Nghiệp Trong Phật Giáo Nguyên Thủy

III. THẾ NÀO GỌI LÀ NGHIỆP?

A Hàm (àgama) là kinh tạng Bắc truyền, bao gồm: 1- “Kinh Trường A Hàm”, 2- “Kinh Trung A Hàm”, 3- “Kinh Tạp A Hàm”, 4- “Kinh Tăng nhứt A Hàm”. Ngoài ra còn có “Tạp tạng”, tương đương với Nam truyền Pàli tạng gồm có: 1- “Kinh Trường Bộ”, 2- “Kinh Trung Bộ”, 3- “Kinh Tương Ưng Bộ”, 4- “Kinh Tăng Chi Bộ”, 5- “Kinh Tiểu Bộ”. Ðây là năm bộ kinh của phái Ðồng Diệp bộ (Tàmra-sàtìya). Phần lớn giới học thuật cho rằng, kinh tạng A Hàm và Nikàya là kinh tạng được kết tập thành văn tự vào thời đại vua A Dục, tức vào khoảng hơn 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt, là những bài kinh được kết tập thành văn tự sớm nhất trong thánh điển Phật giáo. Ðây là nguồn tư liệu đáng được tin cậy để chúng ta tìm hiểu tư tưởng, lịch sử cũng như đời sống sinh hoạt của đức Phật và tăng đoàn của đạo Phật nguyên thủy.

Trong bài viết về Nghiệp này, người viết chủ yếu căn cứ hai kinh, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cula kamma vibhanga suttam) số 135 và Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt (Maha kamma vibhanga suttam) số 136 trong “kinh Trung Bộ” (Majjhima Nikàya). Hai kinh này tương đồng với trong Hán tạng là Kinh Oanh Vũ số 170 và Kinh Phân Biệt Ðại Nghiệp số 171 trong “Kinh Trung A Hàm. Theo một số học giả cho rằng, “kinh Trung Bộ (Pàli tạng) là kinh của Bộ phái Ðồng Diệp (Tàmra-sàtìya); Kinh Trung A Hàm” (Hán tạng) là kinh của Bộ phái Thuyết nhứt thiết hữu (Sarvastivada). Tuy nguồn gốc xuất phát của kinh khác nhau, nhưng xét về nội dung của hai nguồn tư liệu này gần như giống nhau hoàn toàn, chỉ riêng “kinh Oanh Vũ” so với kinh “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” thì có khác nhau đôi chút. “Kinh Oanh Vũ”của bản Hán thêm câu chuyện tiền thân con chó trắng là cha của Oanh vũ Ma nạp Ðề tử, còn “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt của bản Pàli thì không có đoạn này, phần còn lại hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt này không làm thay đổi nội dung chính của kinh, có lẽ bản Hán thêm phần này chỉ vì mục đích cường điệu hóa vấn đề nhân quả, nhằm mục đích tăng lòng tin cho hàng Phật tử tại gia mà thôi.

Qua hai kinh “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” và “Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt” của hai nguồn tư liệu, chúng ta cần lưu ý, hình thức cấu trúc và nội dung của hai bài kinh này không giống với những kinh khác. Về mặt hình thức chúng ta thấy, hai kinh này đều mang từ phân biệt (vibhanga) là hình thức của Luận (abhidharma), nó không phải là hình thức kinh (sutra). Có lẽ đây là hình thức luận đầu tiên của Phật giáo, khi Luận tạng chưa độc lập tách rời khỏi kinh. Ðây là điểm chúng ta cần lưu ý, khi đề cập đến Luận tạng.

