Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

PHẦN 3. CHUYỂN HÓA ĐAU THƯƠNG

Chương 8

ĐỐI DIỆN VỚI KHỔ NÃO

Lúc đức Phật còn tại thế, có một người đàn bà tên là Kisagotami đã vô cùng đau khổ khi đứa con trai duy nhất của bà tử nạn. Bà chạy hết người này đến người kia với hy vọng tìm ra thuốc cải tử hoàn sinh cho đứa con. Bà nghe người ta nói đức Phật có thứ thuốc đó. Kisagotami tìm đến, đảnh lễ đức Phật rồi nói :

“Ngài có biết thuốc gì để cứu sống con tôi ?”

“Ta có thể chế được thuốc ấy.” Đức Phật trả lời: “Nhưng ta cần một ít hương liệu”

Người đàn bà như thoát nạn vội hỏi: “Ngài cần những gì ? “

“Bà hãy kiếm cho ta một ít hột mù tạc.”

Người đàn bà cam đoan sẽ kiếm ra và vội vã chạy đi. Nhưng đức Phật nói thêm :

“Hột mù tạc mà ta muốn phải được lấy từ một gia đình chưa hề có con cái, vợ chồng, cha mẹ, hay người giúp việc bị chết.”

Người đàn bà chấp nhận yêu sách đó và bắt đầu đi từ nhà này sang nhà khác để kiếm hột mù tạc. Nhà nào cũng sẵn lòng cho Kisagotami một ít hột mù tạc, nhưng khi hỏi thăm thì bà ta không tìm ra một gia đình nào không có người chết: không cha mẹ thì vợ chồng, không con cái thì người giúp việc.

Trực ngộ được rằng không phải chỉ có mình bị khổ não, người đàn bà buông xác con và quay lại tìm đức Phật. Bậc Đại Giác vỗ về: “Bà tưởng chỉ một mình bà mất con? Luật sinh tử nói rằng không có gì trường cửu trên thế gian này cả.”

Cuộc tìm kiếm của Kisagotami đã khiến bà hiểu rằng không một ai trên cõi đời này tránh được khổ đau và mất mát. Khổ nạn ấy không phải của riêng bà. Hiểu được điều đó, không phải người ta sẽ không khổ đau khi bị mất mát nhưng nỗi đau khổ sẽ giảm thiểu rất nhiều khi chúng ta chấp nhận sự thật buồn bã đó của cuộc đời.

Mặc dù đau đớn và khổ não là một hiện tượng có tính cách toàn cầu của loài người, con người vẫn không muốn chấp nhận chúng. Nhân loại đã tìm ra không biết cơ man nào là những phương pháp để tránh đau đớn và khổ não. Có khi người ta dùng những hình thức ngoại vi như hóa chất chẳng hạn để xoa dịu hoặc ngăn chận những cảm giác này. Chúng ta cũng có những khả năng nội tại, những phòng thủ tâm lý để chống lại đau khổ. Tình trạng ngất xỉu cũng được coi là một cách thức chống lại đau đớn của thể xác. Trong một số trường hợp, những năng lực nội tại này khá sơ đẳng như khi người ta cứ nhất định không nhìn nhận sự hiện diện của một khó khăn nào đó, hoặc biết rằng mình đang gặp phải một vấn nạn nhưng lại tìm cách tránh né, không nghĩ tới nó bằng cách buông thả vào những thú vui thế tục. Cũng có khi người ta dùng phương pháp phóng chiếu: không chấp nhận sự khổ não đó là của mình và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thông thường nhất là đổ cho xếp lúc nào cũng tìm cách hành tội mình, tại bà vợ/ông chồng lúc nào cũng chèn ép mình …

Người ta chỉ có thể tạm thời tránh né khổ đau. Nhưng giống như một căn bịnh không được chữa trị (hoặc chữa trị không đúng cách: triệu chứng bên ngoài có thể thuyên giảm nhưng gốc rễ bên trong vẫn còn nguyên) nó càng ngày càng nặng hơn. Các dược chất có thể giúp chúng ta làm dịu cơn đau hoặc rượu có thể giúp chúng ta quên đi niềm khổ não, nhưng nếu sử dụng lâu dài, sự tàn phá của chúng đối với cơ thể vật lý cũng như cuộc sống xã hội của chúng ta còn nguy hại gấp bội so với những đau đớn và khổ não mà chúng ta phải chịu đựng lúc ban đầu. Các phương thức phòng thủ tâm lý nội tại của chúng ta như từ chối chấp nhận sự thật, đè nén cảm giác … cũng giúp chúng ta chịu đựng một thời gian, nhưng chúng không thể làm cho các đau đớn và khổ nạn biến mất.

