Được ôn lại những kỷ niệm về “Ôn”, về cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, là để sống lại những tháng ngày quý giá nhất đời người, làm tư lương cho cuộc hành trình từ kiếp này qua kiếp khác. Mỗi lần nhắc tới Ôn tôi đều xúc động đến ứa nước mắt. Tôi nhớ rõ ràng cái tâm bình thường ấy của Ôn. Vào những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, mỗi buổi sáng vào giờ chấp tác, chúng tôi (các học Tăng Viên Giác, Thiên Ân, Chơn Trí, Trí Không) có trách nhiệm quét rác, dẫy cỏ trước sân, chung quanh chánh điện và phòng học Báo Quốc. Thấy anh em làm việc, Ôn cũng đến tiếp tay, trò chuyện. Vào cuối thập niên 1960, để tránh tai mắt mật vụ, tôi về Già Lam lánh nạn. Hàng đêm vào lúc 9 giờ Ôn thường đến phòng tôi chơi cờ tướng đến khuya. Không phải vì Ôn mê cờ tướng mà vì Ôn cưu mang, không muốn tôi bị cảm thấy lẻ loi xa nhà. Không những vậy, đôi khi gia đình bên cạnh mời tôi qua đánh tứ sắc, Ôn cũng sang đánh. Không phải Ôn mê tứ sắc, mà Ôn muốn cho tôi được những giây phút thoải mái mà không có mặc cảm tội lỗi, ở chùa mà đánh bài đánh bạc. Cái tâm bình thường, cái lòng cưu mang ấy thật không có thể nào diễn tả cho trọn vẹn được. Ước gì bây giờ được gần Ôn! Ngày Về Nguồn là ngày ôn lại những kỷ niệm thân thương vô giá này, giúp chúng ta không thấy cô đơn trong lộ trình tâm linh dài đằng đẵng.
Hòa thượng Thích Thái Hòa trong bài Vị Thầy của nhiều thế hệ còn nhắc đến lời dạy của Ôn, ‘Tất cả muôn vật từ hữu tình đến vô tình đều có sự sống, nên khi ta ngắt một ngọn lá, chặt một cành cây, để sử dụng một công việc Phật sự nào đó là ta đều phải khấn nguyện và chú nguyện cho nó với tất cả tâm từ bi của ta, trước khi ta hành sự…’. Lời dạy của Ôn phảng phất quan điểm của Leon Tolstoy, của Mahatma Gandhi, của Lame Deer.
John Lame Deer thuộc bộ tộc Lakota Sioux, là một trong những nhà lãnh đạo dân da đỏ tại Mỹ. Theo Lame Deer, đời sống muốn có ý nghĩa phải bao gồm được cả hai mặt xã hội và thiên nhiên. Con người sống trên trái đất phải xem những sinh vật, động vật cũng
như thực vật, là bạn bè, phải có trách nhiệm đối với chúng, phải bảo vệ chúng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bộ tộc Lakota rất quan tâm đến biểu tượng, thấy thế giới là hiện thực của biểu tượng, mà biểu tượng là trung tâm điểm của ý nghĩa cuộc đời; hiểu được thế giới qua biểu tượng giúp con người biến đổi cảnh sắc tầm thường thành cảnh giới thiêng liêng, kỳ bí, đầy ý nghĩa. Biểu tượng của người Mỹ Da Đỏ là hình tròn, là hình của vũ trụ thiên nhiên, của mặt trăng, mặt trời, tinh tú. Những hình tròn chồng chất lên nhau cho thấy biểu tượng và hiện thực cùng hiện diện, nói lên sự hòa nhịp giữa thiên nhiên và cuộc sống, không cách biệt. Đời sống có ý nghĩa khi dung hợp được với thiên nhiên, được biểu hiện bằng hình tròn. Với người Lakota Sioux, cuộc sống không dừng lại ở thế giới xã hội theo Aristote hay Khổng Tử mà còn là thế giới thiên nhiên huyền ảo cũa Lão Tử, thế giới bao la của Bhagavad Gita, thế giới trùng trùng duyên khởi của Phật giáo, ở đó, con người được xem như một trong những sinh vật gồm súc vật, cỏ cây và cả cộng đồng nhân loại. Lame Deer nói, ‘… biểu tượng của chúng tôi là vòng tròn. Thiên nhiên muốn hình tròn. Thân hình của con người, của súc vật không có góc cạnh… vòng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ… không có góc cạnh, không có phân cách, phân ly… vô thỉ vô chung, trôi chảy điều hòa’. Trong khi biểu tượng của người da trắng là hình vuông, nhà cửa, công thự hình vuông, ngăn cách phòng này với phòng khác, người này với người kia… Đời sống của họ đầy góc cạnh, đầy ngăn cách; họ sống trong những nhà tù mà họ cho là tổ ấm, là văn phòng, là hãng xưởng; họ quên đi mùi thiên nhiên cha sinh mẹ đẻ; họ chán ngấy thân hình cha sinh mẹ đẻ nên sửa chỗ này đổi chỗ kia, biến con người thành nhân tạo; họ trở nên quá sợ hãi cái thế giới mà họ tạo dựng…
Phải chăng vì vậy, khi nghe Về Nguồn thì có người bỡ ngỡ, bàn luận xôn xao, suy nghĩ đủ điều? Họ sợ thiên nhiên, họ sợ ngọn nguồn. Dầu sao đi nữa, con người đã bị quẳng vào thế giới ta-bà đầy nghiệt ngã vẫn có khả năng để đối xử với nhau như thế nào thỏa đáng hơn. Albert Camus, một văn sĩ, triết gia người Pháp sinh tại Algérie, tác giả nhiều tác phẩm nói đến sự hiện hữu của con người trên trái đất như một sự phi lý của kiếp người. Một trong những chủ đề triết học của Camus là chủ đề phản nghịch; ở đây, phản nghịch là từ chối không chấp nhận sự phi lý của kiếp người; đối với cuộc chiến Algérie là từ chối sự hung bạo của chiến tranh; đối với Đệ Nhị Thế Chiến là không chấp nhận chính sách tàn bạo của chủ nghĩa; trong Le Mythe de Sisyphe (Thần thoại Sisyphe) là chống lại thiên thần đã đọa đày anh ta sống cuộc đời phi lý.
Khái niệm cuộc đời phi lý được thể hiện rõ nhất trong cuốn La Peste (Bệnh dịch hạch) mà Camus sáng tác trong thời chiến tranh nói lên hình ảnh xã hội phi lý, so với sự cô lập xa lạ của những người như Meursault trong L’Étranger (Người xa lạ) cũng của Camus, ngược với nhân vật thần thoại như Sisyphe. Cảnh tượng quân Đức chiếm đóng không khác gì bệnh dịch đang lan tràn khắp đô thị. Cũng vậy, không khí miền Nam California nghẹt thở, giậu đổ bìm leo, lúc ngày Về Nguồn được tổ chức tại chùa Pháp Vân ở Canada. Quân phát xít Đức đối với người Pháp không khác bệnh dịch hạch, mặc dù bối cảnh câu chuyện không phải tại Pháp mà tại Algérie. Bệnh dịch hoàn toàn không có nhân tính. Nó không có sắc diện, không thể chữa trị, không thể đề phòng. Người ta không biết tại sao bị mắc bệnh, không biết phải tránh né như thế nào, không biết giải thích ra làm sao. Vấn đề là ta phải đối xử với nó như thế nào. Camus đối xử với nó ra làm sao?
Có nhiều phương cách: Có thể chống lại nó, nhưng chống lại là điều vô vọng. Có thể ngăn ngừa, nhưng không biết ngăn ngừa thế nào cho có hiệu quả. Có thể chạy trốn, nhưng không biết chạy đi đâu. Có thể lợi dụng nó viết sách viết báo hay làm giàu. Có thể tự an ủi xem đó là sự trừng phạt của ông Trời. Có thể âm thầm chịu đựng như nhân vật thần thoại Sisyphe. Camus đưa ra nhiều phương cách, mỗi phương cách có người tiêu biểu; nhưng chẳng phương cách nào có giá trị trước cơn dịch tự đến tự lui và không biết lúc nào trở lại.
