Hiếu Hạnh

Đạo Phật dạy hàng xuất gia phải nỗ lực tu hành, đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ chuyển tâm tánh, dìu dắt cha mẹ đi trên con đường chân chánh. Như vậy mới gọi là hạnh hiếu chân thật. Cho nên không thể nói Tăng Ni không làm trọn bổn phận với cha mẹ, mà quí Thầy, Cô báo hiếu khác với người thế gian. Hiểu như vậy chúng ta mới trân quí chữ Hiếu trong đạo Phật. Phật dạy Phật tử sau khi quy y Tam Bảo rồi, dành dụm thời gian ổn định việc tu học của mình. Sau đó hướng dẫn cha mẹ cũng quy hướng Tam Bảo, giữ gìn năm giới. Như vậy là người biết tri ân và đền ân cha mẹ.

Tôi xin dẫn câu chuyện của Thiền sư Động Sơn Lương Giới, Thiền tổ của tông Tào Động. Bức thơ Ngài gởi cho mẹ khi đã quyết tâm xuất gia. Đây là bức thơ thể hiện lòng dứt khoát chọn con đường đạo, xuất gia tu hành, không đi con đường của thế gian nữa. Thơ viếtù như thế này:

“Được nghe chư Phật ra đời, đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài sanh trưởng cũng nhờ trời đất che chở. Cho nên không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che. Song mà tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc về vô thường, chia lìa sinh diệt. Tuy ơn bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm. Nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng thì trọn khó đáp đền. Dùng máu thịt để dâng hiến cũng không bền chắc. Trong Hiếu kinh nói: Dù một ngày giết đôi ba con vật để cúng hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ đưa nhau vào trầm luân, chịu muôn kiếp luân hồi. Muốn đền ơn sâu dày của cha mẹ thì đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông ái sinh tử, vượt qua khỏi biển khổ, đáp ơn cha mẹ ngàn đời, đền ơn từ thân muôn kiếp. Bốn ân ba cõi thảy đều đáp đền. Kinh nói một người con xuất gia đắc đạo chín họ đều được sinh lên cõi trời. Con nguyện bỏ thân mạng đời này thệ chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát Nhã.

Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương phụ vương Tịnh Phạn và thánh mẫu Ma Da hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì thời giờ chẳng đợi người. Cho nên trong Hiếu kinh nói: “Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này”. Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong.

Tụng rằng:

                    “Vị liễu tâm nguyên độ số xuân,
                    Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần,
                    Cơ nhân đắc đạo không môn lý,
                    Độc ngã yêm lưu tại thế trần,
                    Cẩn cụ xích thơ từ quyến ái,
                    Nguyện minh đại pháp báo từ ân,
                    Bất tu sái lệ tần tương ức,
                    Thí tợ đương sơ vô ngã thân”.

Tạm dịch:

                    “Chưa tỏ nguồn tâm trải mấy xuân,
                    Thương thay mê mải luống bâng khuâng,
                    Cửa không đã lắm người được đạo,
                    Riêng kẻ thô hàn mãi phong trần,
                    Viết lá thư này từ cha mẹ,
                    Nguyện thông đại pháp báo từ ân,
                    Không nên rơi lệ nhiều thương nhớ,
                    Xem tợ buổi đầu con không thân”.

Ngài khuyên cha mẹ bớt đi những thương nhớ, cứ xem như trong gia đình không có con từ buổi đầu để Ngài yên tâm tu hành. Bởi vì chỉ có tu hành sáng đạo hay đạt đạo thì mới có thể đền trả thâm ân cha mẹ một cách rốt ráo mà thôi. Lá thư thứ hai:

Con từ lìa cha mẹ, chống tích trượng dạo phương nam, tháng ngày trôi qua đã mười năm. Trên đường con đã trải qua muôn dặm, cúi mong mẹ đem hết tâm ý hướng về Phật pháp, đừng ôm ấp tình ly biệt, chớ đứng tựa cửa trông con. Mọi việc trong nhà tùy thời sắp đặt, việc nhiều thì phiền não thêm nhiều. Phần anh cả thì nên tận tâm hiếu thuận, học đòi gương Vương Tường nằm giá. Còn tiểu đệ thì hết sức bắt chước theo Mạnh Tông khóc măng. Phàm người ở đời phải biết tu thân hiếu để mới hợp lòng trời. Kẻ làm Tăng trong cửa Không thì mộ đạo tham thiền để đáp ơn cha mẹ. Ngày nay hai đường xa cách, muôn sông ngàn núi, mượn giấy mực viết vài hàng để bày tỏ tấc dạ.

