Sự Tích Niệm Phật Vãng Sinh Của Cư Sĩ Lạc Toàn Thông

c) Phật A-di-đà từ bi tiếp dẫn.

( Thứ sáu, ngày mùng 9 tháng giêng năm 1998).

Sáng sớm, khi cô út đến tiếp ca niệm Phật, cha nói ông rất mệt, liền chìm vào giấc ngủ, nhưng chúng tôi vẫn ngồi một bên trợ niệm. Do tình hình đêm qua khá căng thẳng, tôi lại không biết đốt giấy tiền rốt cuộc có tốt hay không, vì vậy tôi vội điện thoại thỉnh giáo cư sĩ Liêu. Ông bảo tôi: “Bây giờ chính là lúc binh tướng đến. Nếu như lực niệm Phật lớn hơn lực của oan gia trái chủ thì có thể vãng sinh”. Ông lại nói: “Gần đây ở Đại lục có một cư sĩ tên Trương Hạnh Tài sắp vãng sinh, mọi người giúp ông trợ niệm, trợ niệm đến bốn ngày, bốn đêm mới vãng sinh. Hai ba ngày trước khi vãng sinh, oan gia trái chủ hiện ra trước mặt ngăn trở hai, ba lần. Lúc ấy, vị cư sĩ này bứt rứt không an, cầm chuỗi niệm ném đi, cũng không chịu niệm Phật. Sau đó, các bạn trong hội mới khai thị cho các oan gia trái chủ, và cầu xin Đức Phật A-di-đà từ bi gia hộ, sau cùng cư sĩ cũng vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc”.

Tôi hỏi lại: “Có thể đốt giấy tiền không?”

Cư sĩ nói: “Tốt nhất không nên đốt giấy tiền, đốt giấy tiền không phải là cách làm của nhà Phật”.

Tôi rất xấu hổ, nói: “Nhưng đêm qua, tôi đã đốt rồi”.

Cư sĩ từ bi nói: “Đốt rồi thì thôi, nhưng không nên đốt nữa. Chúng ta phải hiểu, nghiệp nhân trong đường ngạ quỷ là tham. Vì tham mới đọa vào đường ngạ quỷ. Nếu lòng tham không chán, chúng ta có đốt bao nhiêu giấy tiền, cũng không thể giải quyết được vấn đề của cha cô, nhất là khi rơi vào đường ngạ quỷ, phải chịu sự đau khổ trong khoảng thời gian rất lâu, rất khó có cơ hội nghe được Phật pháp. Nếu muốn cho họ được lợi ích chân thật thì nên đem pháp môn niệm Phật giới thiệu cho họ, để họ cũng niệm Phật, mới có cách thoát khỏi đường ngạ quỷ. Chúng ta đem tâm vui vẻ an hoà, lời khả ái giảng cho thông suốt, bảo cho họ biết cơ duyên về thế giới Tây phương Cực Lạc rất thù thắng khó gặp. Hôm nay cha cô nhân duyên đã chín mùi, có thể vãng sinh về thế giới Tây phương. Chúng ta mọi người nên cùng nhau trợ niệm cho ông ấy. Mọi người đều có công đức, chúng ta cũng hãy đem toàn bộ công đức trợ niệm này hồi hướng cho oan gia trái chủ của ông”.

Sau khi trò chuyện điện thoại với cư sĩ Liêu xong. Tôi bảo cô em không cần đốt giấy tiền vàng bạc nữa, chúng ta phải thành kính, siêng năng niệm Phật hơn.

Do tình hình tối qua khiến cho mọi người căng thẳng, không biết oan gia trái chủ của cha đến bao nhiêu, cũng không biết còn đến nhiều ít, vì vậy chúng tôi phải sắp xếp ca luân phiên trợ niệm, tôi và cô út đều có thể duy trì thể lực, chúng tôi dự định trường kỳ trợ niệm. Tôi nói với cô út:

– Tuy chúng ta ít người nhưng không sao. Vì chúng ta có Phật A-di-đà. Nếu họ có thể tương ưng với Phật A-di-đà, thế thì càng tốt, chúng ta mọi người cùng đi đến thế giới Tây phương Cực Lạc.

Sau bữa cơm trưa, tôi trở về phòng nghỉ ngơi trước, vừa nằm xuống, tôi cảm thấy nơi đỉnh đầu có ánh vàng rực chiếu xuống, mở mắt ra thì không thấy gì cả, nhưng vừa nhắm mắt lại thì cảm thấy nơi đỉnh đầu có ánh sáng vàng đó rọi xuống, tôi không để ý đến, để duy trì thể lực cho trợ niệm, tôi cần phải nghỉ ngơi một lát.

