Mười ba điều cần đưa vào thực hành

Bởi vì mọi thừa đều đúng trong chính thừa của họ, đừng bao giờ có thái độ cứng nhắc về con đường hay các trường phái triết học.

Trong khi chúng ta không nên nghĩ rằng truyền thống của ta là tốt nhất và truyền thống khác thì kém hơn, không có nguy hại gì khi thảo luận chân chính và tranh luận để thoát khỏi những tham luyến và hận thù, nếu điều đó giúp làm sáng tỏ những hiểu lầm nhỏ hay những giải thích sai trong quan điểm của bản thân. Giống như vậy, sự giải thích sai về quan điểm của người khác có thể sửa chữa thông qua trao đổi giữa những vị thành tựu giả uyên bác[2].

Hãy thực hành chăm chỉ để không làm vị đạo sư buồn.

Đừng bao giờ làm vị thầy hay các đệ tử khác của thầy phải buồn lòng. Có những thái độ chống đối và hành động không thuận hòa không phải là cách làm hài lòng ngài, dù bạn có nghĩ rằng bạn sẽ thực hành thật nhiều các giáo huấn của ngài. Hãy hoàn toàn quyết tâm thực hành các chỉ dạy của ngài một cách chính xác. Khi bạn đã nhận chúng, hãy tinh tấn thực hành như bạn có thể. Nếu bạn làm vậy,

Con sẽ có được mọi phẩm tính tốt mà không thiếu điều gì.

Nếu có một ngọn núi đầy vàng, mọi con chim – dù lớn hay nhỏ – làm tổ trên ngọn núi đó sẽ tự nhiên biến thành màu vàng. Tương tự vậy, nếu bạn ở cùng với vị thầy trong một thời gian dài, những phẩm tính của ngài tự nhiên sẽ đến với bạn, và bạn sẽ đạt được những phẩm tính tương tự. Và nếu vị thầy hài lòng với thực hành của bạn, sự thành tựu sẽ đến nhanh, bởi vì bổn tôn, Dakini, và Hộ Pháp không gì khác hơn chính sự hiển bày của vị thầy.

Nếu con muốn nhanh chóng thành tựu, hãy giữ Biệt giới giải thoát, Bồ Tát giới và Mật giới mà không để chúng suy giảm.

Cần phải biết cái gì được phép và cái gì không, hãy quan sát các lời giáo huấn phù hợp với căn cơ của bạn[3], và dần dần từng điểm một cố gắng đừng vi phạm chúng. Khi một vị vua xem xét các điều luật một cách cẩn thận, ngài hài lòng và triều đại của ngài bình yên: việc cai trị vương quốc và làm mọi người lợi lạc sẽ dễ dàng. Giống như thế, nếu chúng ta nương tựa vào những lời nói của Đức Phật và các giáo huấn của vị thầy, mười ác hạnh và những cảm xúc đau khổ sẽ tự nhiên giảm dần.

Mọi giới nguyện cô đọng để từ bỏ mười ác hạnh và năm độc bởi vì nói chung, chúng đã được trải nghiệm[4].

Hãy tinh tấn với một tâm duy nhất là xóa đi năm cảm xúc đau khổ. Nếu bạn không làm như vậy, chúng sẽ là lý do để bạn lang thang trong luân hồi và bạn sẽ bị một dòng sông lớn cuốn đi đến nơi mà dòng nước chảy đến mà không thể vào bờ. Trong ba cõi của luân hồi, những khổ đau chính là bốn dòng sông sinh lão bệnh tử. Dưới sự ảnh hưởng của chúng, sẽ không có tự do để thực hành. Điểm quan trọng bạn cần biết là để dừng lại dòng chảy của bốn con sông đó người ta cần lắng nghe Pháp.

Nếu con muốn ngưng dòng chảy của bốn con sông, con cần chắc chắn bản tính không sinh là nền tảng của tất cả.

Nguồn gốc của việc lang thang trong ba cõi luân hồi và gốc rễ của mọi hành động và những cảm xúc khổ đau là những chỉ dẫn sai lầm về thành quả nơi mà chẳng có thành quả nào. Chúng ta nắm lấy cái nền tảng chưa được tạo ra để tạo ra, và niềm tin sai lầm này là nguyên nhân gây ra sự sai lầm của bạn. Vì thế chúng ta cần chắc chắn về bản chất không sinh của nó, để thiết lập tính không.

Khi chúng ta nói về “nền tảng của tất cả”[5], nó liên quan đến hai thứ. Một là sự hỗ trợ cho mọi cảm xúc đau khổ và dấu vết các hành động của chúng ta. Đây là nền tảng sai lầm, thứ chúng ta cần xua tan. Thứ nền tảng khác là nền tảng nguyên sơ mà từ đó luân hồi và niết bàn khởi lên. Đó là Phật tính hiện hữu trong tất cả chúng hữu tình. Đó chính là điều mà “Lời cầu nguyện Phổ Hiền” liên quan đến khi có đoạn, “Đó là một nền tảng.” Và đó là thứ chúng ta nói ở đây. Khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ biết bản tính tuyệt đối vượt ra ngoài nguồn gốc và vì thế bạn sẽ thấy mọi hiện tượng không có đến, tồn tại và đi. Khi bạn nhận ra tâm không sinh của mọi nền tảng, bạn sẽ không còn bị cuốn đi bởi dòng nước của bốn con sông khổ đau.

Khi con đã hiểu bản tính không sinh của mọi nền tảng, dòng chảy liên miên của sinh và tử sẽ dừng

Và bạn sẽ nhìn thấy kết thúc của luân hồi. Trong trường hợp tốt nhất, bạn có thể kết thúc tái sinh trong luân hồi chỉ trong đời này. Và nếu không, thông qua những chỉ dẫn quý giá này ít nhất bạn nên giải thoát khỏi luân hồi trong ba đời. Đặc biệt, những người đã thực hành Mật thừa sẽ trong một đời và một thân thể đạt được thân hợp nhất bất hoại[6].

Nếu con không muốn các chướng ngại trên con đường giác ngộ, hãy để lại đằng sau những mối bận tâm trong cuộc đời này.

Với những ai có thể thực hành tinh tấn họ sẽ dần dần đạt đến Phật quả chỉ trong một đời. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều chướng ngại: các chướng ngại bên ngoài, như những hiểm nguy liên quan đến năm yếu tố – nước, lửa, gió, vân vân; các chướng ngại bên trong gây ra các bệnh tật như sự xáo trộn của đờm, mật hay năng lượng; và các chướng ngại bí mật gây ra bởi những ý nghĩ. Những chướng ngại này khởi lên từ sự bám chấp với cuộc đời. Nếu bạn không bám chấp, sẽ chẳng có chướng ngại nào xuất hiện. Vì thế hãy để lại đằng sau những mối bận tâm trong cuộc đời này.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.