Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Giảng Giải

DO BI TÂM BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM THÀNH TỰU 14 ĐỨC VÔ ÚY

– Bạch Thế Tôn! Do vô tác diệu lực VĂN HUÂN VĂN TU Kim Cang tam muội cho nên tôi và tất cả lục đạo chúng sinh trong mười phương ba đời cùng có một bi tâm hướng thượng cho nên tôi và tất cả chúng sinh thành tựu được 14 thứ công đức vô úy :

Khi hành giả quán đến chỗ Vô tác diệu lực nghĩa là lắng nghe âm thanh, tiếng lòng thanh tịnh của mình đến trình độ không cần loại bỏ những tâm niệm xấu ác nữa mà tự nó đã xóa sạch hết những điều xấu ác, bất thiện. Lúc đầu trong tâm còn có sự phân biệt thiện ác nên hành giả loại bỏ những ý niệm ác và chỉ giữ lại những tâm niệm lành. Mà còn loại cái này lấy cái kia tức là còn dụng công, tác ý. Bây giờ hành giả thường tu tập, thường quán niệm thì trong tâm phần ác niệm biến mất cho nên cũng lắng nghe tiếng lòng mầu nhiệm của mình nhưng nó trở thành rất thanh tịnh. Hành giả không còn quan tâm loại bỏ những tư tưởng thuộc về “ý ác, nói ác, làm ác” và cũng không còn nắm giữ những “ý thiện, nói thiện, làm thiện” nữa mà tự nó trong sáng thanh tịnh tức là đã thiện rồi. Khi đạt đến trình độ này thì gọi là Vô tác diệu lực. Thí dụ, em bé vừa mới học đi nên sợ té cho nên tay nắm bên này bên kia, rất cực khổ. Đến khi biết đi thì cứ thong dong tiến bước mà không lo nghĩ té ngã chi hết thì đây là vô tác diệu lực. Người tu cũng thế. Khi tâm còn phân biệt thiện ác nên lúc nào cũng canh phòng cẩn mật, cố làm việc thiện, lánh xa việc dữ nên cuộc sống rất khó khăn, không tự tại. Bây giờ nếu tâm đã sáng suốt thanh tịnh thì tất cả đều thiện tức là có tư tưởng lành, lời nói thiện, hành động tốt mà không cần đề phòng cẩn mật chi hết.

Vô tác diệu lực Văn huân Văn tu là nghe âm thanh của nội tâm mình rồi tư duy và quán niệm. Cho nên tam muội của Bồ Tát chính là Nghiệp dụng của chúng sinh và bi ngưỡng của chúng sinh chính là bi ngưỡng của Bồ Tát. Vì thế mà Bồ Tát có thể khiến cho tất cả chúng sinh có được 14 món công đức vô úy để chúng sinh xa lìa những khổ nạn mà không cần tác ý gì cả.

1) Tôi không quán âm thanh đối tượng mà tôi quán cái tâm năng quán của mình, khiến cho chúng sinh khổ não trong mười phương quán âm thanh như vậy thì được giải thoát.

Quán âm thanh đối tượng bên ngoài thì âm thanh này không phải là diệu âm. Chỉ có âm thanh phát xuất từ tấm lòng của chính mình thì mới là diệu âm. Diệu âm tức là Quán Thế Âm, là Hải Triều Âm là tiếng Pháp tự nói trong lòng của mình. Chúng sinh tự nghe rồi huân tập mà tu lấy để sửa lại cho tâm được thanh tịnh. Tránh điều ác nghĩ điều lành cho đến khi không còn tránh ác phục thiện thì đạt được vô tác diệu lực tức là tự nó có thanh tịnh nghĩa là có giải thoát. Ngày nay có rất nhiều người nghĩ rằng bây giờ cố gắng tu hành để kiếp sau được vãng sanh sang thế giới này hay thế giới nọ. Thật ra vãng sanh là chuyển sang đời sống không còn bị khổ đau quấy phá tức là có được an lạc. Thí dụ hiện tại mình đang bị tham đắm dục tình hành hạ làm cho ưu bi phiền não luôn dấy khởi. Bây giờ hiểu đạo, không chạy theo tham sân si thì phiền não tiêu trừ, thân tâm được an ổn nghĩa là mình đã chuyển sang một cuộc sống tốt hơn, nhẹ nhàng thanh tịnh hơn tức là mình đã được vãng sanh rồi. Kiếp này mình có an lạc thì chắc chắn kiếp sau cũng tiếp tục có an lạc. Còn kiếp này sống trong điên đảo, mê lầm chấp trước thì làm sao kiếp sao có được an lạc? Nhân không tốt thì quả làm sao lành được? Do đó con người ngay bây giờ phải tạo điều kiện cho mình được vãng sanh cực lạc ngay trong cái thế giới có ăn, có ngủ, có đứng, có ngồi này chớ đừng mơ tưởng ảo huyền trông chờ mong đợi vào cõi nào mà không chịu lo tu sửa.