Một điểm cần chú ý khác nữa là, đối tượng mà đức Phật trong nói hai bài kinh này cũng không giống nhau; đối tượng mà đức Phật nói “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” hay “Kinh Oanh Vũ” là thanh niên Subha todeyyaputta, là một vị cư sĩ tại gia; còn đối tượng mà đức Phật giảng “Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt” là Tôn giả A nan (Ànanda) và các vị Tỳ kheo, là những người xuất gia. Sự khác nhau về đối tượng có rất có ảnh hưởng đến nội dung của kinh, đây không phải là trường hợp duy nhất mà chúng ta thường gặp trong A Hàm. Ví dụ, chúng ta thường thấy đức Phật thuyết giảng cho giới cư sĩ thường chỉ trình bày những vấn đề như năm giới, Bố thí, Bốn niềm tin bất động[66]… nhưng đối với Tỳ kheo hoặc những bậc tri thức, đức Phật giảng về Năm uẩn, 12 xứ, 18 giới, Duyên khởi, Tứ đế… là những đề tài chuyên môn, mang tính triết học, Do vậy, người tại gia cư sĩ trong thời này khó lãnh hội. Ðó là lý do tại sao đức Phật nói cùng một đề tài về “Nghiệp” nhưng phải phân làm hai kinh, nói cho hai đối tượng khác nhau.

Ðối tượng mà đức Phật nói “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” hay “Kinh Oanh Vũ” là người tại gia cư sĩ, do vậy, nội dung của kinh này, đức Phật chỉ trình bày mối quan hệ nhân quả mang tính hình thức bên ngoài, là những hiện tượng mà trong cuộc sống chúng ta thường gặp. Như sự giàu và nghèo, địa vị và không có địa vị, sống lâu và chết yểu… là những hiện tượng của vật lý, không phải lãnh vực của tâm lý.

Nhưng đối tượng mà đức Phật nói “Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt” là người xuất gia, là những người uyên thâm Phật học, cho nên đức Phật trình bày mối quan hệ nhân quả hay nghiệp thiên về mặt tâm lý, không phải vật lý mang tính triết học, và đặc biệt ngài chú trọng vai trò chánh kiến – trí tuệ. Lý do mà đức Phật đưa ra quan điểm này, vì Ngài cho rằng, niềm vui và hạnh phúc của con người, không mấy lệ thuộc vào sống lâu hay ngắn ngủi, giàu hay nghèo, có địa vị hay không có địa vị… mà nó tùy thuộc vào sự hiểu biết hay trí tuệ của con người. Vì thế giới mà chúng ta đang sống, có biết bao nhiêu người giàu có, nhưng thử hỏi, họ sống có hạnh phúc hay không? có những người làm ông to chức bự, nhưng có bao nhiêu người được hạnh phúc? Thế thì người nghèo, không có chức tước… có hạnh phúc sao? Cũng không hẳn như thế. Theo đức Phật, chỉ có người có trí tuệ, sống trong sự hiểu biết mới thật sự có hạnh phúc. Do vậy, trong kinh này đức Phật nhấn mạnh vai trò chánh kiến, là vấn đề trọng tâm về quan điểm nghiệp trong Phật giáo. Ðó là sự khác biệt quan điểm giữa hai kinh. Nội dung của hai bài kinh này sẽ được trình bày và phân tích dưới đây. Trước nhất là“Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt”.

1. Nội dung và ý nghĩa “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt”

Lý do đức Phật nói “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt” là thanh niên Subha todeyyaputta hỏi Phật: “Do nhân duyên gì cùng là loài người với nhau, nhưng có sự sai khác nhau về cuộc sống. Có người được người khác yêu mến, có người không được người khác mến thương; người được sống lâu, người lại chết yểu; người khỏe mạnh, người bị nhiều bệnh hoạn; người đẹp kẻ xấu; người có chức quyền, người không chức quyền; người giàu kẻ nghèo; người thông minh, kẻ ngu muội?

Ðức Phật trả lời:

Các loài hữu tình là chủ nhân của Nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng. Nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu” [67].

