Chương 4
HỒI PHỤC HẠNH PHÚC BẨM SINH
BẢN CHẤT CĂN ĐỂ CỦA CHÚNG TA
“Nào, chúng ta được sinh ra để tìm kiếm hạnh phúc. Và rõ ràng là yêu thương, trìu mến, gần gũi và từ ái là những cảm xúc mang lại hạnh phúc. Tôi tin rằng mọi người trong chúng ta đều có bản chất vui vẻ, có khả năng đạt được trạng thái từ ái trong tâm hồn để từ đó được hạnh phúc. Thật ra, một trong những niềm tin cố hữu của tôi là con người không phải chỉ thừa hưởng được lòng tự ái mà thật ra, cái bản chất căn để của con người là hòa nhã dịu dàng”.
Tôi hỏi:”Ngài căn cứ vào đâu mà cho như vậy?” đức Đạt Lai Lạt Ma đáp:
“Trong Phật giáo, Phật tính là tín lý cho rằng bản chất của tất cả chúng sinh hữu tình (động vật có cảm xúc) là hòa nhã chứ không phải hung hãn [3]. Nhưng người ta có thể chấp nhận quan điểm này mà không cần phải viện dẫn đến Phật tính của nhà Phật. Niềm tin này của tôi còn dựa trên một nền tảng khác: Tôi cho rằng thương yêu và từ ái là những nhân tố không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của con người chứ không phải chỉ có tính cách tôn giáo.
“Trước hết, nếu nhìn vào những tập quán của đời sống từ thuở nhỏ cho đến lúc chết, chúng ta có thể thấy rằng con người được nuôi nấng bằng lòng thương của tha nhân. Bắt đầu từ lúc chào đời, hành động đầu tiên là bú sữa mẹ. Đây là một hành động của lòng yêu thương từ ái. Không có hành động này, chúng ta không tồn tại được. Và cũng rõ ràng là hành động này sẽ không được thỏa mãn nếu không là một sự yêu mến hỗ tương. Về phía đứa trẻ, nếu không có cảm giác yêu thương đối với người cho bú thì đứa trẻ có thể không chịu bú; và về phía người mẹ, nếu không có tình thương đối với đứa bé thì sữa có thể không chảy ra. Đó là sự thật. Đó là cuộc đời.
“Kế đến, cấu trúc vật lý của chúng ta cũng có vẻ phù hợp hơn với những cảm xúc yêu thương và từ ái. Chúng ta có thể thấy những cảm xúc ưu ái, trìu mến làm chúng ta thêm khỏe khoắn, trẻ trung trong khi giận dữ, sợ hãi và thù hận khiến con người xuống tinh thần, không thoải mái. Ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự trìu mến làm chúng ta thích thú hơn như khi những người chung quanh tỏ thái độ ưu ái, nồng nhiệt đối với mình. Những cảm xúc hòa nhã này và những hành vi tích cực đi kèm đưa đến một cuộc sống hạnh phúc hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
“Do đó, tôi nghĩ rằng bản chất căn để của con người là hòa nhã, và nếu đúng như vậy thì rõ ràng là rất thuận lý nếu con người sống một cuộc sống phù hợp với bản chất đó.
Tôi hỏi lại:”Nếu bản chất con người là yêu thương và từ ái thì Ngài giải thích thế nào về những xung đột và các hành vi hung tợn quanh ta?”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma gật gù một lúc trước khi trả lời:
“Dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua sự hiện hữu của những xung đột và căng thẳng, không chỉ riêng trong tâm thức của từng cá nhân, mà đến cả gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế khi chúng ta liên hệ với những người khác. Nhìn riêng ở khía cạnh này, một vài tác giả cho rằng bản chất con người là hung hãn. Những người này căn cứ vào lịch sử nhân loại và cho rằng, so với những động vật có vú khác, loài người hung tợn hơn nhiều. Hoặc họ lập luận rằng từ ái là một phần của tâm thức nhưng hung hãn cũng là một phần khác của tâm thức, và hai phần này tương đương với nhau. Đến đây, đức Đạt Lai Lạt Ma nghiêng người về phía trước, với một giọng chắc nịch và đầy vẻ nghiêm trọng, Ngài nói:”Nhưng tôi vẫn tin tưởng một cách chắc chắn rằng bản chất con người là yêu thương, từ ái và đây là một đặc tính vượt trội. Thù hận, hung hãn, bạo lực cũng có, nhưng tôi cho rằng chúng thuộc hàng thứ yếu, bề mặt và chỉ xuất hiện khi chúng ta nản chí trong cố gắng thực hiện yêu thương và từ ái. Chúng không phải là những căn tính của con người.
“Do đó, dù những hành vi hung tợn có xảy ra, tôi tin rằng những xung đột không phải do bản tính, mà xuất phát từ kỹ năng của con người. Một thứ kỹ năng thiếu quân bình, lạm dụng trí thông minh và năng khiếu tưởng tượng. Nhìn vào quá trình tiến hóa của nhân loại và so với những động vật khác, cơ thể vật lý của chúng ta khá yếu đuối, nhưng nhờ vào sự phát triển của trí thông minh, con người có thể sử dụng các công cụ hoặc phát minh các phương pháp để khống chế những điều kiện bất thuận lợi của thiên nhiên. Đến lúc xã hội con người và điều kiện môi sinh trở nên phức tạp, kỹ năng và nhận thức của chúng ta phải thiện xảo hơn mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng nhiều của đời sống. Như thế, bản chất con người là hòa nhã trong khi kỹ năng chỉ được phát triển về sau – và nếu kỹ năng này phát triển không quân bình, không được hướng dẫn bởi lòng từ ái, nó có thể dẫn đến tai họa, đổ nát.
“Nhưng điều quan trọng cần phải để ý là những xung đột gây ra bởi sự lạm dụng trí thông minh của con người nhưng con người cũng có thể sử dụng trí thông minh đó để chế ngự những xung đột. Trí thông minh phối hợp với từ ái và thiện tâm là đầu mối của hợp tác, xây dựng. Kiến thức, giáo dục và từ tâm phối hợp với nhau sẽ khiến chúng ta tôn trọng quan điểm và quyền lợi người khác và đây là căn bản của tinh thần hòa hợp, hòa giải được dùng để giải quyết những xung đột cũng như chế ngự những cảm xúc hung dữ”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn đồng hồ rồi kết luận: “Do vậy, mặc dù trải qua nhiều xung khắc và bạo lực, tôi nghĩ rằng giải pháp tối hảo để giải quyết những hành động này ở nội tâm cũng như ngoại cảnh là trở về với căn tính hòa nhã và từ ái của con người”. Ngài lại nhìn đồng hồ rồi mỉm cười:”Chúng ta nên ngừng ở đây vậy, hôm nay mình bàn thảo cũng khá nhiều rồi”.