Bố của Randall qua đời vì bịnh ung thư đã được hơn một năm nay. Randall rất gần gũi với bố và mọi người đã hoàn toàn khâm phục khi thấy Randall kềm chế cảm xúc của mình trước cái chết của người cha. “Dĩ nhiên là tôi buồn khổ. ” Randall giải thích bằng một giọng khắc kỷ: “Tôi thương nhớ bố lắm nhưng còn nhiều chuyện phải làm. Tôi không thể ngồi ì ra đó để khóc lóc, tôi phải thu xếp đám tang, dàn xếp sự sản cho mẹ…. Cuộc đời vẫn phải tiếp tục…. Không sao đâu, tôi khoẻ mà !” Tuy nhiên, không bao lâu sau ngày giỗ đầu của bố, Randalll bắt đầu bị chứng trầm cảm khá nghiêm trọng. Anh ta đến phòng mạch của tôi và giải thích: “Không thể hiểu được do đâu mà tôi lại bị chứng bịnh này. Hiện giờ mọi chuyện có vẻ suông sẻ. Tôi không nghĩ cái chết của cha tôi là nguyên nhân của căn bịnh. Cha tôi mất hơn một năm rồi và tôi đã quen với cuộc sống mồ côi.”

Chỉ xem qua một ít triệu chứng, tôi đã tìm thấy nguyên nhân của chứng bịnh: Mặc dù kềm chế được cảm xúc, tỏ được cho người ngoài thấy rằng mình vững chãi, Randall chưa bao giờ thực sự đối diện với nỗi buồn khổ sâu đậm của mình do sự ra đi của bố. Nỗi khổ đau thật ra cứ âm thầm lớn mạnh và cuối cùng đã tạo ra chứng trầm cảm nghiêm trọng mà anh ta phải hứng chịu. Trong trường hợp của Randall, vì nguyên nhân của căn bịnh khá rõ ràng nên chúng ta có thể chú mục vào đấy để điều trị, thành thử anh ta mau chóng phục hồi. Trong nhiều trường hợp khác, từ vô thức, người bệnh đã nhất định không chịu đối diện với vấn đề, và căn nguyên của bịnh trạng đã hằn sâu vào cá tính của bịnh nhân khiến cho việc chữa trị vô cùng khó khăn. Ai trong chúng ta cũng đã có dịp biết một người bạn, người quen, người thân nào đó đã tránh né vấn đề, tìm cách đổ lỗi cho người khác trong khi thật sự chính họ là người có lỗi. Đây dĩ nhiên không phải là phương pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn nạn của đời sống và loại người thường tìm cách tránh né những vấn nạn này cũng không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phân tích rất tỉ mỉ sự khổ đau của kiếp người. Quan điểm của Ngài cho rằng người ta có thể giảm bớt khổ đau bằng cách chấp nhận khổ đau là một phần tự nhiên của đời sống và bằng cách can đảm trực diện với chúng: “Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta không thể tránh khỏi các khó khăn. Những khó khăn lớn lao nhất lại là những cái mà không ai tránh né được như già yếu, bệnh tật và tử vong. Tìm cách lẫn tránh chúng, không nghĩ đến chúng có thể giúp chúng ta thoát nạn trong chốc lát, nhưng tôi cho rằng có một phương pháp hữu hiệu hơn: Bạn sẽ ở một vị trí thuận lợi hơn, hiểu thấu bản chất thực sự các khó khăn của đời sống hơn nếu bạn nhìn thẳng vào chúng. Trong một cuộc chiến đấu, nếu không hiểu rõ bản chất và khả năng của kẻ địch, chúng ta sẽ hoàn toàn bị động và nỗi khiếp sợ sẽ làm tê liệt chúng ta. Trái lại, nếu biết khả năng kẻ địch đến đâu, vũ khí nào được chúng sử dụng … thì chúng ta sẽ dễ dàng chuẩn bị cho mình. Cũng thế, bạn sẽ đối phó dễ dàng hơn với những khó khăn trong đời bằng cách nhìn thẳng vào chúng thay vì lẫn tránh chúng.