Tụng rằng:

                        “Bất cầu danh lợi bất cầu Nhu,
                        Nguyện nhạo không môn xả tục đồ,
                        Phiền não tận thời sầu hỏa diệt,
                        Ân tình đoạn xứ ái hà khô.
                        Lục căn giới định hương phong dẫn,
                        Nhất niệm vô sanh huệ học phù,
                        Vị báo bắc đường hưu trướng vọng,
                        Thí như tử liễu thí như vô”.

Tạm dịch:

                        Chẳng cầu danh lợi chẳng cầu Nho,
                        Ưa thích cửa không bỏ thế đồ,
                        Phiền não hết rồi lòng sầu tắt,
                        Ân tình dứt bặt tâm ái khô.
                        Sáu căn giới định hương thơm ướp,
                        Một niệm vô sanh sức huệ phò,
                        Xin nhắc mẹ già thôi trông ngóng,
                        Ví con đã chết ví như không.

Đó là hai lá thơ Ngài gởi cho mẹ. Kế đến chúng ta nghe thơ của bà mẹ gởi lại cho Ngài. Đây là một bà mẹ Phật tử, hiểu Phật và áp dụng lời Phật một cách hết sức đặc biệt trong đời sống của bà.

“Mẹ cùng con đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong lòng, sớm chiều cầu Thần khẩn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ tháng mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quí như châu bảo. Không nề sự hôi hám của phẩn uế, chẳng ngại sự bú sú nhọc nhằn. Con vừa thành người dắt đến trường học tập. Hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa trông mong. Con viết thư về, quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Kiền Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e có tội. Con cần phải giải quyết cho xong.”

Lá thư của bà tuy ngắn nhưng lời lẽ hết sức dứt khoát. Tình nghĩa, sự nhớ thương theo thế thường thì không phải là không có, nhưng biết được ý chí quyết tâm xuất gia của con, không về nhà nữa thì mẹ rất hài lòng. Không mong con làm điều gì khác hơn là tu hành thành đạo như Tôn giả Mục Kiền Liên để độ mẹ thoát khổ luân hồi sinh tử. Lòng mẹ thực thà như vậy, nếu chỉ nói suông mà không như vậy thì mẹ chịu tội. Con chỉ một việc duy nhất là phải tu làm sao cho được thành tựu, sáng được việc của mình tức là thành đạo.

Đọc qua những lá thơ này rồi, chúng ta thấy Ngài là một người con hiếu thảo nên đi tu mà vẫn cưu mang trong lòng ân nghĩa, hiếu đạo cho nên viết thư gởi về cho gia đình, cho mẹ. Và cũng nhờ gia đình hữu phúc nên ngài có được một bà mẹ cao cả, dứt khoát với những lời lẽ khẳng khái, để ngài yên lòng tu. Bà luôn mong mỏi con mình tu thành đạo, chớ không trông chờ cái gì khác. Đó là tinh thần hiếu đạo trong nhà Phật.

Ngày xưa, có một Hòa thượng khi xuất gia còn nhỏ. Đến lúc đã thành tựu đạo nghiệp, Ngài nhớ đến mẹ già và tìm về quê cũ. Trải qua mấy mươi năm, cảnh vật đều thay đổi. Ngài không nhận ra được ngôi nhà thuở xưa. Hỏi thăm mới biết mẹ Ngài sống trong một cái chòi nhỏ trên nền đất cũ, bán trà sống qua ngày. Ngài vội vã tìm kiếm và gặp lại mẹ trong một tình trạng rất thương tâm. Mẹ Ngài vì quá già yếu, mắt mờ nên không thể nhìn ra con. Ngài đau xót và thương mẹ quá nên đến gần hỏi han và ngỏ ý muốn rước về chùa. Bà cụ sợ về chùa không làm gì nổi thì có tội, Ngài trấn an: “Bà chỉ cần niệm Phật là tốt rồi, không có tội”. Bà cụ mừng lắm và chịu theo Hòa thượng về chùa.

Sau khi trình qua tăng chúng, Ngài rước mẹ về và sắp xếp bà ở trong một am tranh. Mỗi sáng Ngài đều sang thăm mẹ nhưng không cho bà biết Ngài là con, và cũng không cho đại chúng biết bà cụ là mẹ mình. Sau khi thăm viếng xong, Ngài vẽ một vòng tròn cỏ cho bà cụ làm. Làm xong thì vào niệm Phật. Cứ thế Ngài dìu mẹ quy hướng theo Tam Bảo. Bà sống rất thanh thản, an vui. Ngày qua ngày bà cụ yếu dần, đến một hôm thì bà mất. Bấy giờ đứng trước quan tài mẹ, Ngài nói: “Phật dạy, nếu trong dòng họ có một người con tu hành đắc đạo thì cha mẹ sẽ được sanh thiên. Nếu lời này không sai thì xin quan tài của mẹ được bay lên không trung”. Tức thì quan tài của bà cụ bay lên. Và Ngài vui mừng vì biết mẹ mình đã được sanh lên Thiên giới. Bấy giờ đại chúng mới biết bà cụ là mẹ của Hòa thượng, một vị Trụ trì uy đức cao lớn và là Thầy của bao nhiêu tăng chúng.

