Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Giảng Giải

5.Tôi huân tập cái tánh nghe, nghe vào tự tánh. Tánh thấy, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, biết cũng vậy, khiến chúng sinh đang khi bị hại dao mác, vũ khí gãy rơi từng khúc chẳng xúc phạm.

Nghe vào tự tánh tức là năng quán nghĩa là nghe tất cả những việc thiện ác, soi chiếu tự tâm của mình để thấy rõ, không còn bị mê lầm vọng chấp. Khi tâm đã thanh tịnh thì tất cả những thứ như nói lưỡi hai chiều, nói lời độc ác, nói thêu dệt, nói gian dối, lòng buồn, lòng giận cũng không còn vì thế dao hai lưỡi, dao ưu sầu, dao tâm làm sao sát hại mình được. Tánh thấy, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, tánh biết cũng vậy thì nghĩ ác, nói ác, làm ác cũng không còn. Khi không còn ác tâm nghĩa là nguyên nhân của đấu tranh không còn thì không lo sợ gì có sự tranh chấp, giết hại.

6.Tánh nghe, tôi huân tập đến độ tinh thuần, sáng suốt trùm khắp pháp giới. Tất cả những gì đen tối không tồn tại được, khiến cho chúng sinh dù ở gần bên với ác quỷ: Dược xoa, cưu bàn trà, tỳ xá xà, phú đơn na…mà chúng không nhìn thấy.

Khi quán chiếu lòng mình thì có được tâm thanh tịnh, an lạc, trong sáng do đó những thứ âm u hắc ám như quỷ thô bạo, quỷ bất nghĩa, quỷ vô thường làm sao hại mình được.

7.Tánh năng văn tôi quán xoay vào, thanh trần đối tượng tiêu vọng, khiến chúng sinh tránh xa tất cả gông cùm xiềng xích không vương chạm đến thân.

Khi xoay tánh nghe vào trong để lắng nghe tiếng nói thanh tịnh của lòng mình thì những âm thanh bên ngoài đâu còn lọt vào tâm của ta. Khi tu thiền định thì họ cắt đứt những đối tượng nghe bên ngoài. Do đó khi tu thiền định, hành giả nên tìm nơi thanh vắng yên tịnh thì dễ xoay tâm vào bên trong mà không bị sở văn chi phối. Con người có sống trong phiền não khổ đau cũng chỉ vì bị đối tượng sở văn lôi cuốn. Nghe một bài ca hay, một tiếng đàn lưu loát, tiếng nói dịu dàng, lời khen êm ái hay tiếng chửi xót xa…tất cả đều là đối tượng sở văn cả. Càng chạy theo tiếng nghe bên ngoài thì tâm càng vọng động, không làm chủ được bản tâm của mình nên dễ rơi vào vô minh phiền não mà phải gánh chịu bao nỗi ưu bi buồn phiền. Ngược lại biết xoay tánh nghe vào trong thì bít hẳn sở văn nên con người sống trong an nhiên tự tại thì gông cùm xiềng xích làm sao đụng đến ta được.

8.Tôi diệt âm thanh đối tượng, tánh nghe viên mãn sanh sức từ cùng khắp, khiến chúng sinh đi qua đường hiểm mà giặc cướp không thể cướp được (giặc phiền não có 6 tên túc trực phục kích ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).