Vì dự định trường kỳ trợ niệm, buổi chiều tôi và cô út vừa niệm Phật, vừa quét dọn qua căn phòng của cha một lượt, và trải tấm nệm da, phương tiện cho chúng tôi lễ Phật, niệm Phật, kinh hành v.v… Hơn 4 giờ chiều, đột nhiên tôi nghe có nhiều tiếng chim hót, nghe vui tai rất hay. Bình thường, tôi về nhà từ trước đến giờ, chưa hề nghe tiếng chim hót nhiều như vậy. Tôi hỏi con gái nhỏ của em gái:

– Giai Giai, bình thường có nhiều chim như vậy không?

Cô bé lắc đầu. Tôi chạy đến sân nhìn xem, thấy chim đậu trên hai cội cây trước cửa sổ phòng cha, khoảng mấy mươi con. Tiếng hót nghe rất sinh động vui tai, tôi vội mời mẹ đến xem, mẹ nói bình thường không có chim nhiều như thế, trước giờ bà cũng chưa hề thấy.

Vì việc trợ niệm khá quan trọng, cho nên tôi không dám đứng trong sân lâu. Bốn giờ rưỡi, tôi cầm hương, miệng niệm Phật, lại đến sân nguyện cầu chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ cho cha chính niệm rõ ràng. Sau khi dâng hương xong, tôi trở vào phòng cha trợ niệm. Phụ thân vẫn ngủ rất say. Tôi lại lễ Phật một lần nữa cầu xin Phật và Bồ-tát gia hộ cho cha chính niệm rõ ràng (văn cầu nguyện y như trước). Sau khi lạy Phật xong, bỗng nhiên trong tâm khởi lên ý muốn nhìn thử cha (tôi luôn để ý tình trạng của cha). Lúc đó, tôi thấy miệng cha máy động ba cái, rồi không còn thở nữa. Khi ấy là 4 giờ 50 phút ngày thứ sáu, mùng 9 tháng giêng năm 1998.
d) Trợ niệm sau khi tắt thở.

1. Chí tâm niệm Phật.

(Tối ngày thứ sáu, mùng 9 tháng giêng năm 1998).

Phát hiện cha không còn thở nữa, ngay khi ấy tôi rất hồi hộp. Sau đó, tôi lập tức nghĩ đến lời cư sĩ Liêu nhắc nhở: “Trong quá trình trợ niệm, tuyệt đối không được hoảng loạn, tâm phải thanh tịnh mới có thể tương ưng với Phật”. Tôi nhè nhẹ chạm vào bàn tay cha, vẫn còn ấm, tôi không dám sờ vào nơi khác vì sợ thần thức cha trong quá trình rời thân thể, tạo thành sự đau đớn cho ông. Tôi vội đi đánh thức cô út vừa mới nghỉ ngơi, mời cô thay phiên trợ niệm trước, đồng thời lập tức điện thoại đến Đài Bắc thỉnh giáo cư sĩ Liêu. Cư sĩ hỏi tôi: “Cha cô, mạch còn đập không?” Tôi nói: “Không biết nữa, tôi không dám sờ vào mạch”.

Ông lại hỏi một số vấn đề, cuối cùng ông nói: “Suốt cả quá trình niệm Phật hộ niệm đúng như lý, như pháp, sự việc quả là rất viên mãn”.

Ông bảo tôi tiếp tục trợ niệm cho cha ít nhất là tám tiếng đồng hồ nữa.

Để bảo đảm cho chắc chắn, chúng tôi quyết định sau khi cha mất, trợ niệm thêm 24 giờ nữa cho tốt. Đồng thời mỗi lần dâng hương, ngoài việc cầu xin chư Phật, Bồ-tát tiếp dẫn cha vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc, chúng tôi còn khai đạo cho cha:

– Ba, ba, ba (kêu to 3 lần), tuổi thọ của ba nơi thế giới này đã hết rồi, bây giờ con xin ba theo chúng con niệm Phật, thấy Đức Phật A-di-đà cầm đài hoa sen đến đón ba, ba phải vui vẻ đi theo Ngài đến thế giới Tây phương Cực Lạc, ba sẽ mãi mãi thoát khỏi khổ đau, mãi mãi được an vui.

