Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

Chương 6

ĐÀO SÂU MỐI LIÊN HỆ VỚI THA NHÂN

Một buổi chiều, sau buổi nói chuyện trước công chúng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đến phòng khách riêng của Ngài trong khách sạn. Tôi đến sớm mấy phút. Một người tùy tùng ra dấu bảo tôi rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đang bận khách và Ngài sẽ trễ vài phút. Tôi trở ra ngoài, ngồi ở vị trí mà tôi thường ngồi và đọc lại những ghi chú mà tôi sẽ dùng vào buổi nói chuyện sắp tới, đồng thời tránh ánh mắt dò xét của nhân viên an ninh, rất giống với ánh mắt của những người bán hàng trông chừng mấy cậu học sinh trung học lượn lờ quanh các tạp chí. Chỉ mấy phút sau cửa mở và một cặp tuổi trung niên, ăn mặc chững chạc bước ra. Trông họ có vẻ quen và tôi nhớ rằng tôi đã được giới thiệu với họ trong một dịp nào đó vài ngày trước. Người ta cho tôi biết rằng người vợ được thừa hưởng một gia tài đồ sộ và người chồng cũng rất giàu có – ông ta là một vị chưởng lý có quyền thế ở Manhattan. Mặc dù chỉ trao đổi với nhau vài câu ngắn trong dịp giới thiệu, tôi hơi ngỡ ngàng vì cả hai đều có vẻ vô cùng cao ngạo.

Khi họ rời khỏi phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi chợt nhận ra một sự thay đổi không thể ngờ nổi trên khuôn mặt hai người. Nét cao ngạo và tự mãn đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là hai khuôn mặt đầy vẻ dịu dàng và xúc động – trông họ như hai đứa trẻ với ngấn lệ đọng trên khóe mắt. Mặc dù tác động của đức Đạt Lai Lạt Ma với người đối thoại thường không quá lớn lao, tôi nhận thấy mọi người đều có một sự thay đổi cảm xúc nào đó sau khi nói chuyện với Ngài. Tôi rất ngạc nhiên về khả năng kết hợp để tạo nên một sự trao đổi cảm xúc rất sâu sắc và đầy ý nghĩa với người đối thoại của đức Đạt Lai Lạt Ma, bất luận người ấy thuộc thành phần nào trong xã hội.

TẠO LẬP SỰ CẢM THÔNG

Trong thời gian đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ngụ tại Arizona, chúng tôi đã có dịp đề cập đến đề tài nhiệt tình và từ tâm của nhân loại, nhưng mãi cho đến mấy tháng sau tại nhà riêng của Ngài tại Dharamsala, tôi mới có cơ hội khám phá một cách chi tiết về phương cách liên hệ với tha nhân của Ngài. Vào thời điểm này, tôi đã rất nóng lòng muốn tìm xem những nguyên tắc căn bản nào được đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng khi giao kết với tha nhân – những nguyên tắc có thể ứng dụng để cải thiện mối giao hảo với người lạ, gia đình, bạn bè, người thân…. Tôi hỏi một cách nôn nóng :

“Nói về mối tương quan giữa người và người, xin Ngài cho biết những phương thức hay kỹ thuật nào hữu hiệu nhất để tạo một mối liên hệ có ý nghĩa, đồng thời giảm thiểu những bất đồng với tha nhân?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn tôi với ánh mắt soi mói. Tuy không phải là ánh mắt thiếu thân thiện nhưng Ngài làm tôi có cảm tưởng như tôi vừa hỏi Ngài phải đưa cho tôi cái công thức hóa học chính xác của bụi đất trên mặt trăng[1] . Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời sau một lúc yên lặng: “Đối xử với người khác là một vấn đề rất phức tạp. Không có cách nào đưa ra một công thức có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Cũng giống như nấu ăn vậy. Có nhiều lớp lang khác nhau khi anh muốn nấu một món ăn đặc biệt. Có thể anh phải luộc rau cải trước, sau đó đem chiên rồi trộn chung với nhau, sau nữa là thêm gia vị. Và kết quả là anh có được một món ăn thật ngon miệng. Cũng thế, chúng ta cần rất nhiều dữ kiện để có thể đối xử một cách khôn khéo với tha nhân, chứ không thể nói ‘Đây là phương pháp tốt nhất’, ‘Đây là kỹ thuật tuyệt hảo’ “.

