II-4a CHÁNH KIẾN (Samma Ditthi) HIỂU RÕ BỐN CHÂN LÝ CAO SIÊU
D.22 – “Thế nào là Chánh kiến? – Là:
Hiểu rõ sự Khổ.
Hiểu rõ nguyên nhân sự Khổ.
Hiểu rõ sự diệt Khổ.
Hiểu rõ con đường đưa tới dứt Khổ.
“Ðó gọi là Chánh kiến (hiểu biết chơn chánh)
HIỂU RÕ TỘI PHƯỚC.
M.9 – “Giới tử hiểu rõ tội lỗi và nguồn gốc của nó là thế nào, và hiểu rõ phước báu và nguồn gốc của nó ra sao.”
GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA
Ðiều được xem như tội lỗi (Akusala) là những hành động do thân, khẩu, ý, làm cho đời sống bị nhơ bẩn và đem lại hậu quả khổ đau trong kiếp hiện tại và các kiếp tương lai.
M.9 – “Thế nào là tội lỗi? (Akusala)
(thuộc ác thân nghiệp – kàya kamma)
Sát hại sanh vật
Trộm cắp
Tà dâm.
(thuộc ác khẩu nghiệp – vacà kamma)
Nói dối
Nói lời đâm thọc
Nói lời hung dữ
Nói chuyện vô ích
(thuộc ác ý nghiệp – mano kamma)
Tham muốn xấu xa
Có ác tâm
Ý nghĩa lầm lạc
GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA
Tư cách chú tâm hay cố ý (cetana) được gọi là “nghiệp” (kamma). Nghiệp xem thấy được đều phát sanh do thân hay khẩu. Còn những suy tưởng không biểu lộ ra ngoài đều do hành vi của ý (ý nghiệp).
M.9 – “Đâu là nguồn gốc tội lỗi?
“Tham lam (lobha) là nguồn gốc của tội lỗi. Sân hận (dosa) là nguồn gốc của tội lỗi. Si mê (Moha) là nguồn gốc của tội lỗi.”
GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA
Những hành động tham lam và sân hận đều do si mê và mù quáng mà ra. Lẽ đó si mê là cội rễ của cả tội lỗi.
AX. 147 – “Như Lai chia tội lỗi ra 3 loại: Tội do tánh tham lam gây ra; Tội do tánh sân hận gây ra; Tội do tánh si mê gây ra”.
M.9 – “Còn thế nào là phước báu của thiện nghiệp (kusala kamma)? Là:
(thiện thân nghiệp)
Tránh việc sát sanh hại vật.
Tránh sự trộm cắp
Tránh sự tà dâm
(thiện khẩu nghiệp)
Tránh sự nói dối
Tránh lời nói đâm thọc
Tránh lời nói hung dữ
Tránh lời nói vô ích
(thiện ý nghiệp)
Tránh sự tham lam xấu xa
Tránh có ác tâm
Tránh có ý nghĩ bất chánh
Sau đây là những phước báu:
Không tham lam (Alobha) làm cho phát tâm rộng lượng.
Không sân hận (Adosa) làm cho phát tâm từ bi.
Không si mê (Amoha) làm phát sanh trí tuệ”
HIỂU RÕ BA TƯỚNG
S.21 – “Kẻ nào thấu rõ tánh cách giả tạm (vô thường), khốn quẩn (khổ não) và chẳng có thực ngã (vô ngã) của năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, kẻ đó đã có Chánh kiến rồi vậy.”
NHỮNG VẤN ÐỀ KHÔNG LỢI ÍCH
M.63 – “Nếu có kẻ nói rằng chỉ bằng lòng tu theo Phật giáo chỉ khi nào đức Như Lai chịu giải thích cho biết những điều sau đây:
Thế gian là trường tồn hay giả tạm?
Thế gia hữu biên hay vô biên?
Sự sống và xác thân là một hay khác nhau?
Ðức Phật Toàn Giác còn hay mất sau khi tịch diệt?
Thì kẻ ấy phải chết trước khi được Ngài ứng đáp. Cũng như người kia mang phải mũi tên có tẩm thuốc độc, được thân bằng quyến thuộc lương y đến cứu chữa nhưng lại biện lẽ rằng: ‘Tôi không thể nào chịu cho rút mũi tên ra trước khi được biết ai đã bắn đã gây thương tích cho tôi. Tôi muốn biết thủ phạm thuộc giai cấp nào? Thuộc hạng cao sang hay giai cấp nô lệ? Người đó tên gì? Con nhà ai, hình vóc, lớn, nhỏ hay trung bình?… Chắc chắn kẻ đó phải chết trước khi biết được những điều như thế”.
SUP.592 – “Như vậy, kẻ nào muốn tìm sự an vui cho chính bản thân phải mau rút mũi tên ra … mũi tên đau đớn than van sầu khổ”.
M.36 – “Dù cho thế gian là trường cửu hay tạm bợ, có giới hạn hay vô biên, một sự việc hiển nhiên là những trạng thái: sanh trưởng, già nua, bệnh tật, khóc than, thất vọng, vẫn luôn luôn tồn tại. Nhưng người đời có thể huỷ diệt các thảm hoạ đó trong kiếp hiện tại nếu hành theo lời chỉ dạy của Như Lai”.
NĂM SỢI DÂY TRÓI BUỘC (THẰNG THÚC).
M.2-54 – “Ví dụ có người thế, vì si mê mù quáng, không biết trọng nể các bậc thánh nhân, chẳng chịu nghe lời dạy bảo của các Ngài , không thông suốt Giáo lý cao thâm…. Tâm trí người đó bị vô minh che lấp, thường có tâm ngã chấp, hay hoang mang ngờ vực, lại vui thích với những tục lệ cúng kiến lễ bái, say mê tình dục, có tư tưởng bất hảo, nhưng không biết làm cách nào để thoát ly ra khỏi các điều xấu xa ấy.”
GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA
Ảo tuởng về “bản ngã” (Sakkàya-ditthi) có thể thuyết minh như sau:
– Lý thuyết về tâm linh (Sassata-ditthi) căn cứ nơi đức tin về tư cách “Trường tồn” cho rằng cái “Ta” là một linh hồn có tánh cách thiêng liêng không tuỳ thuộc xác thân vật chất và linh hồn đó tiếp tục tồn tại sau khi chết (Thường kiến)
– Lý thuyết “duy vật” (Uccheda ditthi) là tin tưởng tánh cách huỷ diệt hoàn toàn, cho rằng Ta của kiếp sống hiện tại sẽ biến tan cùng lúc với cái chết của xác thân vật chất (Ðoạn Kiến).