Bát Chánh Đạo Con Đường Đến Hạnh Phúc – Bước 6

CÁI NHÌN TOÀN DIỆN

Dùng Chánh Tinh Tấn để đem tâm ra khỏi các bất thiện pháp và để vun trồng các thiện pháp là một phần quan trọng trong Bát Chánh Đạo –không kém quan trọng hơn chánh niệm. Tuy nhiên, ít ai quan tâm đến điều này. Họ thường quên cái nhìn toàn diện, để chỉbám vào một số chi tiết hấp dẫn trong Phật giáo. Những người như thế chỉhiểu được một phần nào đó của con đường đạo. Họ chỉ lấy đôi ý tưởng họ ngheđược và chấp chặt vào đó, đôi khi đến độ thái quá, để rồi tự thực hiện những việc không thiện xảo, tự hại mình. Do đó, thay vì trở nên hạnh phúc hơn, họ lại đau khổ hơn.

Tôi biết một phụnữ trẻ, ý thức được tâm tham ẩn chứa trong mọi hành động của mình, nhất là trong việc ăn uống. Nhưng thay vì trở nên chánh niệm, cô cố gắng đè nén các cảm xúc của mình. Ở các bữa ăn, cô kiềm chế để không cảm thấy tham ăn. Cô còn cốgắng để ăn ít hơn nhu cầu và bù đắp bằng các thức uống có chứa protein. Vì thế thay vào tâm tham bình thường, cô phát triển một sự dị ứng thần kinh và trở nên trầm cảm. May thay cô được một thiện hữu nhắc nhở cô nên có một cái nhìn toàn diện và vun trồng các trạng thái tâm thiện. Người bạn hướng dẫn những phương cách để thoát khỏi sự trầm cảm: đọc sách, đi dã ngoại, làm điều thiện, hay bận rộn với công việc. Nhưng cô phản ứng quyết liệt, “Tôi không muốn trốn tránh thực tại!” Làm những gì cần thiết để thoát khỏi gọng kìm của bất thiện pháp không phải là trốn tránh thực tại. Đó là trốn tránh một nỗi đau lớn hơn.

Nếu cuối cùng bạn còn tạo thêm nhiều phiền não, khổ đau hơn, thì liệu tất cả mọi cố gắng của bạnđể đi theo con đường của Phật có ý nghĩa gì? Bạn phải luôn quán chiếu về hànhđộng và hậu quả của những hành đông đó. Bạn phải không ngừng tự vấn, “Ngay giây phút này tôi đang vun trồng điều gì?”

Một lần kia người dì của Đức Phật, tỳ kheo ni Maha Pajapati Gotami, xin Đức Phật cho bà những lời khuyên ngắn để hướng dẫn sự tu tập của bà. Đức Phật dạy bà hãy làm bất cứ gì bà biết từ kinh nghiệm bản thân, từ sự hiểu biết thông thường, từ những đức tính nơi bà. Đức Phật dạy những việc cần làm phải đưa đến:

không tham ái
• không vướng mắc
• buông bỏ (các nhân của khổ đau), không chấp chứa
• thiểu dục, không ham muốn nhiều
• tự tại, không bất mãn
• độc cư an tịnh, không tụ họp, đàn đúm
• tinh tấn, không lười nhác
• dễ được hỗtrợ, không đòi hỏi, lựa chọn
(A IV (Tám) VI.3)

Những điều kể trên là một bảng hướng dẫn tiện ích để đảm bảo rằng các nỗ lực của ta phù hợp với giáo lý nói chung.

Đây là một nguyên tắc khác mà ta có thể dùng để đánh giá sự nỗ lực của mình. Như Đức Phật đã tuyên thuyết, lời dạy cốt yếu của tất cả chư Phật luôn là, “Làm điều thiện, không làm điều ác, và thanh tịnh tâm.” (Dh 183)

CHÁNH NIỆM VỀ CHÁNH TINH TẤN

Khi tâm bị uếnhiễm bởi các bất thiện pháp, thì việc hành thiền rất khó khăn. Một số hành giảkhi ngồi tọa thiền, không thể nào giữ được yên tĩnh. Họ cựa quậy, ho, gãi, xoay trở, quay bên này, bên kia, theo dõi các thiền sinh khác, hay thường thayđổi thế ngồi. Số khác thì lại hay ngáp và họ cảm thấy không thể nào tĩnh thức. Những người có thói hay sân giận, có thể cảm thấy bất mãn, phàn nàn trong tâm khi họ cố gắng để thiền. Người khác nữa lại có thể bị chế ngự bởi ái dục, hay nghi hoặc.