Tôi lại đem tất cả công đức vãng sinh của cha lần này hồi hướng cho oan gia trái chủ của cha. Đến 12 giờ khuya, để giữ gìn sức khỏe chuyên tâm niệm Phật, tôi đi nghỉ trước. Tuy người đã nằm trên giường nhưng tôi vẫn nghĩ đến sự việc đáng chú ý sau khi tắt thở, có phải là đã giao nhận rõ ràng hay chưa? Một điểm quan trọng nhất trong đó là: Không được để một con côn trùng hay một con ruồi muỗi đến cắn chích vào thân thể người đã mất, để tránh cho người mất cảm thấy quá sức đau đớn mà tâm không cách nào vui vẻ niệm Phật, như thế sẽ làm lỡ mất cơ hội tốt vãng sinh. Điểm này tôi và em trai đã đề cập đến, cô út đã xem qua quyển sách “Làm cách nào niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật” nên biết rõ. Nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Thế là, tôi ngồi dậy sang phòng cha dặn dò cô út, phải chú ý không được bất kỳ con kiến hay con muỗi chạm vào thân thể cha.

2. Điềm lành vãng sinh ứng hiện.

(Thứ sáu ngày mùng 10 tháng giêng năm 1998)

Trưa ngày mùng 10 tháng giêng, tôi và em gái bắt đầu liên hệ với đội nghi thức tẩn liệm. Chúng tôi mong mỏi theo nghi thức của Phật môn làm hậu sự cho cha, tôi nói cho đội mai táng biết, nhưng cần phải thuê trước một cỗ quan tài ướp lạnh thật đẹp, đem di thể của phụ thân an trí trong cỗ quan ướp lạnh, chúng tôi cả nhà đều không biết có tốt không? Tôi thỉnh giáo sư phụ ở thư viện Hoa Tạng. Sư phụ nói: “Phật pháp rất trọng thực chất, không trọng hình thức, làm hậu sự không cần phô trương, không nên chạy theo cái đẹp ở bên ngoài, để có thể khiến cho thân phụ được lợi ích chân thật là nguyên tắc, tất cả tùy duyên là tốt”. Hóa ra vì muốn mời đội mai táng mà phiền muộn, rối rắm. Tôi nghĩ: “Tâm của tôi như thế này thì không thanh tịnh rồi!”. Thế là, tôi an định tâm lại, quyết định tiếp nhận sự sắp xếp của đội mai táng và thiết lập linh đường ở trong sân nhà.

Do hậu sự phức tạp, tất cả việc trợ niệm phần lớn đều dồn hết cho cô út. Sau bữa cơm trưa, cô út tranh thủ thời gian rảnh nghỉ ngơi một chút. Cô vừa nằm xuống không lâu thì ngồi dậy kể cho tôi nghe một số cảnh tượng. Cảnh tượng tốt là thế giới Tây phương Cực Lạc. Cô út vì không ngủ được nên lại thức dậy niệm Phật. Lúc cô đi vào phòng của cha, em gái tôi nói với cô: “Chị Lưu may mà chị đến, em đi ngủ đây”.

Trong khi cô út đang niệm Phật, bỗng nhiên cô cảm nhận được nhiệm vụ lớn lao của mình. Thế là, cô mang ghế dựa ngồi trước giường của cha, mắt chăm chú nhìn ông. Không bao lâu, cô út thấy một con sâu nhỏ dường như muốn bay đến gần chót mũi của cha, cô vội giơ tay đuổi nó. Niệm Phật đến khoảng 2 giờ 25 phút chiều. Cô nhìn thấy một luồng khí trắng từ đỉnh đầu cha phóng ra, tiếp theo còn có luồng khí từ đầu xông lên. Sau đó khi đến niệm Phật cho cha, tôi cũng có nhìn thấy luồng khí trắng xông lên. Tôi nhẹ nhàng lấy lưng bàn tay mình đặt lên lưng bàn tay của cha thì cảm thấy lạnh thấu xương. Điều này và trong sách nói rất tương ứng.

Ngay trong quá trình trợ niệm sau khi tắt thở, tôi chỉ chạm vào thân cha ba lần. Một lần là khi cha vừa tắt thở, tôi đã nhẹ đặt vào lòng bàn tay của cha; phát hiện tay vẫn còn ấm; lần thứ hai là sau khi thỉnh giáo cư sĩ Liêu, bắt mạch cho cha, lần thứ ba là sau khi cha tắt thở trợ niệm đủ 24 tiếng, tôi lấy lưng bàn tay chạm vào lưng bàn tay cha. Tuy trong sách nói có thể nhẹ nhàng sờ nhẹ lên đỉnh đầu để phán đoán xem người chết đã vãng sinh Tây phương Tịnh Độ chưa? Nhưng chúng tôi không làm như thế, vì rất sợ làm tán loạn sẽ gây nên phiền não cho cha mà còn làm lỡ mất cơ hội tốt vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Sau việc đó, tính ra chúng tôi bắt đầu niệm Phật từ 11 giờ tối ngày mùng 6 tháng giêng cho đến 5 giờ chiều ngày 10 tháng giêng, tổng cộng đã trợ niệm cho cha 90 giờ.