Tôi không hài lòng lắm với lối trả lời này, tôi nghĩ là đức Đạt Lai Lạt Ma lảng tránh vấn đề vì tôi cho rằng Ngài phải có một giải đáp rõ rệt hơn. Vì vậy tôi hỏi dồn: “Nếu không có một giải pháp đơn thuần để cải thiện mối tương giao thì ít nhất, cũng xin Ngài cho biết những chỉ dẫn tổng quát có thể ứng dụng được”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc rồi nói: “Trước đây, chúng ta có bàn luận về vai trò quan trọng của từ tâm khi đến với tha nhân. Chúng ta có thể dễ dàng bảo người khác phải yêu thương hơn, tha thiết hơn. Nhưng như vậy chưa đủ, vì một lời giải thích đơn giản ít khi mang lại kết quả. Muốn cho người ta nhiều từ tâm, nhiều nhiệt tình hơn khi giao tiếp với người khác, thì phải làm sao cho họ thấy được lợi ích thiết thực của những tình cảm này, chẳng hạn như cảm giác hân hoan của một người khi nhận được sự ưu ái từ kẻ khác.

“Bây giờ chúng ta hãy nói đến những phương thức khác nhau để nới rộng mối từ tâm. Cảm thông là một yếu tố quan hệ. Đó là khả năng thông hiểu được nỗi khổ đau của người khác. Trong Phật giáo, đồng cảm là phương thức hữu hiệu để tăng trưởng từ tâm, bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh bi thảm của chúng sinh. Một con trừu sắp bị làm thịt chẳng hạn, và ta hãy tưởng tượng nỗi kinh hoàng mà nó đang trải qua, đang chịu đựng…”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc, tay vô tình lần chuỗi hạt. Ngài nói tiếp: “Có thể khá tế nhị khi đề cập phương thức này với những người lạnh lùng và thờ ơ – cũng giống như đòi hỏi người đồ tể đặt mình vào trường hợp con cừu sắp bị họ làm thịt hay bắt những người quen với thú vui câu cá, săn bắn đặt họ vào địa vị những con thú bị họ giết hại một cách dửng dưng, vô tâm”.

Tôi nói: “Nếu như vậy, không dễ gì đòi hỏi người thợ săn đặt mình vào địa vị con mồi của họ nhưng chúng ta có thể đánh thức lòng từ ái của họ bằng cách nói họ đặt mình vào địa vị con chó cùng đi săn với họ bị sập bẫy và đang quằn quại vì đau đớn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý: “Đúng, rất đúng. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên sửa đổi phương thức cho phù hợp với hoàn cảnh cá biệt. Có thể nhiều người không có mối đồng cảm với súc vật, nhưng lại nhạy bén với gia đình, bằng hữu. Trong trường hợp này, nên nghĩ đến nỗi khổ đau mà những người thân của mình đang chịu đựng, rồi xem mình sẽ cư xử ra sao nếu mình ở trong trường hợp ấy. Đó là cách thức làm tăng trưởng từ tâm bằng đồng cảm. Ngoài ra, đồng cảm còn giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày khi phải liên hệ với tha nhân. Khi ai đó cư xử với mình không được đẹp lắm, hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của họ trong hoàn cảnh đó và xem mình sẽ xử sự như thế nào. Gặp những người không có kinh nghiệm tương đồng hay có một lối sống khác biệt, chúng ta cũng có thể sử dụng đồng cảm. Bằng một ít tưởng tượng, chúng ta có thể từ bỏ cảm quan và nhận thức của mình để nhìn cuộc đời bằng quan điểm của họ. Làm được như vậy, chúng ta sẽ dễ cảm thông, dễ chấp nhận những quan điểm khác biệt, và đây là điều kiện giúp giảm thiểu các mâu thuẫn, bất đồng”.

Buổi nói chuyện hôm đó chấm dứt sớm vì đức Đạt Lai Lạt Ma quá bận rộn và tôi thường được Ngài tiếp vào cuối ngày. Bên ngoài mặt trời sắp lặn. Ánh tà dương làm cho màu vàng nhạt của căn phòng trở nên rực rỡ và hình ảnh đức Đạt Lai Lạt Ma như sáng ngời trong chiếc tràng màu đỏ thẫm. Một người phục vụ im lặng bước vào phòng, ra dấu cho tôi biết là buổi đàm luận đã kết thúc. Tôi cố vớt vát: “Tôi biết rằng đã hết giờ, Nhưng Ngài có điều gì nói thêm về những phương thức mà Ngài thường sử dụng để tạo mối đồng cảm với tha nhân?”. Nhớ lại những điều đã được đề cập trong lần nói chuyện trước công chúng ở Arizona mấy tháng trước, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một giọng giản dị :

