Thiền Ngay Bây Giờ

Lời Giới Thiệu

Thiền sư G.N.GOENKA có nhiều kinh nghiệm về thiền định tuệ, nhất là trên lãnh vực niệm thọ. Những bài giảng, bài diễn thuyết hay những hướng dẫn thiền của thiền sư đi đôi với thực nghiệm hơn là lý thuyết suông cho nên rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về pháp hành định tuệ.

Dĩ nhiên kinh nghiệm hay nhận thức về thiền tùy thuộc vào trình độ thể chứng riêng của mỗi người nên độ sai biệt giữa vị này với vị kia là không thể tránh được. Giống như nhiều người đứng quanh một ngôi nhà, tùy vị trí mà mỗi người tả ngôi nhà mỗi khác, nếu một người trong số họ biết lắng nghe tất cả mô tả sai khác của những người kia thì sẽ biết được ngôi nhà một cách toàn diện hơn. Cũng vậy, chỉ khi ai đó chấp theo kinh nghiệm và tư kiến riêng của mình, chỉ trích thấy biết của người khác thì chỉ tự hại mình mà không biết rằng chính những kinh nghiệm, những nhận thức sai khác này, thực ra, giúp bổ túc cho những phương diện còn thiếu sót của chúng ta rất nhiều.

Trước khi nắm vững cốt lõi của thiền, chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng những nguyên lý cơ bản nhất về nó, đừng vội hành theo cảm tính hay vì một tham vọng nào đó. Tri kiến đúng sẽ giúp chúng ta đi hơn phân nửa hành trình giác ngộ. Nếu tri kiến sai thì dù có tinh tấn hành bao nhiêu cũng chỉ tiến sâu hơn trên đường lầm lạc.

Hy vọng tập sách Thiền Ngay Bây Giờ do sư Pháp Thông dịch những bài giảng của thiền sư GOENKA sẽ giúp quí bạn thấy rõ hơn về mặt nhận thức cũng như kinh nghiệm pháp thiền định tuệ trung thực nhất của thiền nguyên thủy Phật giáo.

Tổ Đình Bửu Long, 16/4/2007

Hòa Thượng Viên Minh

Trưởng Ban Thiền Học Nguyên Thủy – Viện Nghiên Cứu Phật Học VN


LỜI NGƯỜI DỊCH

Sau khi giới thiệu cuốn “Pháp Môn Niệm Thọ”, kỹ thuật Minh Sát dựa trên tinh thần Kinh Tứ Niệm Xứ, hiện đang do thiền sư S.N.Goenka giảng dạy, một số hành giả có liên hệ với chúng tôi để xin thêm tài liệu về pháp môn thiền này. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được một cuốn sách nào với đầy đủ chi tiết hơn. May thay, anh chị Luân Mai có kéo trên mạng xuống một tập sách mỏng ghi lại vài bài giảng và một cuộc phỏng vấn T.S Goenka. Nhận thấy tài liệu này có nhiều điểm mới lạ, chúng tôi liền dịch nó chung với một số bài giảng trong hai cuốn “Meditation Now” và “The Art of Living” mà trước đây khi dịch Pháp Môn Niệm Thọ, vì dày quá chúng tôi chừa lại, và lấy tên là “Thiền Ngay Bây Giờ” (Meditation Now).

Cũng như Pháp Môn Niệm Thọ, tập sách “Thiền Ngay Bây Giờ” chú trọng giải thích kỹ thuật thực hành thiền niệm Thọ, lý do tại sao truyền thống này lại xem niệm thọ là quan trọng và thực tiễn. Ngoài ra, trong bài phỏng vấn, T.S Goenka còn trình bày quan điểm của mình về cách dạy thiền sao cho mọi người, dù thuộc tôn giáo hay chủng tộc nào, cũng sẵn sàng đón nhận mà không bị mặc cảm, trong khi vẫn tôn trọng Đức Phật và giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Có lẽ đây là điểm mà không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận, nhưng trên thực tế, đạo Phật hoàn toàn phù hợp với tinh thần này. Chính Đức Phật đã từng khuyên hàng đệ tử của Ngài chú trọng đến việc thực hành để thành tựu giải thoát hơn là chấp trước vào các hình thức bên ngoài khác. Và điều này chỉ những ai bước vào thực hành mới có thể dễ dàng cảm thông…

Ở phần phụ lục của cuốn sách chúng tôi có dịch tập tài liệu mỏng Hướng Dẫn Kỹ Thuật Niệm Thọ và những Giới Luật dành cho thiền sinh muốn tham dự vào những khóa thiền theo truyền thống niệm thọ. Vì theo chúng tôi được biết, trong thời gian sắp tới các khóa thiền niệm thọ sẽ được tổ chức tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn của những vị thầy trợ lý do T.S. Goenka ủy nhiệm. Mong rằng tài liệu này sẽ chuẩn bị cho các hành giả có một khái niệm tương đối để khỏi bỡ ngỡ khi tham dự các khóa thiền như thế này.