Đó là một cách báo hiếu trong nhà Phật. Hướng dẫn mẹ vững niềm tin tu tập đúng theo lời Phật dạy. Gìn giữ cho mẹ không lạm dụng sự cúng kính của đàn na thí chủ. Và nhất là mỗi ngày hướng dẫn mẹ tu tập, gầy dựng công đức giác ngộ giải thoát cho mẹ. Đó là một trong những cách thức báo hiếu của người xuất gia. Còn nhiều cách thức khác nữa. Như tôi đọc hành trạng của Ngài Hám Sơn, có sự kiện như vầy:

Ngài đi tu từ thuở mới mười hai, mười ba tuổi. Thời gian này Ngài thương mẹ nhiều lắm. Cứ mỗi lần có dịp về nhà thăm mẹ là Ngài không muốn đi. Sáng mai bà mẹ phải đưa đi. Nhà ở trong quê, đưa ra ngoài có sông rạch. Ra tới ngoài rồi Ngài lấn quấn bên mẹ hoài không chịu đi. Sáng hôm đó đến bến đò, mẹ con phải chia tay, thấy Ngài quấn quýt hoài, bà nói: “Một đứa con yếu đuối như thế này, làm được việc gì”. Nói xong bà đẩy Ngài xuống bến, rơi tủm xuống nước, rồi bỏ đi. Người chung quanh thán oán bà biết bao nhiêu. Họ cứu Ngài lên, đem về chùa. Từ sự cố đó, Ngài nỗ lực tu hành và sau này thành đạo. Khi thành đạo rồi, Ngài mới nhận ra được ý muốn thầm kín của mẹ. Nếu ngày xưa mẹ Ngài không cứng rắn như vậy, thì làm sao uốn nắn được ý chí cho Ngài.

Người mẹ không có sự dứt khoát, cứ để con lẩn quẩn bên mình thì làm sao con thành tựu đạo nghiệp được? Sau đó Ngài nhận ra được cách giáo dưỡng của mẹ mình, mới quí bà vô kể. Bởi vì thật ra khi Ngài rơi xuống sông, bà bỏ đi nhưng trong lòng giống như người đã chết. Bà đứt từng khúc ruột khúc gan nhưng mà gắng chịu. Bà phải dạy như vậy, sau này mới có được một người con xứng đáng với đạo pháp và làm ích lợi cho chúng sanh. Đó là cách giáo hóa của một người mẹ có ý chí hướng thượng, có tâm hồn lớn. Và để bù đắp lại, ngài Hám Sơn đã quyết tâm tu hành và đạt đạo, đền trả được công ơn lớn lao của mẹ Ngài.

Nhân mùa hiếu hạnh, chúng tôi nhắc lại vài cách thức Phật dạy, để quí Phật tử thực hiện theo, trở thành một người con tốt:

Thứ nhất Phật dạy không nên làm điều gì hại mình, hại người. Không làm hại người thì dễ rồi, nhưng không hại mình là sao? Là con Phật, chúng ta hiểu nhân quả, hiểu lời Phật dạy nhưng vẫn gây tạo những nghiệp nhân không tốt, đó là chưa biết thương mình. Hạng người này Phật gọi là tự hại mình. Dù hiện tại ta vẫn an vui, vẫn có nếp sống bình thường đầy đủ, nhưng cứ lầm lũi gây tạo nghiệp nhân bất hảo, thì chắc chắn một ngày không xa, hậu quả xấu sẽ đến với ta. Phật nói đó là người chưa biết thương mình, chưa biết tu. Bởi vì gây nhân nào thì sẽ chuốc quả nấy. Thành ra Phật dạy, trước nhất mình phải biết thương mình, làm những việc công đức, tránh vi phạm vào lỗi hại mình. Đó là tu từ nhân. Nhân tốt này sẽ có năng lực đưa mình tới kết quả tốt. Cố gắng tu tạo những công đức lành, tránh xa những nhân xấu. Đó là hạnh tu ban đầu của người con Phật.