Phương pháp giải quyết vấn đề này rõ ràng là hợp tình hợp lý, nhưng vì muốn đức Đạt Lai Lạt Ma giải đáp tường tận hơn nên tôi hỏi: “Vâng, nhưng nếu chúng ta trực diện với vấn nạn rồi không tìm được giải pháp nào thì làm sao ?”

“Tôi vẫn cho rằng tốt hơn nên trực diện với chúng” Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lời tôi với một tâm trạng hăng hái: “Giả dụ như anh cho rằng những chuyện như tuổi già, nỗi chết là những chuyện tiêu cực, không ai muốn nói đến nên chúng ta tìm cách quên chúng đi. Nhưng quên chúng thì chúng vẫn đến kia mà ? Và nếu cứ tìm cách lẫn tránh, không chuẩn bị trước, khi chúng đến, anh sẽ bị chấn động, bị sốc. Tuy nhiên, nếu đã dành thì giờ suy nghĩ về những khổ nạn này, tâm trí chúng ta sẽ ở trong một trạng thái vững chãi hơn rất nhiều khi những chuyện này xảy đến vì anh đã chuẩn bị, đã làm quen, đã chấp nhận chúng.

“Do vậy mà tôi cho rằng chuẩn bị tinh thần, làm quen với những khổ nạn mà mình có thể gặp là điều hữu ích. Sử dụng phương pháp loại suy, nghiền ngẫm các khổ nạn cũng giống như thực tập các hoạt động quân sự. Một người chưa bao giờ nghe đến chiến tranh, súng nổ, bom rơi … nếu phải giáp mặt với chiến trường, chắc họ sẽ chết ngất vì sợ hãi. Nhưng nếu được luyện tập thường xuyên, tâm trí chúng ta sẽ quen với những âm thanh của bom đạn và nếu phải đối mặt với chiến trường, chúng ta sẽ ít bị hãi hùng hơn.”

Tôi ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma: “Đồng ý rằng làm quen với khổ nạn sẽ giảm thiểu nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng có những trường hợp tấn thối lưỡng nan mà chúng ta không cách nào tránh khỏi. Trong những tình huống như vậy, làm sao để người ta bớt lo âu ?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi: “Thí dụ như tình huống nào ?”

Tôi cân nhắc một chút rồi đáp: “Lấy trường hợp một người đàn bà đang có thai chẳng hạn. Kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy đứa bé bị khuyết tật khá nặng về tâm thần hoặc thể chất. Do vậy người đàn bà rất sợ hãi và không biết làm sao. Giả dụ như muốn tránh cho đứa bé phải sống một cuộc đời đày đọa, người đàn bà có thể chọn giải pháp phá thai. Nhưng làm như vậy, bà ta sẽ phải chịu đựng một sự đau khổ và mất mát lớn lao, đồng thời phải mang mặc cảm phạm tội. Hoặc người đàn bà phó mặc cho định mệnh an bài và sẽ cưu mang đứa bé nghĩa là phải gánh chịu một cuộc sống khổ não cho cả mẹ lẫn con.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi nói một cách chăm chú và đáp lại bằng một âm điệu bâng khuâng: “Dù giải quyết theo quan điểm Tây phương hay dựa trên giáo lý nhà Phật, người ta đều gặp rất nhiều khó khăn đối với những hoàn cảnh khó xử như vậy. Trong thí dụ mà anh vừa đưa ra về một bào thai khuyết tật, trong đường dài, không ai dám nói chắc rằng đâu là sai và đâu là đúng. Dù bị khuyết tật, đứa bé có thể là một điều tốt cho người mẹ, cho gia đình và cho chính bản thân nó nữa (nghịch duyên). Nhưng cũng có thể nó là một gánh nặng mà một số người không cưu mang nổi về dài về lâu, cho nên phá thai trong trường hợp này chưa hẳn là điều xấu. Nhưng ai có quyền phán xét ? Rất khó nói. Theo quan điểm nhà Phật, những trường hợp này nhiều khi cũng vượt khỏi phạm vi hành xử của chúng ta”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Có điều là niềm tin và quá trình lớn khôn của người ta đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành quyết định …”