Đối tượng âm thanh là những tiếng nói ngọt ngào, tiếng thi phi phải quấy, lời chửi rủa đắng cay…Nếu con người đem những đối tượng âm thanh này vào tâm thì dĩ nhiên vô minh phiền não cũng vì thế mà phát sinh. Nên nhớ sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm, nhưng giặc vô minh phiền não lúc nào cũng núp dưới sáu căn để chụp lấy cơ hội mà hành hạ con người. Thí dụ lỗ tai thì thanh tịnh, không có chi là xấu xa tội lỗi cả, nhưng tai vừa mới nghe tiếng khen thì tâm liền phân biệt mà bám víu vào tiếng khen giả tạo này khiến con người sống trong điên đảo, mộng tưởng ảo huyền, Ngược lại nghe ai chê thì tâm bực bội, buồn phiền ray rức. Bây giờ nếu diệt được âm thanh đối tượng nghĩa là đóng kín thanh trần, không còn nghe tiếng nghe bên ngoài mà xoay tánh nghe vào nội tâm để nghe tiếng lòng thanh tịnh tức là diệu âm thì giặc phiền não làm sao đánh phá ta được cũng như đi qua đường nguy hiểm mà giặc cướp chẳng hại được mình. Nói cách khác cuộc đời nhiều phiền não rối tăm, trăm điều bực bội nhưng nếu bây giờ con người lắng nghe tiếng lòng thanh tịnh mầu nhiệm của mình để bỏ đi những đối tượng phiền não giả tạo bên ngoài thì chính mình vượt qua được mọi hiểm trở và giặc cướp phiền não không cướp được công đức lành của mình. Chúng sinh đừng nên hiểu lầm đoạn kinh trên rằng mình mang trong người nhiều vàng bạc quý giá, đi qua đoạn đường hiểm trở nên lo sợ niệm Đức Quán Thế Âm thì Ngài phù hộ không cho giặc cướp đoạt vàng bạc nữ trang. Trong thập niên 70, 80 có rất nhiều chiếc thuyền tỵ nạn của người Việt Nam đi theo hướng Thái Lan đã bị bọn hải tặc cướp bóc, giết người và hãm hại đàn bà con gái gây ra biết bao cảnh tang tóc đau thương. Khi gặp cảnh oan trái dĩ nhiên có biết bao người niệm Đức Quán Thế Âm thế thì tại sao bọn hải tặc vẫn cướp của hại người mà Ngài không cứu? Do đó giặc cướp ở đây là giặc phiền não để cướp đi những công đức của mình bởi vì có thanh tịnh mới tạo được công đức ngược lại chạy theo phiền não là sống trong điên đảo tức là tạo nghiệp để phải chịu quả khổ luân hồi. Vì vậy làm chủ được sáu căn thì phá được giặc phiền não, hóa giải được tham sân si và cuộc sống dĩ nhiên sẽ được thanh tịnh, an vui và tự tại.

9.Do tôi huân tập tánh nghe được thanh tịnh, tách khỏi trần tướng. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không cám dỗ được, khiến cho những chúng sinh đa dâm xa lìa được lòng tham dục nặng nề.

Huân tập tánh nghe được thanh tịnh nghĩa là biết phản văn văn tự tánh để chỉ nghe tiếng nói thanh tịnh của lòng mình. Đến đây thì thanh trần vẫn còn đó, nhưng không hề nghe biết nữa. Nói rộng ra chẳng những không còn nghe biết âm thanh bên ngoài mà ngay cả sắc, hương, vị, xúc, pháp cũng biến mất trong tâm của ta. Nói cách khác khi tâm không còn duyên với ngoại trần thì tất cả những gì thuộc về ngoại trần như nhà cao cửa rộng, hương vị thơm tho, mùi vị béo bở, cảm giác êm đềm, ý niệm nọ kia đều tan biến trong tâm của mình. Do đó, cho dù thế gian vũ trụ vẫn còn sờ sờ ra đó, nhưng đối với người biết huân tập tánh nghe thì thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe, ngửi mà như chẳng ngửi thứ gì nên lòng không tham đắm, si mê. Thí dụ mắt thấy người đẹp mà tâm không thấy thì người nào cũng như vậy nên lòng tham dục không khởi, tâm được thanh tịnh.

10.Tôi chỉ lưu lại thuần một viên âm thanh tịnh, không còn đối tượng thanh trần, căn cảnh viên dung, dứt đối đãi năng văn sở văn khiến chúng sinh xa lìa được tham sân si phẩn nhuế.

Hằng ngày trong cuộc sống, chúng sinh luôn đối diện với năng văn sở văn khiến tâm phân biệt chạy tới chạy lui và vọng tưởng cũng vì thế mà sinh khởi làm cho cuộc sống bất toại ý. Bây giờ biết xoay cái nghe vào trong thì tiếng nghe bên ngoài biến mất nghĩa là nghe thì cái gì cũng nghe mà như không nghe cái gì hết. Âm thanh trần tướng không lọt vào nội tâm thì vọng động không còn. Đến đây trong tâm chỉ còn lại một âm thanh huyền diệu thanh tịnh tức là diệu âm. Tâm thanh tịnh thì những nhiễm ô tham, sân, si biến mất. Ngày xưa Đức Phật và các vị A la hán ở những nơi rất yên tĩnh để thiền định cho nên các Ngài không phải đối diện với những đối tượng trần lao là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi được minh tâm kiến tánh, giải thoát giác ngộ các Ngài mới vào đời cứu độ chúng sinh mà không còn bị những chướng ngại trần duyên quyến rũ. Nên nhớ khi đã thành Thánh thì không bao giờ trở lại làm chúng sinh trừ khi họ phát nguyện tái sinh để độ đời. Nói chung, pháp tu thiền định này nói thì dễ, nhưng rất khó thực hành bởi vì người Phật tử tại gia thì còn bận bịu gia đình, vướng nhiều thế tục, còn người xuất gia thì Phật sự đa đoan nên khó dứt được năng văn sở văn. Phật sự tới đâu thì phiền não theo tới đó nên cả đời những vị xuất gia tuy mang tiếng tu hành mà tranh chấp, hơn thua không xã bỏ, viễn ly được. Nào là cảnh chùa to, Phật lớn, nào thiện nam tín nữ ồn ào náo nhiệt, cầu nguyện van vái nên vọng tưởng chấp trước cũng vì thế mà phát sinh. Vì vậy ngày nay người tu thì nhiều mà người có an lạc giải thoát thì rất ít.

