Hàng năm vào độ cuối thu, khi lá ngoài đường ở thành phố Melbourne rơi rụng nhiều, những hàng cây dọc theo các ngã đường các cành trơ trọi thì mùa Phật đản về. Các chùa ở Úc thường cử hành vào những cuối tuần trước và sau ngày rằm tháng tư. Đặc biệt ở thành phố Melbourne tiểu bang Victoria còn có một ngày lễ Vesak. Vesak là lễ hội đa văn hóa – ngày tam hiệp của 3 biến cố quan trọng: Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết Bàn. Lễ Vesak được công nhận bởi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 1999. Ngày quốc tế Vesak là ngày người ta đã ghi nhận sự đóng góp của Phật giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, đã hiện diện hơn hai thập kỷ thiên niên kỷ.
Lễ Vesak tại Melbourne được sự hỗ trợ rộng rãi với sự tài trợ của Ủy Ban Đa Văn Hóa Victoria, chính phủ Victoria, hội đồng hành phố Melbourne, và cộng đồng Phật giáo Victoria, bạn bè và những người ủng hộ. Đặc biệt chùa Quang Minh 10 năm qua đã đóng góp phần lớn tài và nhân lực cho ngày lễ hội nầy. Thầy trụ trì Thích Phước Tấn là một thành viên sáng lập và ban tổ chức của lễ Vesak này hàng năm. Mỗi năm trước ngày lễ nầy chùa Quang Minh tổ chức tiệc chay gây quỹ cho ban tổ chức. Các Phật tử chùa Quang Minh đã thức khuya dậy sớm để sửa soạn phẩm vật cúng dường quý tăng ni trong ngày nầy.
Đại lễ nầy được điều hợp với sự đa dạng và hài hòa giữa các nền văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống, hình thức, thực hành từ các quốc gia Bhutan, Miến Điện, Cam Bốt, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Karen, Khmer, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Đài Loan, Thái Lan, Tây Tạng , Sri Lanka, và các cộng đồng Phật giáo Việt Nam.
Trong dịp nầy cộng đồng Phật giáo Victoria tập trung để tưởng niệm Đức Phật Thích Ca và chúng tôi nhận thấy đúng là:
Liên hiệp quốc – một gia đình,
Tưởng niệm Từ Phụ, bóng hình Linh Sơn
Hai ngàn năm trăm năm hơn
Công lao hoằng hóa, nhớ ơn Phật Đà
Gia tài pháp bảo Thích Ca
Đệ tử gìn giữ món quà quý trân
Cùng nhau chia sẻ dần dần phát huy
Đạo mầu tinh tấn thực thi
Đẩy lui bóng tối, ngu si xa rời
Ánh quang tỏa rạng mọi nơi
Cuộc đời thoát khổ, sáng ngời đạo tâm.
Học theo cách sống thánh nhân
Xây đời an lạc dục trần lánh xa
Mau mau thoát cảnh Ta Bà
Không còn sanh tử, liên hoa tìm về
Đức Phật ra đời cách đây 2641 năm, tại Thánh địa Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ đại, Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhartha) xuất hiện với ánh hào quang chiếu soi rực rỡ, đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử loài người. Ngài đã đến cuộc đời từ tỉnh thức và thiền định, từ thể nhập chân lý và đại nguyện cứu khổ chúng sinh, Ngài đã trở thành bậc thầy của Trời, Người và soi sáng con đường giác ngộ cho nhân loại từ ngày xưa cho đến bây giờ.
Ngài thị hiện ở cõi đời này là vì một đại sự nhân duyên, đó là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Tri kiến Phật” nhằm mang lại hòa bình, an lạc cho con người, tạo lợi ích thiết thực đối với từng hành giả đã và đang nương theo giáo pháp của Ngài trên bước đường giải thoát và hoằng pháp lợi sinh. Từ đại sự nhân duyên này mà 2641 năm qua, bằng tỉnh thức và chính niệm, bằng chính kiến và chính tư duy, các thế hệ những người con Phật đều liên tục tiếp nối thừa hành giáo pháp của Ngài, biết xả ly tham ái, đoạn trừ vô minh phiền não nên đã đạt được sự bình an và luôn tận hưởng nguồn chân hạnh phúc.
Điều căn bản của trí tuệ theo tinh thần Phật dạy là chính niệm và tỉnh thức. Có chính niệm và tỉnh thức, người con Phật có thể sống theo thời duyên mà không bị nhấn chìm trong dòng chảy của sự thụ hưởng tầm thường, sự cám dỗ của tiền tài danh vọng, không hoảng sợ trước sự mất mát, không xu nịnh để mưu cầu lợi lộc ích kỷ… Chính niệm là cốt lõi của nền tảng đạo đức Phật giáo. Bởi thế nên dù đã ra đời hơn 26 thế kỷ, nhưng tinh thần nhân văn và nhân bản của Phật giáo vẫn luôn phù hợp với mọi thời đại cũng như các nền văn hóa trên thế giới.
