Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 4

II-2 CHÂN LÝ CAO SIÊU VỀ NGUYÊN NHÂN SỰ KHỔ. (Tập đế – Dukkha Samudaya Ariya Sacca)

D.22 – “Chân lý cao siêu về dục khát khao muốn được tái sanh thêm nhiều kiếp mới để tìm thú vui, tìm tham vọng, tìm hưởng những khoái lạc mới trong nơi này hay nơi khác”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA (theo Abhidhamma)

Theo ý nghĩa tuyệt đối không phải thật sự một chúng sanh, một cái ta bất di bất dịch hay là một thực ngã đi tái sanh. Thật ra chẳng có một vật gì giữ nguyên tình trạng trong hai chập liên tiếp. Vì năm uẩn (Khandhas) tạo thành kiếp sống luôn luôn thay đổi, hết sanh rồi diệt, hết diệt rồi sanh trong mỗi giây không ngừng nghỉ. Lẽ đó không có một vật thể hay một chúng sanh nào mà thực tế, mà chỉ là những diễn tiến không có đoạn kết thúc, một trạng thái thay đổi triền miên, một sự phát triển liên tục. Những trạng thái đó là nguyên nhân đưa đến quả là “sự tái sanh” (Uppatti bhava).

Chuỗi dài diễn tiến của “nhân và quả” có thể đem ra so sánh với những lượn sóng, không có một thành phần nước riêng biệt nào ngao du trên mặt biển. Ảo tưởng về các lượn sóng đang di chuyển, gây cho chúng ta cảm giác rằng đó là một khối nước duy nhất. Nhưng trên thực tế thì đó chỉ là những trạng thái về sự chuyển động của nước biển. Do sức đẩy của gió, nhiều khối nước khát nhau vươn lên cao rồi đổ nặng xuống tạo thành những khoảng trũng. Nước ở các khoảng trũng này cố vươn lên cao để rồi hạ xuống … và mãi mãi như thế ấy. Cũng như Ðức Phật không dạy có một thực ngã đi tái sanh, mà đó chỉ là những “lượn thuỷ triều của đời sóng”. Tuỳ theo hoàn cảnh và hành vi tốt xấu trong mỗi kiếp, chúng sanh xuất hiện làm người nơi này, làm thú nơi khác, hoặc được tái sanh vào những cảnh giới vô hình.

Có 3 cái tâm ái dục:

1) Tham muốn nhục dục (Kàma tanha)
2) Tham muốn được tái sanh (Bhava tanha)
3) Tham muốn thú vui về sắc trần (Vibhava tanha)

Theo kinh Visuddhi-magga (Con đường thanh tịnh) danh từ Bhava Tanha có liên hệ mật thiết với đức tinh về tư cách “Trường tồn”, được liệt kê vào Sassata-ditthi (thường kiến), cho rằng có một “thực ngã” tuyệt đối bất di dịch (linh hồn) ở ngoài và không tuỳ thuộc xác thân.

Vibbhava Tanha là hậu quả của sự tin tưởng về Duy Vật, “Uccheda ditthi” (đoạn kiến), cho rằng cái bản ngã hư hỏng này sẽ bị tiêu diệt và nó không liên hệ gì tới thời gian trước kiếp sống và sau khi chết.

D.22 – “Lòng tham dục bắt nguồn từ đâu?

Trên khắp thế gian, bất cứ nơi nào có những trò vui chơi khoái lạc thì lòng tham dục được đánh thức và bắt nguồn từ đó. Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý, bị kích động say mê rồi bám víu vào đó.

Lòng ham dục bừng dậy và bắt nguồn từ nơi nào đó: Sắc đẹp, tiếng thanh, hương thơm, vị ngon, vật đụng chạm vừa lòng, tình cảm thích hợp.

Lục căn va chạm với lục trần gây ra: Cảm xúc, hăng say, thích thú, ý nghĩ, suy tư hấp dẫn. Lòng tham dục bừng dậy và bắt nguồn từ đó”.

M. 38 – “Khi tiếp xúc với sắc tướng, âm thanh, vị hương, thân thể, tình cảm, vừa ý, con người liền bị thu hút và nếu chẳng vừa lòng thì lại cố tránh xa”.