11.Tiêu diệt thanh trần đối tượng tôi xoay cái nghe về tánh bản minh, thân tâm cảnh giới trong sáng như lưu ly, chẳng vương chút trần ai vọng chấp, khiến chúng sinh xiển đề mê tối xa lìa câm điếc tối tăm.

Thế nào là câm điếc tối tăm? Con người hằng ngày nói rất nhiều và nghe cũng lắm, nhưng thật ra cái nghe, thấy, biết này chỉ nằm trong vòng lẩn quẩn của vô minh phiền não, của sự phân biệt đối đãi, của hơn thua phải quấy lợi mình hại người. Do đó nói mà không đúng với sự thật, không hợp với chân lý thì lời nói kia chẳng có giá trị gì, đâu khác chi người câm. Còn tai chỉ muốn nghe lời ngọt diệu êm đềm, thị phi hoặc khi nghe lời mắng chửi thì khó chịu, bực mình. Nhưng trên đời hễ trung ngôn thì nghịch nhĩ, lời thật thường mất lòng tức là thuốc đắng mới đả tật. Vì vậy người không nghe nổi chân lý, không nghe được lời dạy của Thánh hiền thì tuy có tai mà khác chi là người điếc. Thêm nữa, chân lý là sự thật vĩnh hằng, là ngọn đuốc tuệ soi sáng tâm chúng sinh cho nên nếu không nhận biết được chân lý thì tuy là ánh sáng mặt trời vẫn chiếu sáng, nhưng người đó có khác gì người đi trong tăm tối. Trong kinh Pháp Hoa có đoạn nói rằng nếu có chúng sinh chê bai, phỉ báng kinh Pháp Hoa thì sẽ bị quả báo là đui, điếc, câm, ngọng, thân hình lở loét hôi tanh, miệng thúi, răng xéo…là theo ý ở trên chớ không phải là đui, điếc thật. Vì hiểu biết một chiều nên có người lý luận rằng nếu không có Phật thị hiện ở thế gian thì đâu có kinh Pháp Hoa để chúng sinh đọc mà không hiểu thấu nên mới chê bai mà phải chịu quả báo đui điếc…Lý luận như vậy chẳng khác nào nói rằng Đức Phật Thích Ca truyền lại bộ kinh Pháp Hoa làm cái bẩy để hại chúng sinh mang lấy bệnh tật sau này hay sao? Nói thế thì làm sao giải thích cho đúng với chân lý được. Thâm ý của kinh là cái thấy của một người mà không nhận thức đúng chân lý, không thấy được con đường giải thoát giác ngộ thì tuy mắt vẫn còn, nhìn rất rõ nhưng đây là cái thấy của vô minh, vọng chấp thì có khác gì người đui. Lỗ tai không nghe chân lý, không nghe nổi kinh liễu nghĩa thượng thừa thì lỗ tai tuy còn đó, nghe rất rõ, nhưng không chịu nghe lời thiện thì khác gì người điếc. Miệng tuy nói nhiều, nói rất hay, nhưng không nói lời thiện, nói đúng theo chân lý thì khác gì người câm.

Một khi chúng sinh biết xoay cái nghe về tánh bản minh để cho thân tâm được trong sáng như lưu ly nghĩa là lìa xa cái nghe bên ngoài (sở văn) tức là không còn vướng mắc vọng chấp mê lầm mà xoay vào để nghe tiếng lòng thanh tịnh nhiệm mầu của mình thì sẽ có tâm hồn trong sáng thanh tịnh.