Mùa lễ Vesak người con Phật trên khắp mọi nơi lại được diễm phúc tắm mình trong ánh hào quang trí tuệ và suối nguồn từ bi vô lượng vô biên của đức Phật. Điều này cho thấy, nguồn sáng tuệ giác của đức Phật vẫn mãi mãi hiện hữu, trường tồn trong đời sống thế gian, bức thông điệp về tình thương và hòa bình, về trí tuệ và tỉnh thức, cách đây hơn 26 thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên chân giá trị.
Như thường lệ năm nay 2017 từ sáng sớm những Phật tử Lào, Cam Bốt, Tích Lan, Ấn Độ v v mang những thực phẩm đem đến nhà bếp của nhà thờ St Peters chuẩn bị cúng dường quý tăng ni. Đến 10 giờ sáng là các Phật tử cũng bắt đầu sớt cơm vào bát của chư tôn đức tăng ni. Quý tăng ni thọ thực trước 12 giờ trưa. Tiếp theo là diễn hành từ khu vườn của Quốc Hội góc đường Albert và Nicholson đến tòa thị sảnh Melbourne tại góc đường Collins và Swanton. Quý Tăng Ni dẫn đầu tiếp theo là Phật tử từ các tự viện cúa tiểu bang Victoria.
Trong toà thị sảnh rộng lớn, tôn tượng của Bổn Sư chói sáng ngay giữa địa điểm hành lễ. Trong buỗi lễ nầy chư tôn đại đức tăng ni chia sẻ và đọc tụng kinh Yêu Thương (Metta Sutta) bằng tiếng Anh và Pali. Kinh Metta Sutta được Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh dịch từ tạng Pali, trong bộ Sutta Nipata, phần I. Kinh này dạy phương pháp nuôi dưỡng lòng từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất, câu kinh sáng ngời ấy đã được trích ở kinh này.
Kinh thương yêu
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.
Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm: “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.“
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.
Metta Sutta
This is what should be done By one who is skilled in goodness, And who knows the path of peace: Let them be able and upright, Straightforward and gentle in speech, Humble and not conceited, Contented and easily satisfied, Unburdened with duties and frugal in their ways. Peaceful and calm and wise and skillful, Not proud or demanding in nature. Let them not do the slightest thing That the wise would later reprove. Wishing: In gladness and in safety, May all beings be at ease. Whatever living beings there may be; Whether they are weak or strong, omitting none, The great or the mighty, medium, short or small, The seen and the unseen, Those living near and far away, Those born and to-be-born — May all beings be at ease! Let none deceive another, Or despise any being in any state. Let none through anger or ill-will Wish harm upon another. Even as a mother protects with her life Her child, her only child, So with a boundless heart Should one cherish all living beings; Radiating kindness over the entire world: Spreading upwards to the skies, And downwards to the depths; Outwards and unbounded, Freed from hatred and ill-will. Whether standing or walking, seated or lying down Free from drowsiness, One should sustain this recollection. This is said to be the sublime abiding. By not holding to fixed views, The pure-hearted one, having clarity of vision, Being freed from all sense desires, Is not born again into this world.
Trong lúc tham dự lễ bật chợt tôi chợt nghĩ đến thân phận mình bao đời chìm nổi như bài thơ tứ tuyệt Pháp sư Huyền Trang như sau:
Phật tại thế thời ngã trầm luân,
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não thứ thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân.
Tôi xin tạm diễn Nôm:
Con nổi chìm, Phật trụ thế gian,
Nay được thân người Phật diệt độ
Nhiều nghiệp chướng nên phải lầm than
Không thấy Như Lai thân sắc vàng
Đến 4 giờ chiều thì buổi lễ hoàn mãn nhưng vẫn còn nhiều Phật tử đến những phòng triển lãm để chiêm ngưỡng xá lợi. Tôi bước ra ngoài đường Swanton dòng người đi dọc về xuôi rất đông đảo. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng chuông của xe tram lẻng kẻng đưa tôi về thực tại. Melbourne đang chuyển mùa thu sang đông, bóng tối bao trùm đến thành phố rất nhanh. Phố lên đang lên đèn. Trên đường đi xe lửa về nhà tôi thầm đọc lại bài thơ tôi viết hôm nào trong khi tham dự lễ Phật đản vừa qua tại chùa Quang Minh:
Bạch Thế Tôn muôn lời ca ngợi
Cũng bằng thừa lá giữa rừng cây
Rằm tháng tư giá lạnh nơi đây
Con quỳ lạy hướng về Rừng Trúc
Hội Linh Sơn vừa tan giây phút
Ở Úc Châu trì tụng Pháp Hoa
Pháp âm hoà chuông mõ ngân nga
Trăng tỏ rạng, nhớ Thầy muôn thuở . . .
Minh Quang