“Bao giờ cũng vậy, tôi luôn luôn đến với tha nhân bằng những điều căn bản và thông thường nhất. Tất cả chúng ta đều có được một xác thân vật lý, một tâm thức, một cảm xúc giống nhau. Tất cả chúng ta đều được sanh ra như nhau và đều phải chết. Tất cả chúng ta đều mong được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Nhìn người khác từ quan điểm này (thay vì những khác biệt phụ thuộc như tôi là người Tây Tạng, hoặc sự khác biệt về màu da, tín ngưỡng, văn hóa ….) tôi có cảm giác rằng tôi đang đối diện với một con người giống y như tôi. Từ đó, tôi cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều trong việc trao đổi và truyền đạt với kẻ khác”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy, mỉm cười bắt tay tôi và chấm dứt một ngày dài làm việc.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc thảo luận tại nhà riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nói: “Tại Arizona, chúng ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của từ tâm trong mối tương giao của con người. và ngày hôm qua chúng ta bàn luận về vai trò của đồng cảm. Ngoài những điều đã đề cập, Ngài có thêm những cách thức hay kỹ năng nào giúp người ta giao tiếp hữu hiệu hơn với tha nhân?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Như tôi đã nói ngày hôm qua, không có cách nào để giải quyết mọi vấn đề bằng một hay hai công thức đơn giản. Tuy nhiên cũng có những yếu tố khác có thể phụ giúp vào việc đối xử với tha nhân một cách khôn khéo. Trước hết là phải hiểu rõ và tôn trọng bối cảnh riêng của người mà mình đang giao tiếp. Thứ đến, cởi mở và thành tâm cũng là những điều rất hữu dụng trong việc liên hệ với tha nhân”.

Tôi chờ đợi nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma không nói gì thêm. Cuối cùng, tôi hỏi: “Ngài có thể đề nghị vài cách thức để con người có thể cải thiện mối tương với người khác?”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngẫm nghĩ một lúc rồi mỉm cười: “Không”. Tôi có cảm tưởng rằng những lời khuyên bảo của Ngài có vẻ đơn giản và tầm thường nhưng hình như Ngài không còn ý kiến gì khác nên chúng tôi quay sang những chủ đề mới.

Tối hôm ấy tôi được mời dùng cơm tại nhà một người bạn Tây Tạng ở Dharamsala và buổi tối hôm đó thật là vui vẻ, sống động. Thức ăn gồm nhiều món rất xuất sắc và bắt đầu bằng Mo Mos, một loại thịt hầm rất ngon. Càng lúc, người ta chuyện trò càng hứng thú và sôi động. Mọi người kể cho nhau nghe về những kinh nghiệm đáng xấu hổ khi say rượu. Tất cả thực khách đều tham gia kể cả một cặp rất nổi tiếng từ Đức quốc. Người vợ là một kiến trúc sư và chồng là một văn sĩ đã viết khoảng một tá tác phẩm. Vì thích đọc sách nên tôi tìm cách gợi chuyện với người chồng văn sĩ này. Tôi hỏi về viết sách và ông ta trả lời nhát gừng, chiếu lệ với một thái độ thiếu tế nhị và khá xa cách. Nghĩ rằng ông ta không thân thiện, kiêu kỳ nên tôi đâm ra không mấy có cảm tình. Tự nhủ rằng mình đã tỏ ra thân mật trước mà ông ta không muốn hòa đồng nên tôi quay sang tán gẫu với những thực khách khác.

Ngày hôm sau, tôi gặp một người bạn tại một hàng quán trong làng và trong lúc uống trà, tôi kể lại buổi ăn tối hôm trước: “Tôi cảm thấy thích thú với tất cả mọi người ngoại trừ Rolf, tay văn sĩ đó. Anh ta có vẻ phách lối và không thân thiện tí nào”. Người bạn trả lời: “Tôi quen anh ấy khá lâu rồi. Tôi biết rằng ảnh không mấy tế nhị, nhưng có lẽ tại tánh ảnh dễ mắc cở và rụt rè lúc mới quen. Nhưng thật ra, nếu là bạn thân, anh sẽ thấy rằng ảnh là một người đáng khâm phục”. Tôi không tin tưởng mấy nhưng vẫn lắng nghe người bạn nói tiếp: “…. mặc dù là một tác giả nổi tiếng, anh ấy đã trải qua một quãng đời rất khó khăn. Gia đình anh ta trong thế chiến thứ II đã bị điêu đứng vì đảng Quốc Xã Đức. Rolf có hai đứa con mà anh ta rất thương yêu, cả hai đều bị một chứng bịnh về di truyền rất hiếm có và trở thành khuyết tật về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng thay vì sống một cuộc đời cay đắng trong đọa đày, anh ta lại tự phấn đấu bằng cách vươn ra để giúp đỡ người khác. Ảnh làm công tác thiện nguyện trong nhiều năm liền để giúp đỡ những nạn nhân tật nguyền. Nếu anh biết rõ, ảnh là một nhân vật khá đặc biệt”.

