Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 6

II-4b CHÁNH TƯ DUY “TƯ TƯỞNG CHƠN CHÁNH” (Sammà-Sankappa)

D.22 – “Vậy thế nào là “Chánh tư duy?”. Ðó là:

Tư tưởng không tham lam
Tư tưởng không không hiểm độc
Tư tưởng không không tàn bạo.”

CHÁNH TƯ DUY THẾ GIAN VÀ CHÁNH TƯ DUY SIÊU THẾ GIAN.

M.117 – “Như Lai nói Chánh tư duy có 2:

Tư tưởng không tham lam,không hiểm độc, không tàn bạo được gọi là “Chánh tư duy thế gian” (lokiya sammà sankappa). Những tư tưởng ấy đem lại quả vui trên cõi thế.

Ðàng khác, tuy cũng suy tưởng, cũng lý luận, cũng nhận định, cũng tranh biện, cũng thực hành, nhưng tâm trí (của bậc Thánh Nhơn) đã được hoàn toàn thanh lọc, không còn mang tính cách thế gian, mà chỉ hướng về “đuờng siêu việt”.

Bát Chánh Ðạo thể thức hoạt động về tâm lý đó (Vaci Sankhara) được gọi là “Chánh tư duy Siêu thế gian”. Những tư tưởng đó không thuộc lãnh vực thế gian, chúng ở ngoài thế gian và hợp nhất với con đường siêu việt.

SỰ LIÊN QUAN GIỮA CHÁNH TƯ DUY VỚI CÁC CHI KHÁC

“Khi biết rõ tư tưởng nào trái với lẽ phải, là tà vạy, là tư tưởng nào đúng chân lý, người (hành giả) đã có “Chánh kiến” (bước 1). Lúc nào cố tránh được những tư tưởng xấu xa để đánh thức những tư tưởng cao thượng, người đã thực hành “Chánh tinh tấn” (bước 6). Và khi chế ngự được những tư tưởng xấu xa, người đem hết tâm lực trau giồi các tư tưởng chánh đáng thì đã được thực hành “Chánh niệm” (bước thứ 7).

Cả 3 chi trên, Chánh kiến, Chánh tinh tấn và Chánh niệm, luôn luôn có liên hệ với Chánh tư duy”


II-4c CHÁNH NGỮ (Sammà-vacà)

A.X.(176) – “Chánh ngữ là gì?”

1. KHÔNG NÓI DỐI

“Người tránh xa sự nói dối và răng tự chế, chỉ lời nói chân thật, trau dồi phẩm hạnh trung thực. Chắc chắn người sẽ được kẻ khác tin cậy và chẳng gây phiền muộn cho ai.

Giữa cuộc hội họp đông nguời và các bạn thân, trong dịp lễ đại nghị hay trước sân chầu tại triều đình, nếu có ai muốn dẫn chứng một điều gì, người (Phật tử) trả lời biết đối với những gì mình đã biết và không biết gì về những gì mình không biết. Người trả lời có thấy đối với chuyện gì đã thấy và không nếu mình không thấy.

Như vậy, người chẳng hề cố ý nói dối, dù làm vậy có lợi ích cho mình hay cho kẻ khác, hoặc để được bất cứ lợi lộc nào khác”.

2. KHÔNG NÓI LỜI ÐÂM THỌC

“Người cố tránh xa sự nói xấu kẻ khác và hằng tự chế. Nghe chuyện nơi này,người không nên lập lại nơi khác để gây ra cải vã. Biết chuyện chỗ nọ, người không đem nói lại đằng kia, để tạo ra tranh chấp. Làm vậy người đem lại hoà hợp cho những kẻ bị chia rẽ và khuyến khích những kẻ đang hoà nhã làm cho tâm người thơ thới và mang lại nhiều hạnh phúc”.

3. KHÔNG NÓI LỜI CỘC CẰN THÔ LỖ

“Người cố tránh những lời nói hằn học thô lỗ, và rán tự chế, chỉ dùng ngôn ngữ dịu dàng, nghe êm tai dễ thương, nhã nhặng, duyên dàng hữu ích để gây thông cảm với phần đông”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Theo kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya) đức Thế Tôn có thuyết:

“Hỡi này chư Tỳ Khưu! Nếu bị bọn cướp hay kẻ sát nhân cưa tay, chặt chân, cưa đứt khớp xương, mà các ngươi phát tâm nóng giận thì hẳn các ngươi không nghe lời Như Lai dạy. Vậy các ngươi nên tập luyện như thế này: “Hiện tâm trí ta rất vững vàng. Chẳng có lời bất nhã nào vượt ra khỏi miệng ta. Ta hãy ráng giữ thái độ thân hữu, thấm nhuần từ bi bác ái, không có ý gì sâu độc bí ẩn nào trong tâm. Và ta cố rãi tâm từ bi rộng lớn vô lượng vô biên, chẳng lẫn lộn điều chi sân hận”.

