Sự Tích Niệm Phật Vãng Sinh Của Cư Sĩ Lạc Toàn Thông

3. Sau khi trợ niệm viên mãn.

Ngày 12 tháng giêng, sau khi tôi trở về Đài Bắc, cách một ngày, vào sáng sớm, đứa con trai nhỏ ( học lớp 1 tiểu học) vừa thức dậy liền nói với tôi:

– Mẹ, hôm qua con mộng thấy Phật A-di-đà đến đón ông ngoại.

Tôi hỏi:

– Chỗ con mộng thấy ở đâu vậy?

Nó bảo:

– Ở phòng khách nhà bà ngoại, mẹ đang giúp ông niệm Phật, Phật A-di-đà liền từ trong bức tượng bước ra, nói muốn đưa ông ngoại đi, để chúng ta không buồn nữa.

Ngày 15 tháng giêng, em gái điện thoại cho tôi, nói:

– Chị ba, có một việc nhất định em phải nói với chị. Hai hôm nay, cứ vào mỗi chiều liền có một luồng gió từ sân đối diện phòng ba thổi qua, hơn nữa còn có rất nhiều chim bay đến đậu trên hai cội cây trước phòng ba, giống như ba trở về thăm chị em mình đó. Còn nữa, Giai Giai (con gái của em gái) một hôm vừa thức dậy đã bảo em: “Mẹ, tối qua con mộng thấy con và ông ngoại đang ở trong căn phòng lớn, rất đẹp”.

Hai mẫu chuyện trên là cảnh tượng đứa con trai nhỏ thấy sau khi cha vãng sinh.

4. Đức Phật A-di-đà từ bi sắp đặt.

Sau 2 năm rưỡi khi cha bắt đầu tụng kinh, tôi bắt đầu lợi dụng những lúc trò chuyện giới thiệu cho cha những bạn bè thân cận. Trong đó, có một vị là bác Trương ở phố Nam Đầu, đã để lại cho tôi ấn tượng rất là sâu sắc. Mẹ bảo tôi:

– Bác Trương đối với ba quả thật không có gì để nói hết, không giờ nào, không phút giây nào không quan tâm đến ba.

Sau đó, bác Trương cũng bị bệnh. Cha đặc biệt điện thoại cho tôi, muốn tôi đến thư viện Hoa Tạng thỉnh cho bác kinh Vô Lượng Thọ, thánh tượng Phật A-di-đà và chiếc máy niệm Phật v.v… Khi trường nghỉ hè, tôi và mẹ tự mang tất cả những thứ đó đến nhà bác Trương ( vì cha tôi đi lại không thuận tiện, lên bậc thang lầu chân đau, cho nên không đi được).

Trước mấy hôm cha vãng sinh, có một buổi sáng sớm nọ cha bảo mẹ, ông mộng thấy bác Trương cứu ông, nhưng không nói rõ tình huống.

Sáng ngày mùng 6 tháng giêng, bác Trương đến nhà thăm bệnh cha và căn dặn mẹ nên mau chóng đưa cha đến bệnh viện chẩn trị. Trưa hôm đó, mẹ liền xin xe cứu hộ đưa cha đến bệnh viện, buổi chiều em gái điện thoại cho tôi biết cha bệnh nặng nằm bệnh viện, tôi mới phát hiện ra sự thể đã nghiêm trọng, cũng không thể kéo dài nữa. Nếu không phải là cha nằm viện, có thể tôi không nhận ra tình hình nghiêm trọng và cũng không thể kịp thời trở về nhà. Những thế sự nhân duyên này và điều cha mộng thấy bác Trương cứu ông thật là không tính toán mà thầm hợp. Cha đã từng nằm trên giường bệnh, bảo mẹ muốn tôi chuẩn bị 100.000 đồng gởi về nhà. Sau đó, những chi phí xử lý hậu sự tính ra có lẽ xấp xỉ hơn 100.000 đồng.

Ngày 13 tháng giêng, tôi trở về trường làm việc, trên bàn làm việc của phòng nghiên cứu, tôi nhìn thấy một bức thông báo đã mở, thời hạn là ngày 14 tháng giêng năm 1998. Trong phút chốc, tôi cảm động ngỡ ngàng, tôi thật sự thể hội sâu sắc tấm lòng đại từ, đại bi của Đức Phật A-di-đà, đã chọn một cách khéo léo ngày mùng 9 tháng giêng đưa tiễn phụ thân, không những giúp chúng tôi có đủ thời gian tiếp tục trợ niệm cho cha 24 giờ, đồng thời còn có đủ thời gian xử lý hậu sự cho cha, lại không làm lỡ công việc nơi Đài Bắc, bao gồm cả giờ lên lớp chiều ngày 16 tháng giêng mà ban đầu tôi nghĩ là trở ngại nhất.
f) Tâm chuyên nhất, sức kiên định.

