Tôi may mắn vào học trường trung học Lê Quí Đôn, hiệu trưởng của trường là vị thầy giỏi nhất thời đó, Cung Giũ Nguyên, tên thầy được lưu giữ ở Hàn Lâm Viện của Pháp. Ngoài những môn học chính, chúng tôi còn học Đức dục giáo dục, nữ công gia chánh, làm vườn, thể dục thể thao và đi dã ngoại.
Tất cả nữ sinh phải tham gia thể dục buổi sáng, từ lớp đệ thất (lớp 7) đến lớp đệ nhị (lớp 12), mỗi thứ hai đến thứ sáu (7 – 8 am), địa điểm là bãi cỏ xanh trên bờ biển NhaTrang, ngay góc đường Lê Thánh Tôn và Duy Tân. Đồng phục là quần short, quần tây màu đen, áo sơ mi xanh da trời ngắn tay, nón kết và giày bata màu trắng.
Nhà tôi ở ngay đường biển nên sáng sớm là tôi đã có mặt ngay điểm tập trung (tôi ảnh hưởng mẹ, bà ưa đi dạo trên bãi biển buổi sáng để nhìn mặt trời mọc, lúc ấy chưa in nhiều dấu chân trên cát). Huấn luyện viên hiện diện rồi, cô rất đẹp, mạnh khỏe và thật tươi, tên cô là Thanh Hương người đã đóng phim Cô Gái Việt, tôi thích gọi cô là cô Gái Việt.
Cô trang phục như bọn nhỏ lớp đệ thất chúng tôi, áo sơ mi ngắn tay, quần short, nón và giày trắng. Cô đến nhìn tôi chăm chú rồi nắm tay, hai thầy trò đi từng bước chậm trên bãi cát tinh sương, lòng tôi lâng lâng vui sướng khi nghe giọng Bắc nhẹ nhành ngọt lịm của dân Hà thành. Ôi! Thần tượng của tôi!
Chúng tôi cùng nhau tập những động tác về đầu, cổ, tay, chân, hít thở hòa nhập với thiên nhiên trời biển… Nửa năm sau, cô bận đóng phim nên nghỉ dạy.
Cô giáo trẻ săn chắc khác được thay vào, tánh tình vô cùng cởi mở của người Nam, cô dời địa điểm vào sân vận động và tập trung vào những môn nhảy cao, nhảy dài, leo giây, chạy thi, vì những kỳ thi trung học, tú tài có điểm thể dục và thi những môn này.
Thần tượng thứ hai là chị Ngọc Bích trên tôi nhiều lớp, chị đẹp lắm, mái tóc thề ôm kín bờ vai tròn trịa, lời nói dịu dàng như ru lòng người trong bản tánh thật vô tư, rất dễ tin người. Con trai trường tôi và các trường khác theo chị nhiều quá, chị cũng thương tôi và thường đến nhà chơi hòa đồng với tôi những trò chơi con nít. Nhưng từ ngày chị đính hôn cùng người anh họ, một bác sĩ quân y, thì chị không còn dành ngày giờ cho tôi nữa.
Mỗi tuần 2 lần vào buổi chiều bắt buộc tôi phải cùng anh tôi đến nhà hàng La fregate sang trọng nhất Nhatrang, nơi đó chỉ có thực phẩm tây và khách khứa đều là ngoại quốc. Người Việt đến đây phần đông là dân giàu có hay nổi tiếng. Chủ restaurant bà con với chúng tôi, chồng bà là người Pháp biết nói vài câu tiếng Việt thôi, bà rất thương anh em chúng tôi nên ép chúng tôi thường đến cho có tình gia đình ấm áp vì ông bà không có con cái.
Anh cả và tôi tuổi tác cách xa nhau, anh là giám đốc Ty y tế của chính phủ lại có phòng mạch riêng, còn tôi là cô bé nhỏ. Những anh chị chính giữa chúng tôi đã đi học hay đi làm xa hết. Ba tôi mất để lại rất nhiều công việc làm ăn bề bộn, mẹ và vú như 2 cánh cò, mỗi ngày phải soãi cánh bay từ cánh đồng này qua cánh đồng khác.