Chúng tôi ngồi lặng yên. Sau cùng, đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu rồi nói tiếp: “Khi suy ngẫm về những khổ nạn mà con người phải gánh chịu, chúng ta có thể sửa soạn tâm tư để đón nhận chúng ở một mức độ nào đó; tuy nhiên đừng quên rằng sự sửa soạn trước như vậy không làm cho khổ nạn vơi bớt đi. Sự sửa soạn tinh thần chỉ giúp chúng ta bớt sợ hãi, yên tâm hơn để đón nhận chúng. Trở lại thí dụ về đứa bé khuyết tật, cho dù có sửa soạn bao nhiêu đi nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận một giải pháp nào đó cho vấn đề, và bất cứ giải pháp nào cũng khó khăn cả.”

Có một âm hưởng buồn thảm trong giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma tuy không phải là vô vọng. Ngài ngừng nói, nhìn đăm chiêu qua khung cửa. Một phút sau, Ngài tiếp: “Khổ não là một-phần-không-thể-tránh-được của cuộc đời mặc dù khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là không thích chúng. Nhưng nói một cách tổng quát, tôi cho rằng con người không phổ quát hóa sự khổ đau trong cuộc sống của chúng ta …”. Tự nhiên đức Đạt Lai Lạt Ma bật cười và nói đùa: “Anh thấy không, khi kỷ niệm ngày chúng ta chào đời, ai cũng nói ‘Chúc mừng sinh nhật’ trong khi thật ra, đó là ngày của những khổ đau bắt đầu. Nhưng có ai nói chia buồn với chúng ta đâu ?

“Khi chấp nhận khổ não là một phần của cuộc sống, chúng ta có thể bắt đầu bằng sự khảo sát những nguyên nhân đưa đến tình trạng không hài lòng, không hạnh phúc. Thông thường thì người ta cảm thấy vui vẻ nếu chúng ta hay người thân của mình được tán dương, nổi tiếng, gặp hên… và ngược lại, chúng ta cảm thấy buồn rầu nếu không nhận được những điều tốt đẹp đó. Chúng ta cũng không vui khi đối thủ của mình gặp may như vậy. Tuy nhiên, nhìn vào cuộc sống thường ngày, anh sẽ thấy có vô số những dữ kiện đưa chúng ta đến tình trạng không hài lòng, bực bội, đau khổ … trong khi những nguyên nhân đưa đến sự vui vẻ, hạnh phúc lại tương đối hiếm hoi. Đây cũng là một đặc điểm khác của đời sống mà chúng ta phải chấp nhận dù thích hay không. Và vì đây là những thực thể của cuộc đời, chúng ta phải thay đổi thái độ của mình đối với khổ đau. Thái độ của chúng ta đối với khổ nạn ảnh hưởng sâu đậm đến phương thức ứng xử của người ta khi những khổ nạn này xuất hiện. Thái độ thông thường của chúng ta là không có thiện cảm và khoan nhượng đối với khổ não. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể chuyển hóa thái độ của mình, chấp nhận một quan điểm với nhiều khoan nhượng hơn, may ra, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những cảm giác bất toại nguyện, bất như ý, bất hạnh của cuộc đời.

