Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 3

Phần II – BỐN CHÂN LÝ CAO SIÊU (Tứ Diệu Ðế – Ariya Sacca)

XIN ÐỘC GIẢ LƯU Ý KHI BƯỚC VÀO NỘI DUNG

– Chữ đứng là những câu Phật ngôn.

– Chữ nghiêng là lời giải thích của Ðại đức Nyanatiloka và của soạn giả.

– Số và chữ bên lề ghi những phẩm của Tạng Kinh:

D … Digha Nikàya (Trường Bộ)
M … Majjhimà Nikàya (Trung Bộ)
A … Anguttara Nikàya (Tăng Chi)
S … Samyyutta Nikàya (Tương Ưng)
DHP … Dhammapada (Pháp Cú)
UD … Udàna (Phật Tự Thuyết)
IT … Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy)
SUP … Sutta Nipàta (Kinh Tập)
VM … Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo)

M. 141 – “Hỡi các Tỳ Khưu! Ðấng trọn lành, Ðấng siêu việt, Ðấng hoàn Toàn Giác Ngộ đang xây dựng tại vườn Lộc Giả (Isipatana) gần thành Bàranasì một giang sơn tuyệt vời về chân lý mà trong khắp các giới: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, người, Ma Vương, A Tu La hay một ai khác không sao phủ nhận.

Ðấng Chí tôn đã công bố, khai sáng chỉ dẫn, giải thích đúng theo thực tế về 4 chân lý cao siêu như thế nào?

Chân lý cao siêu về sự Khổ.
Chân lý cao siêu về nguyên nhân sự Khổ.
Chân lý cao siêu về sự dứt Khổ.
Chân lý cao siêu về con đường đưa đến nơi dứt Khổ”.

S. 54 – Ðức Thế Tôn thuyết: “Này các đệ tử! Trước khi thành đạt trí tuệ cùng tột và 4 chân lý cao siêu chưa phát hiện rõ rệt, đã hèn lâu ta nghi ngờ về tư cách Giác Ngộ mà từ xưa tới nay, trên khắp thế gian chẳng có hạng chúng sanh nào thông suốt kể cả: Ðạo sĩ, Bà La Môn, Phạm Thiên, Ma Vương, A tu la, nhân loại. Chỉ có khi thấu rõ và thành đạt tuệ giác về 4 chân lý cao siêu ấy, ta mới quả quyết là đã đến nơi hoàn Toàn Giác Ngộ không có chi sánh bằng”.

M. 26 – “Rồi Như Lai khám phá ra được chân lý cao thâm huyền diệu đó, rất khó lĩnh hội, khó thông suốt. Nó đem lại an vui tuyệt đối, nhưng không thể thành tựu bằng lý luận và chỉ có bậc hiền triết mới thấu rõ.

Chúng sanh lại chú trọng về những thú vui, say mê trong hỷ lạc, hân hoan trong sự bê tha, không thấu rõ về qui luật về cội rễ của vạn vật, không thông suốt tư cách kết thúc của những vật hữu vi, không chịu huỷ diệt nguyên tố tái sanh, tham muốn để chứng quả Niết Bàn.

Tuy nhiên cũng có hạng chúng sanh với đôi mắt chứa ít bụi nhơ sẽ thấy được chân lý cứu cánh”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.