Ðại ý câu trả lời này, đức Phật giải thích sự khác biệt nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt vềNghiệp. Nghiệp chính là chủ nhân phân chia sự sống của con người có sự sai khác. Như vậy, Nghiệp là gìNghiệptiếng Phạn là karma, có nghĩa là hành động, hành vi, hay sự tạo tác. Ở đây, hành vi tạo tác có hai trường hợp, tạo tác có ý thức và tạo tác vô ý thức. Theo Phật giáo, tạo tác không có ý thức không thể gọi là nghiệp, chỉ có hành vi tạo tác có ý thức mới thành nghiệp. Như trong “Kinh Tư”[68] đức Phật dạy:

“Nếu kẻ nào cố ý tạo Nghiệp, ta nói rằng kẻ ấy phải thọ quả báo, hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc phải thọ vào đời sau. Nếu tạo Nghiệp mà không cố ý, ta nói rằng người ấy chắc chắn không phải thọ quả báo”.

Nội dung đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật định nghĩa, thế nào là hành động được gọi là nghiệp và thế nào là hành động phi nghiệp. Ở đây đức Phật định nghĩa, hành động có ý thức được gọi là Nghiệp; hành động không có ý thức không thể gọi là Nghiệp. Hành động có ý thức là hành động phải chịu quả báo, hành động không có ý thức không phải trả quả báo. Như vậy, cái quyết định thành Nghiệp hay không, không phải là hành vi mà chính là ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo hành động. Xuất phát từ ý nghĩa này, tu tập cũng có nghĩa là sửa sai ý thức, không phải hành động, vì hành động là cái được chỉ đạo bởi ý thức.

Nghiệp cũng có hai ý nghĩa, Nghiệp thiện và Nghiệp ác. Nghiệp thiện là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm không tham không sân và không si; Nghiệp ác là nghiệp được chỉ đạo bởi tâm có tham có sân và có si. Nói một cách dễ hiểu là hành động nào mang một ý thức tốt đẹp, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp và ngược lại. Ví như chúng ta muốn trở thành một vị bác sĩ tài giỏi, điều kiện tất yếu là chúng ta phải nỗ lực học tập, thâu thập kinh nghiệm trong ngành y khoa, nếu làm đúng như vậy thì chúng ta sẽ trở thành một vị bác sĩ tài giỏi. Ðó là kết quả của một hành động có ý thức đúng đắn, được chỉ đạo bởi trí. Ngược lại, có người cũng muốn làm bác sĩ, nhưng không nỗ lực học tập, không rút kinh nghiệm, thì người đó sẽ không thành bác sĩ hoặc trở thành một vị bác sĩ không giỏi. Ðó là kết quả của một hành động thiếu ý thức, được chỉ đạo bởi vô minh.

Sự khác biệt nhau về con người không phải là số phận, là định mệnh[69], chính là do hành nghiệp của chúng ta. Ðây là ý nghĩa chân chính mà đức Phật muốn trả lời cho vị thanh niên Subha todeyyaputta. Thế nhưng vị thanh niên này với trình độ Phật học quá non kém, không hiểu ý nghĩa sâu xa về mối quan hệ giữa nhân và quả dưới góc độ tâm lý, do đó ngài không thể trình bày giáo lý sâu xa mà ngài đã chứng được, chỉ y cứ vào sự hiểu biết của vị thanh niên này, trình bày những gì với trí óc non kém của họ có thể hiểu được. Sau khi quán sát biết như vậy, đức Phật khéo léo dùng phương tiện, với suy nghĩ, làm thế nào để ngăn chặn những hành vi bất thiện từ ông ta và xã hội, đem lại sự lợi ích, cho nên ngài căn cứ những hiện tượng thông thường của cuộc sống, giải thích mối quan hệ nhân quả mang tính vật lý, nhằm giúp cho những người này từ bỏ và tránh xa những hành vi phi đạo đức, giúp cho họ có cuộc sống an vui, làm nền tảng cho sự công bằng và trật tự xã hội mà các nhà triết học trước đây đã phá hủy, hay xây dựng một hệ thống đạo đức chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho giai cấp Bà-la-môn, là giai cấp thống trị tối cao của xã hội Ấn. Ðó là lý do tại sao đức Phật nói bài kinh này. Dưới đây là sự phân tích sự khác biệt giữa con người với con người trong cùng một xã hội, cho vị thanh niên này.