Đàn cò vượt gió
Đêm lấm bùn trăn trở
Đất nghẹn ngào hơi thở
Đợi thân gầy một sáng tinh khôi…
Đàn cò sải cánh chiều loang
Bay vào một cõi nhân gian vô tình… *
Anh có chiếc xe hơi mui trần, những chiều đi ăn, anh chở tôi chạy một vòng để tôi được ngắm phố và biển. Vì vậy, hôm nào đến nhà hàng đầu tóc tôi cũng rối bung, tôi chưa biết diện nên không đem theo chiếc lược chải tóc lại.
Hồi đó cũng có người viết thư cho cô bé 16 tuổi khờ dại là tôi, nhưng tôi đọc mà không hiểu thư nói gì từ đầu đến cuối, tôi tìm không ra chữ thương yêu, nhớ nhung hay hò hẹn, bởi người ta học cao quá, khoảng cách lại xa.
Một buổi chiều đi ăn như thường lệ, xe chạy dọc bờ biển, một người đàn bà mặc áo dài màu vàng úa, tóc búi như các bà mẹ Việt Nam, đang dắt tay một đứa con gái chừng 7, 8 tuổi muốn qua đường xuống bãi biển. Anh ngừng xe lại nhường đường, tim tôi như đứng lại vì người đàn bà đẹp tuyệt trần! Bà cười và chào anh, tôi ngẩn ngơ rồi hình ảnh mẹ chợt hiện ra, tôi nhớ mẹ đến không muốn cử động.
Cánh cò mồ côi
Mệt nhoài bay về chân trời xa tít
Cơn giông mù mịt
“Cái cò đi đón cơn mưa”
Lặn lội sớm trưa
Bến đò đầy sông sâu nước cả
Làm sao cho khỏi ngã
Giữa chênh vênh ghềnh thác cuộc đời?
Cánh trắng chơi vơi
Chở nắng, chở mưa, chở buồn, chở tủi
Ôi cánh cò đắm đuối
Thương đời một kiếp đa mang… *
Vào bàn ăn, TaTa, người bà con, ngồi bên tôi thương yêu săn sóc.
– Món này con thích, TaTa làm cho con.
Tự nhiên tôi bật khóc thật to, nước mắt chảy dài như một dòng suối, càng ghìm thì tiếng nấc càng to.
Đối diện với đôi mắt hốt hoảng lo lắng của anh, tôi thương anh lắm nhưng làm sao đây, chính tôi cũng không biết tại sao mình khóc to như vậy, nhà hàng đầy khách, ai cũng nhìn bàn chúng tôi, bàn đặc biệt của gia đình chủ nhà, có nhiều người giàu muốn ngồi chung bàn đó như chỗ thân tình nhưng TaTa không muốn.
Ngày hôm sau đi học tôi kêu người nhà đừng đón ở trường, được nghĩ 2 giờ nữ công tôi định đi biển tìm người đàn bà đó thì một bạn học muốn đi cùng tôi, bạn ấy năn nỉ, đi cùng bạn một đoạn đường để bạn ghé nhà người chị trao món đồ rồi ra biển cùng tôi.
Chúng tôi đến đường Hoàng tử Cảnh, theo ngã sau tiến vào một villa, trước khi vô nhà trên phải lên mấy bậc tam cấp từ nhà mát, một người đàn bà quay lưng đang xõa tóc dài đến gót chân đẹp như huyền thoại, bà luồng 2 tay vào hong khô tóc trước gió thoảng hương hoa. Nghe tiếng động, người đó xoay lại, trời đất! Đó là người mà tôi tính ra biển kiếm tìm!
Sau khi hỏi lý lịch tôi, mẹ chị và mẹ tôi ở cùng làng, dù là họ hàng rất xa, tôi vai em, nhưng cũng làm cho tôi sung sướng và vui hẳn ra.
Sau đó tôi mới biết chị là một trong những người đẹp nhất Nhatrang, dáng dấp của những người Việt quí phái, luôn mặc áo dài màu sậm, tóc búi và không bao giờ trang điểm, chỉ thoa màu son đậm làm nổi nước da trắng ngần tinh khiết. Rất nhiều dân giàu sang địa vị, ngay cả quân nhân hay học trò nam nữ lớn nhỏ đều mê chị, và gọi là cô Chiêu mẹ Việt Nam, vì bà con nên tôi gọi là chị Chín.
Anh biết tôi thường ghé nhà chị, anh chỉ cười và không nói gì. Đôi khi tôi đến chỉ để nhìn chị và nghe giọng chị nói chuyện với chồng con, chị có giọng nói Nhatrang lai Huế thật nhẹ, thật hiền.