12.Viên dung các hiện tượng, tôi xoay tánh nghe trở về bất động. Hài hòa thế gian mà không hủy hoại thế gian, cúng dường Như Lai mười phương như số vi trần, tôi ở bên mỗi Phật làm Pháp Vương Tử, khiến trong pháp giới những chúng sinh không con, cầu có con trai, sanh được con trai phúc đức trí tuệ.

Trong 11 phần trước, pháp tu thiền định khuyên chúng sinh lìa bỏ trần cảnh bên ngoài mà xoay tánh nghe vào trong để nghe tiếng nói thanh tịnh của lòng mình. Đến phần này tánh nghe không còn phải ngăn bít sắc thanh hương vị xúc pháp nữa mà bất động nghĩa là những đoạn kinh trước Bồ Tát dạy chúng sinh phải tránh né âm thanh đối tượng, nhưng bây giờ không cần tránh né nó nữa nghĩa là đến đây chúng sinh đã biết xoay cái nghe trở về với tánh nghe để nghe âm thanh thanh tịnh của lòng mình rồi thì tuy có nghe cả âm thanh của thế gian nhưng vẫn hài hòa với thế gian, không dính mắc nơi thế gian. Một khi tâm đã thanh tịnh thì cái thế giới bên ngoài tuy vẫn còn đó nhưng đối với người có tâm thanh tịnh thì có mà vẫn như không nghĩa là nghe thì cái gì cũng nghe mà rốt cuộc như không nghe cái gì hết. Tâm nhẹ nhàng thanh thoát, rỗng rang thì có an vui tự tại.

Thế nào là cúng dường chư Phật?

Khi chúng sinh phát khởi một niệm giác ngộ để sống đúng với chân lý là mình đã cúng cho một vị Phật. Phát khởi một niệm khác lợi ích cho chúng sinh và sống đúng với chân lý là cúng dường cho hai vị Phật. Cứ như thế mà nghĩ niệm lành, nói lời thiện, làm việc tốt cho chúng sinh là mình đã cúng dường cho vô số chư Phật trong mười phương rồi. Phải chăng chữ “Phật” muốn ám chỉ trong đoạn kinh này là chúng sinh vì trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tâm, Phật tánh như nhau, không sai khác. Trong Phật giáo, Pháp cúng dường là hơn hết trong các cách cúng dường. Đó là chúng sinh đúng theo lời Phật dạy mà tu hành để cúng dường. Làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường. Nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường. Thay thế sự khổ ách cho chúng sinh để cúng dường. Siêng tu căn lành để cúng dường. Chẳng bỏ hạnh nghiệp Bồ Tát để cúng dường. Vì thế chúng sinh có đem vô lượng công đức của tài cúng dường cũng không bằng một phần trăm, một phần nghìn của Pháp cúng dường vậy.

Nếu có chúng sinh cầu có con trai sẽ sinh được con trai nghĩa là nếu chúng sinh muốn tu phước đức trí tuệ thì chắc chắn sẽ được phước đức trí tuệ. Con trai ở đây là phước đức trí tuệ, là nguồn sống chân thật của mình chớ một vị Đẳng Giác Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm đâu có giúp chúng sinh tăng trưởng thêm lòng tham dục, muốn gì được nấy, trái với luật nhân quả khách quan của thế gian vũ trụ.

