Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

THỰC TẬP TONG-LEN

“Buổi chiều hôm nay chúng ta sẽ thực tập phép quán Tong-len, Cho và Nhận. Phép quán này giúp chúng ta huấn luyện tâm thức và làm tăng trưởng từ tâm. Được như vậy là vì phép quán này khiến chúng ta giảm bớt lòng ích kỷ, đồng thời làm gia tăng tính can đảm để chúng ta có thể mở lòng ra trước khổ nạn của ngừơi khác.

“Để bắt đầu, hãy tưởng tượng bên cạnh chúng ta là một nhóm người cần được cứu giúp, đang sống trong những hoàn cảnh thật thương tâm, đang bị đày đọa bởi nghèo đói, đau khổ và khốn cùng. Hãy tưởng tượng thật rõ ràng đám người đang ở bên cạnh chúng ta. Cùng lúc đó, hãy tưởng tượng bạn là một người ích kỷ, tự tập trung và thờ ơ trước nỗi khốn cùng của người khác. Kế đó, giữa nhóm người đang bị đày ải và con người ích kỷ kia, hãy tưởng tượng bạn là một kẻ bàng quan đang đứng ở giữa.

“Sau đó, hãy quan sát xem bạn có khuynh hướng nghiêng về bên nào. Bạn sẽ nghiêng về phía con người ích kỷ kia hay có khuynh hướng cảm thông với nhóm người khốn khó cần được cứu giúp ? Nếu nhận xét một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy rằng nhu cầu của số đông bao giờ cũng quan trọng hơn một cá thể. Vậy thì hãy chuyển sự chú tâm của bạn vào những người cần được cứu giúp này. Hãy ban cho họ một ít vật chất của cải, một vài thành tựu của bạn và sau đó, tưởng tượng rằng bạn đang xả thân để gánh vác những khổ não, những vấn nạn và tất cả những nghịch duyên của họ.

“Thí dụ như bạn đang quán tưởng đến một đứa bé vô tội đang bị đói khát hành hạ tại Somalia và suy nghĩ xem bạn sẽ cư xử ra sao về trường hợp này. Mối cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh thương tâm của đứa bé không dựa trên những ý tưởng như đứa bé là thân nhân hay bằng hữu của mình. Bạn chưa từng biết đứa trẻ. Nhưng đứa bé ấy là một con người và bạn cũng là một con người và vì vậy, bạn đồng cảm với đứa bé để rồi vươn tay ra giúp đỡ nó.

“Khi quán tưởng như vậy, bạn nghĩ rằng “Đứa bé này không có khả năng để thoát khỏi hoàn cảnh khốn cùng và cơ cực mà nó đang thọ lãnh’, rồi bằng ý lực của mình, bạn đưa tay ra để cưu mang tất cả những khổ đau như đói khát, nghèo nàn của đứa bé, đồng thời cũng bằng ý lực của mình, bạn cho đứa bé những vật chất của cải và thành đạt của bạn. Đây là phương pháp huấn luyện tâm thức của chúng ta qua phép quán Tong-len/Cho-Nhận.

“Khi thực tập phép quán này, đôi khi người ta bắt đầu bằng sự quán tưởng về chính bản thân mình, từ sự khổ nạn trong tương lai mà mình có thể gặp phải. Bằng từ tâm, người ta chấp nhận những khổ não ấy ngay từ bây giờ với ước nguyện rằng trong tương lai, chúng ta không bị hành hạ nữa. Sau khi đã thành tựu một ít trong việc khai triển từ tâm đối với chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc di chuyển mục tiêu đến tha nhân.

“Cũng trong phép quán này, khi dùng ý lực để cưu mang cho kẻ khác, chúng ta nên quán tưởng những khổ nạn dưới các hình thái thông thường như độc dược, khí giới, ác thú… tức là những thứ làm cho chúng ta rùng mình kinh sợ và sau đó, để cho những hình ảnh này thấm nhập vào tâm hồn mình. Mục đích của việc để cho những hình ảnh ghê rợn này thấm nhập vào tâm khảm chúng ta là đánh tan thái độ ích kỷ vốn đã thâm căn cố đế trong con người chúng ta. Cũng chính vì thế mà đối với những người vốn có vấn đề với tự kỷ, tự tập trung và thiếu tự trọng thì nên xét xem thái độ này có thích hợp với họ không. Có thể là không.

