Thiền Ngay Bây Giờ

SÂN HẬN

Đây là bài cuối trong ba bài nói chuyện của Goenkaji5 tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, Davos, Thụy Sỹ, tháng Giêng, năm 2000.

5 Xem lại chú thích trang 1.

Điều gì sẽ xảy ra khi một người sân hận? Quy luật tự nhiên cho thấy rằng khi người nào phát ra sân hận họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của nó. Bạn chắc chắn sẽ trở nên đau khổ khi bạn phát ra sân hận cho dù hầu hết mọi lần bạn không nhận ra rằng bạn đang tự hại mình do nổi sân như vậy. Ngay cả nếu ai đó nhận ra được điều này, sự thực là họ vẫn không thể tự mình tránh khỏi sân hận; tự mình thoát ra khỏi cơn giận. Bây giờ chúng ta hãy xem tại sao người ta lại trở nên sân hận.

Sự thực hiển nhiên cho thấy là sân hận phát sinh khi một điều gì đó không vừa ý xảy ra, khi một người nào đó gây chướng ngại cho việc hoàn thành những ước muốn của bạn, khi người nào đó sỉ nhục bạn hoặc khi người nào đó trong lúc nói sau lưng đã bộc lộ những nhận xét có vẻ khinh thường bạn. Tất cả những lý do đại loại như vậy khiến cho người ta bùng lên ngọn lửa sân hận và là những lý do rõ rệt khiến cho người ta trở nên giận dữ. Bây giờ thử hỏi liệu có thể một người có được thật nhiều quyền lực đến độ không ai dám nói hay làm điều gì nghịch ý anh ta không? Điều này chắc chắn là không thể có. Ngay cả với người quyền thế nhất trên thế gian này, những điều không mong muốn vẫn cứ xảy ra và anh ta hay cô ta hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn nó. Cho dù chúng ta có thể ngăn được một người không cho xỉ vả chúng ta hay nói điều gì đó chống lại chúng ta thì cũng không có gì bảo đảm được rằng người này sẽ không lập lại việc ấy. Tuy nhiên trong khi chúng ta không thể thay đổi được thế gian bên ngoài theo ước muốn của chúng ta, chúng ta chắc chắn có thể thay đổi chính bản thân chúng ta để loại trừ cái khổ mà chúng ta phải chịu do phát ra sân hận. Để làm được điều này chúng ta phải truy tìm nguyên nhân sâu xa của sân hận trong chính bản thân chúng ta thay vì bên ngoài.

Chúng ta phải hiểu lý do đích thực khiến cho sân hận phát sinh ở bên trong chúng ta. Chẳng hạn, từ quan điểm của Vipassanā hay thiền Minh sát, chúng ta hiểu lý do đích thực khiến chúng ta nếm trải sân hận nằm ở bên trong chúng ta. Nếu bạn học được nghệ thuật quan sát thực tại trong chính bản thân bạn thì điều sẽ trở nên thật rõ ràng cho bạn ở mức kinh nghiệm rằng lý do đích thực khiến phát sanh sân hận nằm ở bên trong chứ không phải bên ngoài.

Ngay khi bạn gặp một điều không vừa ý nào đó ở bên ngoài, liền có một cảm thọ ở trên thân. Và do đối tượng là không vừa ý nên cảm thọ sẽ rất khó chịu. Chính ra chỉ sau khi cảm giác cảm thọ khó chịu (thọ khổ) này bạn mới phản ứng lại với sân. Nếu bạn học được cách làm thế nào để quan sát những cảm thọ trên thân này với thái độ bình thản hay xả ly không phản ứng lại chúng, bạn sẽ thoát ra khỏi thói quen cũ của bừng bừng nổi giận và tự làm hại mình. Thực hành Minh sát sẽ giúp bạn phát triển được khả năng quan sát mọi loại cảm thọ khác nhau mà bạn kinh nghiệm trên những thân phần khác nhau từ lúc này đến lúc khác và giữ được thái độ xả do không phản ứng lại với chúng. Thói quen cũ của bạn trước đây là khi bạn cảm giác một cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) bạn sẽ phản ứng lại với tham ái và chấp thủ, và khi bạn cảm giác những cảm thọ khó chịu bạn liền phản ứng lại với nóng giận và sân hận. Vipassanā dạy bạn biết quan sát mọi cảm thọ, cả dễ chịu lẫn khó chịu, một cách khách quan và giữ thái độ xả với sự hiểu biết rằng mọi cảm thọ đều có bản chất sanh và diệt hay vô thường. Không có cảm thọ nào tồn tại vĩnh hằng cả.

