Bạn thân mến,
Giữa cuộc sống với nhiều điều không như ý, với nhiều bức bách, bất an, và thậm chí với nhiều khổ đau, làm sao bạn có thể thực hành đời sống xả ly để nắm bắt hạnh phúc? Đấy là câu hỏi của nỗi niềm thống thiết và là thách thức lớn nhất trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của bạn. Xin hãy đừng lo âu! Thông điệp của Kinh Trái Tim sẽ giới thiệu cho bạn một bước đi (nguyên lý) căn bản để bạn có thể thực tập đời sống xả ly và thụ hưởng nguồn hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại của đời sống, cho dù đời sống đó là bất an. Bước đi căn bản này được bắt nguồn từ “đôi mắt tinh nguyên” mà Người Tỉnh Thức Bình Yên (Avalokitésvara) đã thực hành thành tựu và đã vượt qua mọi khổ đau.
Để thực tập bước đi căn bản này, trước hết bạn hãy nỗ lực làm cho đôi mắt của chính bạn trở nên long lanh, sáng ngời để nó có thể đạt đến một tâm trạng thái tinh nguyên; nghĩa là, hãy làm cho con mắt của bạn không còn bị giới hạn bởi “cái bạn đang là”!
“Cái bạn đang là” là gì? Đó chính là con người hiện tại của bạn, một con người được nhận diện qua năm yếu tố: cơ thể, cảm thọ, ảnh hưởng của tri giác, khuynh hướng tư duy, và ý thức của các giác quan.
Ở đây, cái nguyên nhân trực tiếp làm cho bạn bị phiền não, bất an, hay ngăn cản bạn thụ hưởng nguồn hạnh phúc sống động luôn trôi chảy, trước hết chính là sự “vẩn đục” của đôi mắt, hay nói khác đi là sự bám víu của đôi mắt (ngã kiến). Nói một cách cụ thể, bạn đang sống với/ trong những sự thật như vầy: tôi đang bận tâm với cơ thể của tôi vì nó đang thay đổi; những cảm giác này là cái hoặc là tôi khao khát hoặc là cái tôi chán ghét; tôi đang sa đà hay bị cuốn hút một cách thụ động bởi những ảnh hưởng (vui, buồn, thương, ghét.v.v). trong tâm tôi; tôi buộc phải suy nghĩ miên man không tự chủ về một quá khứ xa xôi hay về một tương lai mờ ảo; tôi có ý thức, nhưng ý thức của tôi bị tán loạn không ngừng v.v… Những sự thật này chính là những biểu hiện của sự bám víu (chấp thủ), nó luôn làm vẩn đục đôi mắt của bạn và dĩ nhiên nó là sức mạnh vô hình dồn bạn vào bến bờ của cả hy vọng và sợ hãi. Trên thực tế, hy vọng và sợ hãi là hai yếu tố thường trực trong tâm của bạn, nó hiện diện ngay cả trong chiêm bao và mộng mị. Cho đến khi nào những bám víu này được buông xuống, thì đôi mắt của bạn sẽ trở về tinh nguyên; nghĩa là nó sẽ nhìn hiện hữu như là chính nó.
Làm sao cho đôi mắt trở về tinh nguyên?
Như đã đề cập ngay từ đầu, bạn cần phải ít nhất một lần bước vào hành tinh của ánh sáng, vì ở đó không có sự hiện diện của những năng lượng tối tăm, tức là những tâm thức tham, sân, kiêu mạn… Để bước vào hành tinh ánh sáng, trên nguyên tắc không phải là một công việc khó khăn hay nghiêm trọng; vì lẽ, bạn không cần phải làm thêm cái gì hết mà chỉ có bỏ bớt [những bám víu] đi thôi! Trong một giây phút, nếu bạn có thể bỏ đi những bám víu và để cho dòng tâm thức của bạn trôi chảy trong sự tịnh lạc, lập tức bạn có thể trở về với đôi mắt tinh nguyên. Để làm được điều đó, bạn nên tư duy về ba tư tưởng trọng yếu của cuộc sống như sau:
1. Bản chất của cuộc đời là vô thường, bạn không thể biến nó trở thành thường hằng; do đó hãy chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu trong dòng biến dịch – vô ngã một cách không phản kháng. Hãy thả mình để lắng nghe từng nhịp thở của cuộc sống!
2. Mục đích của cuộc sống con người là tìm kiếm hạnh phúc, và cao hơn là chân lý; vậy thì, nếu sự buông bỏ bám víu vào “cái tôi”, một cách nào đó, có thể sinh khởi nguồn hạnh phúc cho ta, tại sao không thực tập sự buông bỏ để sống hạnh phúc.
3. Cuộc sống vốn là một hợp thể không có thật tính, và do đó, nó luôn bao hàm cả cái tốt lẫn cái xấu. Nếu chỉ chấp nhận cái mình ưa thích và chạy trốn cái mình không ưa thích, thế là mình trở thành kẻ bị động. Ngược lại, khi bạn sẵn sàng chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu như thế là tự biến mình thành kẻ chủ động từ một gã cuồng si bị động. Sự thật là, khi nào bạn làm chủ được mình, lúc đó bạn sẽ làm chủ được thế giới chung quanh mình.
Ba tư tưởng này, trong vô vàn tư tưởng khác, sẽ giúp bạn trước hết là rửa sạch đôi mắt của mình và sau đó tạo dựng cho tâm thức của chính mình một sự bình yên nội tại. Người Tỉnh Thức Bình Yên, với đôi mắt tinh nguyên không vẩn đục, đã nhìn thấy như thật rằng bản chất của cơ thể này, của cảm thọ này, của mộng tưởng này, của tư duy này, và của ý thức này là một hợp thể nhân duyên, có đó rồi mất đó. “Cái tôi” thực chất chỉ là một ý niệm hão huyền. Do thấy như vậy mà mọi phiền não được rũ sạch, và người đã vượt thoát mọi khổ đau.
KHẢI THIÊN – Thông Điệp Từ Kinh Trái Tim – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 41
http://tapchivanhoaphatgiao.com