2.Tôi xoay tri kiến của mình soi rọi nội tâm, khiến chúng sinh dù vào trong lửa mà lửa không đốt cháy.

Xoay tri kiến của mình soi rọi nội tâm có nghĩa là lắng nghe tiếng lòng thanh tịnh mầu nhiệm của mình. Khi đã nghe được tiếng nói thanh tịnh của lòng mình thì những vẩn đục như tham, sân, si biến mất do đó lửa dâm, lửa sân, lửa tham đắm si mê, lửa hận thù không thể nào đốt cháy được. Con người hằng ngày vì chạy theo tham đắm dục tình, làm nô lệ cho tư kỷ cá nhân nên mới bị lửa vô minh đốt cháy. Ngược lại người có tâm thanh tịnh tức là họ đang sống với tánh giác hằng sáng của họ thì lửa vô minh bị dập tắt và lửa tham, lửa sân, lửa si cũng tiêu tan, biến mất. Cho nên họ có vào trong lửa mà không bị đốt cháy nghĩa là tuy sống trong chốn bụi trần mà không hề bị đắm nhiễm. Vì thế người nào đang giận hờn ai, nghĩa là lửa sân đang âm ỉ tự đốt cháy lòng mình. Thấy nhà đẹp cao sang, xe bóng lộn mắc tiền liền khởi tâm tham đắm tức là lửa tham đang bừng cháy trong tâm của ta rồi. Thế gian là giả tạm mà thấy cái gì cũng mê cũng thích cũng muốn chiếm hữu tức là lửa si đang bừng cháy trong lòng của ta đó. Kinh điển Đại thừa dạy về Lý Tánh cho nên đừng hiểu cạn cợt về Sự Tướng mà áp dụng sai lầm cho nên nếu thấy nhà đang cháy, tiếc của nên niệm Quán Thế Âm rồi chạy vào trong đó thì chắc chắn quý vị sẽ cháy thành tro. Vì vậy người đệ tử Phật phải sáng suốt biết rằng “lửa” trong kinh là ám chỉ cho “lửa lòng” tức là lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa vô minh, lửa phiền não chớ không phải lửa lò, lửa than, lửa nhà cháy.

3.Tôi quán tánh nghe xoay vào nội tâm, khiến chúng sinh dù có bị nước to cuốn đi mà không hề bị chìm đắm.