Rồi tôi có dịp gặp lại vợ chồng Rolf vào cuối tuần tại giải đất trống dài và hẹp dùng làm phi trường địa phương. Chuyến bay mà chúng tôi dự định đi Delhi bị hủy bỏ và phải chờ mấy ngày sau mới có chuyến kế tiếp. Chúng tôi quyết định thuê xe để đi chung một khoảng đường khá mệt nhọc kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ. Những chi tiết do người bạn thố lộ về Rolf đã thay đổi thành kiến của tôi đối với anh ta, và do đó, tôi đã đối xử một cách cởi mở hơn với Rolf trong chuyến đi này. Tôi bắt đầu gợi chuyện và Rolf vẫn có vẻ rụt rè, e ngại. Tôi vẫn tiếp tục gợi chuyện bằng một thái độ thân thiện và chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng, đúng như người bạn đã nói, thái độ xa cách của Rolf là do bản tính rụt rè chứ không phải kiêu kỳ của anh ta. Càng đi sâu vào miền bắc nóng bức và bụi bặm của Ấn Độ, chúng tôi càng trở nên tương đắc hơn khi Rolf tỏ ra là một con người nhiệt tình, chân thật, đồng thời là một người bạn đồng hành đáng tin cậy.

Mấy ngày sau, tôi vẫn còn lưu lại Delhi để chờ máy bay về Mỹ. Tôi cảm thấy bực bội vì khung cảnh êm đềm của Dharamsala bị thay thế bởi cái nóng oi bức cộng với sự náo nhiệt và ô nhiễm của Delhi. Tôi có cảm tưởng người ta nhìn mình như là một thằng khùng, một người ngoại, một mục tiêu trấn lột. Đấy là chưa kể đến hàng tá gái điếm lúc nào cũng có mặt để lôi kéo. Tôi cảm thấy rất nản chí.

Một buổi sáng, tôi trở thành nạn nhân của một hành động bất lương của hai đứa bé. Trong lúc tôi không để ý, một đứa đổ sơn lên giày tôi và cách đó không xa, một đứa khác có nét mặt thật ngây thơ với đồ nghề đánh giày chờ sẵn. Đứa bé xin đánh giày cho tôi với một giá phải chăng. Chỉ mấy phút sau là đôi giày của tôi trở nên bóng láng và thằng bé nhẹ nhàng đòi một số tiền khổng lồ: tương đương với hai tháng tiền lương trung bình. Tôi phản đối thì đứa bé nói đó là giá tiền mà tôi đã đồng ý trước. Tôi vẫn không chịu thì đứa bé bắt đầu la lớn lên rằng tôi cố tình không trả tiền công cho nó trước một đám đông hiếu kỳ vây quanh. Tối hôm ấy tôi mới biết ra đó là cách làm tiền du khách ngoại quốc của những đứa trẻ bất lương vì thường thì ai cũng muốn tránh khỏi bị đám đông xa lạ nhìn xoi mói càng sớm càng tốt.

Tôi ăn trưa với một chị bạn tại khách sạn. Tôi quên bẵng chuyện xảy ra ban sáng khi người bạn hỏi tôi về cuộc gặp gỡ với đức Đạt Lai Lạt Ma. Chúng tôi mải mê bàn luận những ý tưởng của Ngài về sự cảm thông với tha nhân, chấp nhận quan điểm của người khác…. Sau khi ăn trưa, chúng tôi gọi taxi đi thăm vài người quen. Khi chiếc taxi bắt đầu chạy, bỗng nhiên tôi nhớ đến hai đứa bé đánh giày ban sáng và tôi liếc mắt nhìn đồng hồ ghi giá tiền.

“Ngừng lại !”. Tôi la lớn làm chị bạn giật nảy mình. Tay tài xế nhìn tôi trong kiến chiếu hậu nhưng vẫn tiếp tục chạy.

