Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 1

I-3 LUẬN VỀ KHỔ

Trong pháp Tứ Diệu Ðế pháp mà đức Đại giác đặt trước nhất là Khổ.

Khi vừa nghe tiếng Khổ thì không ai lấy làm lạ. Vì ai ai cũng đều có nếm qua mùi vị của khổ không ít thì nhiều. Người sanh ra trong đời không ai không khổ mặc dầu là vị trưởng giả hay nhà vua. Nếu ta hỏi lại ai ai cũng đều biết đời là khổ, thậm chí có người bảo: Khi đứa trẻ sơ sanh khóc ra tiếng “khổ a, khổ a”, nhưng người ấy hiểu như thế nào có đắc được quả đạo gì! Vì người ấy chỉ hiểu cái vỏ bên ngoài của khổ, hay biết khổ mà không thực hành để diệt trừ khổ. Người hiểu khổ như thế khác hơn cái hiểu bằng trí tuệ của đức Giác Ngộ một trời một vực. Cái hiểu của con người là hiểu bằng thức tánh. Còn cái hiểu của bậc Thánh Nhơn bằng tuệ. Chúng sanh biết khổ nhưng chưa biết phương pháp tránh khổ hay diệt khổ. Trái lại càng làm nhiều khổ. Cũng như người cầm ngọn đuốc chạy ngược gió bị lửa táp vào mặt nóng la khóc, than van nhưng lại không bỏ ngọn đuốc ấy vì sợ mất ánh sáng của ngọn đuốc ấy. Tôi xin ví như tài, sắc, lợi, danh hay thất tình lục dục

Còn các bậc Thánh Nhơn nhất là Ðấng Giác Ngộ biết khổ, biết nguyên nhân sanh khổ, và biết nguyên nhân diệt khổ.

Ví như 2 nhân vật người bị và bác sĩ. Người bịnh chỉ biết rằng: Ta đang bịnh bị hành hạ, khổ sở, nhưng không biết làm sao hết bịnh. Còn bác sĩ biết nguyên nhân phát sanh bịnh. Biết cách ngăn ngừa sự ấy và hơn nữa có thuốc và biết cách trị dứt bịnh ấy nữa. Vì 2 sự hiểu biết khác nhau như thế ấy nên bác sĩ và người bịnh khác nhau. Người bịnh lâm bịnh chỉ còn chờ chết và chưa hết phải chịu khổ vì chứng bịnh ấy. Ðây chính là chúng sanh tuy biết khổ nhưng không có phương pháp nào làm sao để giải thoát khổ.

Ðoạn trên nhắc cho quí vị thấy rằng: Sự hiểu biết của chúng sanh, của Thánh Nhơn khác nhau chỗ biết bằng trí tuệ, và biết bằng sự nhận thức của thức tánh. Vì chúng sanh biết khổ bằng thức tánh nên không giải thoát được. Nhưng ví dụ tôi đem lại đoạn trên để quí Ngài hiểu rõ thêm biết khổ hay hiểu khổ có khác hơn sự Giác Ngộ không.

Bài pháp đầu tiên của đức Đại giác là bài DHAMMACAKKAPPAVATTANA SUTTA nghĩa là KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN. Trong ấy đại khái như đã nói trên. Nơi đây tôi xin giải thích pháp Tứ Diệu Ðế.

Trong Tứ Diệu Ðế hay pháp thứ nhất gọi là Khổ. Trong cái khổ này có thể chia ra làm 2 phần là:

1) Sabhàvadukkha: Khổ có từ khi có ta và cái khổ này là khổ theo dính bên ta không bao giờ xa ta. Mà hiện nay các bậc trí thức hay chánh phủ đang diệt khổ ấy, nhưng chắc hẳn là không được. Khổ ấy trong bài Chuyển Pháp Luân đức Thế Tôn có dạy rằng: Idam kho pana bhikkhave dukkham ariyasaccam. Này các thầy Tỳ Khưu, đây là khổ thật sự là:

Jatipi dukkhà: Sanh Khổ.
Jàràpi dukkhà: Lão Khổ
Maranampi dukkham: Tử Khổ.

