Ý Nghĩa Của Thời Gian

Hoàng đế Tống Huy Tông phải xúc động lắm trước sự kiện này, nên mới làm liền một lúc ba bài kệ để phát biểu ý kiến của mình. Ta có thể diễn lại ý của Huy Tông bằng văn xuôi cho rõ ràng dễ hiểu như sau : “Lão tăng đời xưa nhập định 700 năm, phải là người thượng căn, có lẽ không ai còn biết tin tức gì về ông. Sự việc lạ lùng này có thể sánh với việc Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày đi về Tây Thiên, sau khi người ta đã chôn ông tại Trung Quốc. Sống chết có vinh hoa gì khi cuối cùng cũng vào hòm gỗ. Còn người giác ngộ như Đạt Ma hay Huệ Trì làm chủ sinh tử. Họ có thần thông có thể giấu được quả núi trong đầm như lời Trang Tử nói trong thiên Đại Tông Sư, bộ Nam Hoa Kinh, cũng giấu được thân. Nhưng nếu không giấu thiên hạ thì đạo có thể gần gũi hơn. Ta gởi lời nhắn với Trang Chu rằng ông hãy thôi suy nghĩ và bình luận đi, vì e rằng có những điều ông nghĩ chưa tới và làm chưa được. Con người là loài hữu tình thân thể cũng không phải vô tình, tuy nhiên nếu đây đó khắp mọi nơi, mọi người đều biết đem thân nhập định như Huệ Trì, giác ngộ bồ đề không phải là cây, như trong bài kệ của Huệ Năng, thì không cần phải nhọc công hỏi pháp nơi Lục Tổ, vì bản thân mọi người tự chứng ngộ.”
Huệ Trì nhập định hơn 700 năm, tuổi thọ có thể so sánh với Bành Tổ sống 800 tuổi trong sách xưa. Tuy nhiên đó chưa phải là kỷ lục nhập định lâu nhất của người trên địa cầu. Thiền sử ghi:
在佛陀時代,摩訶迦葉、君屠缽歎、賓頭盧、羅睺羅皆受佛囑託,不入涅槃。《增一阿含經》卷四十四、《彌勒下生經》卷一云:「大迦葉亦不應般涅槃。」而《付 法藏因緣傳》、《大唐西域記》亦記大迦葉在雞足山入定,發願身至彌勒成佛,令不朽壞,所以他至今仍在定中,是娑婆世界入定最久的記錄保持者。
Trong thời đại của Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp, Quân Đồ Bát Thán (Kundopadhaniya), Tân Đầu Lô (Pindola), La Hầu La, đều nhận lãnh lời Phật phó thác, là không nhập Niết Bàn. “Tăng Nhất A Hàm Kinh” quyển 44, “Di Lặc Hạ Sinh Kinh” quyển 1, nói : “Đại Ca Diếp cũng không về cõi Niết Bàn” mà các quyển “Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” đều ghi Đại Ca Diếp nhập định tại núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri hay còn gọi là Tôn túc sơn Gradhakuta, nay thuộc bang Bihar, Ấn Độ, gần thành Vương Xá –Rājagaha- của nước Ma Kiệt Đà- Magadha- xưa) phát nguyện giữ thân cho đến khi Di Lặc thành Phật, khiến thân không bị hư hoại, vì vậy cho đến ngày nay, ông vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc, là người bảo trì được thân thể lâu kỷ lục trong cõi ta bà thế giới này.

Vách núi xẻ làm đôi theo truyền thuyết là
do thần thông của Ma Ha Ca Diếp

Maha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ, ông là đại đệ tử của Phật Thích Ca, được Phật đích thân truyền pháp Tổ Sư Thiền qua sự kiện “Niêm hoa vi tiếu”, Phật đưa cánh hoa, Maha Ca Diếp mỉm cười. Thế là đủ, vì là tâm truyền tâm, nên tất cả pháp sâu xa nhất đều được truyền. Đại Ca Diếp tuy là đệ tử của Phật nhưng ông lớn tuổi hơn Đức Phật lịch sử. Sau khi Phật nhập diệt vào năm 543 Trước CN, (năm đó được lấy làm năm đầu của Phật lịch, đến năm nay 2012 dương lịch, thì Phật lịch là 2555), Đại Ca Diếp lo làm lễ trà tỳ cho Phật xong, 3 tháng sau thì lo tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất, kéo dài trong 7 tháng. Hai mươi năm sau, Đại Ca Diếp truyền tâm ấn cho A-nan, có lẽ là năm 522 TCN, ông đi vào núi Kê Túc, nhập đại định, lúc đó ông 120 tuổi.

