Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Giảng Giải

PHẦN TÓM LƯỢC PHÁP TU QUÁN THẾ ÂM NHĨ CĂN VIÊN THÔNG.

Vì sự huyền diệu của pháp tu phản văn văn tự tánh nên một lần nữa chúng tôi cố gắng nhắc lại những điểm quan trọng trong kinh để quý Phật tử chú tâm hạ thủ công phu ngỏ hầu có thể chứng đắc được viên thông tự tại.

Phản văn văn tự tánh là chuyên nghe trở lại tự tánh của chính mình. Thông thường chúng sinh nghe bằng nhĩ căn (lỗ tai) và hiểu biết bằng nhĩ thức, nhưng tánh nghe trong nhĩ căn là cái lý thể vô phân biệt nghĩa là cho dù có âm thanh hay không thì tánh nghe vẫn sáng tỏ rõ ràng cũng như tấm gương dù có hình hay không lúc nào cũng sáng tỏ. Đừng hiểu lầm là khi không có âm thanh thì không nghe gì hết bởi vì có âm thanh là nghe động, còn không có âm thanh thì nghe tĩnh.

Nhưng trước khi có thể nghe được tánh nghe, hành giả phải lìa xa tất cả vọng niệm nghĩa là nghe tất cả mà như không nghe gì hết, không đem bất cứ ý niệm nào cho dù đó là thiện ác, tốt xấu vào tâm thì thể tánh thanh tịnh của tánh nghe mới có thể hiển hiện được. Hành giả tĩnh tọa (ngồi yên thanh tịnh để tĩnh tâm chớ không nhất thiết phải ngồi kiết già) cho đến lúc một niệm cũng không sanh thì tánh nghe trong sáng, chiếu diệu và không còn ngăn ngại bắt đầu phát hiện cho đến lúc bên ngoài không còn tiếng động thì tánh nghe lúc ấy sẽ lan rộng cùng khắp, không còn giới hạn. Đây là giai đoạn khó nhất bởi vì nó đòi hỏi hành giả phải kiên trì công phu để hồi quang phản chiếu vào tự tánh của mình cho đến một niệm cũng không còn dấy khởi.

Hành giả chú tâm vào tự tánh thanh tịnh thì gọi là nhập lưu còn nếu vọng ngoại theo âm thanh bên ngoài thì gọi là xuất lưu. Vì thế, nếu hành giả không chú tâm vào âm thanh bên ngoài mà chỉ hướng vào trong tánh nghe thanh tịnh thì tất cả những phân biệt thô thiển sẽ không còn và lúc bấy giờ tánh nghe sẽ hiện rõ trong sáng như mặt trăng trong suốt. Ngược lại nếu trong một thoáng giây hành giả lưu tâm đến âm động bên ngoài thì tánh nghe sẽ mờ mịt, không còn sáng suốt nữa. Do đó dựa theo Bát Nhã thì động tịnh đều “Không” nên hành giả không còn quan tâm đến động tịnh thì mới thấy được “tự tánh bổn định” của mình. Trong thời gian hạ thủ công phu, hành giả càng ít nói, ít động càng tốt.