“Chúng ta sẽ dễ thành công hơn nếu phối hợp phép quán Tong-len và quán Sổ Tức (đếm hơi thở) tức là khi hít vào chúng ta quán NHẬN, và khi thở ra chúng ta quán CHO. Khi thực hành một cách thuần thục, người ta có cảm giác hơi khó chịu. Đó là dấu hiệu cho thấy sự quán tưởng đã đánh trúng mục tiêu (thái độ tự tập trung, tự cho mình là hơn hết). Bây giờ xin bắt đầu …”

Vào lúc kết thúc buổi thực tập Tong-len, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến một quan điểm quan trọng. Không có một phương pháp nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Trong cuộc hành trình tâm linh, điều cần thiết là mỗi người chúng ta phải xét xem phương pháp nào thích ứng với mình. Đôi khi, một phương pháp mới đầu có thể không thích hợp và chúng ta cần phải tìm hiểu thêm nếu muốn thực hành có hiệu quả. Đây là trường hợp của chính tôi khi thực tập phương pháp Tong-len lần đầu tiên trong buổi chiều hôm ấy. Trong tôi như có cái gì phản kháng lại khiến tôi không tập trung được tư tưởng. Tuy nhiên, vào buổi tối hôm đó, khi suy nghĩ về những lời hướng dẫn của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nhận ra sự đề kháng trong tôi xuất hiện vào thời điểm mà Ngài cho rằng số đông quan trọng hơn cá thể. Đây là một ý niệm mà tôi đã có dịp nghe qua như trong phim Star Trek chẳng hạn, Mr Spock đã xướng xuất tiền đề Vulcan như sau: Nhu cầu của số đông chế ngự nhu cầu của cá thể. Tôi không hoàn toàn đồng ý với lập luận này và dự định sẽ trình bày điều này với đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tôi tình cờ gặp một người bạn vốn nghiên cứu Phật học từ nhiều năm qua và tôi đem ý tưởng này ra nói chuyện với anh ấy: “Có một điểm không ổn thỏa…” Tôi nói: “Cho rằng nhu cầu của số đông khống chế nhu cầu cá thể có thể đúng trên phương diện lý thuyết nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta không tương giao với tập thể. Chúng ta tương giao với từng người, từng lúc và trên căn bản một đối một này, làm sao nhu cầu của người ấy lại chế ngự được nhu cầu của tôi? Tôi cũng là một người và chúng ta bình đẳng… ” Người bạn suy nghĩ một lát rồi nói: “Anh nói đúng nhưng nếu suy nghĩ cho cùng, anh sẽ thấy một cá thể nào đó bình đẳng với anh, họ không quan trọng hơn anh nhưng họ cũng không kém anh. Chỉ như vậy cũng đủ để chúng ta bắt đầu.”

Tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề này với đức Đạt Lai Lạt Ma nữa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma – Bác Sĩ Howard C. Cutler – Nguyên Dực chuyển ngữ

http://www.quangduc.com


[1]Samsara trong Phạn ngữ có nghĩa là một tình trạng hiện hữu bị ràng buộc với Sống, Chết, Tái sinh. Trong đời sống, nó ám chỉ kiếp phong trần. Trong cách sống này, chúng sinh bị nghiệp duyên (tức là hậu quả do những hành động tiêu cực của mình gây ra) dẫn dắt và cứ trầm luân vô tận như vậy cho đến khi nào từ bỏ được hết những khuynh hướng tiêu cực để đi đến giác ngộ, giải thoát.

[2] Ý tác giả muốn nói do triệu chứng cá nhân hóa, Lusseyran và bạn bè đã nghĩ rằng chỉ có bọn họ bị khốn khó. Thật ra, thực tế cho thấy nhiều triệu người khác cũng bị đày ải tương tự, hoặc tệ hơn, bị đưa vào phòng hơi ngạt bởi Phát xít Đức (phụ chú của dịch giả)

[3] Hasidism là một trường phái thuộc Do Thái Giáo được thành hình vào thế kỷ thứ 12 tại Đức quốc và trở nên rất nổi tiếng vào thế kỷ thứ 18 tại Ba Lan. Phái này chủ trương khổ hạnh và tin tưởng ở sự mặc khải tâm linh. Sau thời kỳ thoái trào vào đầu thế kỷ 19, tông phái Hasidic bị hủy diệt nặng nề trong trận đệ nhị thế chiến. Hiện nay đang có phong trào tái hồi phục chủ thuyết này. (Chú thích của người dịch)

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.