Miếu do phật tử dựng để thờ Ma Ha Ca Diếp

Trên đỉnh núi Kê Túc (Kukkutapadagiri) có một tảng đá to ngáng đường, để lên được đỉnh thì phải trèo lên. Thế nhưng, theo lịch sử ghi lại, Ngài Ca Diếp đã dùng thần lực chẻ đôi tảng đá ấy, rồi đi vào bên trong. Hiện nay, chứng tích ấy vẫn còn. Vách đá hai bên của đường chẻ bằng phẳng. Đường vào bên trong nhỏ hẹp dần, nếu ai mập quá thì không thể lách người qua được. Đi đến cuối đường thì rẽ trái, có một cái lỗ nhỏ chui qua để lên phía trên, có một tòa tháp nhỏ, hơi khó đi nhưng rất ấn tượng. Đây không phải là sự sáng tạo của thiên nhiên, mà của một vị Thánh nhân, là bậc thầy của người, đệ tử của Phật nên ta có cảm giác vừa thú vị, vừa kỳ diệu về điều này.
Núi Kê Túc không phải là một dãy núi mà chỉ là một ngọn núi nằm trơ trọi ở một vùng đất bằng phẳng thuộc bang Bihar, cách Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) khoảng 75 km về hướng Đông Nam. Tầm nhìn xa và rất đẹp. Trên đỉnh núi có một cái tháp đang được xây, theo kiến trúc của Phật giáo Tây Tạng, dưới tháp đó là một cái hang, được cho là nơi đức Ca Diếp ngồi nhập định. Chỗ đó giờ được xây thành một điện thờ nhỏ, trong có tôn tượng đức Ca Diếp, làm nơi hành lễ của các đoàn đến chiêm bái.
Cách đây không lâu, khoảng đầu thế kỷ XX, tiến sĩ triết học Bá Khắc Sâm, người Anh, đã được gặp tôn giả Đại Ca-Diếp tại Kê Túc Sơn, Ấn Độ, mà không biết. Sau đó theo hướng dẫn, đã quy y, trở thành tỳ kheo, đến Rangun, Myanmar thiền định và gặp lại, mới biết đó là Đại Ca Diếp. Như vậy Đại Ca Diếp đã nhập định được hơn 2500 năm và đến nay vẫn còn sống. Ông ẩn thân trong tảng đá lớn nên không ai có thể thấy, chỉ trừ những người có nhân duyên ông muốn cho gặp. Thời gian chẳng có nghĩa lý gì.
Chính vì tương lai không phải là việc chưa xảy ra, nên những bậc kỳ nhân có thần thông hay công năng đặc dị, có thể thấy được tương lai, không phải là dự đoán mà là báo trước tương lai.
Trong lịch sử có không ít trường hợp biết trước tương lai. Năm 435, vị sư người Thiên Trúc là Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) đến Quảng Châu lập chùa Pháp Tánh và dự đoán sau này sẽ có một vị Bồ Tát đến đây thọ cụ túc giới. Năm 502, quả có vị sư cũng người Thiên Trúc đến chùa Pháp Tánh (sau đổi tên là chùa Quang Hiếu) mang theo một cây bồ đề để trồng, thọ cụ túc giới tại đây, đó là sư Trí Dược Tam Tạng, sau đó ông đến Tào Khê lập chùa Bảo Lâm và dự đoán 170 năm sau khi ông viên tịch, sẽ có một vị Đại Bồ Tát đến đây hoằng pháp. Quả thật, đến năm 677 Lục Tổ Huệ Năng đã đến trụ trì chùa này 37 năm, làm cho Thiền tông đại hưng thịnh.