Hôm biết được chị sắp mổ ruột dư mà người bác sĩ mổ lại là anh, tôi về năn nỉ anh cho tôi vào phòng mổ để nhìn chị vì tôi sợ chị chết. Đúng luật anh không bằng lòng cho người vô phận sự bước vào phòng mổ, nhưng sau thấy tôi muốn khóc nên anh bằng lòng.
Đến lúc chị cũng phải từ giã Nhatrang để vào Sài Gòn cho tiện việc học của con gái, thời gian đó tôi cũng lớn dần.
Tháng 3 năm 1975 tôi theo ngân hàng vào Sài Gòn, tất cả những chi nhánh miền Trung di tản vào đều tạm làm việc ở lầu 9 Việt Nam Thương Tín, Trung Ương đường Hàm Nghi Chợ Cũ.
Chị biết tin tức về gia đình tôi nên đến thăm và xin phép giám đốc cho tôi ra ngoài đi ăn, thật ngạc nhiên khi ông cho tôi nghĩ luôn buổi chiều.
Sau 30 tháng 4 chị đến chào giã biệt tôi để đưa gia đình về lại Nhatrang sống. Tôi hỏi chị sao không đi vì tôi cũng biết chị được rất nhiều người mời di tản, và gia đình chị lại có người anh trong Hải Quân, chị cười không trả lời, sau đó chị dặn tôi.
– Em được nhận việc làm trở lại. Công việc của em giúp được rất nhiều người, em hãy giúp mọi người đến nhờ em bằng tất cả tấm lòng không vụ lợi, ai cho quà hay cho tiền nhất định không nhận. Chế độ này khác hẳn ngày trước, đừng nghĩ đến họ phải trả ơn hay mang ơn em, món quà nhỏ cũng không nhận, có như thế em mới ở được chỗ này lâu dài mà giúp được nhiều người. Tôi thương chị và hứa nghe lời chị.
Trong thời gian ở Sài Gòn tôi tình cơ gặp lại chị Ngọc Bích, thần tượng thứ hai của tôi. Chị vẫn đẹp nhưng bây giờ không còn tóc thề ôm kín bờ vai thon thả, nhưng tánh tình vẫn vui vẻ ngây thơ, lạc quan, dù anh họ tôi là chồng chị cũng đi tù cải tạo, giang sơn dễ đổi nhưng bản tánh khó dời!
Tôi làm ở lầu 4 cùng với Dung phụ tá cho ông phó giám đốc, bây giờ đổi lại là ngân hàng thành phố. Dung rất giỏi về tốc ký và sinh ngữ Anh, Pháp nên nhận những đơn xin rút tiền từ các cơ sở.
Tôi coi phòng họp, đưa khách đến các ngân hàng người Pháp cho mở tủ sắc cá nhân, tóm tắt các giấy tờ gởi đến, đưa giấy tờ từ phòng phó giám đốc đến các phòng khác, luôn việc pha trà rót nước, nấu mì gói cho ông phó mà chúng tôi đều phải kêu là chú xưng con.
Chỗ chúng tôi làm việc là một nửa tầng lầu 4, một bên là phòng họp rất lớn, có một bàn dài 41 chỗ ngồi, rộng và rất đẹp, nối tiếp phòng họp là phòng nhỏ để máy móc, micro, thâu băng và điều khiển âm thanh cho phòng họp.
Đối diện là 3 phòng sát nhau có cửa thông qua, phòng thứ nhất Dung và tôi ngồi, phòng thứ 2 là ông phó giám đốc và phòng thứ 3 bỏ trống. Đó là phòng có bàn làm việc rất to, mặt bàn bằng vàng 24, ghế bằng da voi, kế là một bộ sa lông cũng bằng da voi, bàn salon là loại gỗ quí rất sang, ở vạch tường có một kệ dài trên đó chưng toàn chén, tô, bình … các loại đồ cổ đời Khang Hy và lâu hơn, phòng có nhà vệ sinh, phòng tắm. Đó là phòng dành cho Thống Đốc của Ngân hàng Quốc Gia ngồi mỗi khi đến.