Có một nữ Phật tử muốn cầu con nên đến chùa gặp vị Ni cô dạy niệm Đức Quán Thế Âm thì muốn con trai sẽ có con trai. Cô Phật tử làm y như vậy, tuần nào cũng đến chùa cầu nguyện Đức Quán Thế Âm rất chân thành. Nhưng đến khi sanh thì sinh con gái. Cô có vẻ bất bình tìm đến chùa để chất vấn vị Ni cô. Sư cô biết được nên cố tránh né không muốn gặp mặt. Dựa theo xác suất (probability) của toán học thì xác suất để đạt được bất cứ vấn đề gì có thể tăng hay giảm, ít hay nhiều, nhưng có thể xảy ra. Vì thế xác suất lời nói của Ni cô là 50% đúng nghĩa là cơ hội đúng rất cao. Ngay cả xác suất để trúng lô độc đắc là rất nhỏ có thể là một trong hai trăm triệu, nhưng tuy là rất nhỏ nhưng hàng tuần vẫn có người trúng. Vậy khi trúng số không phải là Phật, hay Bồ Tát ban cho mà phước đức của mình đến lúc xuất hiện vậy thôi. Con cái, vợ chồng là do nhân duyên kết tập từ những đời quá khứ nên gặp lại nhau trong đời này. Nếu đời trước cha mẹ nợ nần thì đời này con cái đến đòi nợ cho nên cả đời cha mẹ khổ vì con cái. Còn nếu đời trước con cái nợ nần cha mẹ thì sang đến đời này nó đến để đền ơn trả nghĩa nên đó là những đứa con hiếu để, biết thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ. Vì thế Bồ Tát không can dự vào chuyện ân oán nợ nần của chúng sinh mà ban cho con trai, con gái hay bất cứ đứa con nào. Giả sử nếu Bồ Tát ban cho chúng sinh đứa con ngỗ nghịch, vào tù ra khám, giết cha hại mẹ thì chúng sinh nghĩ sao về Ngài? Rất nhiều gia đình có liên tiếp ba bốn đứa con trai. Lại có gia đình có liên tiếp bốn năm đứa con gái. Nhưng phần lớn thì trai gái chen nhau là chuyện thường. Thế thì không phải cầu nguyện, van vái để được cái này, có cái kia. Có hay không có là do phước đức quả báo của mình đến lúc xuất hiện hay chưa vậy thôi chớ Bồ Tát không cho hay ban phát cho ai cái gì cả. Đạo Phật không dạy chúng sinh cầu nguyện vì có cầu cũng chẳng được mà đạo Phật chỉ dạy chúng sinh tin sâu vào nhân quả bởi vì chính Đức Phật cũng phải đi xin cơm tín chúng thì lấy gì để Ngài cho. Nếu Đức Phật và các đại đệ tử của Ngài linh thì họ chỉ cần niệm Úm Ba La Bát Nhi Hồng rồi phẩy cái phất trần thì đồ ăn, thức uống hiện ra trước mặt, nhưng tại sao hằng ngày họ cũng phải đi hóa duyên? Do đó không có vấn đề linh hay không linh trong Phật giáo bởi vì Đức Phật Thích Ca chỉ là một đấng đạo sư vô thượng chớ không phải là đấng thần linh. Ngài dạy chúng sinh lau sạch bụi vô minh phiền não thì sẽ có thanh tịnh an lạc Niết bàn. Nếu y giáo phụng hành thì đây là linh vậy. Do đó nếu hiểu kinh điển một bên hay hiểu theo sự tướng bề ngoài thì rất nguy hiểm dễ rơi vào mê tín dị đoan, khiến tâm bất tịnh.

13.Sáu căn tôi viên thông, soi sáng không hai, khắp trùm thập phương thế giới, đứng trước đại viên kính ở trong Như Lai Tạng, tôi vâng lãnh pháp môn bí mật của thập phương Như Lai như vi trần không hề thiếu sót, khiến cho trong pháp gới những chúng sinh không con, cầu con gái, sanh được con gái tướng tốt đoan chính, phúc đức và dịu dàng được nhiều người quý mến.

Khi tu hành chứng đắc tức là trở về với căn bản trí tức là vô phân biệt trí của mình thì tám thức sẽ chuyển thành bốn trí. Ý thức có tác dụng phân biệt sẽ biến thành “Diệu Quan Sát Trí” tức là trí có năng lực quan sát thâm diệu có thể thấy được hằng sa thế giới và thấy được tâm niệm sở cầu trong mỗi chúng sinh. Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức tức là tiền ngũ thức sẽ biến thành “Thành Sở Tác Trí” nghĩa là cái trí này có những công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông biến hóa. Thức thứ bảy Mạt na thức có tác dụng chấp ngã sẽ biến thành “Bình Đẳng Tánh Trí” nghĩa là trí có năng lực nhận thức tình bình đẳng của tất cả vạn pháp. Thức thứ tám A lại da thức sẽ biến thành “Đại Viên Cảnh Trí” tức là trí sáng như tấm gương lớn và tròn đầy cũng như biển cả chơn như. Vậy đại viên kính ở trong Như Lai Tạng chính là đại viên cảnh trí. Do đó người tu đạt đến trí tuệ viên mãn thì trong lòng thanh tịnh, không còn phiền não ưu tư cũng như người con gái có tướng tốt, lúc nào cũng đoan chính, phúc đức dịu dàng và ai ai cũng kính quý.