2) Ðiều thứ nhì gọi là Pakinnakadukkha: Khổ phụ thuộc hay có thể gọi là khổ đến sau là:

Soka: Buồn rầu thất vọng
Parideva: Than van.
Dukkha: Khổ Khổ
Domanassa: Uất ức, phiền phức.
Upàyàsàpi dukkhà: Tâm nóng nảy, xốn xang.
Ayampi sampayogo dukkho: Gặp những việc mà mình không ưa thích là khổ.
Piyehe vippayogo dukkho: Bị xa lìa những vật thương yên mến tiếc.
Yampiccham na lapati tampi dukkham: Sự yêu mến mà không được gần là khổ.

Khổ tóm lại có một là:

Sankhitena pancupàdànakkhandhà dukkhà – Nói tóm lại, sự chấp lấy Ngũ Uẩn này là Khổ.

Theo bài kinh Chuyển Pháp Luân cho ta thấy rằng: Ðức Thế Tôn chia Khổ ra làm 2 phần là Khổ thật sự và Khổ mới đến sau này. Khi dạy xong 2 Khổ ấy, Ngài còn lại tóm lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ phiền não làm cho khổ nên Ngài dạy rằng: Chung qui là những người còn chấp lấy Ngũ Uẩn nên khổ.

Nếu tôi giải tỷ mỷ của Khổ, tôi tin rằng chỉ choán lấy giấy và làm cho quí vị chán đọc thôi, vì vậy tôi nên nói tóm lại là khổ là nền tảng của đời sống là cái khổ thật sự. Còn những cái khổ tới sau là những cái khổ khi mà người ta đã có thân này rồi.

Khổ đến sau có chỗ Phật gọi là Akantudukkha, Khổ khách quan. Khổ này quí vị đã hiểu nhiều xin miễn giải.

Khổ thật sự, nghĩa là khổ ấy theo dính liền với ta bắt đầu từ khi ta thọ sanh vào lòng mẹ. Theo lời dạy trong bài kinh Chuyển Pháp Luân thì khổ này có 3 là:

Jàti dukkha: Sanh Khổ
Jarà dukkha: Già Khổ
Marana dukkha: Tử Khổ.

Theo chúng ta thường nghe và biết rằng: Sanh, lão, bịnh, tử là 4 cái khổ thật sự. Nhưng trong Phạn ngữ không kể khổ đau, vì khổ đau là khổ đến khi sanh, hay khi trong lòng mẹ, nhưng khi đau phải do một lý do nào chứ không phải như già và chết, vì già từng giờ phút của thời gian qua. Còn đau lâu lâu mới đến một lần chứ không phải từng giờ từng phút như già. Sau này chú giải mới nói rõ thêm đau vào và vì quen miệng nên nói già, đau, chết. Chớ thật sự trong bài Chuyển Pháp Luân thì không nói đến đau là khổ thật sự.

Giải 3 cái Khổ thật sự:

JÀTI (SANH)

Sanh đây ý nói là bắt đầu sanh vào lòng mẹ. Xin nhắc lại quí vị là khổ sanh đây chỉ là người sanh vào lòng mẹ chớ không nói cái khổ của bà mẹ sanh. Sanh khổ ấy chia ra làm 3 thời kỳ:

– Khổ khi còn trong bụng mẹ
– Khổ khi sanh ra
– Khổ do nơi sanh, nghĩa là khi sanh có thân này là có già, đau, chết và những cái khổ đến sau nữa.

Vạn vật trong vũ trụ này kể cả thân hình ta đều do nơi sự phối hợp của tứ đại. Nhưng những đồ vật dùng lâu người ta gọi là cũ. Những thân hình ta dùng lâu là cũ mà gọi là Già, mặc dầu là 2 tiếng phát âm khác nhau nhưng cũng một ý nghĩa là tới chỗ hư hoại. vạn vật trong vũ trụ có khác nhau về hình thể, màu sắc… Nhưng cùng chung một thể là già, cũ, rồi tiêu hoại.