“Riêng cá nhân tôi, phương cách hữu hiệu nhất để chấp nhận khổ đau là nhìn rõ và hiểu thấu bản chất của ý niệm LUÂN HỒI[1], do vô minh sai sử … Khi gặp khó khăn hay đau đớn thể xác, người ta thường có ý nghĩ rằng ‘Ôi đau đớn quá, khổ não quá’ . Đó là một cảm giác chối bỏ, cảm giác cho rằng lẽ ra ta không phải chịu đựng như vậy. Nhưng nếu cùng lúc đó, nếu nhìn vấn đề từ một góc độ khác để nhận thức rằng những khó khăn, đau đớn đó là tự nhiên, là không tránh được thì cảm giác chối bỏ sẽ giảm đi: Bạn không cảm thấy mình bị đày đọa, không phải là tội nhân nữa. Khi đã hiểu và chấp nhận sự thật này, khổ não đối với người ta chỉ là một cái gì tự nhiên, thông thường. Do vậy, khi nói về những đày ải mà người dân Tây Tạng đang phải gánh chịu, một mặt, người ta có thể bị chìm ngập, thúc thủ mà nghĩ rằng ‘Làm sao lại có thể như vậy được ?’ Nhưng mặt khác, người ta có thể cho rằng người dân Tây Tạng đang ở giữa biển trầm luân (đang trả quả) như hành tinh này đang chơi vơi trong dãy thiên hà vậy.

“Vậy thì cách nhìn đời của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc chấp nhận khổ não. Nếu cho rằng khổ đau là tiêu cực, là thất bại, phải tránh xa bằng mọi giá thì khi phải đối diện với khổ đau, chúng ta sẽ bị rối loạn, không chấp nhận và có cảm giác chìm đắm, thúc thủ. Ngược lại, nếu chấp nhận khổ đau là một phần tự nhiên của đời sống, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những nghịch lý của cuộc đời. Không chịu khoan nhượng với khổ đau, cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng khốn khó, sẽ như đêm dài vô tận, không bao giờ chấm dứt.”

Tôi nói: ” Nghe Ngài trình bày về khía cạnh khổ đau, không toại ý của kiếp người, tôi có cảm tưởng đây là một cái nhìn yếm thế, khá nản lòng.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhanh nhẩu khai thông vấn đề: “Khi đề cập đến tính chất bất như ý trong cuộc sinh tồn, chúng ta nên hiểu rằng vấn đề này được nhắc đến khắp nơi trong giáo lý nhà Phật, cho nên phải được hiểu một cách đúng đắn theo bối cảnh Phật giáo. Nếu khổ não không được thông hiểu bằng nhân sinh quan nhà Phật, tôi nghĩ rằng người ta sẽ hiểu lầm và đưa đến ý niệm cho rằng đây là những ý tưởng bi quan, tiêu cực. Do đó, người ta phải hiểu rõ lập trường của Phật giáo về toàn bộ ý niệm khổ đau. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy trong những lần thuyết giảng trước công chúng, đầu tiên, Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế, và trong bốn sự thật căn để này, khổ đế được đề cập trước nhất: Sự hiện hữu của con người, tự bản chất, là khổ đau.

Điều cần ghi nhớ là sự quán sát khổ đau rất quan trọng vì con người có thể tránh được đau khổ, chúng ta có thể có một sự chọn lựa khác. Bằng cách khai trừ những nguyên nhân của khổ não, chúng ta có thể đạt được tình trạng giải thoát, một tình trạng sinh tồn trong đó không có khổ đau. Theo tư tưởng Phật giáo, những nguyên nhân của khổ đau là Vô Minh, Tham Dục và Thù Hận. Đó là ba thứ độc dược của tâm thức. Trong Phật giáo, những danh từ này có một ý nghĩa đặc biệt sâu rộng hơn. Như khi nói vô minh, người ta không chỉ đơn thuần đề cập đến sự ngu dốt, không thông hiểu trong đời sống thường nhật mà còn ngụ ý về nhận thức sai lầm căn bản về bản chất của NGÃ (ta) và PHÁP (vạn hữu). Hoặc khi thấu hiểu bản chất chân thật của sự vật, khai trừ những nguyên nhân đưa đến khổ đau như tham dục và hận thù, tâm ta có thể đạt đến tình trạng thanh tịnh nghĩa là không còn khổ não. Cũng theo quan điểm nhà Phật, suy ngẫm đến cuộc sống bị khổ đau chi phối từng ngày sẽ thúc đẩy người tìm cách trừ khử các nguyên nhân gây ra đau khổ. Vì nếu không có hy vọng, không có khả năng tránh được khổ đau thì những suy ngẫm về đau khổ chỉ là những ý tưởng bệnh hoạn, tiêu cực và hoàn toàn vô ích.”