Vì tánh nghe lặng lẽ thanh tịnh nên có người lầm tưởng tịnh trần (cảnh giới yên tịnh) là tánh nghe. Thanh trần gồm có hai phần là động tức là âm thanh và tĩnh tức là vắng lặng. Tánh nghe là bản tâm còn tịnh trần là cảnh. Tâm là linh tri bất muội còn cảnh là vô tri nên rất dễ phân biệt. Đến đây hành giả lần lần đi sâu vào định, phải tập thu nhiếp niệm thành định rồi từ sức định đó sẽ cảm biết bao la rộng lớn. Nhưng đây cũng vẫn còn là cảnh giới yên lặng của tịnh trần. Cứ tiếp tục đi sâu vào định thì đến đây không cần nhiếp niệm mà không còn niệm tức là đến chỗ Vô tác diệu lực nghĩa là lắng nghe âm thanh, tiếng lòng thanh tịnh của mình đến trình độ không cần loại bỏ những tâm niệm xấu ác nữa mà tự nó đã xóa sạch hết những điều xấu ác, bất thiện thì tịnh trần cũng không còn. Hành giả lúc bấy giờ sẽ ngộ được tự tâm và thấy rõ tánh nghe vô cùng thanh tịnh, không do nhiếp niệm mà thành, không nương vào ngoại cảnh mà có. Cứ tiếp tục hạ thủ công phu, càng đi sâu vào định thì tánh nghe càng tỏ và dĩ nhiên động và tịnh trần biến mất. Một khi thanh trần bị diệt thì những trần còn lại là sắc, hương, vị, xúc, pháp cũng đều bị diệt. Hành giả tu đến đây là chứng được sơ quả của Nhị thừa là Tu Đà Hoàn.

Cái âm thanh bên ngoài tức là sở văn đã bị diệt thì cái nghe tức là năng văn không còn đối tượng để duyên cho nên căn và trần cũng không còn. Căn không còn, sở không còn thì lấy gì lập năng sở cho nên năng sở cũng không. Căn trần dứt, năng sở tiêu tan thì tất cả những thấy biết sai lầm và tập nghiệp của Kiến hoặc và Tư hoặc đều chấm dứt và hành giả chỉ còn một Pháp Tánh gọi là Nhơn không. Tu đến đây là chứng được thánh quả A la hán.

Nên nhớ căn diệt, nhưng tánh vẫn còn cho nên khi hành giả không còn bị căn trần chi phối thì sở giác (cảnh được ngộ) hiện ra. Có sở giác thì lập tức trí ngộ, trí chứng được thành lập tức là năng giác. Tuy là giác mà có năng có sở thì tâm lại khởi phân biệt nên hành giả phải tiếp tục đi vào định để loại bỏ cả năng lẫn sở bởi vì nếu hành giả cố giữ ý niệm về giác thì cũng không được mà phải xóa bỏ luôn ý niệm năng giác về mình và sở giác là đối tượng giác mà mình cố giữ gìn, bám vúi vào đó. Đến đây trí năng giác và cảnh sở giác đều rỗng lặng, không còn đối đãi nên lìa được pháp chấp và dứt được tất cả những vi tế phiền não. Sau khi đã xóa bỏ hoàn toàn năng giác, sở giác thì tâm rỗng rang lặng lẽ và thấy vạn pháp như rỗng Không. Rỗng Không là thấy vạn pháp là đối tượng “sở không” còn trí của mình là “năng không” nên mới có sự phân biệt năng không, sở không. Sau cùng hành giả phải diệt hết cái biết trống không tức là đừng bám víu vào cái giác tri rỗng không ấy tức năng không, sở không cũng bỏ hết, chẳng còn gì để phân biệt. Năng Không và Sở Không đều diệt mất tức là đã giải thoát khỏi “pháp” tức là đạt được “Pháp Không”. Đến đây thì thể tánh chơn quang hiển lộ và tất cả trần sa hoặc đều bị tiêu trừ.

Sau cùng ý tưởng về sanh diệt cũng diệt luôn nghĩa là dù biết thế giới là sinh sinh diệt diệt, nhưng hành giả phải diệt đi cái quan niệm sinh diệt của vạn pháp chớ đừng thấy vạn pháp sinh mà vui mừng, tham đắm, say mê và vạn pháp diệt thì phiền não, khổ đau. Hành giả tiếp tục vào định thì chỉ một thời gian ngắn thì lý tánh sẽ hiển lộ và sau cùng thoát ly được diệt tướng. Sanh diệt đã diệt thì Tịch Diệt hiện tiền nghĩa là tự tánh Bồ Đề hiển hiện tức là vào Tam-ma-đề, chứng vô sanh pháp nhẫn và viên thông tự tại.