Cuối cùng, như các dịch phẩm trước, “Thiền Ngay Bây Giờ” được thành tựu và phổ biến rộng rãi là nhờ sự đóng góp của chư Phật tử gần xa, qua đây chúng tôi xin chân thành tri ân:

. Anh Trương Vỹ Hùng, Bùi Như Ý… đã trang bị dàn máy vi tính và tận tình chỉ dẫn chúng tôi cách sử dụng để có được dịch phẩm đầu tiên do tự mình đánh lấy này.

. Gia đình Hoàng Sơn & Kim Loan giúp đỡ chúng tôi về nhiều mặt, đặc biệt trong việc thiết kế bìa, dàn trang và xin giấy phép in ấn.

. Upãsikã Ba Lang và nhóm Phật tử hải ngoại đã cúng dường Tạng Kinh Anh Ngữ; Anh chị Luân Mai sưu tầm tài liệu giúp cho công việc dịch thuật của chúng tôi được dễ dàng hơn.

. Chư Phật tử gần xa, nhất là gia đình sư Phước Trí, SC Phước Huyền, cô Hồng, PT Diệu Trí đã hỗ trợ tịnh tài cho việc in ấn và phổ biến Giáo Pháp.

Xin chân thành cảm niệm công đức và nguyện cầu Hồng Ân Tam bảo gia hộ chư thí chủ và gia quyến thân tâm thường an lạc.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui, hạnh phúc.

Rừng Thiền Viên Không,

T.K Pháp Thông – Quý Xuân năm Đinh Hợi (21.04.2007)


LỜI MỞ ĐẦU

Giả sử bạn có cơ hội để tự giải thoát mình khỏi mọi trách nhiệm của đời thường trong mười ngày, sống ở một nơi yên tĩnh, tách biệt với thế giới bên ngoài, để bảo vệ bạn khỏi những khuấy động. Trong nơi ấy những nhu cầu vật chất căn bản như chỗ ăn, chỗ ở sẽ được cung cấp sẵn cho bạn, và những người phụ giúp sẽ luôn luôn sẵn sàng để thấy rằng bạn chúng thoải mái một cách hợp lý. Đổi lại, bạn được trông đợi là chỉ cần tránh tiếp xúc với người khác và, ngoài những hoạt động thiết yếu, bạn sẽ dành hết thì giờ thức của mình với mắt nhắm, giữ cho tâm bạn trên một đối tượng của sự chú tâm chọn sẵn. Liệu bạn có chấp nhận đề nghị đó không?

1 Nhìn rốn muốn nói đến cách người hành thiền khi ngồi, đầu hơi cúi xuống, như đang nhìn vào rốn.

Giả sử bạn chỉ nghe nói rằng một cơ hội như thế có thật, và rằng những người giống như bản thân bạn chẳng những đang sẵn sàng mà còn háo hức muốn dành thì giờ nhàn rỗi của họ theo cách này. Bạn sẽ mô tả hoạt động của họ như thế nào? Có thể bạn nói rằng họ đang ngồi nhìn chằm hăm vào rốn1, hay đang suy tư một điều gì; đó là một cách chạy trốn thực tại hay rút lui tinh thần; một cách tự đê mê hay tự – xét mình; hướng nội hay nội quan. Dù hàm ý có là tiêu cực hay tích cực, ấn tượng chung vẫn cho thiền là một sự cô lập khỏi thế gian. Tất nhiên, có những kỹ thuật thiền hoạt động theo cách này. Song thiền không nhất thiết là một cách đào thoát. Nó cũng còn là một phương tiện cho chúng ta chạm trán với thế gian để hiểu rõ nó và hiểu chính chúng ta.