Khoảng 6 giờ 30 phút chiều ngày hôm ấy, ông chủ của đội mai táng điện thoại hỏi y phục của cha tôi đã thay xong chưa? Tôi trả lời: “Chưa, chúng tôi đợi các anh đến thay!” Sau khi gác máy điện thoại, bỗng nhiên tôi phát hiện ra là con cái nên thay y phục cho cha mới đúng. Thế là, tôi và em gái cùng thay cho cha bộ y phục cư sĩ đã chuẩn bị xong từ trước. Áo tràng và vớ mới, giày mới… Quá trình thay y phục khá thuận lợi. Thân thể cha rất mềm mại, dễ di chuyển; rất nhanh chóng. Sau khi chúng tôi đã giúp cha hoàn thành việc thay áo, thay mũ, tôi chỉ lên trán và nói với em gái: “Dung, em xem trên đầu chị toàn là mồ hôi”. Tôi nhìn thấy em gái cũng mồ hôi đầy mặt. Em còn bảo tôi: “Áo sau lưng chị đều ướt hết rồi”.

Lúc đó chúng tôi đều cảm thấy rất lạ, vì đang là mùa đông, do luôn niệm Phật, không thấy lạnh nên mỗi người chỉ mặc cái áo mỏng tay dài, nhưng cũng không đến nỗi đổ mồ hôi. Sau đó lúc chúng tôi đang niệm Phật, đột nhiên cảm nhận ra đó là do có sự liên quan đến hào quang Phật tỏa xuống.

Từ sau khi cha ngừng thở, trong 24 giờ chúng tôi tiếp tục trợ niệm, hai gò má của cha từ đen hóp dần chuyển sang màu da bình thường, còn trên mô bàn tay những gân máu lồi lõm màu xám xịt cũng chuyển sang màu tươi hồng. Những điều này là việc tôi chưa từng thấy. Khi ông trưởng đội mai táng sắp đem di thể của cha từ phòng trong dời sang nhà khách, vì di thể rất mềm mại, cần phải ba người giúp sức, một người ở đầu, người ở chân và người ở chính giữa đỡ phụ mới đem đi được, vậy mà vẫn còn hơi trơn.

3. Một bầu không khí trong lành.

(Chủ nhật ngày 11 tháng giêng năm 1998).

Ngày 11 tháng giêng, từ kiếng lưu ly trong suốt của quan tài, chúng tôi có thể nhìn thấy quầng đen ở mắt cha hoàn toàn đã mất đi. Đến ngày thứ hai, nét mặt cha bắt đầu xuất hiện màu hồng tươi sáng, mẹ nhìn thấy bà khen là việc hiếm có, vì hiện tượng này và những cảnh tượng lâm chung trước đây bà đã thấy không giống nhau. Buổi trưa ngày 12 tháng giêng, sau khi hậu sự của cha sắp xếp ổn thỏa, tôi cùng cô út và đứa con gái nhỏ trở về Đài Bắc.

Ngày 13 tháng giêng, chồng của chị hai, mẹ chồng chị và sư phụ thân cận của họ cùng mấy người đến nhà tụng kinh niệm Phật cho cha. Mẹ tường thuật quá trình niệm Phật vãng sinh cho cha, sư phụ rất tán thán. Và bày tỏ ý không khí trong nhà rất an tịnh trong lành, không có cảm giác âm u.

Chủ nhật ngày 18 tháng giêng, cử hành lễ tống táng. Buổi chiều cách một ngày, tôi và đứa em trai thứ hai đến kiểm xương nơi hỏa táng. Vì chúng tôi không thấy xá lợi, mới thỉnh sư phụ kiểm xương. Từ trong mớ tro xương của cha, ông đã nhặt được xá lợi rải rác các nơi trên toàn thân, chúng tôi chỉ nhặt được một số trao cho mẹ làm kỷ niệm. Một mặt để cho mẹ an lòng, mặt khác tăng thêm lòng tin niệm Phật cầu sinh thế giới Tây phương Cực Lạc của bà. Những viên xá lợi nhặt được mang về tỏa màu xanh lam sáng dìu dịu. Đến trung tuần tháng 2, từ Đài Bắc tôi đã thỉnh được một tháp đựng xá lợi mang về thôn Trung Hưng Tân, khi chuẩn bị an trí xá lợi của cha, tôi phát hiện xá lợi đã chuyển sang màu quít đỏ.
e) Sự tích cảm ứng trước và sau khi trợ niệm.