14.Trong tam thiên đại thiên thế giới này các Pháp Vương Tử đông như số cát 62 sông Hằng. Trí tuệ và phương tiện giáo hóa chúng sanh mỗi Ngài đều khác nhau. Vậy mà chúng sanh chấp trì một danh hiệu của tôi, bằng ngang với công đức chấp trì danh hiệu số lượng Pháp Vương Tử nói trên.

Nếu chúng sinh chấp trì danh hiệu một Bồ Tát thì cũng như chấp trì hết thảy 62 hằng hà sa Bồ Tát. Bởi vì chấp trì 62 hằng sa Bồ Tát là cốt để cho thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt và trí tuệ đạt đến đỉnh cao. Nhưng nếu chấp trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm nghĩa là xoay cái nghe trở vào để nghe tiếng nói thanh tịnh của lòng mình và dứt bặt năng văn, sở văn thì cũng có thân tâm thanh tịnh và trí tuệ trong sáng như vậy. Do đó chỉ cần niệm một danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát là đủ.

– Bạch Thế Tôn! Sở dĩ tôi được những điều ưu việt như vậy là do tôi tu tập pháp “Văn Huân Văn Tu Kim cang tam muội, cho nên tôi được tánh viên thông chơn thật, gọi đó là 14 đức vô úy thí đem lại phúc lành cho tất cả chúng sinh.

Văn huân là huân tập cái nghe, Văn tu là tu tập dựa theo tánh nghe. Vậy Văn huân Văn tu Kim Cang tam muội là pháp môn tu hành của Ngài Quán Thế Âm mà theo đó Ngài huân tập cái nghe tức là xoay cái nghe trở về với tánh nghe thanh tịnh và mỗi ngày huân tập một chút để hóa giải thân khẩu ý dần dần cho được thanh tịnh thì sẽ có được chánh định rắn chắc như Kim Cương.

Nếu chúng sinh biết quay về nghe vào tự tánh của chính mình tức là quán chiếu cái âm văn thì Quán Thế Âm Bồ Tát thể nhập vào thân của chúng ta rồi. Đức Quán Thế Âm nhờ tu theo pháp môn “Vô tác diệu lực Văn huân Văn tu kim cương tam muội” mà có được giải thoát tự tại cho nên nếu chúng sinh nương theo pháp môn này mà thực hành thì cũng có được an vui giải thoát, xa lìa khổ ách như Bồ Tát vậy. Bồ Tát nhờ tu theo pháp môn này mà có được 14 thứ công đức vô úy không có nghĩa là Bồ Tát thành tựu 14 công đức vô úy rồi đem 14 thứ công đức đó mà cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Huyền nghĩa của kinh là Bồ Tát nhờ tu theo pháp môn Văn huân Văn tu mà thành tựu 14 thứ công đức vô úy do đó nếu chúng sinh tu pháp môn này đến chỗ rốt ráo như Bồ Tát thì chính mình cũng có được 14 công đức vô úy như các Ngài. Người đệ tử Phật phải sáng suốt nhận định rằng chính Đức Phật Thích Ca trong suốt 49 năm trời rày đây mai đó thuyết pháp độ sinh không ngừng nghỉ. Ngài dùng biết bao phương tiện : Ngài nói rộng, nói hẹp, nói đốn, nói tiệm, nói quyền, nói thật và sau cùng để lại cho Phật tử ba tàng giáo lý thì nếu đây không là “Phật gia bì” hay “Tha lực Phật” thì là gì? Nhưng trong Phật giáo không hề có chuyện van vái, cầu xin thế này thế kia để được Phật hay Bồ Tát gia bì bởi vì nó trái với quy luật nhân quả khách quan của hiện tượng vạn hữu trong thế gian vũ trụ. Đức Phật không phải là đấng thần linh vì thế “gia bì” hay “cứu độ” trong Phật giáo phải được hiểu là thực hành đúng theo những giáo pháp của Như Lai đã dạy. Phương pháp quán niệm “phản văn văn tự tánh” rất quan trọng vì thế người đệ tử Phật khi tu học pháp tu này hãy gác qua tình cảm do tập quán và truyền thuyết dân gian hời hợt. Chúng sinh hãy tìm hiểu kinh điển qua sự thấy biết, tư duy vận động lý trí có tánh khách quan thì mới có thể nhận chân giáo lý và mới có thể biết được sự thật về những điều huyền diệu mà Đức Phật đã dạy chúng ta.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.