Mỗi người chúng ta dường như đã bị quy định để tin rằng thế giới thực nằm ở bên ngoài, rằng cách để sống trong cuộc đời là phải tiếp xúc với một hiện thực bên ngoài, bằng cách tìm kiếm những dữ liệu vật chất và tinh thần đưa vào, từ bên ngoài. Hầu hết chúng ta chưa bao giờ lưu tâm đến những tiếp xúc bên ngoài nhiêu khê ấy để thấy ra những gì xảy ra ở bên trong (chúng ta). Ý tưởng làm thế nghe tựa hồ như đang chọn lối bỏ ra hàng giờ để nhìn vào mẫu thử nghiệm trên một màn hình vô tuyến vậy. Chúng ta thích khám phá mặt bên kia của mặt trăng hay tận dưới đáy đại dương hơn là khám phá những chiều ẩn tàng bên trong chúng ta.

Nhưng thực sự vũ trụ hiện hữu cho mỗi người chúng ta chỉ khi chúng ta kinh nghiệm được nó với thân và tâm (của chúng ta). Vũ trụ không ở nơi đâu khác, nó luôn luôn ở ngay hiện tại. Bằng cách khám phá thực tại đang là của chúng ta, chúng ta có thể khám phá thế gian. Trừ phi chúng ta thẩm sát thế gian bên trong bằng không chúng ta chẳng bao giờ hiểu được thực tại – chúng ta sẽ chỉ biết những điều chúng ta tin về nó, hay những khái niệm tri thức của chúng ta về nó. Tuy nhiên, nhờ quan sát chính mình chúng ta có thể đi đến cái biết trực tiếp về thực tại và biết cách đương đầu với nó theo hướng tích cực và sáng tạo nhất.

Một phương pháp khám phá thế gian bên trong là thiền Vipassanā hay thiền Minh Sát như đã được thiền sư Goenka dạy. Đây là một cách rất thực tiễn để khảo sát thực tại của chính thân và tâm chúng ta, để phanh phui và giải quyết hết những vấn đề ẩn tàng ở đó, để khai mở những tiềm lực chưa dùng đến, và hướng nó vào sự tốt đẹp của bản thân và sự tốt đẹp của mọi người.

Vipassanā có nghĩa là “tuệ giác” trong tiếng Pāli cổ của Ấn Độ. Nó được xem là tinh yếu của giáo pháp Đức Phật, là sự thực nghiệm những chân lý hay sự thực mà ngài nói về. Tự thân Đức Phật đã đạt đến kinh nghiệm ấy bằng việc hành thiền, và do đó thiền là những gì chủ yếu ngài giảng dạy. Có thể nói những lời của ngài là những lưu tích về kinh nghiệm của ngài trong thiền, cũng như những hướng dẫn chi tiết về cách hành thiền như thế nào để đạt được mục đích mà ngài đã đạt, đó là thực chứng chân lý.

Phần lớn những điều này đã được chấp nhận một cách rộng rãi, nhưng vấn đề còn lại là làm thế nào để hiểu và hành theo được những chỉ dẫn mà Đức Phật đưa ra. Trong khi những lời dạy của ngài được lưu trữ trong các bản kinh mà tính xác thực của nó đã được công nhận, thì sự giải thích về những hướng dẫn hành thiền của Đức Phật lại là khó nếu không có bối cảnh của một sự thực hành đang tồn tại.

Nhưng nếu một kỹ thuật hiện hành đã được duy trì qua không biết bao nhiêu thế hệ, đem lại chính cái kết quả mà Đức Phật đã mô tả, và nếu kỹ thuật ấy tuân theo chính xác những chỉ dẫn của ngài đồng thời còn làm sáng tỏ những điểm mà từ lâu dường như còn lờ mờ trong đó, kỹ thuật ấy chắc chắn đáng được xem xét. Vipassanā là một phương pháp như thế. Đó là một kỹ thuật đặc biệt ở tính giản dị của nó, ở chỗ phi giáo điều của nó, và trên hết ở kết quả mà nó đem lại.

Thiền Vipassanā được dạy trong các khóa thiền mười ngày, mở ra cho bất cứ ai thực lòng muốn học hỏi kỹ thuật và những ai về phương diện thân và tâm thích hợp để hành như vậy. Trong mười ngày, những người tham dự phải ở lại tại khu vực khóa thiền, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ tránh cả việc đọc và viết sách, cũng như ngưng lại những sinh hoạt tôn giáo thường ngày của họ, làm việc chính xác theo những hướng dẫn đã đưa ra. Trong suốt thời gian khóa thiền họ tuân thủ một căn bản giới luật bao gồm việc sống độc thân và tiết chế hết thảy các loại chất gây say. Họ cũng phải giữ sự yên lặng của họ trong chín ngày đầu của khóa thiền, mặc dù họ được phép tự do thảo luận những vấn đề thiền với người thầy và những vấn đề liên quan đến vật chất với những người quản lý.