a. Sự khác biệt giữa người sống lâu và người chết yểu

Sau khi đức Phật trình quan điểm về Nghiệp của mình, nhưng vị thanh niên Subha todeyyaputta vẫn không hiểu ý nghĩa sâu xa về Nghiệp của đức Phật, cho nên ngài căn cứ vào trình độ, khả năng hiểu biết của vị thanh niên này, giải thích lý do tại sao giữa con người với nhau lại có người sống lâu có người chết yểu. Như Ngài giải thích trong “Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt”[70] như sau:

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ác…, nếu sanh làm người… người ấy phải đoản mạng…”

Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật giải thích, lý do con người có cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bịnh tật: Vì người ấy sống với tâm độc ác, không có lòng từ bi, tàn nhẫn sát hại mạng sống của chúng sinh… Ðây là nguyên nhân khiến cho mạng sống của họ ngắn ngủi, nhiều tật bệnh, hoặc sau khi mạng chung, người ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú hay địa ngục.

Ngược lại, người sống được trường thọ và ít bệnh tật: Vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sanh tâm sát hại, cho nên người ấy hiện đời có cuộc sống lâu dài, ít bệnh. Sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi Người hay cõi Trời. Như đức Phật giải thích trong kinh này.

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới…, nếu sanh làm người… người ấy sống trường thọ…”[71].

Tóm lại, nguyên nhân đưa đến đời sống ngắn ngủi là sát sanh, không có lòng từ bi. Ngược lại, nguyên nhân đưa đến đời sống trường thọ là không sát sanh, có lòng thương đối với mọi loài chúng sanh.

b. Sự khác biệt giữa người đẹp kẻ xấu

Cũng trong bài kinh này, đức Phật giải thích nguyên nhân lý do tại sao cùng là con người trong xã hội, nhưng có sự khác nhau về người đẹp và kẻ xấu. Như đức Phật giải thích:

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà tánh hay phẫn nộ, nhiều phật ý… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ác…, nếu sanh làm người… người ấy có nhan sắc xấu xa…”

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà tánh hay phẫn nộ, nhiều phật ý… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới…, nếu sanh làm người… người ấy có nhan sắc đẹp đẽ”[72]

Ðức Phật giải thích, nếu chúng sanh nào sống trong sự phẫn nộ, sân hận, bất mãn… đó là nguyên nhân đưa đến có một thân thể không xinh đẹp, không dễ thương. Ngược lại, nếu người nào sống trong sự bình tĩnh, không phẫn nộ, không sân hận, đó là nguyên nhân khiến cho người ấy có thân hình đẹp đẽ, dễ thương.

c. Sự khác biệt giữa người có địa vị và kẻ không có địa vị

Cũng trong kinh này, đức Phật giải thích lý do tại sao có sự khác biệt giữa người có quyền thế và không có quyền thế như sau:

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà tánh hay tật đố đối với người khác… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ác…, nếu sanh làm người… người ấy không có quyền thế…”.

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà, tánh không tật đố đối với người khác… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi lành…, nếu sanh làm người… người ấy có quyền thế…”[73].

Nguyên nhân người không có quyền thế trong xã hội, vì người ấy sống với lòng tật đố, tị hiềm, nghi kỵ không tôn trọng người khác, đó là lý do khiến cho người ấy sống trong xã hội không có quyền thế. Ngược lại, người nào sống với lòng khoan dung, cảm thông, tôn trọng kẻ khác, do vậy người ấy sống có quyền thế trong xã hội.

d. Sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo

Ðức Phật giải thích lý do tại sao, trong xã hội có người giàu có, nhưng cũng có người nghèo khổ như sau:

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà không biết bố thí cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ác…, nếu sanh làm người… người ấy có tài sản nhỏ…”

“Ở đây, này Thanh niên! Có người đàn ông hay đàn bà biết bố thí cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn… Do nghiệp ấy,… sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi lành…, nếu sanh làm người… người ấy có tài sản lớn…”.

