Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

KHẢO SÁT NỀN TẢNG CỦA MỐI LIÊN HỆ?

Những cuộc thảo luận giữa tôi và đức Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona bắt đầu với đề tài tìm kiếm nguồn gốc của hạnh phúc và những cuộc nghiên cứu cho thấy hôn nhân là một điều kiện quan trọng của hạnh phúc: Hôn nhân tạo ra tình cảm riêng tư và những yếu tố khác khiến cho sức khỏe gia tăng cũng như cảm giác thỏa mãn một cách tổng quát đối với cuộc sống. Hàng ngàn cuộc khảo sát ở Mỹ quốc cũng như Âu châu đều chứng tỏ rằng, một cách thông thường, những người có gia đình cảm thấy hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn với cuộc sống so với những người độc thân hay góa bụa; càng đặc biệt hơn nữa, so với những người đã ly dị hay ly thân. Trong một cuộc nghiên cứu, cứ 6 trong 10 người Mỹ có gia đình cho rằng cuộc sống vợ chồng cũng như cuộc đời nói chung của họ “rất hạnh phúc”. Khi thảo luận về mối tương quan giữa người và người, tôi nghĩ là tôi sẽ đề cập với đức Đạt Lai Lạt Ma về vai trò quan trọng của hôn nhân đối với hạnh phúc mặc dù Ngài đã chọn cuộc đời độc thân của một tu sĩ Phật giáo.

Trước một buổi thảo luận với đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi ngồi giải khát với một người bạn tại khoảng sân lộ thiên của khách sạn vùng Tucson. Đề cập đến hôn nhân và tình cảm mà tôi dự định sẽ thảo luận với Ngài, tôi và người bạn cảm thấy tội nghiệp cho những người độc thân. Đang lúc chúng tôi nói chuyện, một cặp còn trẻ trông rất tráng kiện -có lẽ là dân chơi golf đi nghỉ mát vào dịp nghỉ hè- đến ngồi vào bàn bên cạnh. Họ có vẻ đã qua thời kỳ trăng mật nhưng trông vẫn còn nồng nàn và trẻ trung. Tôi nghĩ: Thật đẹp đôi. Ngồi chưa nóng chỗ, chúng tôi đã nghe họ càu nhàu :

“Tôi đã nói với anh rằng mình sẽ trễ…” Người đàn bà bắt đầu đổ lỗi cho ông chồng một cách gay gắt với giọng nói khàn khàn, có lẽ do thuốc lá và rượu đã lâu năm. “Bây giờ không còn đủ thì giờ để ăn nữa, nuốt hết nổi !”

“Nếu cô sửa soạn nhanh hơn một chút…” Người đàn ông trả đũa ngay tức thì, giọng nói tuy dịu hơn nhưng người ta có thể nhận thấy vẻ hằn học và bực tức trong từng lời nói.

“Tôi xong cả nửa tiếng đồng hồ rồi, Anh cứ ham đọc báo …”

Cứ thế mà hai vợ chồng cằn nhằn nhau. Như Euripides, một kịch tác gia Hy Lạp đã nói: “Hôn nhân có thể tốt đấy, nhưng khi cơm không lành, canh không ngọt nữa thì gia đình sẽ trở thành địa ngục”. Cuộc khẩu chiến giữa cặp vợ chồng trẻ làm chúng tôi ngưng ngay cảm giác tội nghiệp đối với những người độc thân. Bạn tôi trợn mắt, nhái lại một câu nói trong hài kịch Seinfeld trên truyền hình: “Đúng vậy, tôi sẽ lập gia đình rất sớm”.

Mặc dù dự định sẽ hỏi ý kiến đức Đạt Lai Lạt Ma về những điều tốt đẹp do yêu đương và hôn nhân tạo nên, khi bước vào phòng khách riêng của Ngài và chưa kịp ngồi xuống, tôi lại hỏi: “Vì sao mà Ngài cho rằng những xung đột lại thường xảy ra trong cuộc sống hôn nhân?”. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Dĩ nhiên, xung đột là một vấn đề rất phức tạp vì bị ảnh hưởng bởi nhiều dữ kiện. Vì thế, khi muốn tìm hiểu những rắc rối trong các mối tương quan, bước đầu tiên là phải soi rọi kỹ lưỡng những căn bản của các mối tương quan này.”

