3. Tưởng (saññā)
Saññā được hiểu là tri giác, tức là nhận biết tổng quát hình tướng, hình ảnh, âm thanh, mùi vị… (ngũ trần – sắc đối tượng) và xác định được nó là cái gì (nhận thức ban đầu). Ví dụ:
– Đi vào một khu vườn, nhìn thoáng qua là đã biết đây là cây cam, cây mít; đây là lá ổi, lá chanh…
– Thoáng mùi chiên, xào, kho từ nhà bếp bay ra; ta biết đó là tương kho, mùi dầu cháy…
– Vào khu rừng rất nhiều tiếng chim; ta phân biệt được đó là tiếng chim sâu, kia là tiếng chim cà cưỡng…
Tuy nhiên, không phải lúc nào tri giác ấy cũng đúng; chúng có thể bị ký ức, hồi tưởng, tưởng tượng của chúng ta xen vào làm cho tri giác ấy sai lệch đi.
3.1-Tưởng như thực, hiện tưởng
Nếu saññā được lái bởi như lý tác ý (yoniso-manasikāra) thì tri giác ấy là đúng, là hiện tưởng, tức là tưởng đúng đối tượng như-nó-đang-là, đang xảy ra, đang vận hành, đang diễn tiến. Ví dụ: Khi nghe tiếng chim, ta lắng nghe trọn vẹn tiếng chim ấy đừng để cho bất cứ “tưởng” gì xen vào cả. Đấy được gọi là hiện tưởng được dẫn dắt bởi như lý tác ý.
3.2- Tưởng uẩn (khandhasaññā)
Nếu saññā được lái bởi phi như lý tác ý (ayoniso-manasikāra) thì tri giác này bị biến đổi và trở nên sai lầm.
* Bị ký ức, hồi tưởng xen vào, để cho hình ảnh, âm thanh, mùi vị… quá khứ chồng lên hình ảnh, âm thanh, mùi vị… hiện tại làm cho “tri giác đang là” bị biến đổi.
* Bị tưởng tượng xen vào làm sai lạc đối tượng, biến đối tượng như thực thành đối tượng khác. Ví dụ:
– Thấy sợi dây tưởng là con rắn rồi sợ hãi con rắn do mình tưởng tượng ra (tưởng uẩn ® hành uẩn ® thức uẩn).
– Thấy bóng cây lay động tưởng là con ma, sợ hãi bỏ chạy (tưởng uẩn ® hành uẩn ® thức uẩn).
– Nghe tiếng súng nổ tưởng là tiếng pháo rồi nghĩ đến một đám cưới đông vui (tưởng uẩn ® hành uẩn ® thức uẩn).
Như vậy chỉ có hiện tưởng là đúng, là thực khi được lái bởi như lý tác ý. Còn các tưởng (saññā) khác đều sai lạc, đều do ta chế biến, đẻ ra; các tưởng chồng chất ấy mới gọi là tưởng uẩn.
3.3- Tưởng uẩn có thể đoạn tận:
Quan sát những chồng chất (uẩn), những che đậy (ấm) ở trên, ta thấy con rắn, bóng ma, tiếng pháo nổ… chúng đều không thực có trong thế giới tự-nhiên-đang-là. Chúng vốn là không, không có, nhưng chính uẩn đã biến chúng thành có… để sinh ra vui, buồn, khổ, lạc!
4. Hành (saṅkhāra)
Có ba nghĩa chính:
– Saṅkhāra (hành) được hiểu là tạo tác các nghiệp thiện, nghiệp bất thiện và nghiệp bất động làm nên thức tái sanh vào tứ ác đạo, người bất hạnh, người hữu phúc, trời Dục giới, trời Sắc giới và trời Vô sắc giới. Saṅkhāra này được dùng trong thập nhị duyên khởi: Vô minh ® Hành ® Thức…
– Saṅkhāra được dịch là hữu vi, hàm chỉ các pháp được kết hợp, được cấu tạo, được làm nên. Saṅkhāra này cũng có nhiều dạng: Một, thế giới vật chất từ hạt cát đến sơn hà nhật nguyệt, sum la vạn tượng… được kết hợp bởi các yếu tố, đơn vị vật chất đều được gọi là hữu vi. Hai, thế giới tinh thần được kết hợp bởi các yếu tố tâm lý, các trạng thái tâm lý cũng được gọi là hữu vi.