1. Trước khi trợ niệm.

Cuối năm 1997, mẹ điện thoại báo tin: Cha nói ông ta sắp đi rồi, buổi tối thường không chịu tắt đèn ngủ.v.v…Tôi liền bắt đầu tụng kinh Vô Lượng Thọ và đem những công đức đó hồi hướng cho những oan gia trái chủ của cha.

Vào buổi sáng nọ, đứa con gái lớn ( học lớp 5 tiểu học) nói với tôi:

– Mẹ, tối qua con mộng thấy Đức Phật A-di-đà đến đón ông ngoại.

Tôi hỏi:

– Cảnh con mộng thấy là ở đâu?

Nó đáp:

– Ở nhà bà ngoại.

Tôi lại hỏi:

– Đức Phật A-di-đà mà con thấy hình dáng như thế nào?

Con bé đáp:

– Toàn thân màu vàng chói lọi.

Tôi hỏi tiếp:

– Lúc đó, còn có người nào ở trong nhà không?

Nó đáp:

– Mẹ và dì quỳ trước giường ông ngoại niệm Phật cho ông. Phật A-di-đà sắp đến đón ông ngoại. Mẹ muốn giúp ông mang giày. Ông nói không cần đâu.

Đây là lúc cha đang bệnh nặng, chúng tôi vẫn không có về trước trợ niệm, con gái lớn mộng thấy cảnh tượng cha được Đức Phật A-di-đà dẫn đi.

2. Trong khi trợ niệm.

Mẹ bảo tôi: “Trước khi các con vẫn chưa trở về niệm Phật, toàn thân cha không biết đau bệnh gì, chỉ cần chạm nhẹ là đau chịu không thấu, lúc thay áo quần, thay tã lót càng đau thấu tim. Nhưng từ sau khi các con trở về không ngừng niệm Phật thì cơn đau của cha đã giảm nhẹ rất nhiều, nửa thân trên có thể tự do hoạt động, lúc thay tã lót cũng không kêu đau; thậm chí đến sáng ngày vãng sinh mùng 9 tháng giêng, nửa thân dưới của cha cũng có thể hoạt động, còn có thể tự trở mình. Giấc ngủ sau cùng của cha là cánh tay phải đặt gần gương mặt phía bên phải, mặt ngủ nghiêng về bên phải ( Sư phụ nói ngủ kiểu này là dáng nằm cát tường).

Mẹ cũng bảo tôi, trước lúc chúng tôi chưa trở về niệm Phật, phụ thân luôn kêu lạnh lắm, đắp rất nhiều mền vẫn cảm thấy lạnh. Nhưng sau khi chúng tôi không ngừng niệm Phật, cha đã không cảm thấy lạnh, có lúc còn bảo với chúng tôi là ông nóng quá, lòng bàn tay của ông nóng như hòn than. Ban đầu, tôi vẫn rất lo có phải là cha phát sốt không, nhưng sờ lên trán ông lại không có dấu hiệu phát sốt. Vì vậy, có lẽ là trong tiếng danh hiệu Phật, thân thể cha đã chuyển thành ấm áp.

Ngoài việc này ra, trở về niệm Phật cho cha là việc quan trọng đầu tiên, cho nên mấy ngày đó, tôi đều không liên lạc với người nhà ở Đài Bắc. Mãi đến tối mùng 9 tháng giêng, trong điện thoại con gái lớn nói với tôi: “Mẹ, tối qua con mộng thấy ông ngoại bị quỷ bắt, sau đó con và mẹ luôn niệm Phật A-di-đà, niệm tới khi mấy con quỷ đó vừa bắt đầu nắm lỗ tai. Sau đó, nó dần dần biến mất không thấy nữa”.

Điều này thật là khớp với nhau không thể nghĩ bàn, đích xác tối hôm mùng 8 tháng giêng là căng thẳng nhất, nhưng tôi hoàn toàn không điện thoại báo với người nhà ở Đài Bắc, làm sao con gái lớn biết mà mộng thấy cảnh như thế. Hơn nữa ở trong mộng nó còn giúp sức niệm Phật.

