Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 5

CHÁNH KIẾN THẾ GIAN

Hiểu biết rằng bố thí và cúng dường đến những bậc có giới đức không phải là vô ích. Biết rằng nghiệp lành hay nghiệp dữ sẽ đem lại quả vui hay quả Khổ chẳng sai.

Biết rằng kiếp hiện tại và kiếp vị lai có thật. Cha mẹ và chúng sanh khác hằng được thụ hưởng phước báu nơi cõi trời. Biết rằng trên thế gian có những bậc Sa Môn hay bậc đại hiền giới đức trong sạch có thể giải thích đời sống hiện tại và những kiếp vị lai.

Ðó là Chánh kiến thế gian (Lokiya Sammà ditthi).

CHÁNH KIẾN SIÊU THẾ GIAN

“Tuy cũng đạt được Chánh kiến về đạo đức, các bậc thánh: Tu Ðà Hườn, Tu Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán không hướng sự hiểu biết của các Ngài về phương diện thế gian mà chỉ chú trọng đến con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo).

Đó là “Chánh kiến siêu thế gian” (Lokutta-ra Sammà ditthi) không còn nằm trong lãnh vực thế gian, ở ngoài thế gian và đã hợp nhất với con đường siêu việt.”

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Bát Chánh Ðạo cũng có 2:

– Bát Chánh Ðạo thế gian do hàng tại cư sĩ thực hành (Puthujjana).
– Bát Chánh Ðạo siêu thế gian được dành riêng cho những bậc Sa Môn cao quí (Ariya pugala).

M.47 – “Và khi biết rõ thế nào là “Tà Kiến” Cũng như thế nào là “Chánh kiến” (bước một) hành giả cố gắng trau dồi sự hiểu biết thêm đúng đắn, cố vượt khỏi những điều tà vạy bằng “Chánh tinh tấn” (bước thứ 6) chú tâm quan sát về sự hiểu biết chơn chánh bằng “Chánh niệm” (bước thứ 7).

Như thế ba yếu tố có liên quan mật thiết với nhau về “Chánh kiến” là: Hiểu biết chơn chánh, tinh tấn chơn chánh và niệm tưởng chơn chánh”.

ÐỨNG NGOÀI VÒNG LÝ LUẬN

M.72 – “Ðấng Toàn Giác không còn dính mắc trong phạm vi của các lý thuyết.

Vì Ðấng trọn lành đã thấu rõ sắc tướng (“sắc uẩn”) là gì, nó sanh và diệt như thế nào.
Ngài biết rõ sự cảm giác và tư cách sanh diệt của “thọ uẩn” ,
Ngài biết rõ sự chấp nhận tình cảm và tư cách sanh diệt của “tưởng uẩn”,
Ngài biết rõ phối hợp tư tưởng và tư cách sanh diệt của “hành uẩn”,
Ngài biết rõ sự hoạt động của tư tưởng và tư cách sanh diệt của “thức uẩn”.

Lẽ đó Ðấng Giác Ngộ đã dập tắt, đã lánh xa, đã huỷ diệt, đã vứt bỏ và đứng ngoài vòng lý luận, thoát ly ra khỏi sự ước đoán, sự khuynh tà … chẳng còn tham danh vọng hảo huyền cho cái “Ngã” và cái “Bản Ngã”.

BA TRẠNG THÁI TUYỆT ÐỐI

A.III (134) – “Dù cho các Ðấng Toàn Giác có xuất hiện trên thế gian hay không, một sự kiện tuyệt đối bất di bất dịch, một quy luật cố định vẫn luôn luôn tồn tại là: “Tất cả những vật cấu tạo do các nguyên nhân là giả tạm (Vô thường), là khốn quẩn (Khổ não) và không có thực ngã (Vô ngã)”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Danh từ “Sankhàra” ám chỉ những gì có một khởi điểm và một dứt điểm (sanh, diệt) mà chúng ta thường gọi là vật phối hợp hay cấu tạo (hữu vi).

“Pháp Hành” (Sankhàra Dhamma) được áp dụng trong tư cách phối hợp hay cấu tạo trên cả 2 phương diện vật chất và tâm lý của đời sống (tạm bợ trên thế gian).

Tiếng “Dhamma” (Pháp) lại mang một ý nghĩa sâu rộng bao quát hơn. Vì nó ám chỉ những gì không có khởi điểm và dứt điểm (Vô sanh bất diệt), không phối hợp hay cấu tạo (Vô vi pháp), “Asankhara dhamma”. Chẳng hạn như không gian vũ trụ (Àkasa) và Niết Bàn (Nibbàna).

Bởi thế, rất sai lầm khi cho rằng tất cả các Pháp (Dhamma) đều là vô thường, biến đổi, vì “Niết Bàn pháp” (Nibbàna dhamma) và không gian vũ trụ (Àkasa) đều trường tồn vĩnh cữu không hề thay đổi. Cũng vì lẽ đó, phải nhìn nhận chẳng những các “Pháp hành” (Sankhara dhamma) mà luôn cả những “Pháp vô sắc tướng” (thuộc về tâm lý) cũng đều là vô ngã (không có thực thể).

S.X.VI (10) – “Trên thế gian này, các bậc thánh nhân, kể luôn có Như Lai , chẳng có một ai công nhận rằng: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là trường tồn bền bĩ mà không thay đổi, không sao có những trạng thái như vậy”.

A.I (15) – “Người có Chánh kiến chẳng thể nào công nhận một vật gì là cái Ngã được”.