Nhờ thực hành thường xuyên việc quan sát cảm thọ một cách xả ly bạn thay đổi được lề thói quen của phản ứng mù quáng tức thời đối với các cảm thọ này. Như vậy, trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ khi nào bạn tiếp xúc với một điều gì không vừa lòng, bạn để ý thấy rằng một cảm thọ khó chịu đã phát sanh trong thân và bạn bắt đầu quan sát nó, không để cho đùng đùng nổi giận như trước. Dĩ nhiên, phải mất một thời gian mới đạt đến được giai đoạn ở đây bạn hoàn toàn giải thoát khỏi sân hận. Song khi bạn thực hành Vipassanā ngày một nhiều hơn bạn sẽ nhận ra rằng giai đoạn bạn lăn quay trong sân hận đang trở nên ngày càng ngắn hơn. Cho dù bạn không thể cảm giác được cảm thọ liền khi nó khởi lên, có thể sau một ít phút bạn mới bắt đầu nhận ra rằng do phản ứng mù quáng của sân hận bạn đang làm cho các cảm thọ thậm chí căng thẳng hơn, bằng cách ấy cũng tự làm cho mình đau khổ hơn. Ngay khi bạn nhận ra sự kiện này thì bạn cũng bắt đầu thoát khỏi sân hận. Với việc thực hành Minh sát đều đặn giai đoạn nhận thức được khổ đau liên quan đến cảm thọ khổ này sẽ ngày càng trở nên ngắn hơn khi bạn hiểu được tức thời sự tai hại mà bạn đang tự gây ra cho mình do phát ra sân hận. Đây là cách duy nhất để tự giải thoát bản thân khỏi thói quen phản ứng điên rồ với sân hận này.

Dĩ nhiên cũng có một cách khác là ngay khi bạn nhận ra rằng mình đã phát sanh sân hận bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của mình sang một đối tượng khác nào đó và nhờ kỹ thuật này bạn có thể cảm thấy như mình đang thoát ra khỏi sân hận. Tuy nhiên, thực sự chỉ có phần bề mặt của tâm thoát ra khỏi sân hận. Tận sâu bên trong bạn vẫn tiếp tục sôi sục với ngọn lửa sân vì bạn đã không đoạn trừ được sân mà chỉ đè nén nó. Vipassanā dạy bạn không chạy trốn thực tại mà, thay vào đó, đối diện với thực tại và bắt đầu quan sát cơn giận trong tâm và cảm thọ khó chịu trong thân một cách khách quan. Nhờ quan sát thực tại của những cảm thọ khó chịu trong thân bạn không chuyển hướng sự chú ý của mình sang một nơi khác cũng không đè nén cơn giận của bạn vào mức sâu hơn của tâm. Nếu bạn tiếp tục duy trì việc quan sát của cảm thọ một cách buông xả bạn sẽ nhận thấy rằng, một cách tự nhiên, cơn giận đã khởi lên ấy trở nên càng lúc càng yếu đi và cuối cùng thì biến mất.