Trong ba ngày rưỡi đầu những người tham dự sẽ thực hành một bài tập định tâm. Đây là giai đoạn dự bị cho kỹ thuật Minh Sát thích hợp, được giới thiệu vào ngày thứ tư của khóa thiền. Những bước thêm nữa trong việc thực hành sẽ được hướng dẫn mỗi ngày, sao cho đến cuối khóa thiền toàn bộ kỹ thuật xem như đã được giới thiệu hết nét đại cương. Vào ngày thứ mười sự yên lặng chấm dứt, các thiền sinh dần dần chuyển trở lại với lối sống hướng ngoại nhiều hơn. Khóa thiền kết thúc vào ngày thứ mười một.

Kinh nghiệm của mười ngày hành thiền rất có thể chứa đựng một số ngạc nhiên cho hành giả. Trước tiên, có lẽ thiền là một công việc thật vất vả! Quan niệm chung thường cho rằng thiền là một loại thư giãn hay ù lì không hoạt động chẳng mấy chốc đã chứng tỏ là một quan niệm sai lầm. Người hành thiền cần phải có một sự áp dụng liên tục để sáng suốt hướng các tiến trình tâm theo một cách đặc biệt. Những hướng dẫn của người thầy là để nhắc thiền sinh làm việc với sức tinh tấn đầy đủ nhưng không chút căng thẳng, tuy nhiên cho đến khi họ biết cách làm thế nào để được như vậy, sự luyện tập có thể đã làm cho họ chán nản hoặc thậm chí kiệt cả sức.

Một ngạc nhiên khác, đó là mới đầu những tuệ giác có được do sự tự – quán chiếu rất có thể không phải hoàn toàn dễ chịu và sung sướng gì. Bình thường chúng ta có tính cách rất chọn lọc trong cái nhìn của chúng ta về chính bản thân mình. Khi chúng ta nhìn vào một tấm gương chúng ta cẩn thận tạo cho mình một điệu bộ đẹp nhất, một ấn tượng dễ ưa nhất. Cũng thế, mỗi người chúng ta ai cũng có một hình ảnh trong tâm về chính mình, hình ảnh ấy nhấn mạnh đến những phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất, giảm thiếu tối đa những khuyết điểm, và bỏ đi hoàn toàn một số mặt của nhân cách chúng ta. Chúng ta thấy cái hình ảnh mà chúng ta muốn thấy, chứ không phải hiện thực. Nhưng thiền Vipassanā là một kỹ thuật nhằm quan sát thực tại từ mọi góc độ. Thay vì biên tập cẩn thận hình ảnh của chính mình, người hành thiền đối diện với toàn bộ sự thực không qua kiểm duyệt. Một vài phương diện của sự thực ấy chắc chắn sẽ khó chấp nhận.

Thỉnh thoảng, sự thể dường như rằng, thay vì qua hành thiền chúng ta tìm được sự bình yên nội tại, chúng ta lại chẳng thấy gì ngoài sự giao động bất an. Mọi thứ trong khóa thiền có vẻ như không thể thực hiện được, không thể chấp nhận được: thời khóa biểu nặng nề, rồi tiện nghi, giới luật, những chỉ dẫn và lời khuyên của người thầy, và cả tự thân kỹ thuật cũng thế.

Tuy nhiên một ngạc nhiên khác, đó là những khó khăn rồi cũng qua đi. Ở một điểm nào đó người hành thiền học được cách thực hiện những nỗ lực không cần nỗ lực, duy trì được sự tỉnh giác trong trạng thái buông xả, một sự quan tâm không dính mắc. Thay vì chiến đấu, họ bị lôi cuốn vào pháp hành. Giờ đây, những bất túc của tiện nghi dường như không quan trọng, giới luật trở thành một hỗ trợ vô cùng lợi ích, thời gian qua đi một cách nhanh chóng, không còn để ý. Tâm càng lúc càng trở nên yên lặng như một hồ nước ở vùng núi lúc bình minh, phản chiếu rõ cảnh vật quanh nó và đồng thời hiển lộ chiều sâu của nó cho những ai quan sát kỹ hơn. Khi sự trong sáng này đến, từng khoảnh khắc sẽ tràn đầy sự khẳng định, tươi đẹp và bình yên.