Thứ hai, Nỗ lực thể hiện nếp sống tránh xa hai thái cực. Thái cực thứ nhất là tham đắm theo dục lạc thấp hèn. Thái cực thứ hai là cực đoan. Phật dạy người Phật tử thể hiện nếp sống đạo đức, sáng suốt. Không gây những nhân xấu xa để rồi sẽ gánh lấy những hậu quả không tốt. Ta gầy dựng từ tâm niệm chân thành, bằng sự sáng suốt, thấy rõ những dục lạc thấp hèn nơi mình, ta bỏ đi không tham đắm. Tu tạo, gầy dựng một đời sống trong sáng, đầy đủ đạo đức là nếp sống đạo. Phật tử tu tập có nếp sống đạo, dù đang sống giữa cuộc đời phức tạp đa đoan, nhưng luôn luôn thể hiện một đời sống sáng suốt. Như vậy sẽ tránh sa vào tham đắm dục lạc. Phật dạy: Tham nhiều thì khổ nhiều. Đắm nhiều thì lụy nhiều. Chính cái vui của thế gian là nhân của quả khổ.

Thái cực thứ hai là tránh sự cực đoan. Phật tử phải có nếp sống tương đối, không nên thiên lệch thái quá. Thiên lệch một bên là cố chấp. Cố chấp chính là si mê chớ không gì khác. Nhìn vào gia đình của một Phật tử có tu tập đúng tinh thần Phật dạy, chúng ta thấy thể hiện rõ ràng nếp sống quân bình, cởi mở, không câu nệ vào định kiến của ai. Nhờ thế mọi thành viên trong gia đình đều vui vẻ, hòa hợp, biết quí trọng lẫn nhau. Như vậy gia đình ấy là một gia đình có hạnh phúc.

Ở đây Phật muốn dạy chúng ta tránh xa những tác nhân có thể làm mình mê lầm, bị sa ngã vào đường khổ. Nếu ta sống bình thường an nhiên, có cái nhìn rõ ràng, thấy được lẽ thật các sự kiện chung quanh thì sẽ không lầm bất cứ một sự kiện nào. Do không lầm nên ai nói gì ta cũng không vội tin, ai rủ rê làm gì ta cũng không vội vàng chấp nhận. Chúng ta luôn sáng suốt xét nét, thấy rõ việc nào đúng, việc nào không đúng. Đúng thì làm, không đúng thì không làm. Nếu người Phật tử luôn được tỉnh sáng như vậy, mới sắp xếp sinh hoạt gia đình bình ổn, thường làm chủ mình, không dễ dàng sa vào con đường lầm lỗi.

Thứ ba, Chúng ta biết chọn một lối sống lành mạnh, biết đủ. Từ đó đưa đến tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt. Hạnh này phải trải qua một quá trình tu tập mới có được như thế. Ví dụ như quí Phật tử từ lâu từng biết đi chùa, từng làm việc phúc, thấy người ta khổ mình thương, nhưng chưa chọn nơi để hướng về. Đối với lời Phật dạy, cách thức tu tập quí vị có nghe nhưng chưa làm, chưa quan tâm lắm. Bây giờ tiến lên một bước nữa, mình phải học hiểu giáo lý, áp dụng những lời dạy của đức Phật vào đời sống thì mới có lối sống lành mạnh, có tâm định tỉnh và trí tuệ sáng suốt. Cuộc sống lúc nào cũng biết đủ, không đòi hỏi, không chạy theo vật chất thế gian. Nhờ thế thân tâm an ổn, vì ít việc thì ít phiền não.

Tuy nhiên, nói dễ nhưng làm thì nhiêu khê lắm. Nếu ý chí của mình chưa đầy đủ, chưa mạnh, khi gặp khó khăn, cam go, trắc trở không vượt qua được, không khắc phục nổi. Ở ngoài đời mà quý vị không có sự sắp đặt, không có ý chí thì cũng không gầy dựng nổi gia đình êm ấm hạnh phúc. Bước vào đạo cũng thế. Trong đạo lại có nhiều sự việc cam go gấp bao nhiêu lần ở ngoài đời. Bởi vì như chúng ta đã biết, học làm người đã khó, học làm Phật lại khó hơn. Vì vậy một trăm người học làm Phật chưa chắc được đôi ba người.

Tôi nhớ một câu chuyện thế này: Xưa có hai cậu cháu nọ cách nhau khoảng chừng đôi ba tuổi. Người cậu mười lăm mười bảy tuổi gì đó, đứa cháu mười hai mười ba tuổi. Trong gia đình, hai cậu cháu này rất tâm đắc. Đi chơi hay làm gì luôn luôn có nhau. Bà mẹ cũng rất hài lòng vì thấy em mình là người tốt, có tâm hướng về Phật pháp nên bà tin đứa con mình sẽ trở thành người tốt. Hai cậu cháu gần gũi được thời gian thì có một sự đổi thay lớn. Người cậu chết. Đứa cháu chưa biết cậu mình chết, chỉ thấy cậu nằm im đó thôi. Sáng ra người cháu mới lại gần kêu:

– Cậu dậy đi, dậy đi chơi.