Ở đây, đức Phật giải thích, lý do người có cuộc sống nghèo khổ trong xã hội, vì người ấy sống với tâm keo kiệt, bỏn sẻn, không biết bố thí cúng dường cho những Sa-môn, Bà-la-môn, vì nhân duyên ấy, người đó có đời sống nghèo khổ, bần cùng. Ngược lại, người nào sống với tâm rộng rãi, biết bố thí cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, đó là nguyên nhân khiến cho họ có cuộc sống giàu có, sung túc về vật chất….

Bốn trường hợp vừa nêu trên là bốn trường hợp điển hình, được đức Phật trình bày trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt”. Ðối tượng mà ngài nói kinh này là thanh niên Subha todeyyaputta, hay nói đúng hơn lời Ngài dạy dành cho tất cả những ai có quan điểm cho rằng, sự giàu sang, sống lâu, có địa vị, thân hình tốt đẹp là hạnh phúc, là niềm vui sướng của con người, không rõ được vai trò trí tuệ quyết định sự hạnh phúc cho con người. Ðối với hạng người này, có lẽ không còn biện pháp nào nữa, phương pháp tối ưu là căn cứ vào những hiện tượng thông thường trong đời sống hằng ngày mà họ thấy hiểu được, dựa vào ước mơ hạnh phúc mà họ nghĩ, phân tích những hiện tượng dị biệt trong cuộc sống qua mối quan hệ nhân quả, nhằm mục đích ngăn chặn những hành vi phi đạo đức, sự thiếu trật tự và hỗn loạn xã hội, đó lý do tại sao đức Phật thuyết giảng nội dung và ý nghĩa bài kinh này, mặc dù sự lý giải này, xét về mặt luận lý học (logic) không mấy thuyết phục, nhưng trên thực tế, có kết quả rất tốt đẹp. Sự giải thích này sẽ là động cơ khuyến khích mọi người trong xã hội nỗ lực làm việc tốt, việc lành, là chất kích thích để mọi người sống trong đạo đức và công bằng, với ước mơ đời sống kế tiếp được sinh làm người làm tiên có cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn, vui sướng hơn. Với sự giải thích có hiệu quả to lớn và thực tế này, đạo Phật đã không những cống hiến rất lớn cho xã hội Ấn một biện pháp hữu hiệu, trong việc ngăn chặn làn sóng tư tưởng của những trường phái triết học đương thời, với chủ trương hưởng thụ dục lạc và sa đọa,làm băng hoại nếp sống đạo đức và trật tự xã hội đương thời. Không chỉ có thế, nó còn là biện pháp có hiệu quả nhất, trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh cho thế giới ngày nay và tương lai, nhất là xã hội Việt Nam hiện nay, người dân đang có khuynh hướng hưởng thụ vật chất, học đòi cách sống của người phương Tây, quên đi truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc. Ðây là điều chúng ta cần suy nghĩ, có biện pháp thích đáng để ngăn chặn trào lưu không mấy tốt đẹp này.

Một điểm nữa, chúng ta cần thảo luận ở đây là, câu trả lời đức Phật của vị thanh niên Subha todeyyaputta:

…Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp… nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu”[74].