Trong quá trình chuẩn bị trợ niệm cho cha, tôi cũng từng nghe nói việc đọc tụng kinh Địa Tạng sẽ có sự giúp đỡ cho cha. Cho nên tôi thảo luận với cô út là có nên tạm thời gác lại kinh Vô Lượng Thọ mà chuyển sang đọc kinh Địa Tạng. Cô út nêu ra cách nhìn của mình: “Chúng ta đọc ban đầu chính là kinh Vô Lượng Thọ, văn của kinh Vô Lượng Thọ đã thuần thục mà vẫn không dừng được vọng tưởng tạp niệm, còn kinh Địa Tạng chưa hề đọc qua. Đến lúc vọng niệm không dừng được vẫn là đọc suông, công đức tụng kinh bị giảm rất nhiều”. Vì vậy, chúng tôi vẫn đọc theo kinh Vô Lượng Thọ.

Ngày mùng 7 tháng giêng, tuy cha chịu niệm Phật, chịu vãng sinh, nhưng lúc đó vẫn thường những cơn đau vô hình, hơn nữa mỗi lần đau đều rất dữ dội. Tôi nhìn thấy quả thật rất đau lòng. Khi đó, tôi nói với cô út: “Chúng ta mỗi người hãy tự tụng kinh Vô Lượng Thọ và đem công đức này hồi hướng cho cha”. Ban đầu cô út đồng ý, nhưng đến hôm sau, sau khi suy nghĩ, cô bảo tôi: “Chúng ta nên niệm Phật A-di-đà, vì A-di-đà Phật, bốn chữ này rất ngắn để nhiếp tâm, so ra dễ kiểm soát tình trạng của người lâm chung. Văn kinh của kinh Vô Lượng Thọ dài, đọc một biến ít nhất cũng phải 40 phút, còn phải chú ý tình trạng đột phát của người sắp mất. Niệm phân tâm như thế, kết quả bảy, tám phần công đức bị giảm đi rất nhiều, chúng ta cứ chuyên tâm niệm thánh hiệu Đức Phật A-di-đà”. Từ đó về sau, chúng tôi càng chuyên tâm chú ý giữ danh hiệu Phật, tâm an trụ trong một câu danh hiệu Phật. Sự chỉnh đổi những quan niệm này, đối với người trợ niệm về sau có sự giúp sức khá lớn.
g) Lời sau cùng.

Từ sau khi cha vãng sinh, tôi luôn nghĩ: “Hôm nay cha có thể thuận lợi vãng sinh, hoàn toàn phù hợp với những điều đã nói trong kinh Phật thuyết A-di-đà kinh: “Không thể nhờ một chút nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh vào nước ta”. Cả đời cha chưa từng tham dự pháp hội nào, cũng chưa đi đến đạo tràng nào, đến 75 tuổi mới tiếp xúc Phật pháp, liền chịu đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, lại có thể trì tụng ba năm không ngưng nghỉ, thật sự có thể nói là căn lành sâu đậm. Ngoài ra, cha đã khổ nhọc nuôi dưỡng năm chị em chúng tôi, không phải là con đẻ cho đến trưởng thành (mỗi khi khai giảng, phải nộp học phí, cha phải đi mượn tiền trước để đóng học phí). Hơn nữa, trong đời sống ăn ở và giáo dục, cha đều có thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của chúng tôi, đây là tu thiện tích đức. Cho đến tôi có thể bỏ công việc mà không trở ngại gì. Rồi lại gặp cô út chủ động hết lòng trợ giúp, thảy đều là những nhân duyên hiếm có.