Nếu biết xoay tánh nghe vào nội tâm để lắng nghe tiếng nói thanh tịnh của tâm mình tức là mình làm chủ được mình thì những chướng ngại như nước ái, nước nhẹ dạ yếu lòng, nước yêu thương mù quáng làm sao cuốn ta theo được. Nói cách khác con người biết tự chủ tức là sống với trí tuệ hằng sáng của mình thì có thể san bằng tất cả mọi chướng ngại. Ngược lại nếu sống theo tình cảm yếu đuối thì bị dòng nước thế gian cuốn đi, chìm đắm trong biển ái sông mê. Do đó Phật pháp giúp chúng sinh hóa giải dần dần những mê chấp, xa lìa tình cảm chủ quan yếu đuối sai lầm mà bồi dưỡng và sống với trí tuệ khách quan. Cuộc đổi đời năm 1975 lúc làn sóng người tỵ nạn Việt Nam trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhấp nhô lênh đênh bồng bềnh trên mặt biển và có những câu chuyện nói về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra để cứu vớt một vài chiếc thuyền khỏi bị đắm chìm. Đây quả thật là chuyện nhiệm mầu làm tăng trưởng niềm tin nơi Phật pháp. Bởi vì Quán Thế Âm là biểu tượng cho lòng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh và cái Tâm đại từ đại bi của Bồ Tát thật ra không hề có phân biệt, rất bình đẳng. Vì thế khi có chúng sinh gặp nạn thì Ngài phải cứu cho dù người đó có niệm danh hiệu Ngài hay không. Thế thì tại sao có hàng ngàn chiếc tàu đánh cá gặp nạn trên biển Thái Bình Dương mà Bồ Tát chỉ cứu một vài chiếc và để cho biết bao chiếc tàu khác chìm sâu dưới lòng đại dương? Nếu niệm Đức Quán Thế Âm để được độ thì Ngài phải độ cho tất cả những chiếc thuyền và đưa họ vào bờ bình an, không để cho một chiếc nào bị sóng đánh tan cả. Nhưng trên thực tế vô số chiếc tàu niệm Quán Thế Âm mà vẫn bị chết chìm. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì có trên 50% người vượt biên bằng đường biển không đến được bờ tự do. Vậy không lẽ Bồ Tát lại thương người này bỏ người kia? Quán Thế Âm là vị Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật mà lại có tâm phân biệt hay sao? Lời Phật dạy là chân lý, không bao giờ sai cả chỉ vì chúng sinh hiểu không thấu đáo chỉ nhìn theo tướng trạng bên ngoài mà áp dụng sai lầm nên dễ rơi vào mê tín di đoan trái với luật nhân quả khách quan của nhà Phật. Tin tưởng sai lầm còn tệ hại hơn là không tin tưởng gì hết.

Quán Thế Âm là phương pháp quán niệm để tu mà có giải thoát giác ngộ chớ không phải Quán Thế Âm là người đi làm công tác từ thiện nên không có việc thương người này bỏ người kia. Vì thế chúng sinh tuy có niệm Quán Thế Âm mà không chịu soi chiếu để lắng nghe tiếng nói thanh tịnh của tâm mình thì những tâm niệm kia chỉ là biểu tượng của lòng mong cầu tức là tâm vẫn còn tham thì không có kết quả chi hết. Nói cách khác khi nói niệm Đức Quán Thế Âm phải được hiểu là xoay cái nghe từ bên ngoài mà hướng về tánh nghe vốn thanh tịnh trong sáng sẵn có của mình thì tất cả những phiền não, khổ đau sẽ tan biến. Do đó nếu thật sự Ngài Quán Thế Âm có độ thì hễ chúng sinh cần độ thì Ngài độ ngay, thậm chí cả những người không niệm, Ngài vẫn độ, tức là Ngài không để cho chiếc thuyền nào bị đắm chìm cả. Không lẽ Bồ Tát thấy hàng trăm, hàng vạn người sắp chết mà không cứu? Vậy lúc những người sắp chết đuối Bồ Tát ở đâu? Đức Quán Thế Âm có thiên thủ thiên nhãn thì không lẽ Ngài không nghe được những lời cầu cứu ưu bi đó hay sao? Đến đây có người thắc mắc rằng rõ ràng có những chiếc thuyền được cứu thì Ngài không độ là gì? Đức Phật Thích Ca không phải là đấng thần linh cho nên chữ “độ” trong đạo Phật phải được hiểu là những phương pháp tu hành rốt ráo để giúp chúng sinh thoát khỏi khổ ách, có giải thoát giác ngộ, có thanh tịnh Niết bàn. Vì thế pháp tu phản văn văn tự tánh của Ngài Quán Thế Âm cũng thế, không sai khác. Đạo Phật không dạy chúng sinh tin vào độ mà chỉ dạy chúng sinh tin sâu vào nhân quả. Tất cả những khổ vui, sống chết trong đời này của mình là những kết quả mà chính mình đã tác tạo trong những đời quá khứ. Nếu ngày xưa mình ra tay cứu giúp người gặp hoạn nạn thì khi mình đối diện với tai họa thě có kẻ khác giúp trả lại cho nęn khi thuyền měnh lęnh đênh sắp chìm thì nhân duyên quả báo xui khiến gặp những thuyền lớn cứu vớt cho. Mình bố thí thì mai sau được giàu sang. Mình lo lắng, chăm sóc người già, bệnh tật thì mai sau mình sống khỏe, sống lâu. Mình thương người thì được người yêu, người mến. Ngược lại nếu hại người thì bị người hại lại. Chửi người thì bị người mắng nhiếc lại. Giết người thì kiếp này hay kiếp sau bị người sát hại lại. Tuy con người có quan niệm khác nhau về sự thưởng phạt của thiện ác, nhưng Luật Nghiệp Báo thì lúc nào cũng đại diện cho sự công bình tuyệt đối vì đó là sự thưởng phạt công minh, chắc chắn và hợp lý.