Qua bao năm tu tập, thiền giả đã phát triển được những phương cách được coi như là có năng lựcđặc biệt để chế ngự các chướng ngại cản trở việc thực hành thiền chánh niệm.

• Khi ái dục quấy nhiễu tâm ta, hãy mổ sẻ đối tượng của ái dục trong tâm. Thí dụ nếu bạn đang thèm một miếng bánh chocolate. Hãy nhắc nhở bản thân rằng miếng bánhđó được tạo nên bởi nhiều yếu tố và nó sẽ bị hư hoại. Sau khi ăn, nó sẽtrở thành gì. Hãy cứ quán tưởng những điều này cho đến khi lòng ham muốn của bạn không còn nữa. Phương thức này cũng hữu hiệu nếu đối tượng của lòng ham muốn của bạn là một con người. Hãy tưởng đến những thành phần cấu tạo của thân –xương, ruột và các nội tạng khác, máu mủ và các chất lỏng khác trong thân. Hãy cứ quán tưởng những điều này, hay thử hình dung xem người đó sẽ nhưthế nào nếu là một bộ xương khô, cho đến khi lòng ham muốn của bạn qua đi. Nhưng nếu phương pháp này lại làm tăng thêm lòng ham muốn của bạn, thì phải dừng ngay lập tức và chú tâm vào hơi thở.

• Khi sân nổi lên, ứng dụng những cách đối trị mà chúng ta đã bàn qua, như là ý thức về tâm sân của ta, nhận biết tính chất vô thường của mọi cảm thọ, quán chiếu về những lợi ích của lòng kiên nhẫn, hãy tự lý giải để có một cái nhìn khác, và vun trồng tình cảm thương yêu.

• Khi hôn trầm hay buồn ngủ kéo đến, hãy hình dung ra một nguồn ánh sáng chói lọi. Nếu không thành công, hãy thử những cách sau đây: kéo lỗ tai, mở to mắt ra, đảo mắt trong vài giây, và nhắm mắt trở lại. Hãy hít vào thật sâu và giữ lại càng lâu càng tốt, sau đó thở ra chậm rãi; nếu cần, lặp lại hành động này vài lần, chođến khi mạch tim đập mạnh, và bạn có thể đổ mồ hôi. Không nhắm kín mắt. Đứng dậy và thực hành thiền đứng, hay thiền hành. Rửa mặt với nước lạnh. Nếu không có điều gì hữu hiệu, thì hãy đi ngủ.

• Khi trạo cửhay lo âu phát khởi, quán chiếu về trạng thái tĩnh lặng, thanh tịnh, hay bình an. Đem tâm trở về với hơi thở và trụ vào đó. Hít thở sâu và cảm nhận hơi thở ởmũi, vào trong thân. Hãy thở một hơi thở nữa. Hướng sự chú tâm đến phần mông hay lòng bàn chân và cảm nhận sức nặng của thân.

• Khi nghi phát khởi, hãy quán chiếu về sự giác ngộ của Đức Phật, về tính chất vô thời hạn của Phật pháp và sự đạt được giác ngộ của các đệ tử của Đức Phật. Nếu bạn đắm chìm trong một suy tưởng nào đó, hãy buông bỏ việc làm vô ích đó và quán tưởngđến một khía cạnh nào đó trong giáo lý của Đức Phật. Chú trọng vào những gì bạn biết là đúng về vô thường, về khổ đau, về sự không có khả năng làm chủ được bất cứ điều gì. Hãy chú tâm vào giây phút hiện tại.

Khi tâm ái dục đã qua đi, bạn cảm thấy như mình đã trả được một món nợ. Khi sân hận đã tàn lụi, bạn cảm thấy như vừa thoát khỏi một căn bệnh. Khi cơn buồn ngủ không còn, bạn cảm thấy như được giải thoát khỏi ngục tù. Khi trạo hối hoại diệt, bạn cảm thấy như được giải thoát khỏi kiếp nô lệ. Và khi tâm nghi hoặc không còn nữa, bạn cảm thấy như đã đến được một nơi an toàn, chắc chắn, không còn lạc lối giữa sa mạc.