Cả hai loại hữu vi trên đều bị chi phối bởi những định luật tự nhiên của vũ trụ nên những hữu vi ấy đều vô thường, vô ngã (không có khổ). Có một loại hữu vi thứ ba nữa, là loại hữu vi do mình chế biến, đẻ ra; loại hữu vi do tâm lý, tình cảm, sở thích, quan niệm chủ quan của mình tự tạo, hữu vi ấy mới đưa đến khổ (dukkha). Hữu vi này thường được dịch là hành, hành uẩn; và chính saṅkhāra này mới vô thường, mới khổ. Nó biến đổi từ thương ra ghét, từ ghét ra hận rồi tạo ra các nghiệp.
Sabbe saṅkhāra aniccāti (tất cả hành là vô thường).
Sabbe saṅkhārādukkhāti (tất cả hành là khổ).
Còn: Sabbe dhammāanattāti (tất cả pháp đều vô ngã).
Pháp hữu vi, pháp vô vi đều vô ngã. Pháp vô vi không phải là pháp cấu tạo, kết hợp; cũng không phải là pháp do mình đẻ ra, chế biến ra – nên pháp vô vi là vô ngã nhưng không vô thường và không khổ. Ví dụ Niết-bàn là pháp vô vi.
4.1. Saṅkhāra là hành. Hành này là gọi chung cả 50 tâm sở, là hành trong ngũ uẩn.
Sắc (rūpa) |
Thọ (vedanā) |
Tưởng (saññā) |
Hành (saṅkhāra) |
Thức (viññāṇa) |
1 tâm sở |
1 tâm sở |
50 tâm sở |
¯ |
|
52 tâm sở |
89 tâm |
Hành này là gọi chung 50 trạng thái tâm lý do “tư” điều động, dẫn dắt.
– Nếu tâm thiện, tư quy tụ các tâm sở thiện: tín, niệm, tàm, quý…
– Nếu tâm bất thiện, tư quy tụ các tâm sở bất thiện: si, vô tàm, vô quý, trạo cử…
– Nếu ý nghiệp bất động, tư quy tụ các thiền chi: tầm,tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
– Đến 4 đạo, 4 quả, Niết-bàn, tư dần dần mất tác dụng, được tuệ thay thế.
Do tư tâm sở chi phối mà hành biến thành hành uẩn. Được tuệ thay thế thì tất cả đều thanh lương, trong sáng; các trạng thái tâm lý đều trở thành cái dụng của tâm và trí để sống cao đẹp, thanh bình và giải thoát giữa cuộc đời. Ví dụ: tín, niệm, từ, bi, hỷ, xả…
4.2- Hành uẩn (khandhasaṅkhāra):
– Nếu sắc, thọ, tưởng… đều nguyên sơ, trong sáng thì saṅkhāra chỉ là định luật hữu vi cấu tạo, kết hợp tự nhiên dù vật chất hay tinh thần; nhưng khi chúng bị biến thành sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn thì hành uẩn đồng thời khởi sanh do tư chi phối, điều động.
– Nói cách khác, do tư chủ động điều hành, tập hợp các tâm sở tương ưng để tạo tác nên nó được gọi là “tập hợp tạo tác” (saṅkhāra), thiện hay ác, ba cõi sáu đường đều do nó cả.
4.3- Hành uẩn có thể đoạn tận:
– Khi hành uẩn biểu hiện ra ngoài qua thân, khẩu thì ta dùng ngữ, nghiệp mạng để đối trị. Khi hành uẩn khởi động trong tâm thì đối trị bằng tấn, niệm, định. Khi hành uẩn đã lắng dịu, hoạt động vi tế hơn qua thân tâm, lúc đó cần phải có trí tuệ (paññā) chánh kiến (sammā diṭṭhi), chánh tư duy (sammā saṅkappa) mới hóa giải và đoạn tận được sự tạo tác của hành uẩn .