Cô em gái cũng nói với tôi, nửa đêm mùng 7 tháng giêng, cô không ngủ được, đang ngồi trong phòng khách, đứa em trai đang trực ca niệm Phật cho cha, tôi và cô út nghỉ ở phòng ngoài nhưng cô em gái vẫn nghe tiếng những người con gái trợ niệm từ phòng cha vọng ra. Lúc ấy, cô em ý thức rất rõ ràng, cô cũng phân biệt được đó không phải là tiếng của tôi. Đồng thời nơi phía sân ngoài phòng khách cũng có tiếng rất nhiều người cùng niệm Phật. Sáng ra, khi chúng tôi đến đổi ca, phát hiện em trai đang nằm nghỉ trên ghế. Sau khi sự việc xong, tôi hỏi em trai: “Em có nghe tiếng các người nữ niệm Phật không?”.

Em trai nói: “Không”. Tôi đoán có thể là em trai đã ngủ say rồi. Vì muốn khiến cho không gián đoạn việc niệm Phật của cha nên chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ, có sự hộ niệm trợ duyên khác.

3. Sau khi trợ niệm viên mãn.

Ngày 12 tháng giêng, sau khi tôi trở về Đài Bắc, cách một ngày, vào sáng sớm, đứa con trai nhỏ ( học lớp 1 tiểu học) vừa thức dậy liền nói với tôi:

– Mẹ, hôm qua con mộng thấy Phật A-di-đà đến đón ông ngoại.

Tôi hỏi:

– Chỗ con mộng thấy ở đâu vậy?

Nó bảo:

– Ở phòng khách nhà bà ngoại, mẹ đang giúp ông niệm Phật, Phật A-di-đà liền từ trong bức tượng bước ra, nói muốn đưa ông ngoại đi, để chúng ta không buồn nữa.

Ngày 15 tháng giêng, em gái điện thoại cho tôi, nói:

– Chị ba, có một việc nhất định em phải nói với chị. Hai hôm nay, cứ vào mỗi chiều liền có một luồng gió từ sân đối diện phòng ba thổi qua, hơn nữa còn có rất nhiều chim bay đến đậu trên hai cội cây trước phòng ba, giống như ba trở về thăm chị em mình đó. Còn nữa, Giai Giai (con gái của em gái) một hôm vừa thức dậy đã bảo em: “Mẹ, tối qua con mộng thấy con và ông ngoại đang ở trong căn phòng lớn, rất đẹp”.

Hai mẫu chuyện trên là cảnh tượng đứa con trai nhỏ thấy sau khi cha vãng sinh.

4. Đức Phật A-di-đà từ bi sắp đặt.

Sau 2 năm rưỡi khi cha bắt đầu tụng kinh, tôi bắt đầu lợi dụng những lúc trò chuyện giới thiệu cho cha những bạn bè thân cận. Trong đó, có một vị là bác Trương ở phố Nam Đầu, đã để lại cho tôi ấn tượng rất là sâu sắc. Mẹ bảo tôi:

– Bác Trương đối với ba quả thật không có gì để nói hết, không giờ nào, không phút giây nào không quan tâm đến ba.

Sau đó, bác Trương cũng bị bệnh. Cha đặc biệt điện thoại cho tôi, muốn tôi đến thư viện Hoa Tạng thỉnh cho bác kinh Vô Lượng Thọ, thánh tượng Phật A-di-đà và chiếc máy niệm Phật v.v… Khi trường nghỉ hè, tôi và mẹ tự mang tất cả những thứ đó đến nhà bác Trương ( vì cha tôi đi lại không thuận tiện, lên bậc thang lầu chân đau, cho nên không đi được).

Trước mấy hôm cha vãng sinh, có một buổi sáng sớm nọ cha bảo mẹ, ông mộng thấy bác Trương cứu ông, nhưng không nói rõ tình huống.

Sáng ngày mùng 6 tháng giêng, bác Trương đến nhà thăm bệnh cha và căn dặn mẹ nên mau chóng đưa cha đến bệnh viện chẩn trị. Trưa hôm đó, mẹ liền xin xe cứu hộ đưa cha đến bệnh viện, buổi chiều em gái điện thoại cho tôi biết cha bệnh nặng nằm bệnh viện, tôi mới phát hiện ra sự thể đã nghiêm trọng, cũng không thể kéo dài nữa. Nếu không phải là cha nằm viện, có thể tôi không nhận ra tình hình nghiêm trọng và cũng không thể kịp thời trở về nhà. Những thế sự nhân duyên này và điều cha mộng thấy bác Trương cứu ông thật là không tính toán mà thầm hợp. Cha đã từng nằm trên giường bệnh, bảo mẹ muốn tôi chuẩn bị 100.000 đồng gởi về nhà. Sau đó, những chi phí xử lý hậu sự tính ra có lẽ xấp xỉ hơn 100.000 đồng.