Không những bạn cảm thấy hạnh phúc ngay giây phút tâm bất thiện biến mất, mà cả sau này khi bạn nghĩ đến sự vắng mặt của chúng. Khi nhớ đến bao khổ đau mà các chướng ngại và kiết sử đã mang đến cho bạn trong quá khứ, bạn sẽ cảm thấy thật hạnh phúc khi nhận ra rằng chúng không phiền nhiễu bạn nữa. Tâm bạn thư thái, thanh tịnh. Bạn đã đi tìm trạng thái tâm này. Giờ bạn đã đạt được, và bạn rất hạnh phúc.

Khi các tâm hành ác đã mờ nhạt, tâm sẵn sàng để vun trồng các tư tưởng tích cực. Khi tâm hành thiện phát sinh trong lúc tọa thiền, hãy quán sát chúng một cách đầy chánh niệm mà không bám víu vào chúng. Những tâm thiện cần được vun trồng, tưới tắm trong thiền quán bao gồm tình thương yêu, bi mẫn, hỷ, xả, sự thông cảm, chịuđựng, hòa nhã, kiên nhẫn và phục vụ đối với tất cả mọi chúng sanh. Khi các tâm hành thiện này qua đi, hãy nỗ lực để vun trồng chúng trở lại, hãy nhớ lý do trước hết tại sao chúng có mặt. Nguốn gốc của mọi thiện pháp đều ởtrong tâm ta. Chỉ là chúng thường bị các hoàn cảnh tiêu cực che lấp.

Dùng Chánh Tinh Tấn để ngăn cản, chế ngự các tâm hành bất thiện, và để vun trồng, duy trì tâm hành thiện thì cũng giống như ta đang leo núi. Trước khi bắt đầu vào cuộc, ta phải cẩn thận để tránh những vấn đề phát sinh trên đường. Ta phải chắc rằng cơthể và tâm lý ta thích hợp cho hành động này. Ta cần mang theo một ít thuốc phòng trường hợp bị bệnh bất thình lình. Ta phải mang giày thể thao, mang theo dây, gậy, thức ăn, nước uống, và y phục thích hợp. Những phương tiện này thì cũng giống như Chánh Tinh Tấn để ngăn trở các trạng thái tâm tiêu cực không phát sinh.

Mặc dầu đã chuẩn bị chu đáo như thế, vẫn sẽ có vấn đề xảy ra. Khi đói khát, ta dừng lại để ăn uống; khi cần đi nhà vệ sinh, ta cũng làm thế. Khi mỏi mệt, ta nghỉ ngơi. Khi bị sốt cao, ta phải uống thuốc đã mang theo người. Những hành động này thì giống như là cách ta chế ngự các tâm hành bất thiện khi chúng phát sinh.

Ta duy trì năng lượng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, uống nhiều nước, và tránh làm việc gì quá độ. Các hoạt động tích cực này cũng giống như là vun trồng các thiện pháp.

Sau muôn vàn khó khăn, ta cũng lên đến đỉnh, ta cảm thấy thật sự giải thoát, vui mừng, hài lòng. Ta vui mừng vì đã đạt được mục đích của mình, với nhiều nỗ lực. Ta có thể nói, “ Tôi rất mừng là mọi việc đã qua rồi” hay “Tôi rất mừng là tôi đã có thể chiến thắng được mọi chướng ngại.” Tương tự, khi bạn vun trồng thiện pháp và duy trì được chúng, bạn vui mừng vì cuộc chiến đấu của mình đã kết thúc và bạn sẽ không bao giờ phải chiến đấu với bất thiện pháp nữa. Chánh Tinh Tấn có thể mang đến niềm vui như thế đó.

Khi ta nỗ lực để đạt được hạnh phúc, là nó đã có mặt. Hãy nhớ đến mục đích của mình, và đừng bao giờ lơ là tinh tấn cho đến khi ta đạt được hạnh phúc tuyệt đối. Hãy tựnhủ:

Hạnh phúc thay ta được sống an ổn giữa những oán thù.
Giữa những kẻ hung ác, ta không có oán thù.
Hạnh phúc thay ta được sống (với tâm) không bệnh giữa những bệnh tật.
Giữa những người đau yếu, ta thoát khỏi bệnh hoạn.
Hạnh phúc thay ta sống không tham đắm giữa bao ham muốn.
Giữa những kẻ san tham, chúng ta thoát khỏi san tham.
(Dh 197-199) [Tỳ kheo Bhikkhu Buddharakkhita])

TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH TINH TẤN

• Chánh Tinh Tấn rất quan trọng trong việc phát triển tâm linh, dầu ít được nhấn mạnh đến.