Bà mẹ đau lòng nói:

– Cậu con đã chết rồi! Đừng kêu cậu nữa.

Nghe mẹ nói cậu chết, đứa bé ngạc nhiên hỏi:

– Chết là sao hả mẹ!

Bà mẹ trả lời không được. Kể từ đó đứa cháu không hỏi nữa chỉ để ý theo dõi từng cử chỉ của mẹ. Nó thắc mắc tại sao mẹ trả lời không được, mà cũng không biết tìm hỏi ai. Cho tới hôm đó, có mấy vị thiền tăng đi ngang nhà. Bà mẹ là một Phật tử nên thấy các Thầy ghé ngang nhà, bà ra cúng dường. Người con để ý thấy quí Thầy có vẻ siêu thoát, mỗi lần ghé ngang mẹ đều ra lễ lạy cúng dường. Nó chú ý lắng nghe đối đáp giữa quý Thầy và mẹ mình có nhiều câu rất lạ tai, nhưng không biết nói gì.

Một hôm quý Thầy ghé, bà mẹ bận công việc, chú bé mới chạy ra hỏi Thầy:

– Tu là sao? Con có thể đi tu được không?

Vị thầy đáp:

– Con có thể đi tu được.

Nghe vậy rồi, đứa bé vui vẻ xin mẹ:

– Xin mẹ cho con đi theo quý Thầy tu.

Bà mẹ hoan hỉ. Từ đó, chú bé cất bước theo quý Thầy tu, nhưng trong lòng là để giải quyết cho ra cái nghi án trước mẹ chưa trả lời. Đó là “Tại sao chết? Mình có bị chết không?” Vì vậy trong suốt thời gian tu, vị tăng trẻ này rất chuyên chú làm sao để giải quyết được nghi án của mình. Cuối cùng, Thầy nhận ra: Mọi người đều bị sự chi phối của vô thường. Có thân này, có sự sinh ra thì sẽ có già, có bệnh và có chết. Nói tóm lại, ai cũng chết. Con đường này người nào cũng phải đi qua. Một bản án tử hình ai cũng phải bị tuyên án, không có tòa chống án. Vỡ lẽ, vị Tăng quyết chí tu hành tới khoảng ba mươi tuổi thì ngộ đạo, làm chủ hoàn toàn được vấn đề sanh tử.

Ở đây tôi muốn nói đến cơ duyên của người xuất gia từ thuở bé. Do sự kiện trong gia đình có người thân qua đời, rồi vị ấy ưu tư. Ưu tư đó được nuôi dưỡng cho tới ngày theo các Thầy xuất gia làm Tăng, nỗ lực tu hành, cuối cùng sáng đạo, đạt đạo. Nói “sáng đạo” tức là mình không còn bị lầm mê bởi một sự kiện gì trước mắt. Đạt đạo là bình yên giữa những cuộc đổi thay, nhận ra tất cả những lăng xăng điên đảo trong tâm là không thật có, luống dối. Được thế là mục đích tu hành cứu cánh của người con Phật chúng ta.

Từ chủng Phật cộng thêm các thuận duyên, khiến ta có người thân giúp mình thực hiện được tâm nguyện tu hành. Như quý Phật tử do có duyên nên mới gặp nhau trong một xóm, một trú xứ, có huynh đệ đồng tu, đồng đi chùa, đồng học hiểu Phật pháp. Đó là thuận duyên đối với Tam Bảo. Nhưng từ thuận duyên đó quý vị phải tiếp tục phát huy thêm tinh thần ý chí tu học của chính mình. Nếu không như thế mà chỉ lệ thuộc các duyên bên ngoài thì đạo tâm của quí vị sẽ không vững chãi. Khi gặp duyên trắc trở có thể quí vị sẽ thối tâm, không tu được.

Khi vị Tăng trẻ biết ai rồi cũng phải chết, thì Thầy hết sợ chết, hết thắc mắc về cái chết của cậu mình. Từ đó Thầy nghiệm ra một điều là, mỗi người phải tự nương tựa lấy mình, không thể nương tựa người khác, vì họ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Nói tới đây tôi nhớ câu chuyện hồi Phật còn tại thế. Có một phụ nữ kia ôm xác đứa con trai duy nhất của mình vừa mới bệnh chết, chạy khắp nơi gào khóc kêu thét, tìm người cứu con bà. Không ai cứu được. Thấy tình cảnh bà thảm não quá, có người chỉ:

– Bà đến với đức Phật đi! Đức Phật sẽ cứu được con bà.

