Thiền Ngay Bây Giờ

TÔN GIÁO

Đây là bài thứ hai trong ba bài nói chuyện tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, Davos, Thụy Sỹ, tháng Giêng, năm 2000.

Tốt đẹp thay hôm nay tất cả chúng ta lại gặp nhau ở đây để thảo luận về những phương diện khác nhau của tôn giáo. Không phải tôn giáo này hay tôn giáo nọ mà tôn giáo theo nghĩa đích xác của nó.

Có hai phương diện rất ý nghĩa của tôn giáo, một trong hai phương diện đó được xem như cốt lõi của tôn giáo, tinh hoa của tôn giáo, và hết sức quan trọng. Đó là sống một cuộc sống đạo đức, đầy lòng từ ái, bi mẫn, thiện chí, và khoan dung.

Về bản chất, tôn giáo nào cũng giảng dạy đạo đức. Đây là mẫu số chung lớn nhất của mọi tôn giáo.

Một đời sống đạo đức là một đời sống ở đây người ta biết tránh mọi hành động bằng thân hay bằng lời nói nào gây xáo trộn sự bình yên và hòa hợp của những chúng sinh khác. Một đời sống đạo đức luôn luôn thoát khỏi những tiêu cực như nóng giận, sân hận, ác ý, và thù nghịch.

Một đời sống đạo đức là một đời sống tôn giáo đích thực ở đây người ta sống trong bình yên và hòa hợp với chính mình và không phát ra gì khác ngoài sự bình yên và hòa hợp đối với tha nhân.

Một đời sống tôn giáo thực thụ là một “nghệ thuật sống”, một nguyên tắc cư xử hợp với đạo đức, là một cuộc sống hiền thiện và lành mạnh trong tinh thần hòa hợp vui vẻ. Một đời sống tôn giáo thực thụ luôn luôn lợi ích cho chính mình, lợi ích cho tha nhân, và lợi ích cho toàn thể xã hội loài người.

Một con người tôn giáo thực sự là một con người đạo đức, một người sống với cuộc sống đạo đức, với một cái tâm đã khéo kiểm soát và khép vào cương kỷ. Một người với một tấm lòng trong sạch luôn luôn sôi nổi với từ ái và bi mẫn. Một con người tôn giáo thực sự là một viên ngọc vô giá của xã hội loài người. Một con người tôn giáo thực sự như vậy có thể từ bất kỳ xứ sở nào, cộng đồng nào, bất kỳ màu da nào, giới tính nào, giàu hay nghèo, có học thức hay thất học. Mỗi con người đều có thể trở thành một con người tôn giáo đích thực như vậy.

Sống một cuộc sống đạo đức với một cái tâm đã khéo kiểm soát, khéo khép vào cương kỷ và với một tấm lòng trong sạch đầy từ ái và bi mẫn không phải là độc quyền của bất kỳ một tôn giáo nào. Nó dành cho tất cả. Nó vượt qua mọi chướng ngại bộ phái. Nó luôn luôn phi bộ phái. Nó luôn luôn mang tính phổ quát. Nó luôn luôn là của chung.

Nếu người ta thực hành được tinh túy của tôn giáo như vậy thì không còn lý do gì cho các cuộc xung đột hay bất đồng quan điểm giữa những con người trên thế gian bất kể tôn giáo của họ là gì. Mọi thành viên trong xã hội loài người có thể thọ hưởng sự bình yên chân thực, hòa hợp chân thực, và hạnh phúc chân thực nhờ giữ gìn tinh túy của tôn giáo này.

Tuy nhiên còn có một phương diện khác của tôn giáo. Đó là cái vỏ bề ngoài của tôn giáo. Cái vỏ này đòi hỏi phải có những lễ nghi, nghi thức, v.v… mà rất có thể sẽ biến thành những hình thức sùng bái khác nhau. Mỗi tôn giáo có những niềm tin mang tính triết lý và thần thoại khác nhau của riêng nó, mỗi trong số đó rất có thể biến thành những giáo điều, tín ngưỡng mù quáng và đức tin mù quáng.

Trái với sự giống nhau về cốt lõi đạo đức bên trong, cái vỏ cứng bề ngoài này phô bày một sự khác nhau rất lớn. Mỗi tôn giáo mang tính bộ phái có tổ chức hẳn hoi đều có những hình thức lễ nghi, nghi thức, sự sùng bái, đức tin và giáo điều của riêng nó. Tín đồ của những tôn giáo có tổ chức như vậy thường phát sanh một sự chấp thủ dữ dội vào các hình thức lễ nghi, tín ngưỡng, và giáo điều của họ, xem đó như những phương tiện cứu độ duy nhất. Những con người lầm lạc như vậy thậm chí có thể không có chút đạo đức nào, không có chút từ ái, bi mẫn và thiện chí nào đối với tha nhân, tuy thế họ vẫn có cảm tưởng rằng họ là những con người tôn giáo bởi vì họ đã thực hiện được những hình thức lễ nghi thế này, thế nọ hoặc bởi vì họ có đức tin đầy đủ nơi tín ngưỡng của họ. Thực sự ra họ đang tự mê hoặc mình và bỏ qua tinh hoa của pháp hành được xem là bản chất đích thực của tôn giáo.