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma giảng giải, tôi bắt đầu nhận ra rằng sự suy ngẫm về ‘bản chất khổ đau’ có thể giữ một vai trò quan hệ trong việc chấp nhận những buồn khổ không thể tránh được của cuộc sống. Hơn thế, nó có thể trở thành một phương thức hữu hiệu để đặt lại những vấn nạn của cuộc đời vào một vị trí thích hợp hơn. Tôi cũng nhận ra rằng khổ đau cần phải được nhận thức trong một bối cảnh rộng lớn hơn, rằng nó là một phần của hành trang tinh thần, đặc biệt là trong phạm trù Phật giáo, trong đó nói rằng con người có thể tránh được khổ não nếu thanh lọc được tâm. Nhưng thay vì suy nghĩ về những vấn đề triết học lớn lao, tôi lại thích tìm hiểu xem đức Đạt Lai Lạt Ma đã ứng xử thế nào đối với những khổ đau ở tầm mức cá nhân của Ngài như khi mất người thân chẳng hạn.

Khi viếng thăm đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên ở Dharamsala cách đây nhiều năm về trước, tôi có dịp làm quen với Lobsang Samden, người anh của Ngài. Tôi rất thích ông ta và cách đây ít năm, tôi đã rất xúc động khi nghe tin ông ấy qua đời. Biết rằng ông ta và đức Đạt Lai Lạt Ma rất thân thiết với nhau, tôi nói :

“Tôi đoán rằng cái chết của ông Lobsang đã ảnh hưởng đến Ngài rất mãnh liệt …”

“Vâng, quả có vậy”

“Không hiểu Ngài đã xử trí ra sao trong trường hợp ấy?”

“Dĩ nhiên là tôi rất buồn khi nghe tin anh ấy mất” đức Đạt Lai Lạt Ma nói như thì thầm.

“Và Ngài đã ứng phó với cảm giác buồn rầu như thế nào? Ý tôi muốn nói là có cái gì giúp Ngài vượt qua nỗi xúc động ấy?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp với giọng đăm chiêu: “Tôi không biết. Cảm giác buồn rầu bủa giăng lấy tôi trong vài tuần rồi dần dà bớt đi, nhưng tôi có cảm tưởng hối hận …”

“Hối hận ?”

“Vâng, tôi ở xa lúc anh ấy mất. Nếu không phải đi xa, may ra tôi có thể làm một vài chuyện gì đó để giúp anh ấy. Do vậy mà tôi cảm thấy hối tiếc.”

Suốt cả đời quán chiếu về những khổ-đau-không-thể-tránh-được của nhân loại có thể đã giúp đức Đạt Lai Lạt Ma rất nhiều trong việc chấp nhận nỗi đau khi mất người thân nhưng không làm cho Ngài trở thành một người lạnh lùng, vô cảm xúc. Điệu buồn trong giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma cho thấy Ngài vẫn là một con người chan chứa tình cảm. Nhưng đồng thời, vẻ bộc trực và phong thái chân thành của Ngài cho thấy Ngài đã hoàn toàn vượt lên trên tình trạng than thân trách phận hoặc bi phẩn ai oán. Cái phong thái đã tạo ra một ấn tượng không thể nhầm lẫn được là Ngài đã sẵn sàng chấp nhận những mất mát đó.

Ngày hôm đó, buổi đàm luận của chúng tôi kéo dài đến chiều tối. Những vệt nắng vàng xuyên qua khung cửa chắn, bò vào căn phòng đang chìm dần vào bóng tối. Một bầu không khí u sầu bao phủ căn phòng và tôi hiểu rằng giờ nói chuyện đã hết tuy tôi vẫn muốn hỏi thêm đức Đạt Lai Lạt Ma về những chi tiết như Ngài có cách nào giúp người ta chống chọi với nỗi khổ đau khi có người thân qua đời, chứ không chỉ đơn giản coi đó là một khổ đau không tránh được. Tôi định hỏi thêm nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma như bị phân tâm và tôi thấy ánh mắt của Ngài có vẻ mệt mỏi. Cùng lúc đó, người thư ký của Ngài bước vào phòng, nhìn tôi như báo cho biết rằng buổi đàm luận đã kết thúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với giọng phân trần: “Có lẽ chúng ta nên chấm dứt ở đây, tôi cảm thấy hơi mệt …”