Nghe lời, bà chạy đến đức Phật van xin Ngài hãy cứu con bà sống lại. Bà xin chịu mọi điều kiện của Phật đưa ra. Phật bảo:

– Này cô! Hãy đến nhà nào chưa từng có người chết, xin một ít tro bếp về đây, ta sẽ cứu con của cô.

Mừng quá, người phụ nữ kia chạy khắp làng này qua xóm khác, tro thì có nhưng tuyệt nhiên chưa từng thấy gia đình nào không có người chết. Cuối cùng bà quay về trình với đức Phật:

– Con làm sao tìm được nhà nào không có người chết để xin một ít tro?

Đức Phật nói:

– Cũng vậy. Trên đời này, sự đổi thay, chết chóc không tha cho người nào hết. Ai rồi cũng phải chết. Có thân này thì phải hoại. Đâu chỉ riêng con của cô mới chết thôi.

Nghe đến đây, người thiếu phụ kia chợt tỉnh ra, mới bớt sầu não và đem đứa con yêu quí của mình chôn cất đàng hoàng. Sau đó bà theo Phật nghe pháp và phát tâm tu hành.

Chúng ta cũng thế, có thân này thì nhất định sẽ có ngày bại hoại, sẽ chết. Vậy mà chúng ta không lo chuẩn bị gì cho mình. Cứ lo lắng chuyện này, chuyện kia, chuyện chồng con, chuyện sự nghiệp, chuyện địa vị, danh vọng… Bản thân mình chưa được gì thì hôm nào đó đùng một cái ngã lăn ra chết. Khi nhắm mắt rồi, mời quý thầy tới tụng kinh cầu siêu, có siêu nổi không? Làm sao siêu nổi. Bình thường không chịu tu tập, không chuẩn bị, tới chừng đó nghiệp xấu lôi đi, đâu có ai cứu được. Cho nên hằng ngày chúng ta phải tu. Trong các sự đổi thay giữa cuộc đời này, mình phải biết đầu tư cho chính mình. Nghĩa là phải có công phu tu hành, có đạo đức, đó là có sự chuẩn bị cho mình.

Hiện tượng chết làm cho người ta sợ, người ta khổ. Bởi vì đó là một sự mất mát vô chừng, không ai biết trước được. Bây giờ chỉ biết vâng theo lời Phật dạy, ngay đây muốn được an ổn, nhẹ nhàng, không bị khổ thì phải nỗ lực tu. Đối với hàng xuất gia, khi đi tu rồi, thì chỉ một việc duy nhất là tu làm sao cho thành đạo. Đó là một cách báo hiếu. Tinh thần hiếu hạnh trong Phật pháp là tự mình tu tập cho có kết quả, sau đó hướng dẫn cha mẹ quy hướng Tam Bảo, cũng biết tu tập như mình. Cho nên chỉ có người con tu thành đạo mới có thể đền trả được thâm ân to lớn của cha mẹ. Nếu không thành đạo thì không cách gì trả nổi công ơn trời bể ấy.

Như ngài Mục Kiền Liên, nếu không thành đạo, không cách gì Ngài cứu được mẹ. Bởi vì từ nhiều đời bà mẹ của Ngài đã gây tạo nghiệp nhân không tốt, bị đoạ trong loài quỷ đói. Loài này bụng to như cái trống chầu, mà cổ nhỏ như cây kim, vì vậy lúc nào cũng đói khát mà ăn không được. Cho nên nghe hay ngửi mùi thức ăn mà không ăn được thì nổi sân lên. Do nổi sân nên lửa bốc cháy trong cổ họng, thành ra nói thức ăn biến thành than lửa, rất đau đớn thống khổ. Nếu Tôn giả Mục Kiền Liên tu hành không chứng đạo thì làm sao cứu được mẹ trong lớp quỷ đói khổ sở như thế.

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Phật tử trước nhất phải hiểu đạo, rồi tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình áp dụng tu đạo. Ví dụ Phật dạy cuộc đời vô thường, mọi thứ sẽ đổi thay. Các pháp không có gì thật. Bây giờ mình là người Phật tử, nên nghiệm xem lời dạy này của Phật có đúng không? Vô thường là gì? Là một sự đổi thay lớn lao, không buông tha cho ai hết. Như con người có sanh ra thì có lớn lên, rồi già nua, bệnh hoạn và cuối cùng là chết. Trình tự của thân này là như thế. Sinh ra. Lớn lên. Già nua. Bệnh hoạn. Chết.