Thời Chu Chiêu Vương cổ đại (995-977 Trước CN), xuất hiện thiên tượng lạ kỳ, có những tia sáng năm màu xoay vần trên sao Thái Vi. Đương thời quan thái sử Tô Do phụng tấu: “Nhất định sẽ có thánh nhân giáng sanh tại phương tây, nên mới xuất hiện điềm cảm ứng tốt lành trên trời như vậy. Một ngàn năm sau, giáo pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung Thổ”. Nghe như thế, Chu Chiêu Vương lập tức hạ lệnh khắc việc này trên đá, để làm bia truyền lâu dài về sau.
Đến thời Hán Minh Đế (28-75), trong niên hiệu Vĩnh Bình, vào một đêm nọ, vua mộng thấy một điềm lạ kỳ. Trong giấc mộng, ông thấy một vị thân vàng, cao hơn một trượng sáu, lưng phóng ánh sáng mặt trời mặt trăng, bay trên không trung, đến trước cung điện. Hôm sau, Hán Minh Đế hội tất cả quần thần để bàn đoán mộng đó, xem coi có ý nghĩa gì. Thái sử Phó Nghị bốc chiêm tinh rồi tấu trình: “Dựa vào bia của Chu Chiêu Vương, giấc mộng đêm hôm qua của Bệ Hạ, nếu tính theo thời gian, thì hiển nhiên có sự liên quan mật thiết. Hiện tại, Thần lại nghe rằng ở Tây Vực có Đức Phật. Bệ Hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là Đức Phật vậy”.
Như vậy, trước khi Đức Phật ra đời (năm 623 trước công nguyên) thì ở Trung Quốc, thời Chu Chiêu Vương, trước thời của Phật hơn 300 năm, có người đã đoán biết và dự đoán 1000 năm sau thì giáo pháp của bậc thánh nhân sẽ truyền đến Trung Hoa. Đạo Phật đã đến Trung Quốc vào thời Hán Minh Đế, do nhà vua sai một phái đoàn gồm 18 sứ giả, dẫn đầu là Đậu Cố, sang Tây Vực để tìm kiếm, trên đường đi, họ gặp hai nhà sư Thiên Trúc là Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapa-Matanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa), bèn thỉnh về Lạc Dương, xây chùa Bạch Mã (năm 68CN) cho hai ông trụ trì. Lúc đó là khoảng 1000 năm kể từ lúc Tô Do đưa ra dự đoán. Như vậy dự đoán của Tô Do quả là chính xác.
Khi Thích Ca Mâu Ni mới ra đời, đạo sĩ A Tư Đà (Asita) đã đoán biết hài nhi sau này sẽ xuất gia, tu hành, trở thành bậc Đại Giác Ngộ, tức là thành Phật, sẽ cứu độ cho chúng sinh nhưng ông cũng buồn cho mình là không kịp sống đến lúc Phật thành đạo. Các dự đoán của A Tư Đà đều chính xác.
Như vậy quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là tâm thức chứ không phải sự thật khách quan bên ngoài. Thời gian lâu hay mau chỉ là chủ quan, kể cả thời gian vật lý cũng là chủ quan gắn với một hệ qui chiếu. Một trong các danh hiệu của Phật là Như Lai, biểu thị rằng không có khứ lai, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Các danh hiệu Như Lai, A-Di-Đà đều biểu thị rằng không có không gian, không có thời gian, không có số lượng.