Nói tóm lại, Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa và Chương Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông trong kinh Lăng Nghiêm này đã có biết bao nhiêu người hiểu một cách sai lầm, làm cho Đức Quán Thế Âm trở thành một đấng siêu hình thiêng liêng thậm chí làm những công tác từ thiện nhỏ mọn mà một vị Đẳng giác Bồ Tát sắp thành Phật như Ngài không bao giờ làm những việc như vậy.

4.Tôi đoạn diệt hết vọng tưởng, không còn tâm sát hại, khiến chúng sinh dù phải vào trong cõi nước của quỷ, quỷ cũng không hại được.

Niệm Quán Thế Âm nghĩa là lắng nghe tiếng nói đạo đức, thuần lương của lòng mình thì tâm sát hại không còn cho nên họ có vào trong cõi nước của quỷ sát, quỷ đạo, quỷ dâm, quỷ vọng thì những loài quỷ kia cũng không sát hại họ được. Nói cách khác, khi đã đoạn hết ác tâm thì những nguyên nhân của sát, đạo, dâm, vọng cũng biến theo, không dấy khởi nên con người sống rất thanh tịnh, nhẹ nhàng. Quỷ ở đây là quỷ ở trong tâm nên mới đáng sợ bởi vì nó khiến con người hút máu, giết người, làm điều dâm dục, trộm cướp, nói lời gươm đao, thấy ác làm ác chẳng những nó giết đời này của ta mà còn giết biết bao nhiêu đời nữa.

Khi nói về cõi nước của quỷ và địa ngục A tỳ thì phải nói đến kinh Địa Tạng. Thông thường, chúng sinh thường tin có một vị Bồ Tát tên Địa Tạng tay phải cầm cây tích trượng, tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục lấy tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu Ngài. Vì thế Ngài là giáo chủ cõi u minh địa ngục. Người học Phật có nên tin tưởng một cách quá thực thà như thế không? Vậy ý nghĩa của kinh là gì?

Kinh Địa Tạng là viết tắt của “U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát”. Bổn là bản tâm (bổn tâm) của chúng sinh. Tôn là tôn quý. Địa là tâm địa và Tạng là Như Lai Tạng. Vì thế chỉ có bản tâm mới là cao quý nhất, nó là kho Như Lai Tạng tâm địa và chỉ có bản tâm (chơn tâm) mới làm chủ được cõi u minh tăm tối tức là làm chủ được cõi địa ngục tham-sân-si của chính mình. Con người vì chạy theo sắc tài danh lợi, tham đắm dục tình, bị tham-sân-si sai sử nên tự đày mình vào cõi địa ngục tham-sân-si mà chịu cảnh khổ. Vậy làm sao đập phá được địa ngục tham-sân-si? Chỉ có bản tâm thanh tịnh tức là chơn tâm, Phật tánh của chính mình mới hóa giải, đập phá được cái địa ngục u ám này. Nhưng con người vì bị màn vô minh dày che lấp nên luôn tìm tâm (Phật) ở bên ngoài nên cả đời vẫn đeo mang cái khổ cho nên cái tôn quý nhất, quan trọng nhất là phải quay về (đáo bỉ ngạn) để nhận ra Bổn Tôn Địa Tạng tức là tự tánh Như Lai Tạng nghĩa là cái chơn tâm, Phật tánh sáng suốt thường có trong ta thì chính mình mới có thể đập phá được địa ngục tham-sân-si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Địa Tạng Bồ Tát tay mặt cầm cây tích trượng có bốn cái vòng và mười hai cái khuy là biểu tượng cho Chân lý Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Tích trượng là ám chỉ cho ý chí kiên cường, đại hùng đại lực để đập phá mở tung cánh cửa u minh hắc ám của tự tâm. Còn hạt minh châu lóng lánh tức là hòn ngọc như ý tượng trưng cho bản tâm thanh tịnh và một khi chúng sinh sống với chơn tâm của mình thì ánh sáng trí tuệ trong tự tâm bừng sáng soi chiếu khắp cùng. Vì vậy nếu chúng sinh dựa theo Chân lý Tứ Diệu Đế hay Thập Nhị Nhân Duyên để tu thì sẽ có tâm thanh tịnh và chính cái bản tâm diệu giác này sẽ giúp con người đủ sức đập tan địa ngục tham-sân-si trong tâm của mình mà có thanh tịnh giải thoát giác ngộ.