Ngày hôm sau, trước khi tôi có dịp trở lại đề tài này trong phần đàm thoại, một thính giả đã nêu lên thắc mắc này trong phần nói chuyện trước công chúng của đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Ngài có đề nghị gì để giúp người ta đối phó lại những mất mát to lớn trong đời như khi mất con chẳng hạn ?”

Bằng giọng điệu đầy từ ái, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Điều này tùy thuộc phần nào vào niềm tin của đương sự. Nếu người ta có niềm tin vào sự tái sinh thì một cách nào đó, nỗi đau buồn sẽ bớt gay gắt. Người ta sẽ được an ủi đôi chút khi tin rằng con mình rồi đây sẽ được tái sinh. Đối với những người không tin tưởng vào ý niệm tái sinh, cũng có vài cách đơn giản để giúp đỡ họ. Trước hết, họ có thể suy nghĩ rằng nếu mình đau khổ quá đáng tức là cứ để cho nỗi đau khổ bao trùm lấy mình ngày này qua ngày khác, chẳng những họ sẽ bị suy sụp về tinh thần lẫn thể xác mà cũng chẳng có ích lợi gì đối với người quá cố. Hãy lấy thí dụ về cá nhân tôi. Tôi mất vị thầy đáng kính ngưỡng nhất, tôi mất mẹ và mất thêm một người anh nữa. Khi họ qua đời dĩ nhiên là tôi vô cùng khốn khổ. Nhưng rồi tôi liên tục suy tưởng rằng dù tôi có đau khổ bao nhiêu cũng không ích lợi gì và nếu tôi thật lòng thương yêu họ, tốt hơn là tôi nên thực hiện những ước mong của họ khi còn sống – và tôi đã thực hiện điều đó với tất cả sức mình. Khi những người thân yêu nhất của mình quá vãng, tôi nghĩ phương thức tốt đẹp nhất để nghĩ đến họ là giúp họ hoàn tất những ước vọng lúc sinh tiền.

“Thoạt tiên thì đau khổ và lo lắng là những cảm xúc rất tự nhiên khi xảy ra mất mát. Nhưng nếu cứ để mình bị chìm ngập vì những cảm xúc này mà không tìm cách kiểm soát chúng thì người ta có thể bị tình trạng chỉ còn quan tâm đến mình, chỉ nghĩ đến mình. Trong hoàn cảnh này, người ta có cảm giác rằng chỉ có mình bị đày đọa, khổ ải; và đây là bước đầu của chứng trầm cảm. Nhưng trên thực tế thì hầu như bất cứ ai cũng đều trải qua kinh nghiệm này. Thành ra, khi bị choáng ngợp vì khổ đau, chúng ta nên nhớ rằng người khác cũng bị khổ đau như thế và lắm khi còn tệ hại hơn mình nhiều. Hiểu được như vậy, người ta sẽ không còn cảm giác đơn chiếc, một mình một thân trên đường đời mờ mịt. Và từ đó, chúng ta được an ủi phần nào.”

Mặc dù đau đớn và khổ não không chừa một ai trên thế gian này, tôi nhận thấy rằng ở phương Đông, người ta chấp nhận và khoan nhượng chúng dễ dàng hơn. Một phần có thể là do niềm tin của họ nhưng cũng có lẽ là khổ đau dễ nhận diện ở những quốc gia nghèo khó – như Ấn Độ chẳng hạn – hơn là các nước phát triển. Đói khát, lầm than, bịnh tật và cả tử vong nữa là những chuyện thông thường tại các xứ chậm tiến. Khi con người trở nên già yếu và bệnh hoạn, họ không bị gạt ra ngoài lề xã hội, không bị gởi đến nhà dưỡng lão, mà vẫn sống chung với cộng đồng, được bảo bọc bởi gia đình. Cho nên người ta chứng kiến mỗi ngày tất cả những hình thái của khổ đau, và vì vậy, họ dễ chấp nhận chúng, xem chúng là một phần tự nhiên của cuộc đời.