Sống cuộc đời trên thế gian này không phải giản dị. Làm sao đây? Nhà văn hào Nga Leon Tolstoy trong The Death of Ivan Illych (Cái chết của Ivan Illych) đã dằn vặt, trăn trở, gói ghém sự quan ngại của mình về thời đại hiện tại với đời sống con người, nhất là đời sống tâm linh. Tolstoy muốn chúng ta chú ý đến đời sống của Ivan, vì đó là đời sống chúng ta cùng trải qua và cái chết của ông ta cũng giống như cái chết của chúng ta phải hứng chịu. Câu chuyện mở đầu bằng khung cảnh Ivan Illych lâm bệnh, bạn bè thân thuộc bàn tán về bệnh tình của ông ta và trường hợp ông ta qua đời. Ở đây, Ivan Illych lâm bệnh rồi qua đời mà chẳng ai nghĩ đến ông ta, họ chỉ nghĩ đến chính họ. Vì Ivan là quan tòa, người đến thăm bàn tán xem ai thay ông, cơ cấu nhân sự sẽ thế nào, làm sao sắp xếp thì giờ đến viếng tang, đi đưa tang… và lắng nghe bà Ivan than vãn phải chịu đựng thế nào tiếng rên siết những ngày cuối đời của Ivan. Cái chết trở thành trừu tượng, hậu quả của sự thế tục hóa trong xã hội văn minh hiện đại. Tolstoy diễn tả nỗi cô đơn của Ivan trong cảm nghĩ, trong việc chịu đựng cơn bệnh và trong cái chết. Ông viết, Vấn đề đi cầu được đặc biệt chăm sóc và điều này là một cực hình đối với Ivan Illych. Cực hình vì không sạch sẽ, cực hình vì quá ư bất tiện, vì mùi hôi thối và phải có người lo dọn dẹp, lau chùi thân hình’. Đây là điều Tolstoy muốn nhấn mạnh về đặc tính của cái chết. Khi còn sống, ta cùng sống chung với mọi người trong gia đình, với bạn bè, thân thuộc. Khi chết, ta ra đi một mình. Đặc biệt, trong đời sống thế tục hóa, văn minh hóa, mọi người dần dần xa cách ta khi ta đi vào cửa tử. Họ bớt thăm viếng. Thời gian thăm viếng ngắn dần. Ivan bỗng chốc cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, tầm thường, ‘Như vậy nghĩa là thế nào? Tại sao? Cuộc sống vô lẽ vô lý và khủng khiếp như vậy?’. Tolstoy tiếp tục, ‘Đêm hôm ấy, ông ta đột nhiên tự hỏi, phải chăng ta đã sai lầm?… không có phương cách gì cứu chữa? Rồi sẽ ra sao?’.
Thử tưởng tượng nằm trên giường bệnh hấp hối, sắp sửa từ giã cõi đời, nghĩ lại những tháng năm đã trôi qua, bao nhiêu biến cố, gia đình, vợ con, công danh, tài sản. Vô lẽ tất cả chỉ là phù du? Vô lẽ mọi cố gắng đều là sai lầm? Rồi sẽ ra sao? Tolstoy khuyên ta trở lại căn nguyên của sự sống, tìm hiểu vị trí cụ thể của chúng ta trong cuộc đời, mới có thể khám phá ý nghĩa sống chết. Công tước Leon Tolstoy, nhà đại văn hào Nga, nhà cải cách xã hội, tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với Mahatma Gandhi của Ấn Độ và Martin Luther King của Hoa Kỳ, vào những năm cuối đời đã sống lang thang không nhà không cửa theo hạnh nguyện của Phật Thích Ca.
Ivan Illych giữa đông người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Cái cô đơn khủng khiếp lúc sắp sửa lìa đời. Dầu oanh oanh liệt liệt cho mấy, khi ra đi thì phải lủi thủi đi một mình. Có cái gì để nhớ, để thương? Cái cô đơn cùng cực mà Đức Lục Tổ Huệ Năng đã trải qua trước khi ngài trở về với bản lai diện mục, trước khi ngài Về Nguồn:
Bồ-đề vốn không cội
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không có vật
Chỗ nào dính trần ai?
Về Nguồn là về với chân tâm thanh tịnh, về với căn nguyên của kiếp người, về với nguồn sống. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ không biết tôi đọc được ở đâu của Tô Thùy Yên, người tôi không được may mắn quen biết, nhưng những dòng thơ của ông cho tôi một an ủi trong chuyến đi Về Nguồn tâm linh thân thuộc:
Ta Về Ta về như lá rụng về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chén rượu nồng đây xin rót xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này.
TRẦN QUANG THUẬN – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 149
http://vanhoaphatgiaoblog.com/