Thủ Lăng Nghiêm đại định là định rất kiên cố, vững chắc nhất để phát sinh vô lượng trí tuệ. Có cái định này thì tâm lúc nào cũng “như như bất động, liễu liễu thường minh” nghĩa là cho dù thế gian vũ trụ có biến đổi, hấp dẫn, quyến rũ cách mấy thì tâm người có định này vẫn yên lặng, thanh thản, không bị ngoại trần chi phối và họ lúc nào cũng sống với tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Đó chính là “Kiến sắc phi can sắc, Văn hương bất nhiễm hương” vậy.

Tóm lại pháp tu Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông có thể tóm gọn như sau :

1) Diệt ĐỘNG thì TỊNH sanh

2) Diệt TRẦN thì CĂN sanh

3) Diệt CĂN thì GIÁC sanh

4) Diệt GIÁC thì KHÔNG sanh

5) Diệt KHÔNG thì TỊCH DIỆT sanh tức là có thanh tịnh Niết bàn.

Một khi chơn tâm, Phật tánh hiện tiền thì sơn hà đại địa sẽ chuyển hóa thành tri giác vô thượng và từ đó thần thông diệu dụng phát sinh.

Từ khi Đức Phật Thích Ca thành đạo đến nay, chỉ có một pháp tu Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông tức là lối tu “phản văn văn tự tánh” của kinh Thủ Lăng Nghiêm mà không hề có lối tu Quán Thế Âm nào khác. Trong Phật giáo, không có lối tu tắt hay sự chứng đắc, thành đạt là do bất cứ ai trao tặng mà tự mình phải đi bằng chính đôi chân của mình, bằng tất cả sự nỗ lực tinh tấn công phu của mình. Vì thế nếu có pháp môn Quán Âm nào khác thì đây chắc chắn là của tà đạo, không dính dấp gì đến pháp tu Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông của Phật giáo cả. Người đệ tử Phật rất dễ dàng phân biệt rằng những người chứng đắc viên thông của Phật giáo tất cả đều là Khất sĩ nghĩa là họ đã từ bỏ tất cả những dục vọng tham-sân-si, tâm hằng thanh tịnh nên họ có được Bồ Đề, Niết bàn tự tại. Còn yêu ma tà đạo thì ngược lại, miệng nói giải thoát mà tay cứ muốn ôm vô thêm, dạy người bố thí còn mình thì lại thu vào.

Khi đã thâm hiểu hạnh nguyện của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thì chúng sinh từ nay chỉ đảnh lễ trước tôn tượng của Ngài với tấm lòng kính ngưỡng chớ không còn cầu nguyện, van xin cái gì cả bởi vì đạo Phật không phải là đạo tín ngưỡng mà là đạo thực hành vì có thực hành rốt ráo mới có thực chứng để đạt đến những thành quả nhiệm mầu và biến cuộc sống đang phiền não khổ đau trở thành thanh tịnh an lạc Niết bàn. Vì sao đạo Phật chỉ dạy chúng sinh tin sâu vào nhân quả mà không dạy cầu nguyện? Bởi vì cầu nguyện chỉ có thể giúp con người có được sự an bình trong nhất thời, trong giây phút chớ không thể giúp chúng sinh thật sự giảm bớt hay vĩnh viễn thoáy ly được tất cả những hệ lụy của phiền não khổ đau mà họ đeo mang từ vô thỉ đến nay.

Thật ra luật nhân quả rất công bằng, hợp lý, không lệ thuộc vào không gian thời gian, không chỉ áp dụng cho riêng một ai, một sắc dân nào hay cho riêng tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào cả. Ngày nay trong tiến trình khám phá của khoa học, luật nhân quả được xem như là tiền đề để giải quyết những khó khăn, những khám phá mới. Những tôn giáo ngoài Phật giáo cũng nhìn nhận ảnh hưởng trung thực của luật nhân quả trong đời sống của họ. Vậy có thể nói không riêng gì Phật giáo, luật nhân quả là một quy luật chung cho toàn thế gian vũ trụ.