Ðại ý đoạn kinh này, đức Phật muốn chỉ dạy cho vị thanh niên này hiểu rằng, con người là chủ nhân của tất cả hành nghiệp. Cuộc sống mà chúng ta đang sống, đều do chính chúng ta tạo ra, không có một thế lực của Thượng đế hay Phạm thiên, ngay cả đức Phật cũng không có quyền năng gì quyết định cuộc sống chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta biết, con người vốn có khả năng hiểu biết, sự hiểu biết đó là chủ nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau cho đời sống hiện tại và ngày mai của chính mình, đó là ý nghĩa của câu “Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu”. Ngài không muốn con người là kẻ nô lệ, là món đồ chơi của thần thánh, con người không thể thành khối vô tri giác, để phải nhờ cậy vào các đấng thiêng liêng quyết định cuộc sống của con người. Ai có thể hiểu hơn con người bằng con người hiểu về con người? Ngài muốn thanh niên Subha todeyyaputta và tất cả người dân Ấn hãy dũng cảm vùng dậy, để thoát khỏi chế độ đẳng cấp của giai cấp thống trị Bà-la-môn, đồng thời phá vỡ và thoát ly hệ thống tín ngưỡng phi nhân bản của xã hội đương thời. Thế nhưng, điều mà ngài hiểu không phải ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, những gì mà ngài muốn nói cũng không nói với ai được. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân, sau khi ngài giác ngộ lại có suy nghĩ muốn nhập Niết bàn, không muốn nói pháp, vì tất cả những gì ngài chứng ngộ được, nó đều ngược lại tư tưởng truyền thống, niềm tin và sự hiểu biết của nhân dân Ấn. Hơn nữa, giai cấp Sát đế lợi tuy là giai cấp lãnh đạo xã hội, nhưng chính thật là Bà-la-môn. Ðiều mà Ngài chứng ngộ ngược lại với cách suy tư và hành động của giai cấp Bà-la-môn, nếu mà Ngài tuyên thuyết ý kiến của mình tất nhiên là nhiều phiền phức, có lẽ đó là lý do chính đáng đức Phật không muốn nói pháp, mà cần phải suy tư tìm phương cách nào tốt nhất để trình bày điều chứng ngộ của Ngài.

Nói tóm lại, mục đích giáo dục của đức Phật không ngoài mục đích khuyến khích con người làm việc lành, tránh xa điều ác. Nhưng sự hiểu biết của con người trong xã hội không giống nhau, do vậy bằng nhiều hình thức khác nhau, đức Phật hướng dẫn mọi người đạt được cuộc sống hạnh phúc và an lạc. Ðó là lý do đức Phật nói lên nội dung và ý nghĩa kinh này.

Thế thì ý nghĩa sâu xa chính đáng về Nghiệp theo đức Phật quan niệm như thế nào? Ðể trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể căn cứ “Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt” (Maha kamma vibhanga sutta)[75] để tìm hiểu quan điểm Nghiệp của đức Phật. Nội dung và ý nghĩa của kinh này sẽ được trình bày dưới đây:

2. Nội dung và ý nghĩa “kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt”

a. Phần Duyên khởi

Ðối tượng mà đức Phật nói “Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt” (Maha kamma vibhanga sutta) là Tôn giả Ananda và các vị Tỳ kheo. Nguyên nhân là du sĩ ngoại đạo Potaliputta đến chỗ tôn giả Samiddhi hỏi những vấn đề có liên quan đến chủ trương của đức Thế Tôn. Vấn đề thứ nhất và thứ hai, có phải đức Thế Tôn chủ trương rằng:

“Hư vọng là thân nghiệp, hư vọng là khẩu nghiệp, chỉ có ý nghiệp là chân thật?”

“Có một thiền chứng (samapatti), do thành tựu thiền chứng này, sẽ không có cảm giác gì?”

– Tôn giả Samaddhi trả lời:

Chớ có nói vậy. Này hiền giả Potaliputta, chớ có phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế Tôn là không tốt, Thế Tôn không nói như vậy”.

– Vấn đề thứ ba Potaliputta hỏi:

“Khi một người có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thời người ấy có cảm giác gì?”[76].

Tôn giả Samaddhi trả lời:

“Này hiền giả Potaliputta, khi một người có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp thời người ấy cảm giác khổ đau.”

Ðây là ba vấn đề có liên quan đến nghiệp được nêu lên bởi du sĩ Potaliputta, và nó cũng được Tôn giả Samaddhi trả lời vắn tắt như vừa nêu trên. Câu chuyện giữa du sĩ Potaliputta và Tôn giả Samaddhi được trình lên đức Phật. Trong ba vấn đề này, vấn đề thứ ba đức Phật xác nhận Tôn giả Samaddhi trả lời không đúng, vì không hiểu ý của đối phương muốn hỏi. Nó sẽ là trọng tâm được đức Thế tôn thảo luận trong kinh này.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.