Lần này trợ niệm cho cha, khiến tôi thể hội sâu sắc được sức mạnh của việc phát khởi tâm niệm không thể nghĩ bàn. Tuy trước giờ tôi không hứa lời nguyện nào chính thức trước mặt Phật và Bồ-tát, hy vọng có thể lúc cha lâm chung, trợ niệm cho ông, nhưng từ khi phát hiện ra sự rốt ráo viên mãn của Phật pháp, ngoài việc tích cực hướng dẫn cha niệm Phật, trong tâm mình cũng thường nghĩ, hy vọng tương lai có thể trợ niệm cho cha, tự tiễn cha lên đường. Hôm nay hồi tưởng lại, tôi nhận ra cuối tháng 12 năm 1997 cha đã sớm tiết lộ tin tức, để tôi ở Đài Bắc có đủ thời gian chuẩn bị công việc xong trước khi trợ niệm. Trước tiên là thỉnh xong tất cả những y phục, các vật của Phật giáo và có thể kịp thời thỉnh giáo cư sĩ Liêu. Ngày 6 tháng giêng, sau khi được biết cha bệnh nặng, tôi vội vã trở về trợ niệm cho ông. May mắn làm sao, tất cả thời gian sự việc đều được sắp xếp khéo léo như thế, đây là điều mà tôi không cách nào giải thích được.

Viết đến đây, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, cha quả thật là Phật và Bồ-tát, ông đã đem căn bệnh đau đớn của mình để dạy chúng tôi chuyên tâm niệm Phật, có lúc cha đau đớn quá cũng phải cắn răng niệm to bốn chữ hồng danh A-di-đà Phật. Lúc đó, tôi thấy vô cùng xúc cảm. Sau khi cha ngừng thở, đột nhiên có một ý nghĩ lóe sáng trong đầu tôi, hóa ra Đức Phật A-di-đà đã thị hiện cách thức mấy mươi chim con, ngầm bảo các Ngài đến đón ông. Sau đó, mỗi lần niệm thánh hiệu A-di-đà Phật tôi đều cảm nhận sâu sắc Đức Phật A-di-đà, Ngài quả thật từ bi đến chỗ tột cùng, chỉ cần chúng ta tin sâu, nguyện thiết, chịu niệm Phật, Phật nhất định sẽ đến đón chúng ta.

Bây giờ người mà tôi nên cảm ơn nhất là pháp sư Tịnh Không, mấy mươi năm nay ngài đã dùng các phương tiện khéo léo, giảng kinh thuyết pháp, tha thiết hết lời dạy bảo chúng ta: “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Hôm nay, cha tôi đã vãng sinh viên mãn, xác thực minh chứng: “Gieo nhân niệm Phật, hẳn được quả thành Phật”. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Giả như cúng dường hằng sa bậc Thánh, cũng không bằng tâm dũng mãnh kiên cố cầu Chính giác”. Lại nói: “Dù cho thân chìm trong các khổ, như thế nguyện tâm vẫn mãi mãi không thoái chuyển”. Chính là đã khích lệ những bạn đồng tu chúng ta nhất định phải buông bỏ sự thống khổ của thân tâm, đại nguyện bồ-đề quyết định viên mãn trong đời này, mới là thật sự báo ân Phật.

Sau cùng, với tâm chí thành cung kính, tôi xin cảm ơn những vị thiện tri thức đã từng hiệp sức trợ giúp; các vị sư phụ nơi thư viện Hoa Tạng đã thầm lặng in ấn kinh sách và các chúng đồng tu giúp in, sao chép pháp bảo mà ngài Tịnh Không giảng dạy, và cư sĩ Liêu, bạn đồng tu của tôi, những đồng nghiệp nơi trường đại học và cô út v.v…Chân thành cảm ơn các vị.

A-di-đà Phật!

Biên soạn:

1. Bản văn do cư sĩ Ông Nghê, giảng viên trường đại học Đông Ngô soạn. Vì sự biên soạn khá dài, được cư sĩ Ông đồng ý, đã mời cư sĩ Trần Truyền Tịnh nhuận văn lược bớt, từ khâu trình bày cho đến cảm tạ.

2. Một số người gặp lúc người thân vãng sinh yêu cầu trợ niệm, không tránh khỏi lúng túng hoặc mong mỏi mọi người giúp đỡ. Bản văn cho thấy, tuy chỉ có hai người phụ nữ, nhưng lại có thể dũng cảm đảm nhận thành tựu được đại nghiệp vãng sinh kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu. Mạnh Tử nói: “Có người làm được, ta cũng giống như thế”.

Chúng ta đệ tử Phật, đều nên nỗ lực tinh tấn cho bằng các bậc Hiền!