BIỆN LUẬN VỀ CÁI “NGÔ

D.15 – “Nếu có kẻ quả quyết rằng “Cảm giác” (Thọ) là cái “Bản ngã” thì nên trả lời như vầy:

Thọ có 3 loại: thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ. Hỏi vậy người đó thọ cái nào là bản ngã?

Khi trắc nghiệm một trong 3 cái thọ đó thì 2 cái kia biến tan (ví dụ khi đang cảm giác vui thì 2 cái thọ: Khổ và không vui không khổ chẳng xuất hiện). Như vậy, cả 3 cái thọ đó đều là vô thường và tuỳ thuộc các nguyên nhân. Chúng cũng bị huỷ diệt, hao mòn và dập tắt.

Bất cứ ai nghĩ rằng một trong ba cái thọ đó là bản ngã đều bị lầm lạc, rồi sau cũng phải nhìn nhận rằng cái mà họ gọi là bản ngã của kiếp hiện tại là vô thường, có vui khổ lẫn lộn và cũng bị sanh diệt không sao tránh khỏi.

Nếu có kẻ khác nói “thọ” không phải là cái ngã nhưng cái ngã của tôi (bản ngã) là thiêng liêng cao tột mà thọ không thể nào tiếp xúc đặng, thì nên hỏi lại: “Vậy chớ tại nơi nào không có thọ thì gọi là bản ngã được chăng?”

Nếu có ai khác nữa nói: “Thọ không phải là bản ngã mà thật ra nó cũng không phải là cái ngã thiêng liêng cao tột mà thọ không sao tiếp xúc được, mà chính cái ngã riêng của tôi mời biết cảm giác. Với người này thì nên trả lời: “Nếu thọ bị hoàn toàn huỷ diệt và chẳng có cảm giác nào cả, như vậy có thể nào chấp nhận trạng thái “vô cảm giác” là cái ngã được không?

Nói rằng tâm và đối tượng của tâm là tư tưởng tạo ra cái ngã là không căn cứ vào đâu cả. Chỉ cần nhận định 2 trạng thái “sanh” và “diệt” của mọi vật cũng đủ chứng minh rằng cái ngã cũng sanh ra rồi bị diệt’.

S.21 (7) – “Người kém học thức còn có thể quan niệm cho rằng xác thân do 4 nguyên tố (Tứ Ðại) cấu tạo là bản ngã. Vì dù sao xác thân đó cũng tồn tại được một năm, hai năm hoặc ba, bốn năm hoặc lâu hơn nữa là trăm năm. Còn cái mà chúng ta gọi là “tâm trí” thì luôn cả ngày lẫn đêm phát hiện rồi biến tan dưới hình thức này hay dưới hình thức khác”.

S.21 (5) – “Như thế, tuy có: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trong mỗi cá nhân và ở bên ngoài, dù là có tinh vi hay thô thiển, thanh cao hay hèn hạ, ở xa hay ở gần, (người ta) cũng phải dùng trí tuệ để nhận định đúng theo chân lý “Ðây không phải là của ta, không phải là ta và cũng không phải là bản ngã”.

QUÁ KHỨ-HIỆN TẠI-VỊ LAI.

D.9 – “Nếu có người hỏi: “Trong quá khứ anh có sanh ra hay không? Về tương lai anh có còn tái sanh nữa không? Giờ đây phải thật anh đang hiện diện hay chẳng phải?”

Và nên trả lời như vầy: “Quả thật tôi đã có sanh ra rồi. Không thể phủ nhận điều đó. Trong tương lai tôi sẽ còn tái sanh nữa, không ai chối cãi đặng và giờ đây chính tôi đang hiện diện tại chỗ này, chắc như vậy”.

Về quá khứ, chỉ có kiếp sống khi đó là thực tế còn kiếp vị lai và hiện tại thì không thực tế. Trong tương lai, chỉ có kiếp đó là thực tế còn những kiếp quá khứ và hiện tại thì không. giờ đây, kiếp hiện tại là thực tế còn những kiếp quá khứ và vị lai thì không.

Thực ra kẻ nào thấu rõ sự liên quan của các Nhân và Duyên (Patticca-Samuppàda), kẻ đó đã thấy rõ chơn lý. Cũng như người ta vắt sữa con bò cái, sữa để lâu trở thành kem, thành bơ, thành mỡ. Rồi đem đun sôi nó ra thành bọt mỡ. Nói về kiếp quá khứ cũng vậy. Nó chỉ thực tế hồi thời kỳ đó và không thực đối với hiện tại và vị lai.kiếp vị lai cũng thực tế sau này nhưng không thật đối với quá khứ và hiện tại. Kiếp hiện tại chỉ thực tế lúc này nhưng đối với quá khứ và vị lai thì không.

Ðó là những chuyện nhân gian mà thôi, là một cách lý luận, một lề lối giải thích. Theo sự phỏng đoán, là những sự việc tầm thường. Ðấng Toàn Giác cũng dùng những danh từ (trong các trường hợp) nhưng không khi nào Ngài để bị sa vào cái bẫy ngôn ngữ”.

S.42 – “Như thế, khi nào chưa thấu rõ năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chưa thấu rõ tư cách sanh diệt của chúng, người có thể nghĩ rằng: “Ðức Chánh Biến Tri sẽ còn tiếp tục (tồn tại) sau khi nhập diệt. Hoặc giả Ngài sẽ không tiếp tục (mất luôn), v.v…”

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.