“Vì vậy, trước tiên người ta nên biết rằng có nhiều loại liên hệ và cần hiểu rõ sự khác nhau của chúng. Hãy để riêng vấn đề hôn nhân sang một bên, chỉ riêng tình bạn thôi cũng có nhiều loại khác nhau. Tình bạn có khi dựa trên điều kiện sức khỏe, quyền hạn, chức vị…. Loại tình bạn này chỉ tồn tại khi anh còn mạnh khỏe, còn địa vị và quyền lực. Khi những yếu tố này mất đi thì những “người bạn” cũng dần dần xa lánh anh. Mặc khác, có những tình bạn không dựa trên các yếu tố sức khỏe, chức vụ, quyền lực; mà xây dựng trên tình cảm chân thật của con người, thứ tình cảm gần gũi, chia xẻ, kết nối … Đấy là loại tình bạn chân thật, vì nó không bị ảnh hưởng bởi các ràng buộc vật chất bên ngoài không kể các ràng buộc này tăng thêm hay giảm bớt. Loại tình bạn này sống nhờ cảm giác yêu thương, cho nên nếu anh không yêu thương, loại tình bạn này sẽ không tồn tại được. Trước đây, chúng ta cũng đã có dịp đề cập đến chuyện này rồi, nhưng nên nhớ là khi mối liên hệ có những rạn nứt, chúng ta hãy lùi lại một chút, và tìm hiểu cái căn bản mà trên đó, mối liên hệ đã được xây dựng.

“Trở lại chuyện hôn nhân khi có những xáo trộn, hiểu được do đâu mà hai người lấy nhau là điều rất hữu ích… Anh có thể dễ dàng nhận thấy là trong rất nhiều trường hợp, người ta lấy nhau vì những quyến rũ thể chất. Hai cô cậu mới quen nhau, có dịp gặp nhau vài lần, yêu nhau đắm đuối và cảm thấy vô vàn hạnh phúc. Nhưng quyết định lấy nhau trong trường hợp này thường không vững bền. Người ta thường có những hành động điên rồ khi tức giận hay thù hận quá đáng và người ta cũng điên rồ không kém đối với sức mạnh của đam mê, khát vọng… Nhiều khi, anh nghe một người nào đó thố lộ: “Ồ, bạn gái/ bạn trai của tôi không hẳn là một người tốt nhưng tôi vẫn mê cô ấy/anh ấy lắm”. Mối liên hệ dựa trên sự quyến rũ thể xác thường ít vững bền, không xác tín vì yếu tố quyến rũ chỉ có tính cách tạm thời. Không bao lâu, cảm tình này sẽ phai nhạt. Cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy loại liên hệ này thường đưa tới rối rắm, và hôn nhân dựa trên loại cảm xúc này cũng không đi đến đâu… Anh thấy thế nào?”

Tôi đáp: “Vâng, tôi phải đồng ý với Ngài về chuyện này.

Hình như trong tất cả các mối liên hệ, kể cả những liên hệ sôi nổi nhất, cảm giác đam mê ban đầu sẽ dần dần lắng xuống. Những cuộc khảo sát cho thấy những người đặt đam mê và lãng mạn lên hàng đầu thường kết thúc bằng tan vỡ ảo mộng, và rồi ly hôn. Ellen Berscheid là một tâm lý gia xã hội tại đại học Minnesota thì phải, đã nghiên cứu về vấn đề này và kết luận rằng, nếu không nhận thức được đam mê chỉ là một phần của tình yêu thì người ta có thể làm cho tình yêu bị hủy diệt. Bà và các cộng sự viên đã cho rằng sự gia tăng các vụ ly dị trong vòng vài chục năm qua một phần vì người ta ngày càng coi trọng vai trò của cảm xúc – cảm xúc về sự lãng mạn trong tình yêu chẳng hạn. Và cái khó cho chúng ta là không duy trì nổi các cảm xúc này theo với thời gian”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Đúng như vậy. Cho nên khi đối diện với những rắc rối của các mối tương quan, điều quan hệ cơ bản là phải tìm hiểu cái căn nguyên của các mối tương quan này.