Trích Niệm Phật Công Đức của pháp sư Tịnh Không

Hiếu Cảm Thiên Địa. Tấm Lòng Con Gái

I. Duyên Khởi.

Pháp sư Tịnh Không nói: “Phật pháp chẳng phải tôn giáo, chẳng phải triết học mà là sự giáo dục tột cùng viên mãn của Đức Phật đối với chúng sinh trong chín pháp giới. Đây là sự thật căn bản mà đệ tử Phật cần phải nhận rõ trước tiên”. Tiên phụ có thể vãng sinh cõi Tây phương, một đời bất thoái thành Phật, thật sự đã được sự trợ duyên ở hai phương diện:

Một là được sự giáo hóa từ bi khế lý, khế cơ của pháp sư Tịnh Không; hai là nhờ quyển sách “Làm cách nào niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật?”, nói rõ về tình huống lúc lâm chung. Và sự giải bày trong quyển “Diệu Âm cư sĩ vãng sinh kiến văn ký”, thuật rõ quá trình vãng sinh của Bồ-tát; sự khai thị của cư sĩ Hòa Liêu v.v… đều là những tăng thượng duyên cho việc vãng sinh của tiên phụ.

Pháp sư Tịnh Không thương xót chúng sinh, đã mấy mươi năm ngài dùng phương tiện thiện xảo, giảng kinh thuyết pháp lợi ích chúng sinh. Nhất là những năm tuổi xế chiều, ngài chuyên hoằng dương kinh điển Tịnh Độ. Ở trong nước hay ngoài nước, ngài đã nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ và kinh A-di-đà, khuyên người thật tâm niệm Phật. Dù cho có tuyên giảng những kinh điển đại thừa khác, ngài vẫn từng câu từng câu tán thán kinh A-di-đà, nơi nơi đều hướng dẫn người quay về Cực Lạc. Pháp sư đã từng nêu ví dụ của đại sư Thiện Đạo: “Cho dù Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hiện thân trở lại, bảo với chúng tôi còn có một pháp môn khác thù thắng hơn pháp môn Trì danh niệm Phật, có thể thành tựu ngay hiện đời, chúng tôi cũng phải chắp tay cung kính cảm ơn ý tốt của Ngài. Đồng thời nói rõ chúng tôi đang chuyên tu pháp môn Trì danh niệm Phật, hoàn toàn có thể một đời bất thoái thành Phật. Đối với pháp môn Trì danh niệm Phật đây, không hề có pháp môn nào thù thắng hơn, cần có lòng tin như thế”.

Pháp sư lại nói: “Chỉ có cầu sinh Tịnh Độ mới là thật sự báo đáp ân Phật, thật sự làm tròn đại hiếu”. Tiên phụ có thể hôm nay đã giải thoát sinh tử, vãng sinh Tịnh Độ, đã không uổng phí công giáo hóa chân thành của pháp sư.

Hai quyển sách, quyển “Làm cách nào niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật” và quyển “Diệu Âm cư sĩ vãng sinh kiến văn ký”[41] là tài liệu tham khảo quan trọng, đúng như lý, như pháp cho người trợ niệm, trong quyển “Kiến, văn, ký” của cư sĩ Liêu, thuật rõ quá trình vãng sinh của Bồ-tát, đó là người niệm Phật giới thiệu cha mẹ mình niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ và là ngọn đèn sáng chỉ dẫn trợ niệm cho cha mẹ lúc lâm chung. Nhờ cư sĩ Liêu nhiều lần đích thân đến đạo tràng hướng dẫn trợ niệm, có sự giúp đỡ rất lớn đối với sự vãng sinh của tiên phụ.

Sự tích tiên phụ niệm Phật vãng sinh, thật là sự minh chứng chân thật của tiến trình “Phát lồ sám hối” và “Thật tâm niệm Phật”. Được cư sĩ Liêu khích lệ viết thành văn, vì để báo ân Phật, báo đáp ân đức từ bi giáo hóa của pháp sư Tịnh Không, đệ tử hổ thẹn, cung kính ghi thuật lại tình huống chân thật trước và sau khi tiên phụ vãng sinh; mong rằng có thể giúp cho bốn chúng[42] đồng tu, thiết lập được niềm tin sâu, nguyện thiết đối với pháp môn Trì danh niệm Phật và có thể từng câu thánh hiệu Di-đà, mỗi niệm về cõi Tây phương, đầy đủ hành trang vượt qua sáu đường, thoát khỏi mười pháp giới, trọn đời này viên thành quả Phật vô thượng.

Kính ghi:

Đệ tử hổ thẹn, Ông Nghê đau lòng kính thuật.

Diệu Âm Tịnh Tông Học Uyển, ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sinh, năm Mậu Dần (1998).

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.