Ngày 13 tháng giêng, tôi trở về trường làm việc, trên bàn làm việc của phòng nghiên cứu, tôi nhìn thấy một bức thông báo đã mở, thời hạn là ngày 14 tháng giêng năm 1998. Trong phút chốc, tôi cảm động ngỡ ngàng, tôi thật sự thể hội sâu sắc tấm lòng đại từ, đại bi của Đức Phật A-di-đà, đã chọn một cách khéo léo ngày mùng 9 tháng giêng đưa tiễn phụ thân, không những giúp chúng tôi có đủ thời gian tiếp tục trợ niệm cho cha 24 giờ, đồng thời còn có đủ thời gian xử lý hậu sự cho cha, lại không làm lỡ công việc nơi Đài Bắc, bao gồm cả giờ lên lớp chiều ngày 16 tháng giêng mà ban đầu tôi nghĩ là trở ngại nhất.
f) Tâm chuyên nhất, sức kiên định.

Trong quá trình chuẩn bị trợ niệm cho cha, tôi cũng từng nghe nói việc đọc tụng kinh Địa Tạng sẽ có sự giúp đỡ cho cha. Cho nên tôi thảo luận với cô út là có nên tạm thời gác lại kinh Vô Lượng Thọ mà chuyển sang đọc kinh Địa Tạng. Cô út nêu ra cách nhìn của mình: “Chúng ta đọc ban đầu chính là kinh Vô Lượng Thọ, văn của kinh Vô Lượng Thọ đã thuần thục mà vẫn không dừng được vọng tưởng tạp niệm, còn kinh Địa Tạng chưa hề đọc qua. Đến lúc vọng niệm không dừng được vẫn là đọc suông, công đức tụng kinh bị giảm rất nhiều”. Vì vậy, chúng tôi vẫn đọc theo kinh Vô Lượng Thọ.

Ngày mùng 7 tháng giêng, tuy cha chịu niệm Phật, chịu vãng sinh, nhưng lúc đó vẫn thường những cơn đau vô hình, hơn nữa mỗi lần đau đều rất dữ dội. Tôi nhìn thấy quả thật rất đau lòng. Khi đó, tôi nói với cô út: “Chúng ta mỗi người hãy tự tụng kinh Vô Lượng Thọ và đem công đức này hồi hướng cho cha”. Ban đầu cô út đồng ý, nhưng đến hôm sau, sau khi suy nghĩ, cô bảo tôi: “Chúng ta nên niệm Phật A-di-đà, vì A-di-đà Phật, bốn chữ này rất ngắn để nhiếp tâm, so ra dễ kiểm soát tình trạng của người lâm chung. Văn kinh của kinh Vô Lượng Thọ dài, đọc một biến ít nhất cũng phải 40 phút, còn phải chú ý tình trạng đột phát của người sắp mất. Niệm phân tâm như thế, kết quả bảy, tám phần công đức bị giảm đi rất nhiều, chúng ta cứ chuyên tâm niệm thánh hiệu Đức Phật A-di-đà”. Từ đó về sau, chúng tôi càng chuyên tâm chú ý giữ danh hiệu Phật, tâm an trụ trong một câu danh hiệu Phật. Sự chỉnh đổi những quan niệm này, đối với người trợ niệm về sau có sự giúp sức khá lớn.
g) Lời sau cùng.

Từ sau khi cha vãng sinh, tôi luôn nghĩ: “Hôm nay cha có thể thuận lợi vãng sinh, hoàn toàn phù hợp với những điều đã nói trong kinh Phật thuyết A-di-đà kinh: “Không thể nhờ một chút nhân duyên phước đức căn lành mà được sinh vào nước ta”. Cả đời cha chưa từng tham dự pháp hội nào, cũng chưa đi đến đạo tràng nào, đến 75 tuổi mới tiếp xúc Phật pháp, liền chịu đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, lại có thể trì tụng ba năm không ngưng nghỉ, thật sự có thể nói là căn lành sâu đậm. Ngoài ra, cha đã khổ nhọc nuôi dưỡng năm chị em chúng tôi, không phải là con đẻ cho đến trưởng thành (mỗi khi khai giảng, phải nộp học phí, cha phải đi mượn tiền trước để đóng học phí). Hơn nữa, trong đời sống ăn ở và giáo dục, cha đều có thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của chúng tôi, đây là tu thiện tích đức. Cho đến tôi có thể bỏ công việc mà không trở ngại gì. Rồi lại gặp cô út chủ động hết lòng trợ giúp, thảy đều là những nhân duyên hiếm có.