Có những bà mẹ thương con quá muốn con mau lớn, như vậy khác nào muốn con mau chết. Phải vậy không? Cứ mỗi ngày kiếm đồ ngon bổ dưỡng cho con ăn mau lớn. Mau lớn để làm gì? Mau lớn thì mau già, mau già thì mau chết. Quý vị thấy mới năm nào mình ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, vụt một cái thì lên trung học. Thời gian không lâu, có khi người đang học bỗng lập gia đình, có người vì hoàn cảnh sao đó bỏ học, hoặc có người đang học ngã ra chết… đủ thứ chuyện. Lớn lên, học xong hay chưa xong nữa thì lo chuyện gia đình, rồi con cái. Loay hoay tới già, tới chết. Nhanh lắm!

Như bản thân tôi đây, về Thường Chiếu năm ba mươi mấy tuổi, năm nay sáu mươi tuổi rồi! Mới đó thôi. Ngày nào chống gậy xuống vùng cỏ gai mênh mông, tôi không nghĩ mình ở đây tới bây giờ. Thời gian qua nhanh quá. Ngồi đó mà chờ thì thấy lâu, nhưng bẵng đi một lúc thì rất nhanh. Mới ăn tết đó, bây giờ là rằm tháng bảy rồi, lụi hụi tới tháng mười hai, rồi lại tết. Cứ như thế, thời gian không dừng lại bao giờ.

Như hồi sáng quí vị chuẩn bị đi chùa là sáu giờ, bây giờ là chín giờ, mười giờ. Ai ở đây tìm giùm tôi, nắm lại giùm tôi lúc sáu giờ sáng, xem nó ở đâu? Làm sao nắm lại? Tiếng tích tắc của đồng hồ qua, qua… Bảy giờ, tám giờ, chín giờ, mười giờ. Không phải nó ngừng ngang đó, rồi mười một, mười hai giờ cho đến sáu bảy giờ sáng nữa, nhưng không phải của ngày hôm nay, mà là của ngày mai, ngày mốt. Nước đã xa nguồn không bao giờ trở lại. Quý vị cứ nhìn sẽ thấy như vậy.

Sự đổi thay lớn lao quá, có gì bình yên đâu, có gì hạnh phúc đâu, mà chúng ta không chịu lo cho mình. Lo cho mình bằng cách như tôi đã nói, phải có chút ít công phu tu hành, có vốn liếng công đức. Bởi vì cuối cùng con đường mình đi chỉ có một mình thôi. Có ai tới lúc chết, kêu ông bạn mình chết thế được đâu? Không có. Ổng sợ thấy mồ! Coi vậy chứ chết rồi, ổng sợ ma… Quý vị thấy cuộc đời là như vậy. Tôi nói thế không có nghĩa là nêu lên những bi đát của cuộc đời, nhưng sự thực là vậy. Cho nên người Phật tử phải biết chuẩn bị cho mình bằng cách lo tu.

Lúc bệnh chết, chúng ta chỉ đi một mình, không có ai thay thế được hết. Như ta đau răng, đau đầu hay đau bất cứ chỗ nào trong thân thể là chỉ mình ta cảm nhận nỗi đau đó thôi. Chớ người thân dù có thương mình bao nhiêu cũng không thay thế được chút xíu nào. Do vậy trong kinh Địa Tạng, Phật nói: Chí thân như cha với con trên đường gặp nhau, cũng không thể thay nhau chịu khổ. Rõ ràng như vậy. Duyên hợp trong quãng thời gian đây, quí vị là chồng, là vợ, là cha, là con, là huynh đệ, là quyến thuộc… nhưng được bao lâu? Không bao lâu hết. Hôm nào đó mình bệnh hoạn, không có thuốc men chữa trị hoặc phúc duyên hết rồi thì đường ai nấy đi. Con đường phước, con đường tội của mình, mình đi. Chứ không ai thay thế được hết.

Dân gian có nhiều mê lầm mà họ không biết. Như hồi xưa Phật tử tới chùa quê quy y, ông thầy dẫn vô bàn Tổ, bảo lạy ba lạy, xong ông nói :

– Như vậy là bữa nay con quy y rồi. Thầy sẽ cho con cái pháp danh, bây giờ con chính thức là Phật tử.