NGUỒN GỐC VÀ LIÊN QUAN GIỮA CÁC TRẠNG THÁI ÐƯA TỚI KHỔ ÐAU

“Như thế, bất cứ loại cảm giác (thọ) nào thuờng phát sanh, dù thích thú hay bình thường, con người cũng say mê ôm ấp, bám díu lấy nó và đánh thức lòng tham muốn. Tư cách vừa lòng và luyến ái đối với vật gì có nghĩa là tưng tiu ôm ấp kiếp sống. Chính sự luyến ái này gây ra cái nghiệp đưa tới “tái sanh” rồi tuần tự lôi kéo gây ra cái nghiệp đưa tới “Tái sanh” rồi tuần tự lôi kéo muôn ngàn thống khổ như: già nua, bệnh tật, chết chóc, sầu não, khóc than, đau đớn, thất vọng … nỗi khổ càng thêm chồng chất.

“Ðó là chân lý cao siêu về nguyên nhân sự Khổ”.

KHỔ NÃO DẬP DỒN

M. 12 – “Thật ra, chính lòng tham dục là nguyên nhân đưa đến khổ sầu. Bị lòng tham dục chi phối và sai khiến, chúng sanh phải dính mắc và việc gì xảy đến?

Vua chúa tranh chấp với vua chúa, công hầu xung đột với công hầu, đạo sư với đạo sư, dân chúng với dân chúng. Cha mẹ gây gỗ với con. Con hổn ẩu với mẹ cha. Anh em chị em chống đối nhau, bạn bè thù nghịch cùng nhau.

Do đó phát sanh xích mích chia rẽ, cãi vả, xung đột. Kẻ nọ lấn áp người kia, tranh chấp với nhau bằng những quả đấm đá, bằng gậy gộc, bằng khí giới, gây khổ đau, chết chóc tang thương”.

Cũng vì tham dục mà có những kẻ hung hăng xông vào nhà người cướp phá, tấn công hành khách trên đường, hãm hiếp phụ nữ. Rồi các tên hung thủ bị nhà cầm quyền bắt bớ tù đày, hành phạt đủ điều. Chúng bị tra tấn hay trảm quyết vì gây ra tội lỗi.

Muôn ngàn thống khổ trong kiếp hiện tại đều do lòng tham dục gây nên. Bị lòng tham dục chi phối, sai khiến chúng sanh sa vào cạm bẫy và hoàn toàn lệ thuộc vào ngũ trần tội lỗi.

Và nếu vẫn tiếp tục như thế, chúng sanh phải đi vào đường xấu xa đê tiện gây nhiều nghiệp dữ do thân, khẩu, ý. Ðến khi chết chúng sẽ bị sa đoạ vào cảnh giới thấp hèn, lọt vào tình cảnh khổ đau, bị lôi sâu xuống hố thẳm của địa ngục. Ðó là nỗi khốn cùng của lòng tham dục gây ra biết bao thống khổ trong kiếp vị lai.

Chúng sanh bị tham dục chi phối và hoàn toàn lệ thuộc vào nó”.

DHP. 127 – “Bất cứ là trên không cao vọi, dưới hố thẳm của đại dương hoặc chốn hang cùng ngõ tận, trên khắp trần gian này chẳng một nơi nào có thể che trở con người gây ra nghiệp dữ!”

S.35 – “Chúng sanh là chủ nhân ông của cái nghiệp, phải thừa tự nó. Nghiệp là một giống được gieo trồng. Nó trói chặt vào bảo trì chúng sanh. Con người phải thụ hưởng những của phụ ấm cao đẹp hay bần cùng tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu đã tạo”.

A.III (33) – “Bất cứ nơi nào mà chúng sanh xuất hiện thì cái nghiệp chín muồi tại đó. Chúng sanh phải gặt hái những quả báo trong kiếp hiện tại, hoặc trong những kiếp sau”.

S.21(10) – “Ðến một thời gian nào đó, nước trong biển cạn khô và không còn nữa. Ðến một thời gian nào đó, quả địa cầu bị lửa thiêu huỷ, đất không còn nữa. Nhưng các điều thống khổ vẫn tồn tại. Chúng sanh vẫn bị màn vô minh bao phủ, vẫn bị sa vào cạm bẫy tham dục và vẫn chen lấn nhau, hối hả nhảy vào vòng sanh tử”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.