Kinh điển Phật giáo Đại thừa là quyền giáo (phương tiện, ẩn dụ) chớ không phải là thật giáo cho nên người đệ tử Phật đừng chấp vào lời kinh mà phải dùng lý để hiểu. Đó là “văn dĩ tải đạo” tức là “được ý quên lời” nghĩa là chỉ nương theo ngón tay mà thấy mặt trăng chớ đừng chấp ngón tay là mặt trăng thì mới cảm nhận được lẽ huyền diệu của kinh mà không rơi vào tà kiến. Thí dụ là người đệ tử Phật, chúng sinh tắm mình trong ánh hào quang của Phật. Hào quang ở đây phải được hiểu chính là trí tuệ Phật tâm, Phật tánh sẵn có trong tất cả mọi người.

Tâm chúng sinh và chư Phật cùng đồng một bản thể Phật tánh như nhau, không sai khác cho nên Địa Tạng tức là bản tâm của chính mình thì cái tâm này bình đẳng với Phật, Bồ Tát vì thế nếu ngộ được chơn tâm của chính mình thì chư Phật mười phương kính ngưỡng là như vậy.

Tóm lại trên thế gian này dựa theo tinh phần Phật giáo, không có cõi địa ngục thật và dĩ nhiên không có vị nào là Địa Tạng Bồ Tát cả. Địa ngục là biểu tượng của tham-sân-si phiền não, là sự tối tăm ám chướng mê muội trong tâm thức của mỗi chúng sinh. Đó chính là địa ngục tự tâm. Còn Địa Tạng Bồ Tát chính là bản tâm thanh tịnh tức là chơn tâm, Phật tánh thiêng liêng huyền diệu vốn có sẵn trong tâm của tất cả mọi người. Vì thế Phật đưa ra phương tiện Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên để giúp chúng sinh nương theo đó mà thấy được chơn tâm của chính mình thì tự mình đập phá được cửa địa ngục, giải thoát ra khỏi cảnh u ám tham-sân-si mà sống trong thanh nhàn, an vui tự tại Niết bàn.

Tóm lại, người đệ tử Phật đừng hiểu kinh điển Đại thừa một cách thật thà mà chấp có một Bồ Tát thật, một cõi địa ngục thật nên một lòng cầu Bồ Tát, Phật và chờ đến lúc chết sẽ có các Ngài đến cứu thì cũng như chấp ngón tay là mặt trăng rồi tin tưởng mù quáng vào tha lực mà đi ngược lại với giáo lý nhân quả. Không có việc “một người ăn mà người khác được no” mà phải là “ai ăn người nấy no, ai uống người đó hết khác”.

Vì niềm tin dân gian nên đến đây có người vẫn còn tin rằng chắc có địa ngục thật hay có một vị Bồ Tát thật tên là Địa Tạng, chúng tôi trích đăng nguyên văn lời giới thiệu của thầy Viên Pháp về kinh Địa Tạng Mật Nghĩa do Cụ Chánh Trí Mai Trọ Truyền thuyết giảng tại chùa Xá Lợi năm 1957 để quý vị tư duy thẩm chiếu. Quý Phật tử có thể đọc toàn bộ kinh Địa Tạng Mật Nghĩa này trong trang nhà: www.thuvienhoasen.org vào phần kinh điển giảng giải.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.