Các quốc gia Tây phương có khả năng giới hạn khá nhiều những đau khổ do đời sống cơ cực gây ra nhưng đồng thời lại mất đi cái khả năng chống chọi với những thứ khổ não khác. Những cuộc thăm dò của các nhà khoa học xã hội cho thấy đa số quần chúng ở các quốc gia tiền tiến Phương Tây cho rằng thế giới này là một cõi khá xinh đẹp để sinh sống, rằng cuộc đời tốt đẹp vừa phải và rằng họ là những người tốt, đáng được thụ hưởng những sự tốt lành của cuộc đời. Quan niệm này giúp người ta sống vui vẻ và khỏe mạnh hơn nhưng đồng thời cũng khiến người ta khó chấp nhận khổ đau, hoạn nạn hơn. Cũng trong chiều hướng này, một tai ương nhỏ cũng có thể gây ra những tác động tinh thần to lớn, có thể làm cho người ta mất hẳn niềm tin rằng thế giới này là một cõi xinh tươi, ân phước. Kết quả là sự đau khổ trở nên nặng nề hơn, cô đọng hơn.

Không có gì phải nghi ngờ rằng do sự phát triển của kỹ thuật, một cách tổng quát, sự thoải mái về đời sống vật chất được cải thiện rất nhiều tại các xã hội Tây phương. Cũng từ đó, nhận thức của con người đã thay đổi, rằng khổ đau đã vơi bớt đi nhiều, và người ta không còn xem khổ não là một bản chất căn để của kiếp nhân sinh. Ngược lại, người ta coi nó là một cái gì bất thường, một cái gì sai quấy khá trầm trọng. Trong vài phạm vi, đó là dấu tích của sự thất baị, một sự vi phạm vào quyền được sống hạnh phúc của con người.

Cách thế suy nghĩ này chứa đựng những nguy kịch tiềm ẩn. Nếu cho rằng khổ não là một cái gì không tự nhiên mà đúng ra, chúng ta không phải chịu đựng thì rồi ra, người ta sẽ tìm cách đổ tội cho kẻ khác khi phải đối diện với khổ đau. Nếu tôi không được hạnh phúc thì chắc chắn tôi phải là nạn nhân của một ai đó hay một cái gì đó, và quan niệm này khá phổ cập ở Tây phương. Nguyên nhân gây ra thiệt hại thường là chính phủ, hệ thống giáo dục, cha mẹ bạo hành, gia đình không hòa thuận, người phối ngẫu và ngay cả bạn thân. Cũng có khi người ta quy lỗi về phía trong tức là chính mình: Tôi không hoàn toàn bình thường, tôi là nạn nhân của bệnh tật, tôi bị di truyền … Nếu cứ nhìn vấn đề từ vị thế của một nạn nhân và đổ lỗi cho một nguyên nhân nào đó thì nỗi thống khổ của chúng ta sẽ kéo dài vô tận, và lúc nào chúng ta cũng sống trong bực tức, khó chịu và oán trách.

Dĩ nhiên, mọi người đều mơ ước cái mục tiêu tối hậu là làm sao để thoát khỏi khổ đau, và đó là hệ luận tất yếu khi chúng ta mong được hạnh phúc. Cũng từ đó, thật là một điều hợp lý nếu người ta làm đủ mọi cách để tìm cho ra những nguyên nhân khiến cho chúng ta bị đau khổ, cũng như áp dụng tất cả những phương thức giúp chúng ta bớt đau đớn, làm khuây khỏa bớt những nỗi thương tổn từ mọi cấp độ: Toàn cầu, xã hội, gia đình và cuối cùng là bản thân. Nhưng đừng bao giờ quên rằng nếu không chịu chấp nhận khổ não là một tình trạng tự nhiên của cuộc sống, nếu cứ sợ hãi, tránh né và chối bỏ chúng thì không bao giờ người ta có thể loại trừ được cái gốc rễ của khổ đau để bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.