Vì vậy không có việc cầu nguyện để được tai qua nạn khỏi vì không có Phật trời nào làm chuyện bất công bình để giúp đở những người cầu nguyện hay trừng phạt những ai không cầu nguyện mà thật ra con người có thoát khỏi tai họa là do những phước báu mà họ đã tạo tác từ trước. Do đó, thay vì cầu nguyện, con người nên nỗ lực tạo dựng vun bồi thêm phước đức. Nếu chúng sinh luôn nghĩ thiện, nói lời thiện và làm việc thiện thì chắc chắn cuộc sống sẽ vô cùng an vui tự tại mà không cần phải nguyện cầu chi hết.

Chúng sinh không cần phải có túc mạng thông để biết tiền kiếp của mình đã tác tạo những gì hay lo lắng tương lai mình sẽ đi về đâu mà chỉ cần nhìn cái kết quả mình đang thọ báo và cái nhân mình đang gieo thì biết rất rõ. Con người tạo cái nhân bao nhiêu thì chỉ gặt hái chừng ấy kết quả chớ đừng mơ ước ảo huyền bỏ ra một đồng mà đòi trúng lô độc đắc nghĩa là tham-sân-si không bỏ, tập khí không chừa mà cứ muốn thành Phật.

Vì vậy, nếu chúng sinh hiện đang sống khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc ấm no, con cái nên người, trên thuận dưới hòa là họ đang thọ hưởng “KẾT QUẢ” của phước báo từ nhiều đời nhiều kiếp trước do chính họ tạo tác chớ không phải do Phật trời ban phát và chắc chắn cũng phải do cầu nguyện mà được.

Ngược lại, nếu chúng sinh hiện đang gặp nghịch cảnh, luôn đối diện với phiền não khổ đau trái ý nghịch lòng thì họ đang gánh chịu “HẬU QUẢ” của nghiệp báo do chính họ tạo tác từ nhiều đời nhiều kiếp chớ không do Phật trời giáng họa cho và dĩ nhiên cũng không do cầu nguyện mà tránh khỏi được.

Một khi đã hiểu thấu đáo sự công bình của luật nhân quả, chúng sinh sẽ mạnh dạn hơn, can đảm hơn, dám nhận lãnh “hậu quả” do chính mình tạo tác hay an nhiên thọ hưởng “kết quả” tốt lành cũng do chính mình tác tạo mà không còn than trời oán Phật nữa.

Nên nhớ rằng chúng sinh tạo nghiệp chớ nghiệp chẳng tạo chúng sinh. Cho dù “nghiệp tánh bổn không” nghĩa là nghiệp vốn không phải là có sẵn tự bao giờ mà nó chỉ xuất hiện do chúng sinh mê lầm chấp trước tạo ra. Nếu thật sự nghiệp không có thật, không có chủ thể thì tại sao lại có quả báo? Khi nói nghiệp tánh vốn không là đối với người đã có giải thoát giác ngộ không còn tạo nghiệp thì làm gì có quả báo. Trong khi đó chúng sinh còn tạo nghiệp thì dĩ nhiên còn thọ báo, có gây nhân thì phải chịu kết quả vì thế nếu giữ bộ ba thân, khẩu, ý thanh tịnh thì nghiệp không sanh nên cuộc sống trở thành thanh tịnh an nhàn. Phật dạy : ”Tùy duyên tiêu nghiệp cũ” nghĩa là nếu chúng sinh nỗ lực vun bồi thật nhiều thiện nghiệp và đừng gây thêm nghiệp mới thì những nhân duyên tốt này sẽ giết chết dần những chủng tử bất thiện đã gây ra khi xưa.