Phòng số 1 Dung để bàn sát cửa, người nộp đơn bao giờ cũng vây quanh kín mịt, tôi muốn ra ngoài đưa giấy tờ cũng không thể được nên tôi phải đi ra từ phòng số ba nhè nhẹ, và bao giờ cũng phải khóa cửa lại. Hôm đó tôi vừa khóa cửa xong đang tính đi thì một người đứng chận ngang. Ô! Thần tượng thứ nhất của tôi! Cô dạy thể dục, người đóng phim Cô Gái Việt, cô vẫn đẹp và chỉ già dặn hơn một chút. Tôi cho cô biết tôi là học trò của cô nhưng không tiện đứng đây, mời cô hãy đi cùng tôi lên lầu 10 nơi đó là phòng ăn của ngân hàng, có hồ cá và cây cảnh đẹp, mình giả bộ ngắm cảnh để hàn huyên.
Cô đến dặn người đi cùng hãy chờ cô, đó là người ngoại quốc, cô làm cho tòa đại sứ Pháp, họ muốn xin rút một số tiền lớn để trả tiền thâm niên cho nhân viên, cô và người Pháp đến 1 tuần rồi mà không làm sao nạp đơn được, may mắn thay cô gặp tôi xin nhờ giúp.
Tôi làm hết lòng và từ đó cô nhờ tôi giúp nhiều hãng hay cơ sở người Pháp. Nhớ lời thần tượng thứ 3 là chị Chín nên tôi không nhận bất cứ quà cáp gì. Thật lòng tôi rất muốn gặp cô để đi dạo cùng cô như ngày nào ở bãi biển Nhatrang vào buổi sáng của ngày thơ ấu.
Một buổi chiều tan sở, vừa ra khỏi ngân hàng, cô đến ôm chặt lấy tôi, hôn lên trán rồi từ giả để ngày mai lên đường sang Pháp.
Mỗi ngày từ phòng số 3 đi ra để đưa giấy tờ, nơi bàn của Dung nhận đơn là cả một sự hỗn loạn chen lấn không lường. Một người đàn ông hơi lớn tuổi có vẻ nghệ sĩ rất hiền, và ca sĩ Thái Thanh cùng nhạc sĩ Hoài Bắc, 3 người này cứ đứng ngẩn ngơ im lặng nhìn thiên hạ xua nhau.
Hôm sau tôi cũng thấy họ đứng nhìn đám người nộp đơn và không dám chen chân. Lúc ấy tôi mới bước đến hỏi han để giúp họ. Người đàn ông nghệ sĩ là Trần văn Tây, họa sĩ nổi tiếng ở Pháp với nhiều cuộc triển lãm tranh và những bức vẽ được người Pháp yêu thích. Ông về đây để tìm cảm hứng với cảnh thôn quê cò bay thẳng cánh trên những góc rạ trắng đồng. Cô Thái Thanh ở ngoài không trang điểm lại thấy trẻ hơn lúc trên sân khấu, cô có giọng nói mềm và ngọt để lại dấu ấn khó quên trong lòng người đối diện.
Thái Thanh cùng nhạc sĩ Hoài Bắc tìm tôi mấy lần có ý trả ơn. Khi biết tôi mê tiếng hát của cô, cô hẹn tôi đến nhà để cô hát cho nghe nhưng tôi không dám đến. Cuối cùng tôi mở phòng họp trong đó có đủ micro, biết được chồng tôi đang đi tù miền Bắc nên cô hát bài Nghìn Trùng Xa Cách tặng tôi, một trong những kỷ niệm đẹp đi sâu vào ký ức trong thời gian tôi làm ngân hàng.
Bây giờ tóc tôi đã bạc như mây trắng giữa trời bay, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tôi không hiểu tại sao ngày xưa mình có nhiều thần tượng để mà yêu như vậy. Hay vì sống xa mẹ nên hình ảnh người đàn bà đẹp có nét hiền thục làm tôi nhớ mẹ nhiều, bởi mẹ tôi đẹp lắm!
Ngồi đây đếm tuổi đời mình, bỗng thương nhớ những lời xưa khuyên nhủ với tình ý tuyệt vời mênh mông nhân nghĩa. Danh lợi rồi cũng như phù hoa bèo bọt bấp bênh, cuối đời cũng là sóng nước dập duềnh tan mất. Vạn nẽo qua cầu có biết bao gió giông bão tố, bình minh chỉ ló dạng khi tâm biết trở về cõi tịnh mới thật sự bước qua sông mê, biết sống từng phút giây thực tại trong trí tuệ từ bi mới là một gia tài vô giá của kẻ lữ hành muôn dặm trường giữa trần gian chập chùng bản ngã.
Diệu Ngọc
* Thơ của Thùy Anh