Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

TÂM LÝ SO SÁNH

Cái gì làm khuôn mẫu cho những nhận thức và mức độ thỏa mãn của chúng ta? Cảm giác toại nguyện của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi khuynh hướng so sánh. Khi so sánh tình trạng hiện tại với quá khứ, chúng ta sẽ hài lòng nếu hiện tại tốt đẹp hơn. Thí dụ như lương bổng của chúng ta vì lý do nào đó được tăng lên 30,000 thay vì 20,000 một năm; nhưng đây không phải là số lương lý tưởng làm cho chúng ta vui sướng vì chẳng bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy rằng 30,000 cũng chưa đủ và chúng ta mong được 40,000. Ngoài ra, chúng ta cũng so sánh với những người chung quanh. Không kể chúng ta làm ra bao nhiêu nhưng nếu ít hơn ông hàng xóm bên cạnh một chút là chúng ta không vui rồi. Những vận động viên quốc tế than phiền về số lương một triệu, hai triệu, ba triệu Mỹ kim của họ khi đề cập đến mức lương cao hơn của những bạn đồng nghiệp. Khuynh hướng này hỗ trợ cho H.L. Mencken khi ông này định nghĩa một người giàu có là người có lợi tức 100$ cao hơn người anh em cột chèo của ông ấy.

Như vậy là sự mãn nguyện của chúng ta tùy thuộc vào một người nào đó mà mình dùng để so sánh với mình. Và dĩ nhiên là chúng ta còn so sánh nhiều thứ khác nữa chứ không riêng gì lợi tức. Lúc nào cũng so bì rằng người khác thông minh hơn, thành công hơn, bảnh trai hơn… sẽ làm cho chúng ta sinh ra ghen tỵ, bực bội và buồn khổ. Nhưng đừng quên rằng khuynh hướng so sánh này nếu được sử dụng một cách khôn khéo lại có hiệu quả ngược lại, nghĩa là chúng ta có thể làm tăng trưởng cảm giác mãn nguyện bằng cách so sánh với những người kém may mắn hơn chúng ta.

Các nhà nghiên cứu trong rất nhiều trường hợp đã thấy rằng mức độ mãn nguyện của một người có thể tăng lên rất nhiều mà chỉ cần thay đổi ước vọng của người đó, hoặc cho họ thấy rằng sự việc có thể tệ hại hơn. Trong một cuộc nghiên cứu, các nữ sinh viên của Đại học Wisconsin ở Milwaukee được cho xem một cuốn phim nói về những đổ nát ghê rợn của tiểu bang này vào cuối thế kỷ hoặc phải viết về những thảm cảnh tưởng tượng mà họ phải trải qua như bị thiêu đốt, dị hình… Sau đó, họ được yêu cầu xếp loại phẩm chất cuộc sống của họ. Kết quả là cảm giác mãn nguyện với đời sống của những nữ sinh này tăng lên rất nhiều. Một cuộc nghiên cứu khác tại Đại học New York ở Buffallo diễn ra như sau: Đối tượng được yêu cầu hoàn tất câu”Tôi rất mừng vì không phải là …” và họ phải làm năm lần liên tiếp như vậy. Sau đó người ta nhận thấy những người này đều biểu lộ một sự gia tăng cảm giác vui sống. Song song với nhóm này, một nhóm khác được yêu cầu hoàn tất câu”Ước gì tôi được là….” và kết quả là sau cuộc nghiên cứu, nhóm này tỏ ra bi quan, chán nản với cuộc đời hơn.

Những cuộc nghiên cứu này (thay đổi ước vọng có thể làm tăng hoặc giảm mức độ thỏa mãn về cuộc đời của chúng ta) cho thấy vai trò tối thượng của tâm thức trong việc có hạnh phúc hay không trong cuộc sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích:”Mặc dù có thể đạt được, Hạnh Phúc không phải là một chuyện đơn giản”. Hạnh phúc có nhiều đẳng cấp, chẳng hạn như trong Phật giáo, người ta thường đề cập đến bốn yếu tố tạo nên hạnh phúc (còn gọi là sự thỏa mãn): sức khỏe, đầy đủ vật chất, tâm linh và sự giác ngộ. Các điều kiện này hợp nhau làm thành cái tổng thể hạnh phúc mà chúng ta theo đuổi.