4. KHÔNG NÓI LỜI VÔ ÍCH

A.X.(176) – “Người cố tránh lời nói vô ích và ráng tự chế. Chỉ nên nói chuyện nào cần thiết, tuỳ sự việc và khi đúng lúc như nói về Giáo lý, nói về Giới Luật. Mỗi lần phát biểu điều gì, lời nói của người cũng như một kho bảo vật được đưa ra đúng lúc, với lý luận ôn hòa mang đầy ý nghĩa. Ðó là Chánh ngữ”.

CHÁNH NGỮ THẾ GIAN VÀ CHÁNH NGỮ SIÊU THẾ GIAN.

M.117 – “Như Lai nói Chánh ngữ có hai:

1) Tránh sự nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời hung dữ thô lỗ, nói lời vô ích, hằng đem quả vui lại cõi trần. Ðó là” Chánh ngữ thế gian”(lokiya sammà vaca).

2) Ðàng khác, có tâm chán ghét bốn điều ác khẩu, tư cách tránh xa, tự chế, kiềm hãm, tâm trí (của các bậc siêu nhân) đã được hoàn toàn thanh lọc, không hướng về thế gian và đã hợp nhất với con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo). Ðó gọi là “Chánh ngữ siêu thế gian” (lokuttara sammà vaca), không còn thuộc lãnh vực thế gian, ở ngoài thế gian và hợp nhất với con đường siêu việt”.

SỰ LIÊN QUAN GIỮA CHÁNH NGỮ VÀ CÁC CHI KHÁC.

Khi hiểu rõ lời nói bất hảo là xấu xa và lời nói chân chánh là đứng đắn, người (giới tử) đã có chánh kiến (bước 1).Cố gắng kiềm chế những lời nói bất hảo và chỉ thốt ra những lờichân chánh người đã thực hành về “Chánh tinh tấn “(bước thứ 6).tránh thốt ra những lời bất nhã, để hết tâm trí quán xét (về Chánh ngữ) người đã thực hành”Chánh niệm “(bước thứ 7).

“Như thế, có ba chi liên quan với Chánh ngữ là: Chánh kiến, Chánh tinh tấn, Chánh niệm “


II-4d CHÁNH NGHIỆP (Sammà-Kammanta)

A.X (176) – “Chánh nghiệp là thế nào?”

KHÔNG SÁT SANH

“Người cố chấp sát hại sự sanh vật và ráng tự chế, không dùng gươm, dùng gậy, luôn luôn cẩn thận, tánh tình cởi mở hằng lo lắng cho chúng sanh được an vui”.

KHÔNG TRỘM CẮP

“Người cố tránh sự trộm cắp và ráng tự chế. Những gì không thuộc của mình, như vật thực, bàn ghế, giường chõng của kẻ ở trong làng hay trong rừng, người chẳng hề có manh tâm chiếm đoạt”.

KHÔNG TÀ DÂM

“Người cố tránh sự giao thiệp bất chánh với gái có người giữ gìn, như cha mẹ, anh em, cô bác hoặc phụ nữ có chồng, đàn bà bị tù tội, gái đeo dây tràng hoa (gái mất nết). Ðó gọi là Chánh Nghiệp”.

CHÁNH NGHIỆP THẾ GIAN VÀ CHÁNH NGHIỆP SIÊU THẾ GIAN

M.117 – “Như Lai nói Chánh nghiệp có hai:

– Không sát sanh, trộm cắp, tà dâm hằng đem lại niềm vui nơi cõi trần được gọi là “Chánh Nghiệp thế gian” (Lokiya sammà kammanta).

– Ðàng khác, biết ghê sợ 3 tà nghiệp, ráng tự chế kiềm hãm, điều ngự tâm trí (của bậc siêu nhân) được hoàn toàn thanh lọc, không hướng về thế gian, mà đã hợp nhất với con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo). Ðó gọi là “Chánh Nghiệp siêu thế gian” (lokuttara sammà kammanta). Nó không còn thuộc lãnh vực thế gian, ở ngoài thế gian, và đã hợp nhất với ‘con đường siêu việt’.

SỰ LIÊN QUAN GIỮA CHÁNH NGHIỆP VỚI CÁC CHI KHÁC

“Khi hiểu rõ tà nghiệp là xấu xa vàchánh nghiệp là cao đẹp, người đã thực hành chánh kiến (bước 1). chế ngự được tà nghiệp và cố gắng un đúc chánh nghiệp, người đã thực hành “Chánh tinh tấn “(bước thứ 6). Vượt qua khỏi tà nghiệp, chú tâm suy xét về Chánh nghiệp người đã thực hành “Chánh niệm” (bước thứ 7).

“Như vậy, có ba yếu tố liên quan với Chánh nghiệp là: Chánh kiến, Chánh tinh tấn, Chánh niệm”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.