Và còn có một phần rất tệ hại của cái vỏ bề ngoài này.

Những người chấp chặt vào tín ngưỡng riêng của họ thường tin chắc rằng tín đồ của các tôn giáo có tổ chức khác là những người vô tín ngưỡng và do đó sẽ chẳng bao giờ nếm được sự cứu rỗi. Họ còn tin chắc rằng cải hóa được người khác theo đạo của mình là một việc làm có phước báu lớn lao và vì vậy mà họ áp dụng đủ mọi biện pháp kể cả cưỡng bức.

Niềm tin mù quáng của tín đồ các tôn giáo có tổ chức như vậy rất có thể sẽ biến thành trào lưu chính thống cuồng tín. Nó dẫn đến những cuộc tranh cãi, những sự mâu thuẫn, những đối đầu thô bạo và thậm chí những cuộc chiến tranh đẫm máu mà kết quả là bao nỗi tang thương đau khổ trong xã hội, xóa sạch mọi sự bình yên và hòa hợp của nó. Và tất cả những điều này được người ta làm nhân danh tôn giáo. Thật là một nỗi bất hạnh to lớn cho thế giới loài người này vậy.

Khi những cái vỏ bề ngoài của tôn giáo trở nên quan trọng quá mức như vậy thì cái lõi đạo đức bên trong sẽ mất đi.

Đôi khi người ta còn cảm thấy rằng không thể có một tôn giáo mà không có cái vỏ cứng bên ngoài, dù cái vỏ ấy có thể là điều không ai muốn. Song những thí nghiệm thành công đã được thực hiện trong quá khứ và ngay cả ngày nay cho thấy, một trăm phần trăm mọi người đều cho cốt lõi đạo đức bên trong là quan trọng, bỏ qua cái vỏ bề ngoài như hoàn toàn không thích hợp. Phương pháp để áp dụng thành công điều này gọi là thiền Minh Sát.

HẠT GIỐNG VÀ TRÁI

Nhân như thế nào, quả sẽ như vậy. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như thế. Hành động (nghiệp) như thế nào, quả báo cũng không sai.

Trên cùng một thửa đất người nông dân kia trồng hai hạt giống: Một hạt của cây mía, và hạt kia của cây neem, một loại cây vùng nhiệt đới rất đắng. Hai hạt giống trên cùng một loại đất, nhận cùng một thứ nước, cùng ánh nắng mặt trời, cùng một bầu không khí; thiên nhiên còn cho cả hai cùng một chất bổ dưỡng. Hai cây nhỏ bé nhô lên và bắt đầu phát triển. Và điều gì đã xảy ra với cây neem? Nó đã phát triển với vị đắng ngắt trong từng thớ thịt, trong khi cây mía lại lớn lên với từng thớ thịt của nó thơm mát ngọt ngào. Tại sao thiên nhiên, hay, nếu bạn thích, tại sao Thượng Đế lại quá tốt bụng với cây này và quá độc ác với cây kia? Không, không, thiên nhiên không tốt bụng cũng chẳng độc ác. Thiên nhiên làm việc theo những quy luật cố định của nó. Thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của hạt giống thể hiện ra. Tất cả chất bổ dưỡng chỉ là để giúp cho hạt giống bộc lộ tính chất đặc biệt nằm ngầm bên trong nó ra mà thôi. Hạt giống của cây mía có tính chất ngọt ngào; do đó cây của nó sẽ chỉ có vị ngọt. Hạt giống của cây neem có tính chất đắng; nên cây của nó sẽ không có gì ngoài vị đắng ấy. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như thế đó là vậy.

Người nông dân đi đến cây neem, cúi lạy ba lạy, nhiễu quanh nó 108 vòng, và rồi dâng cúng hương hoa, đèn nến, và trái cây. Sau đó ông bắt đầu cầu nguyện, “Ôi thần neem, xin ngài hoan hỷ cho con những trái xoài ngọt ngào, con mong muốn có được những trái xoài ngọt ngào!” Vị thần neem tội nghiệp kia làm sao có thể cho ra những trái xoài ngọt ngào được, ông không có quyền năng gì để làm như vậy. Nếu ai đó muốn có những trái xoài ngọt, họ phải trồng hạt giống của cây xoài. Lúc đó họ chẳng cần phải khóc lóc van xin ai giúp đỡ làm gì. Vì trái mà họ thâu hoạch sẽ chỉ là những trái xoài ngọt. Hạt giống như thế nào, trái sẽ như vậy.

Cái khó của chúng ta, cái vô minh của chúng ta là ở chỗ chúng ta vẫn cứ không chịu để ý khi chúng ta gieo trồng những hạt giống. Chúng ta cứ tiếp tục trồng những hạt giống của cây neem, nhưng khi thời vụ cho trái tới chúng ta mới bất ngờ thông báo, chúng ta muốn có những trái xoài ngọt. Điều này làm sao có thể được.4

4  Dựa trên A.I.xvii, Eka dhamma Pāli.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.