Nhưng pháp danh viết chữ Tàu mình không đọc được, ông Thầy nói rồi thôi, lại đi xuống. Tấm phái đó xếp lại cất. Đến lúc mình chết mới đem ra, nướng hai miếng ngói ốp tấm phái lại cho nó ra tro rồi để trên ngực, có người lại nói: Có miếng này, đi đường quỷ sứ không dám hỏi. Vì nó biết mình là đệ tử của Phật, không ai dám đụng tới. Thưa quý vị, hoàn toàn sai lầm. Nghiệp dẫn chúng ta đi chớ không có quỷ sứ nào đưa đường dẫn lối cả. Người tạo nghiệp lành thì sanh về cõi lành, người tạo tội dữ thì rơi xuống đường dữ. Giấy thông hành này dưới âm phủ đâu có đọc được. Cho nên nhiều vị tu hành mà không hiểu đạo lý, lại còn dạy bảo Phật tử sai trái nữa, thật là họa lớn cho đạo pháp. Cho nên quan trọng là Phật tử phải chọn cho mình một lối sống lành mạnh. Từ đó nuôi dưỡng tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt sanh khởi. Đây mới là hạnh của người tu Phật chân chánh.

Tinh thần của người Phật tử là tự nỗ lực tu hành, không trông chờ hay ỷ lại vào Phật Tổ được. Chúng ta thờ Phật, cúng Phật không phải để được Phật cứu. Thờ Phật, cúng Phật là nghĩ nhớ ơn Phật. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, chúng ta nhớ lại gương hạnh của Ngài, những lời dạy bảo của Ngài mà nỗ lực tu tập. Không phải thờ Phật để ỷ lại rằng “Mình có thờ Phật rồi, không ai phá phách hoặc làm gì mình được”. Xem Phật như lá bùa hộ mạng hay ông thần, ông tướng gì mình thỉnh về để trấn ếm trong nhà. Nghĩ như vậy là sai lầm, là có tội với Phật. Vì Ngài có bao giờ dạy ta như thế đâu!

Phật tử đối với Phật pháp, đối với đời sống tu tập phải tự ý thức rằng tất cả những công đức lành do mình tự làm, tự gầy dựng. Không ai có thể tu giúp giùm quí vị được cả. Phật Tổ hay thầy bạn chỉ hướng dẫn, nhắc nhở chúng ta thôi, tự thân mỗi người phải chịu trách nhiệm về các việc làm của mình. Ví dụ ở gần nhà quí vị, có người láng giềng đời sống không được nghiêm túc, họ phạm phải tội lỗi gì đó. Mình biết rõ, thương nhắc họ: “Anh hay chị hành động như thế, sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Đừng đi con đường đó nữa, sẽ chuốc quả khổ”. Chúng ta chỉ có thể nhắc như vậy thôi, chớ làm sao hơn được. Đó là hỗ trợ tinh thần trong đời sống Phật pháp.

Trong sinh hoạt đời thường, chúng ta cố gắng tránh gây tạo những hụt hẫng giữa mình và người. Làm sao đối với mọi người chung quanh ta có sự cảm thông, hỗ trợ, nhắc nhở nhau tu tiến. Đừng làm việc gì gây cấn, có hành động hoặc ngôn ngữ bức xúc người. Đó là nết hạnh của người Phật tử thấm nhuần đạo pháp. Có thế quí vị mới cảm hóa được mọi người trong gia đình, đem niềm vui, niềm tin lại cho cha mẹ, biết quy hướng về Tam Bảo.

Và như tôi đã nói, hiếu hạnh trong đạo Phật là chúng ta biết tu rồi phải hướng dẫn cha mẹ cùng tu, cùng hướng về Tam Bảo, giữ gìn năm giới để đời này được an vui, đời sau sanh ra càng an vui hơn. Có thế chúng ta mới gặp nhau trong hội Phật, tiếp tục tu hành cho tới ngày viên mãn. Nên nhớ không một thành công nào có giá trị mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của mình. Không có ông Phật nào tự nhiên thành Phật. Nhân thế nào thì quả thế ấy. Lý nhân quả xưa nay rõ ràng như vậy.

Hôm nay quý vị gieo nhân tốt đối với chánh pháp, đó là nhân hiếu hạnh, chắc chắn mai này quý vị sẽ gặt hái được quả tốt, cũng được con cháu thể hiện hiếu hạnh với mình. Chúng ta nguyện cùng đem hoa trái hiếu hạnh này cúng dường mẹ cha nhiều đời và làm quà tặng cho thế hệ con cháu mai sau, cũng biết nêu gương hiếu hạnh theo tinh thần Phật đã dạy.

Kính chúc toàn thể quí Phật tử đều biết tri ân và báo hiếu cha mẹ bằng chính sự nỗ lực tu tập của mình.

HT.Thích Nhật Quang

http://tvsungphuc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=1279&Itemid=24

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.