Trọng tâm cứu khổ của Ngài Quán Thế Âm nhằm giải thoát sự khổ tâm, khổ tinh thần. Một khi con người đã giải thoát khổ tinh thần thì thân thể sẽ lành mạnh. Có sức khỏe thì tất cả mọi giá trị vật chất sẽ có ở tầm tay. Tâm kinh dạy rằng vật chất không ngoài tinh thần và dĩ nhiên tinh thần không ngoài vật chất bởi vì tinh thần vật chất tác động hữu cơ, bất tức bất ly. Vì thế, tất cả sự cứu độ của Ngài Quán Thế Âm phải được hiểu là ban cho tinh thần, cho những gì thuộc về lãnh vực giải thoát giác ngộ của tâm tư và ý thức. Ngài Quán Thế Âm không bao giờ ban cho chúng sinh vật chất hữu vi vì như vậy chẳng khác nào đẩy chúng sinh vào con đường khổ ải triền miên không lối thoát. Con người hãy thức tỉnh mà tìm thấy cho mình con đường sáng diệu dụng nhiệm mầu để tự mình giải thoát ra khỏi mọi gông cùm của phiền não khổ đau.

Phải biết rằng tham dục trần thế là vô hạn, nhưng con người lại không có khả năng nhận ra chúng cho nên khi tham dục không được thỏa mãn thì sẽ gây khổ đau cho mình và cho người. Cái đà thỏa mãn tham dục cũng ví như chiếc xe đang chạy xuống dốc, càng xuống dốc thì xe càng chạy nhanh. Khi chưa thỏa mãn những dục tính thì con người luôn có khuynh hướng tiếp tục theo đuổi chúng cho đến khi được thỏa mãn nghĩa là càng đeo đuổi thì tham dục càng tăng và càng gây thêm đau khổ. Chúng sinh chỉ có thể nghiệm được chân hạnh phúc và an nhiên tự tại khi có ít tham dục. Đây chính là một trong những bước lớn hướng về giải thoát giác ngộ.

Được như vậy là thực hành rốt ráo câu :

“Đa dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại…”

Đức Phật dạy rằng : ”Tham dục chính là nguồn gốc của khổ đau. Mọi vật rồi sẽ thay đổi vì thế không nên luyến ái hay vướng víu vào một thứ gì. Nên nhiếp tâm thanh tịnh tìm chân lý và đạt đến hạnh phúc vĩnh hằng”. Con người biết tri túc thiểu dục là biết diệt trừ tham dục nghĩa là họ biết thỏa mãn với những điều kiện vật chất khả dĩ giúp họ có đầy đủ sức khỏe để sống và để tu đạo. Đây chính là phương cách hữu hiệu nhất để cắt đứt lưới tham dục làm cho thân tâm được thanh thoát nhẹ nhàng và dĩ nhiên có nhiều cơ hội để giúp đở tha nhân. Thế nhân thường vui thích theo ái dục, ưa dong ruổi lục trần vì thế tuy họ có hướng cầu an lạc mà vẫn bị quanh quẩn trong chốn trầm luân. Vì thế những người say đắm theo ái dục cũng như tự lao mình trong lưới buộc như nhện giăng tơ. Chỉ có những ai dứt được sự ràng buộc, không còn dính mắc thì sẽ xa mọi thống khổ mà tâm sẽ được an vui tự tại.

Nên nhớ thuyết nhân quả chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa, giáo lý sinh diệt. Còn giáo lý liễu nghĩa thì thiện ác là một, phiền não là Bồ Đề, sinh tử là Niết bàn để giúp chúng sinh tiến thẳng về cứu cánh tột đỉnh là giải thoát giác ngộ tức là sống với chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh của mình. Cho nên:

“Tâm không vạn sự đều không
Tâm chơn vạn Pháp cũng đều quy chơn”.

Lê Sỹ Minh Tùng

http://www.tangthuphathoc.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.