Lần này trợ niệm cho cha, khiến tôi thể hội sâu sắc được sức mạnh của việc phát khởi tâm niệm không thể nghĩ bàn. Tuy trước giờ tôi không hứa lời nguyện nào chính thức trước mặt Phật và Bồ-tát, hy vọng có thể lúc cha lâm chung, trợ niệm cho ông, nhưng từ khi phát hiện ra sự rốt ráo viên mãn của Phật pháp, ngoài việc tích cực hướng dẫn cha niệm Phật, trong tâm mình cũng thường nghĩ, hy vọng tương lai có thể trợ niệm cho cha, tự tiễn cha lên đường. Hôm nay hồi tưởng lại, tôi nhận ra cuối tháng 12 năm 1997 cha đã sớm tiết lộ tin tức, để tôi ở Đài Bắc có đủ thời gian chuẩn bị công việc xong trước khi trợ niệm. Trước tiên là thỉnh xong tất cả những y phục, các vật của Phật giáo và có thể kịp thời thỉnh giáo cư sĩ Liêu. Ngày 6 tháng giêng, sau khi được biết cha bệnh nặng, tôi vội vã trở về trợ niệm cho ông. May mắn làm sao, tất cả thời gian sự việc đều được sắp xếp khéo léo như thế, đây là điều mà tôi không cách nào giải thích được.

Viết đến đây, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, cha quả thật là Phật và Bồ-tát, ông đã đem căn bệnh đau đớn của mình để dạy chúng tôi chuyên tâm niệm Phật, có lúc cha đau đớn quá cũng phải cắn răng niệm to bốn chữ hồng danh A-di-đà Phật. Lúc đó, tôi thấy vô cùng xúc cảm. Sau khi cha ngừng thở, đột nhiên có một ý nghĩ lóe sáng trong đầu tôi, hóa ra Đức Phật A-di-đà đã thị hiện cách thức mấy mươi chim con, ngầm bảo các Ngài đến đón ông. Sau đó, mỗi lần niệm thánh hiệu A-di-đà Phật tôi đều cảm nhận sâu sắc Đức Phật A-di-đà, Ngài quả thật từ bi đến chỗ tột cùng, chỉ cần chúng ta tin sâu, nguyện thiết, chịu niệm Phật, Phật nhất định sẽ đến đón chúng ta.

Bây giờ người mà tôi nên cảm ơn nhất là pháp sư Tịnh Không, mấy mươi năm nay ngài đã dùng các phương tiện khéo léo, giảng kinh thuyết pháp, tha thiết hết lời dạy bảo chúng ta: “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Hôm nay, cha tôi đã vãng sinh viên mãn, xác thực minh chứng: “Gieo nhân niệm Phật, hẳn được quả thành Phật”. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Giả như cúng dường hằng sa bậc Thánh, cũng không bằng tâm dũng mãnh kiên cố cầu Chính giác”. Lại nói: “Dù cho thân chìm trong các khổ, như thế nguyện tâm vẫn mãi mãi không thoái chuyển”. Chính là đã khích lệ những bạn đồng tu chúng ta nhất định phải buông bỏ sự thống khổ của thân tâm, đại nguyện bồ-đề quyết định viên mãn trong đời này, mới là thật sự báo ân Phật.

Sau cùng, với tâm chí thành cung kính, tôi xin cảm ơn những vị thiện tri thức đã từng hiệp sức trợ giúp; các vị sư phụ nơi thư viện Hoa Tạng đã thầm lặng in ấn kinh sách và các chúng đồng tu giúp in, sao chép pháp bảo mà ngài Tịnh Không giảng dạy, và cư sĩ Liêu, bạn đồng tu của tôi, những đồng nghiệp nơi trường đại học và cô út v.v…Chân thành cảm ơn các vị.

A-di-đà Phật!

Biên soạn:

1. Bản văn do cư sĩ Ông Nghê, giảng viên trường đại học Đông Ngô soạn. Vì sự biên soạn khá dài, được cư sĩ Ông đồng ý, đã mời cư sĩ Trần Truyền Tịnh nhuận văn lược bớt, từ khâu trình bày cho đến cảm tạ.

2. Một số người gặp lúc người thân vãng sinh yêu cầu trợ niệm, không tránh khỏi lúng túng hoặc mong mỏi mọi người giúp đỡ. Bản văn cho thấy, tuy chỉ có hai người phụ nữ, nhưng lại có thể dũng cảm đảm nhận thành tựu được đại nghiệp vãng sinh kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu. Mạnh Tử nói: “Có người làm được, ta cũng giống như thế”.

Chúng ta đệ tử Phật, đều nên nỗ lực tinh tấn cho bằng các bậc Hiền!

Trích Niệm Phật Công Đức của pháp sư Tịnh Không

http://www.duongvecoitinh.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.