Nên trong chú giải có câu hỏi: Thân hình ta đây bắt đầu già từ bao giờ?

Ðáp: Theo lời Phật dạy và người đời hiểu cái Già có 2 lối khác nhau là:

– Người đời thường hiểu cái Già là khi bắt đầu vào 60, 70, hay 80 tuổi mới gọi là già. Vì người đời khi ấy mới thấy rõ sự thay đổi của hình dáng bên ngoài.

– Về phương diện đạo đức thì trái lại thân này thay đổi từng sát na, nghĩa là một sát na qua thì thân này đã già rồi và vạn vật trong đời và người đều thay đổi mà chính bản thân của người cũng không biết sự thay đổi ấy, nên chỉ không biết mình đã gìa. Chỉ có khác là cái Già thực hiện rõ rệt thôi.

Ðức Thế Tôn có dạy Già ấy có thể chia ra 3 phần là:

1) Appaticchannajarà: Già không hiện rõ. Nghĩa là người đời trông thấy đứa bé càng ngày càng lớn than hình tráng kiện đó là nơi do sự thay đổi mọi vật trong châu thân chính là già, nhưng đời thường cho đó là sự lớn của con người, nhưng người đó biết đâu khi qua mỗi sát na là người đã già vì cái Già này không hiện ra rõ rệt để người ngó thấy, nên ai ai cũng ưa thích và hãnh diện trong tuổi này. Và đây cũng là 1 lý do chỉ cho ta thấy rằng người chưa thấy được phép Tứ Diệu Ðế

Nếu quí vị tự ý và muốn biết thì hỏi các nhà nghiên cứu về vi trùng học thì quí Ngài sẽ cho quí vị biết rằng những vi trùng và những hạt máu trong châu thân ta đều thay đổi từng sát na một. Còn Ðức Phật thì dạy các tế bào của ta thay đổi và chết đi rồi những cái khác thay vào.

2) Parijina: Già làm cho thân này có phần thay đổi đối với người có thể nhận thấy được. Ý nói, khi được 4 hay 5 hoặc 60 tuổi người thấy có thay đổi một vài bộ phận rõ rệt làm cho ta thấy cái thay đổi ấy, chừng đó mới chịu gọi là già. Có lắm người còn muốn giấu cái Già bằng cách nhuộm tóc lại ….

3) Paripakka: Già khú, ý nói già đến đổi không làm gì được. Chính bản thân mình cũng không kiểm soát được mình, như tay run, chân không nhấc nổi để đi…

Người đời khi thấy người già khú ấy mới nhận thức là Già Khổ. Vì người già tới độ ấy chỉ còn đợi tử thần đến đem đi chớ không còn làm gì được nữa.

Hiện giờ, nếu ta nói đến già thật là khó hiểu nổi, chỉ còn có hỏi các cụ thì mới biết cái Già Khổ như thế nào. Riêng tôi mới 50 tuổi, chỉ thấy tóc bạc, ngoài ra chưa thấy gì hơn, vì mắt cận thị từ lâu. Nhưng tôi thấy ngày kia không xa, tôi không còn dùng thân tứ đại này vào đâu được, nên chỉ hiện thời, tôi cố tiện tặn từng giờ phút một để làm việc lợi ích cho mình ngày vị lai.