“Ngừng xe lại!”. Tôi ra lệnh, giọng run lên vì giận dữ. Chiếc taxi ngừng lại trong khi chị bạn tôi hoàn toàn sững sốt. Tôi chỉ vào đồng hồ ghi tiền và la lên: “Anh không vặn lại đồng hồ tính tiền, còn hơn 20 rupee (đơn vị tiền tệ Ấn Độ) khi tụi tôi lên xe”.

“Xin lỗi ông, tôi quên không điều chỉnh kim đồng hồ. Tôi sẽ bắt đầu lại”. Tay tài xế trả lời tôi với một giọng lạnh nhạt, ù lì làm tôi càng thêm cáu tiết: “Tôi không cần anh vặn lại đồng hồ. Tôi chán mấy anh lắm rồi, lúc nào cũng tìm cách tính thêm tiền, chạy lòng vòng, làm đủ cách để moi tiền người ta. Tôi …. tôi chán lắắắm rồi”.

Thái độ trừng phạt người tài xế một cách quá đáng của tôi làm chị bạn có vẻ ngượng ngập và xấu hổ. Tay tài xế nhìn tôi với vẻ mặt thách thức mà người ta thường thấy ở những chú bò thiêng thường ra đứng giữa đường phố đông nghẹt của Ấn Độ để chận xe cộ lưu thông. Hắn nhìn sự bực tức của tôi với một vẻ chán nản, nhạt nhẽo. Tôi thảy mấy rupee lên ghế trước, không nói gì thêm, mở cửa xe cho chị bạn, rồi ra khỏi xe. Sau đó, chúng tôi chận một chiếc taxi khác và tiếp tục cuộc viếng thăm nhưng tôi không hết bực bội. Trong khi chiếc taxi chạy từ đường này sang đường khác, tôi vẫn cằn nhằn về thói lường gạt du khách của ‘mọi người’ ở Delhi. Chị bạn yên lặng nghe tôi kể tội và trách cứ. Sau cùng, chị nói :

“20 rupee chỉ bằng 25 xu, có đáng gì mà ngậu xị lên thế?”. Tôi nổi khùng vì cho rằng những giá trị đạo đức đã bị xúc phạm. “Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc. Tôi không hiểu làm sao mà chị lại có vẻ thản nhiên đối với những chuyện như vậy. Nó xảy ra hàng ngày, bộ chúng không làm chị khó chịu sao?”.

Chị bạn thong thả trả lời: “Có chứ. Nó có làm tôi khó chịu một lúc, nhưng tôi nghĩ tới những điều chúng ta bàn luận vào buổi trưa, những điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tầm quan trọng của việc nhìn đời bằng cảm quan của người khác. Trong khi anh vẫn sừng sộ về tay tài xế thì tôi cố nghĩ đến những điểm tương đồng giữa tay tài xế và chúng ta – ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, sung sướng… Tôi tưởng tượng mình là người tài xế. Ngồi trong chiếc taxi nóng bức, oi ả ngày này qua ngày khác, có thể tôi cũng sẽ ganh tỵ với những du khách ngoại quốc giàu có, và có thể tôi cho rằng moi tiền của họ là chuyện không có gì quá đáng. Nhưng điều đáng buồn là dù moi thêm được ít rupee từ những du khách nhẹ dạ, tôi vẫn không thấy cuộc sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn. Càng nghĩ về cuộc sống của người tài xế, tôi càng cảm thông với cuộc sống buồn tẻ của anh ta hơn. Mặc dù tôi không đồng ý với hành động lường gạt của người tài xế, và việc chúng ta ra khỏi taxi là đúng nhưng quả thật, không đáng giận anh ta….”.

Tôi cứng họng và ngạc nhiên khi thấy mình không thấm nhuần bao nhiêu những điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói. Tôi nhận ra được giá trị thực tế của những lời khuyên của Ngài về “thông cảm hoàn cảnh người khác”, và tôi cũng hiểu tại sao người ta đã kính ngưỡng cung cách xử thế của Ngài. Hồi tưởng lại những buổi đàm luận của chúng tôi ở Arizona và bây giờ ở Ấn Độ, tôi nhận ra rằng ngay từ lúc đầu, những cuộc thảo luận này đã xoay quanh cấu trúc con người, thì bây giờ tôi hiểu ra, đó là cấu trúc về TÂM và THỨC của chúng ta. Cho đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng, tuy nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma rất nhiều, tôi chưa thực sự áp dụng những chỉ dẫn của Ngài vào cuộc sống của chính tôi. Tôi vẫn chưa đủ quyết tâm để sống đúng theo những ý tưởng của Ngài – có lẽ vào một thời điểm nào đó trong tương lai khi tôi có nhiều thời giờ hơn !

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.