“Bên cạnh loại liên hệ dựa trên sự quyến rũ thể chất, chúng ta còn có một loại liên hệ dựa trên các yếu tố khác. Anh cũng có thể nghe một người nào đó thố lộ rằng bạn trai/bạn gái của họ không đẹp lắm, nhưng lại là một người rất tốt, rất khả ái…. Mối quan hệ dựa trên loại tình cảm này thường bền chặt và lâu dài hơn vì sự trao đổi rất chân thật, đầy nhân tính giữa hai cá nhân với nhau.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc như để suy nghiệm rồi nói tiếp:

“Tôi muốn nói thêm cho rõ là dĩ nhiên, người ta có thể có một mối liên hệ tốt đẹp trong đó bao gồm cả yếu tố quyến rũ của thể xác. Như vậy có hai loại liên hệ cùng dựa trên yếu tố quyến rũ: Loại thứ nhất thuần túy dựa trên các ham muốn tình dục và trong trường hợp này, sự kết nối giữa hai người chỉ là để thỏa mãn những đòi hỏi thể xác. Người ta đối xử với nhau như là những đối tác chứ không có sự tương kính giữa người với người. Tệ hơn nữa, mối tương quan chỉ là phương tiện trao đổi. Giống như căn nhà làm trên băng tuyết, khi băng tan thì căn nhà sẽ sụp đổ.

“Loại thứ hai cũng có yếu tố quyến rũ, nhưng yếu tố này không giữ vai trò áp đảo. Trong loại liên hệ này, người này coi trọng phẩm cách của người kia. Những phẩm cách làm người ta kính mến và trọng nể lẫn nhau như sự tử tế, thân thiện, hòa nhã. Mối liên hệ thiết lập trên các yếu tố này thường rất vững bền và xác tín. Để thiết lập một mối liên hệ như vậy, điều kiện căn bản là phải có nhiều thời gian để tìm hiểu lẫn nhau, biết rõ những cá tính của nhau. Cho nên khi người ta hỏi ý kiến tôi về việc cưới hỏi, tôi thường hỏi lại là họ đã quen nhau bao lâu rồi. Nếu mới quen nhau năm bảy tháng, tôi thường bảo là ‘ít quá, chưa đủ’. Nếu họ nói đã quen nhau vài ba năm thì khá hơn nhiều vì đến bây giờ, họ không chỉ biết nhau ở ngoại hình mà đã hiểu nhau khá sâu đậm về bản chất bên trong của nhau. Đó cũng là lý do mà Mark Twain đã nhận định rằng ‘Không ai có thể nói đã hiểu thế nào là tình yêu tuyệt vời nếu họ chưa cưới nhau qua 1/4 thế kỷ’.

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu nói tiếp: “Vì thế, tôi cho rằng đa số những rối rắm xảy ra trong hôn nhân là vì người ta không đủ thời gian tìm hiểu nhau, và rằng nếu muốn tạo dựng một mối liên hệ thật thỏa đáng, cách tốt nhất là tìm hiểu những đặc tính riêng của đối tượng, rồi quan hệ với họ dựa trên những đặc tính này, thay vì chỉ nhìn qua những tình cảm giả tạo. Loại liên hệ này cần đến lòng từ ái mới tồn tại được.

“Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng hôn nhân của họ có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn chứ không chỉ là những liên hệ vật chất. Rằng hôn nhân là để hai người cùng chung sống với nhau, chia xẻ những thăng trầm cùng những riêng tư thầm kín. Nếu đây là những ý tưởng chân tình thì quả thật họ đã có được một nền tảng thích đáng để tạo dựng một mối liên hệ tốt đẹp. Một mối liên hệ được kể là tốt đẹp nếu hai nhân vật cùng chia xẻ với nhau và cam kết cho nhau. Thông thường thì quan hệ thể xác giữa vợ chồng tạo ra sự thỏa mãn về thể chất, cũng như giúp trí óc đỡ căng thẳng; nhưng đừng quên rằng theo quan điểm sinh học, truyền giống là mục đích chính của quan hệ thể xác. Và để đạt được yêu cầu đó, người ta cần phải quan tâm đến con cháu: Nuôi chúng khôn lớn, giúp chúng phát triển. Do vậy, chia xẻ và cam kết là những nhân tố quan trọng của tương quan tình cảm, vì không có chúng, mối liên hệ chỉ cung ứng những thỏa mãn tạm bợ, chỉ để mua vui”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười, như cười cho thế sự sao mà quá nhiêu khê, rối rắm.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.