Già còn có thể chia ra làm 2 phần là:

1) Già làm giảm sức mạnh của cơ thể. ý nói chúng ta ai cũng có phận sự rất nặng trên vai, mà càng lớn phận sự ấy càng chồng chất nặng thêm lên mãi mãi. Như khi ta còn nhỏ học lớp nhỏ không khó lắm, càng lớn càng học cao thì cái khó chồng thêm mãi. Ðến khi lớn lên phải sanh sống không thể nhờ nơi cha mẹ gia đình mãi được, thì phận sự càng nặng. Ta có những cái khổ nhất mà không thể tránh khỏi là Già, Ðau, Chết, khi có vợ ta cũng có cái Già, Ðau, Chết như ta, đã một thân mà còn nặng trĩu phương chi lại thêm một thân nữa như ta, mà có lẽ còn nặng thêm nữa là nếu gặp bà vợ đòi thêm son, phấn, quần áo đẹp, hay hột xoàn, vàng ròng v.v… thì quí vị có nặng tới độ nào. Khí có thêm một đứa con thì cái lo thêm nữa, đến 2, 3, 4 đứa thì cái nặng càng gấp bội. Nhưng khổ nổi khi gánh càng nặng tuổi thọ lại càng nhiều nghĩa là đã già và cộng thêm vào bịnh hoạn thường đến với tuổi già.

Già làm giảm sức nơi đây ta có thể ví dụ như một chiếc xe hơn. khi còn mới ít hư và đẹp, chạy nhanh mau. Nhưng khi dùng nhiều ngày chở quá nặng hay chạy đằng xa, thì nólại hư mau. Khi đã cũ rồi lại càng hư liền liền, như toàn thân này khi càng già càng bịnh thường hơn.

2) Già đem sự bịnh hoạn lại. ý nói rằng: Khi cái Già đã đến thì không bao giờ đưa hạnh phúc đến bao giờ, cái mà nó đưa đến là sự bịnh hoạn, như mắt mờ, tai điếc răng r?ng tóc bạc, tay chân run rẩy v.v…

Nếu có ai hỏi: Cái gì đem bịnh hoạn đến cho ta? Tôi tin rằng quí Ngài sẽ không ngần ngại đáp rằng: già đem bịnh hoạn đến cho ta.

MARANA (CHẾT)

Chết là gì? – Chết là sự bỏ xát thân này lại, và không đem những gì theo được mặc dù là vật thương yêu nhất đời. Sau khi thần thức ra khỏi thân này thì thân này từ từ thay đổi sình lên và hôi thúi, đến cùng là tan rã còn lại một đống xương trắng.

Người đã chết thì không còn hành động gì được, và không dùng vào đâu được với cái xác thân hôi thúi ấy. Ðời người không khác nào cây đèn có đủ dầu, tim, khi có lửa châm vào bắt cháy đến khi hết dầu lại tắt. Tuổi thọ con người ví dầu trong đèn, ngày nào đó dầu phải cạn và tắt, người sống đây thọ yểu không khác nào đèn có dầu nhiều ít vậy thôi chớ có một điểm giống nhau là tắt. Khi người hết tuổi thọ không thể sống thêm được dầu một phút, cũng như đèn hết dầu cũng không thể cháy thêm được một giây nào. Khi ngọn đèn tắt ta không tìm thấy ngọn lửa đã mất cũng như không thể tìm được cái sống của người đã chết.

Sự khổ của chết không thể dùng lời mà tả cho được vì mọi người chúng ta đều còn sống, phải chăng chỉ có người sắp chết và đã chết mới nhận thấy cái khổ ấy. Khổ chết ta có thể kết luận vắn tắt là: Làm mất cả sự an lạc của cả đời người. Sự an lạc ấy là nhà cửa, của cải, thân quyến. Nhất là cái xác thân này.

Phận sự của Khổ đế

Khổ Diệu Ðế nhất này, Ðức Thế Tôn dạy phải biết rõ khổ một cách vi tế như vị bác sĩ hiểu rõ căn bịnh, nguyên nhân sanh bịnh và phương pháp trị tuyệt bịnh.

Phật ngôn

Dukkham ariyasaccam pariannyya – Khổ Diệu Ðế này người nên nhận thức cho rõ ràng.

Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Dựa theo quyển “The Word of the Buddha” của Hòa thượng Nyanatiloka – Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.