Sự thực là có một rào cản giữa phần tâm nhỏ, đó là bề mặt của tâm, với phần tâm lớn hơn, phần tâm thường được gọi là tiềm thức (hay tâm hữu phần – bhavanga). Phần tâm lớn nằm ở mức sâu kín nhất này luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân và đã trở thành kẻ nô lệ cho mô thức thói quen phản ứng mù quáng đối với những cảm thọ này. Do lý do này hay lý do khác mà có những loại tho khác nhau ở khắp toàn thân trong từng sátna. Nếu cảm thọ là dễ chịu hay lạc thời mô thức thói quen là phản ứng lại với tham ái và chấp thủ và nếu cảm thọ là khó chịu hay khổ mô thức thói quen là phản ứng lại với ác cảm và sân hận. Do sự ngăn cách giữa phần bề mặt nhỏ bé của tâm và phần tâm còn lại nên phần bề mặt hoàn toàn không hay biết về sự kiện rằng sự phản ứng không ngớt này đang diễn ra ở mức sâu hơn. Vipassanā sẽ giúp bạn phá bỏ rào cản này và toàn bộ cơ cấu tâm trở nên rất ý thức. Nó sẽ cảm giác được các cảm thọ từ sátna này đến sátna khác và, với sự hiểu biết về quy luật vô thường, nó giữ được thái độ bình thản hay buông xả. Thật dễ luyện tập cho mức bề mặt của tâm giữ được thái độ bình thản với sự hiểu biết ở mức tri thức song bức điện văn của sự hiểu biết tri thức ấy lại không đến được mức sâu hơn của tâm bởi vì rào cản này. Khi rào cản này bị Vipassanā phá bỏ toàn bộ, tâm duy trì liên tục sự hiểu biết về quy luật vô thường đồng thời mô thức thói quen phản ứng mù quáng bắt đầu thay đổi. Đây là cách tốt nhất để bạn sự giải thoát mình ra khỏi khổ đau của sân hận.

NHỮNG VIÊN SỎI VÀ GHÈ BƠ LỎNG

Ngày nọ, một thanh niên vừa đi vừa khóc sướt mướt đến gặp Đức Phật, anh ta không thể nào ngưng tiếng khóc. Đức Phật hỏi anh ta, “Có chuyện gì thế, này chàng trai?”

“Bạch Ngài, cha con vừa mất hôm qua.”

“Thế à, có thể làm được gì nào? Nếu ông ta đã chết, khóc lóc cũng chẳng làm ông ta sống lại.”

“Vâng, thưa Ngài, con hiểu điều đó; khóc lóc sẽ không làm cho cha con sống lại được.” Nhưng con tìm đến Ngài, bạch Đức Thế Tôn, với một lời thỉnh cầu đặc biệt; xin Ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha đã chết của con!”

“Ồ? Ta có thể làm được điều gì cho người cha quá cố của con nào?”

“Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ làm một điều gì đó. Ngài thực là một đấng quyền năng, chắc chắn Ngài có thể làm được điều đó. Cứ nhìn xem, các vị giáo sĩ, các thầy tu làm phép xá tội, và các vị khất sĩ làm đủ mọi loại nghi lễ để giúp cho người chết. Ngay khi nghi lễ được thực hiện ở đây, cửa thiên đường liền bị chọc thủng và người chết được tiếp nhận vào đó; họ có được một tấm giấy phép nhập cảnh. Bạch Ngài, ngài có quyền năng như vậy! Nếu Ngài thực hiện một nghi lễ cho cha con, chẳng những ông sẽ nhận được giấy nhập cảnh, mà không chừng ông còn được cấp một tấm Thẻ Xanh (Green Card), thường trú nữa đấy! Xin Ngài hãy hoan hỷ làm điều gì đó giúp cho cha con!