• Chánh Tinh Tấn có bốn (Tứ chánh cần) : Ngăn cản tâm bất thiện sanh khởi, chế ngự tâm bất thiện nếu đã sanh khởi, vun trồng tâm thiện, và duy trì tâm thiện.

• Kiết sử là những khuynh hướng bất thiện đã hằn sâu trong tâm, sanh khởi do tham và khiến những người bị uế nhiễm sống trong đau khổ. Mười kiết sử là thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, ước muốn được tái sinh trong cõi sắc giới, ước muốnđược tái sinh trong cõi vô sắc giới, kiêu mạn, trạo hối, và vô minh.

• Chướng ngại là biểu hiện của kiết sử dưới dạng thô tháo, cao độ. Ta cần sử dụng Chánh Tinh Tấn để kiềm chế và điều phục năm chướng ngại là: tham, sân, thùy miên hôn trầm, trạo cử lo âu và nghi.

• Các phương cách để chế ngự một chướng ngại là: đừng chủ ý đến nó, hướng sự chú tâm đến chỗkhác, thay thế chướng ngại bằng một đặc tính trái ngược với nó, tự lý giải, và cuối cùng, nếu tất cả mọi các cách đều thất bại, thì phải hủy diệt nó với tất cả sức lực của mình.

• Ta chỉ có thể đè nén được các kiết sử, nếu không thể hủy diệt chúng. Các kiết sử có thểbị làm yếu đi bằng tâm chánh niệm và định; hay sự phát triển của các đặc tínhđối nghịch với chúng cũng sẽ làm chúng yếu hơn nhiều. Khi các kiết sử cuối cùng bị phá vỡ, là ta đạt được giác ngộ.

• Duy trì chánh niệm để ngăn cản tâm bất thiện phát sinh. Chánh niệm được phát triển qua giới luật, sự thực hành chánh niệm, tri giác, kiên nhẫn, và nỗ lực.

• Để chế ngựtâm bất thiện đã sanh khởi, chỉ nhận biết chúng.

• Nếu ta không thể nhận diện được tâm bất thiện một cách nhanh chóng, thì chúng sẽ tích lũy thêm sức mạnh; lúc đó, ta phải buông bỏ tất cả, để dồn mọi sự chú tâm vào chúng. Cố gắng quán chiếu về sự nguy hại mà chúng có thể mang đến và tính vô thường của bất cứ nhân duyên gì đã phát sinh ra chúng, hay thay thế chúng với các tâm thiện.

• Khi tâm bất thiện đã qua đi, hãy vun trồng tâm thiện bằng cách hồi tưởng lại các tâm thiện này hữu ích như thế nào và bằng cách chủ tâm tạo ra các tâm về tình thương, kiênđịnh, bi mẫn, vân vân. Hãy sử dụng bất cứ phương pháp nào ta biết để phát triển tâm thiện.

• Đừng lạc vào trong các chi tiết của việc thực hành mà quên đi cái nhìn toàn diện. Phải luôn đảm bảo rằng sự nỗ lực của ta thực sự mang lại nhiều thiện pháp hơn.

• Hãy điều chỉnh cách sống để hỗ trợ cho việc duy trì thiện pháp, nên làm những việc nhưlà kết bạn với thiện hữu tri thức, học hỏi, tham khảo kinh sách Phật.

Không có chánh niệm mạnh mẽ, tâm ta sẽ nhanh chóng trở về với những thói quen cũ; do đó ta phải luôn nỗ lực duy trì tâm thiện hầu giúp ta được hạnh phúc.

Theo Dấu Chân Phật – Eight Mindful Steps to Happiness Walking the Buddha’s Path – Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh – Vu Lan 2007 @ 2001 Henepola Gunaratana
ISBN o-86171-176-9 Sách được dịch với sự cho phép của Thiền Sư H. Gunaratana và NXB Wisdoms Publications

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.