chúng ta phải chăm nom săn sóc chúng. Tiện nghi luôn luôn phát sinh ra những phức tạp, rắc rối.

Chúng ta, mọi người đều có nhiều bổn phận với ngôi tu viện này. Chăm sóc cốc liêu và nhà vệ sinh là môt việc làm quan trọng. Những việc đơn giản khác cũng quan trọng không kém, chẳng hạn như lau quét giảng đường, rửa bát cho các vị sư lớn tuổi, giữ sạch sẽ cốc liêu và nhà vệ sinh. Những cái dơ dáy nhất — chúng ta phải thừa nhận trước tiên là cơ thể chúng ta, chúng ta cũng phải giữ sạch sẽ.

Đây không phải là việc làm khiếm nhã hay hèn mọn. Chúng ta phải hiểu biết một cách xa hơn, đây là việc làm tinh sạch nhất. Mọi công việc đều làm trọn vẹn, chánh niệm thì vừa đem lại lợi ích cho ta, vừa thể hiện việc hành thiền có kết quả tốt đẹp.

Sống hòa thuận, hài hòa với người khác

Một trong những mục đích luân lý và đạo đức là sống hòa thuận, hài hòa với những người bạn tinh thần. Mục đích của chúng ta là vậy chứ không phải chỉ nhằm thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình. Hiểu biết vị thế và tôn trọng các bậc truởng thượng là một phần quan trọng của giới luật mà chúng ta hành trì.

Muốn sống hài hòa với mọi người, chúng ta phải loại bỏ tính kiêu căng tự phụ, cho mình là quan trọng hơn cả, đồng thời cũng không dính mắc vào những lạc thú phù du. Nếu không vất bỏ yêu ghét, thực ra bạn chưa có được chút nỗ lực tinh tấn nào. Không vứt bỏ có nghĩa là đi tìm an bình nơi không bình an. Hãy tự khám phá chân lý này. Chẳng cần phải lệ thuộc vào một đạo sư bên ngoài — thân và tâm không ngừng dạy ta. Hãy lắng nghe bài thuyết giảng của chúng để không còn hoài nghi nữa.

Con người luôn luôn bị dính mắc vào ý nghĩ cho mình là lãnh tụ, người lãnh đạo. Cũng có kẻ dính mắc vào chuyện mình là một học trò, một môn đệ. Có ai tự hào rằng mình không phải là học trò khi mình có thể học hỏi ở tất cả mọi vật? Ai có thể dạy dỗ tất cả mọi điều mà không phải là thầy?

Hãy lấy việc vái lạy làm phương cách bảo vệ thế giới quanh bạn. Hãy vái lạy một cách tôn kính và đầy tình thương. Khi trở về cốc liêu một mình, hãy để mọi thứ xuống và việc trước tiên là nằm dài ra lạy. Muốn đi ra ngoài để quét dọn, hãy nằm dài ra lạy trước. Lúc quét dọn xong trở vào, lại tiếp tục lạy nữa. Vào nhà vệ sinh, phải vái lạy trước. Và vái lạy trước khi trở về phòng. Hãy nhủ thầm, “Mọi lỗi lầm do thân, khẩu, ý tôi gây ra, cầu mong đuợc tha thứ.” Luôn luôn giữ mình chánh niệm.

Tu sĩ chúng ta là những kẻ đại may mắn. Chúng ta có chỗ ở, có bạn lành, có cư sĩ hỗ trợ và có Giáo Pháp. Chỉ còn việc thực hành nữa thôi.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.