“Hãy tạm thời để sang một bên những khát vọng thuần túy tôn giáo và tâm linh như sự giác ngộ, sự toàn thiện… mà chỉ đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày theo quan niệm vật chất. Trong khuôn khổ này, thông thường chúng ta thấy có những yếu tố căn bản tạo nên hạnh phúc. Sức khỏe chẳng hạn được xem là một trong những yếu tố quyết định, hoặc của cải vật chất mà chúng ta tích lũy được. Bạn bè cũng là một yếu tố cần thiết cho hạnh phúc vì ai cũng biết rằng bạn bè là những người mình có thể tin tưởng, tâm sự hoặc nương tựa khi cần đến. Vậy thì tất cả những yếu tố này đều rất cần thiết để đạt được hạnh phúc, nhưng để sử dụng chúng một cách triệt để vào mục tiêu xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, mỗi cá nhân đều phải biết rằng cái tâm của chúng ta là điều kiện căn bản.

“Sử dụng những yếu tố nói trên một cách khôn ngoan và tích cực như dùng của cải, sức khỏe của mình để giúp đỡ người khác chẳng hạn sẽ làm cuộc sống của bạn vui vẻ hơn. Ngược lại, những điều kiện này chỉ có ảnh hưởng rất ít vào cuộc sống con người nếu không được hỗ trợ bởi một tình trạng tâm lý thích đáng. Thí dụ như trong lòng cứ nuôi dưỡng những hận thù, sức khỏe của bạn sẽ không thể nào tốt đẹp được hoặc nếu tâm tư bạn không vui vẻ thì tiền bạc có giúp ích gì? Nói cách khác, nếu tâm trí thảnh thơi thì dù không mấy dư giả, bạn cũng cảm thấy khoan khoái yêu đời hay ngược lại trong lòng đầy sự thù hận ganh ghét thì của cải vật chất không có nghĩa gì cả. Trong thế giới ngày nay, nhiều quốc gia phát triển mạnh về vật chất nhưng dân chúng không được hạnh phúc. Bên dưới lớp vỏ hào nhoáng của vật chất là những tâm lý bất ổn định đưa đến tình trạng bực bội, tranh cãi không cần thiết khiến người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và tệ hơn nữa là hủy hoại đời sống. Do vậy, tiền bạc không phải là những đảm bảo cho một đời sống hạnh phúc. Tình bạn cũng không giúp đỡ được gì trong lúc bạn đang bị căng thẳng hay giận dữ, sự hiện diện của họ trong lúc này nhiều khi khiến bạn đối xử một cách lạnh nhạt và không thân thiện. Tất cả những điều vừa được đề cập ở trên cho thấy ảnh hưởng to lớn của yếu tố tinh thần trong đời sống thường nhật. Cho nên chúng ta phải xử lý một cách thích đáng yếu tố này. Không nói chi đến những chuyện cao xa, ngay trong cuộc sống hàng ngày, tâm trí càng được yên tĩnh thanh nhàn thì đời sống càng trở nên thích thú hạnh phúc”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một phút như để cho những ý tưởng đó thấm vào trong trí óc tôi rồi Ngài tiếp:”Tôi cũng nên nói thêm rằng khi đề cập đến tình trạng tâm trí yên tĩnh (an tâm), chúng ta không nên nhầm với tình trạng vô cảm xúc, thờ ơ. Tâm tư an lạc không có nghĩa là trống rỗng vắng lặng mà an lạc thật ra xuất phát từ lòng thương yêu, từ ái với một mức độ cảm xúc cao. Tóm lại, nếu thiếu những nguyên tắc nội tại đem lại sự an lạc trong tâm hồn thì những điều kiện bên ngoài không thể nào đem lại hạnh phúc cho bạn hay nói cách khác, nếu tâm được an thì dù có thiếu hụt những điều kiện (vật chất) bên ngoài, bạn vẫn có được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.