Gã thanh niên tội nghiệp bị sầu khổ áp đảo đến mức không còn biết nghe một lý lẽ hợp lý nào nữa. Đức Phật phải dùng cách khác để giúp anh ta hiểu. Vì thế Ngài nói, “Thôi được rồi. Hãy đi ra chợ mua hai cái ghè6 bằng đất mang về đây.” Người thanh niên rất sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã đồng ý thực hiện một nghi lễ cho cha mình. Anh ta chạy vội ra chợ và mua hai chiếc ghè mang về. “Được rồi,” Đức Phật nói, “hãy đổ đầy bơ lỏng vào ghè này.” Người thanh niên làm theo. “Hãy bỏ đầy sỏi vào ghè kia.” Anh ta cũng làm theo. “Bây giờ hãy đậy kín các miệng ghè lại cho cẩn thận.” Anh ta làm theo. “Xong đem đặt các ghè ấy vào trong hồ nước ở đằng kia.” Người thanh niên làm đúng như vậy, và cả hai chiếc ghè đều chìm xuống đáy. “Bây giờ,” Đức Phật nói, “hãy đem đến đây một cây gậy thật lớn và đập bể những cái ghè ấy ra.” Người thanh niên rất sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đang thực hiện một nghi lễ kỳ diệu cho cha mình.

Theo phong tục cổ Ấn Độ, khi một người chết, con trai họ sẽ mang cái xác vào nghĩa địa, đặt nó lên giàn thiêu, và châm lửa đốt. Khi cái xác cháy được phân nửa, người con trai lấy một cây gậy lớn và đập vỡ toang cái sọ ra. Và theo niềm tin cổ truyền, ngay khi cái sọ toác ra ở trần gian này, thì cửa thiên đàng ở trên đó cũng mở ra. Vì thế lúc này người thanh niên tự nhủ, “Xác cha ta đã thiêu ra tro ngày hôm qua rồi. Có lẽ bây giờ Đức Phật muốn ta đập bể những cái ghè này như một biểu tượng chăng!” Anh ta rất vui mừng với nghi lễ ấy.

Càm lấy cây gậy theo lời Đức Phật nói, người thanh niên đánh thật mạnh và cả hai chiếc ghè đều vỡ toang. Ngay lập tức chất bơ lỏng chứa trong một chiếc ghè nổi lên và bắt đầu trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Còn những viên sỏi trong chiếc ghè kia đổ ra và vẫn chìm dưới đáy hồ. Lúc ấy Đức Phật nói “Tốt lắm, này chàng trai, Như Lai đã làm nhiều tới mức này rồi. Bây giờ hãy đi mời tất cả các vị giáo sĩ và những người làm phép mầu nhiệm lại và bảo họ tụng kinh và cầu nguyện: “Hỡi những viên sỏi kia, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ lỏng hãy chìm xuống, chìm xuống!” Để Ta xem sự việc diễn ra như thế nào.”

“Ồ bạch Ngài, Ngài có nói đùa không đấy chứ! Sao chuyện đó có thể xảy ra được, bạch Ngài? Những viên sỏi nặng hơn nước, chúng chắc chắn phải ở lại dưới đáy hồ. Những viên sỏi ấy không thể nổi lên được đâu, bạch Ngài; đây là quy luật tự nhiên! Bơ lỏng nhẹ hơn nước nó chắc chắn cứ nổi trên mặt nước, chớ không thể chìm xuống được: đây cũng là quy luật tự nhiên!”

“Này chàng trai, anh biết khá nhiều về quy luật tự nhiên đấy, song anh lại không hiểu quy luật tự nhiên này: nếu suốt cuột đời mình cha anh đã làm những nghiệp nặng giống như những viên sỏi, ông ta buộc phải đi xuống (các cõi khổ); ai có thể mang ông lên được? Và nếu mọi hành động của ông đều nhẹ giống như bơ lỏng này, ông ta chắc chắn sẽ đi lên; ai có thể kéo ông ta xuống được?”

Chúng ta hiểu được quy luật của tự nhiên và sống theo quy luật ấy sớm chừng nào, chúng ta sẽ thoát khỏi khổ đau sớm chừng ấy vậy.”

Thiền Sư Goenka, Tỳ khưu Pháp Thông dịch

http://khemarama.com/thiền-ngay-bay-giờ/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.