Con người chế tạo phi thuyền không gian định đi đến những hành tinh xa xôi, đó quả thật là vọng tưởng, bởi vì dù có đạt tới vận tốc gần bằng ánh sáng, cũng không thể đến được những hành tinh cách xa hàng tỉ quang niên, chỉ quanh quẩn trong thái dương hệ đã là khó. Cái vọng tưởng là cho rằng vũ trụ là có thật, không gian, thời gian và số lượng là có thật. Trong khi đối với Phật, Bồ Tát, vũ trụ là duy thức, do đó chỉ một niệm là đến, khoảng cách không-thời-gian 13,7 tỉ quang niên chỉ là ảo tưởng. Tất cả thông tin, tất cả năng lượng đều nằm trong A-lại-da thức, khi làm chủ được nó, vận dụng được nó, thì đó là chánh biến tri, vô lượng quang, vô lượng thọ. Chẳng có không gian, chẳng có thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai gì hết, số lượng cũng không. Lịch sử vũ trụ, lịch sử địa cầu, lịch sử loài người đều chỉ là vọng tưởng do vô minh kiến lập. Tam giới cũng đều là không. Thế nhưng Bồ Tát phải dựa trên cái tâm vọng tưởng của chúng sinh để tiếp cận. Bồ Tát phải hóa thân ra nhiều hình tướng đồng loại với chúng sinh để tiếp cận và giáo hóa, giải trừ vô vàn nỗi khổ tưởng tượng (thế lưu bố tưởng), tuy là tưởng tượng nhưng chúng sinh tưởng là thật nên cảm thấy khổ hoặc đôi lúc cảm thấy vui sướng, cũng đều là vọng tưởng.
Duy thức học Phật giáo nói rằng vũ trụ chỉ là tâm thức, điều đó có nghĩa vũ trụ vạn vật chỉ là thông tin. Bởi vì thức là thông tin, biết cái ký hiệu, cái ý nghĩa của sự thật nhưng không phải biết cái thật vì sự thật hay chân lý là bất nhị, bất khả tri. Ví dụ ta biết về thế giới là nắm được một phần nào đó thông tin về thế giới chứ không phải cái thế giới thật. Cái biết của con người là nắm được thông tin. Thông tin chỉ phản ánh một phần nào đó của sự thật, chứ không bao giờ phản ánh được toàn bộ sự thật. Câu chuyện người mù sờ voi trong Kinh Niết Bàn là hiển bày ý nghĩa đó, tức là tất cả chúng ta chỉ là những người mù sờ voi, bất kể ta là ai, nhà khoa học, nhà thông thái hay giáo chủ, lãnh tụ chính trị. Không phải chỉ có thông tin tĩnh như văn bản, ảnh tĩnh, thông tin còn có dạng động như âm thanh, video, các loại chương trình, các tập tin ứng dụng (application) các loại games. Không phải chỉ có thông tin bằng ánh sáng và sóng qua mắt và tai, cảm giác về hương thơm hoặc thúi, vị giác ngọt mặn đắng cay, xúc giác trơn nhám sướng đau v.v…cũng đều là thông tin. Trong đời thường, thông tin còn điều khiển cả thời-không 4 chiều, chẳng hạn thông tin di truyền điều khiển cả quá trình phát triển của một sinh vật từ cái trứng thụ tinh đến trưởng thành, ngay cả năng lượng cũng là thông tin. Các bậc giác ngộ không phải biết sự thật mà hòa nhập với nó, ngộ mình, cái tôi chính là a-lại-da thức, là tam giới, là tâm bất nhị, là tâm như hư không vô sở hữu, trống rỗng, không có gì cả, mà cũng là tất cả. Khoa học hiện nay chưa điều khiển nổi loại thông tin này, chỉ một số ít người có khả năng ngoại cảm hay công năng đặc dị, làm được chút ít.
Ngày nay nhà khoa học Craig Hogan cũng đưa ra luận chứng vũ trụ là số, tức vũ trụ chỉ là thông tin, đưa ra giả thuyết về tiếng ồn toàn ảnh, và một nhóm các nhà khoa học khác đã phát hiện được tiếng ồn toàn ảnh đó, xác định lập luận của ông là đúng. (xem bài “Vạn pháp duy thức có ý nghĩa gì ?”)
Kết luận: Thời gian chỉ là ảo tưởng, không có thật, vũ trụ vạn vật hay nói chung là các pháp chỉ là ảo, là duy thức, là số, không có sanh diệt, không có bắt đầu, không có kết thúc, tình trạng đó được Phật giáo diễn tả bằng thuật ngữ vô sanh pháp nhẫn.
Truyền Bình
http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201304/y-nghia-cua-thoi-gian-10515/
This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.