Như vậy, người hành thiền khám phá ra rằng kỹ thuật thực sự hiệu quả. Mỗi bước tiếp nối dường như là một cú nhảy vọt, thế nhưng họ lại thấy mình có thể làm được điều đó. Vào cuối ngày thứ mười họ mới thấy rõ rằng từ lúc bắt đầu khóa thiền đến giờ mình đã trải qua một cuộc hành trình dài đến như thế nào. Có thể nói người hành thiền đã trải qua một quá trình tương tự như qua một ca phẫu thuật, để mổ một vết thương đầy mủ vậy. Cắt banh vết thương và ép mạnh trên đó để loại bỏ chất mủ ra sẽ rất đau đớn, nhưng nếu không làm như thế vết thương sẽ chẳng thể nào lành. Một khi chất mủ đã được loại ra, bạn thoát khỏi nó, và cũng thoát khỏi cái khổ do nó tạo ra, đồng thời phục hồi lại sức khỏe đầy đủ. Tương tự, nhờ trải qua khóa thiền mười ngày, người hành thiền làm cho tâm nhẹ bớt những căng thẳng của nó, và hưởng được sự lành mạnh về tinh thần lớn lao hơn. Tiến trình Vipassanā đã tạo ra những thay đổi tận sâu bên trong, những thay đổi mà sau khi kết thúc khóa thiền vẫn tiếp tục tồn tại. Người hành thiền thấy rằng bất cứ sức mạnh tinh thần nào có được trong suốt khóa thiền, bất cứ những gì đã học, đều có thể đem áp dụng trong đời sống hàng ngày vì lợi ích của bản thân và vì lợi ích của tha nhân. Cuộc sống trở nên ngày càng hòa hợp hơn, hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn.

Kỹ thuật Vipassanā do thiền sư Goenka giảng dạy là kỹ thuật mà ông đã học từ thầy của ông, cố thiền sư Sayagyi U Ba Khin, Miến Điện, thiền sư U Ba Khin học từ Saya U Thet, một vị thiền sư nổi tiếng ở Miến Điện tiền bán thế kỷ vừa qua. Và Saya U Thet là học trò của Ledi Sayadaw, một vị thiền sư và học giả nổi tiếng của Miến Điện cuối thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi. Truy nguyên thêm, dù không có lưu trữ tên tuổi của các bậc thầy của truyền thống niệm thọ này, nhưng những người hành nó vẫn tin rằng thiền sư Ledi Sayadaw đã học thiền Vipassanā từ các bậc thầy theo đúng truyền thống và đã giữ gìn nó qua bao thế hệ kể từ những thời xa xưa, khi lời dạy của Đức Phật đầu tiên được truyền vào Miến Điện.

Tất nhiên kỹ thuật phù hợp với những chỉ dẫn của Đức Phật về thiền, với văn nghĩa giản dị nhất, chính xác nhất của những lời ngài dạy. Và quan trọng nhất, nó đưa ra những kết quả được xem là tốt đẹp, cụ thể và tức thời.

Tập sách này không phải là cuốn cẩm nang tự học để cho mọi người tự hành thiền Vipassanā, và những người sử dụng nó theo cách này được xem như đã tiến hành một cách hoàn toàn liều lĩnh. Kỹ thuật chỉ nên học trong một khóa thiền nơi đây có một môi trường thích hợp hỗ trợ người hành thiền và một người hướng dẫn đã được huấn luyện đúng đắn. Nói chung thiền là một vấn đề nghiêm túc, đặc biệt là kỹ thuật thiền Vipassanā, kỹ thuật vốn liên quan đến những chiều sâu của tâm. Không nên tiếp cận nó một cách khinh suất hoặc cẩu thả. Nếu như việc đọc cuốn sách này khích lệ bạn muốn thử hành thiền Vipassanā, bạn có thể liên lạc với các địa chỉ liệt kê ở cuối sách để tìm xem khi nào và ở đâu những khóa thiền này được tổ chức.

Mục đích ở đây chỉ là muốn đưa ra một nét đại cương về phương pháp Vipassanā như nó đã được thiền sư S.N.Goenka giảng dạy, với hy vọng rằng điều này sẽ mở rộng sự hiểu biết của các bạn về giáo pháp của Đức Phật và về kỹ thuật thiền được xem là tinh yếu của giáo pháp.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.