Khác với rất nhiều tôn giáo khác, Đạo Phật không lấy thần linh để làm chủ thể mà lấy con người làm chủ thể, làm con đường cứu rỗi cho tôn giáo của mình. Do nơi điều này mà nhiều nhà ngoại đạo cho rằng Đạo Phật là “vô thần”. Nhưng thật sự Đạo Phật có vô thần hay không? Hay Đạo Phật là Đạo có thể phân tích thế nào là thần, thần là ai? Và lại phân tích một cách “hùng biện” những sinh vật trong thế giới tâm linh, mà người “trần mắt thịt không thể thấy biết”. Nhiều tôn giáo đã từng bị lợi dụng để thực thi theo “những ước muốn, tham vọng” của con người, giáo chủ, hay thành phần lãnh đạo mà khiến cho cuộc đời vốn đã đau khổ lại càng đau khổ hơn! Những cuộc chiến tranh tôn giáo cướp đi hàng triệu sinh mạng; tôn giáo dựa vào những thế lực để giành thế thượng phong trong xã hội; hay chúng cấu kết, liên kết với nhau để đoạt được thế “độc tôn”; hoặc khiến con người lăn xả vào “cái chết” để được “tử vì đạo” mà tín đồ có thể “mù quáng” hành động cho bất cứ “một thứ mục đích nào”. Đạo Phật thì không như thế! Đạo Phật ngồi trầm lặng, suy tư, chính chắn truớc những tranh giành, rồi từ từ mở mắt ra để phân tích thế nào là lợi cho mình, lợi cho người, thế nào là hành động thiện, thế nào là ác, thế nào là đi đến con đường giải thoát, thế nào là làm cho mình, cho mọi người thoát khổ, tất cả đều an vui! Cái điều ấy chính là mục đích chính của Đạo Phật, nếu không như thế thì sao gọi là Đạo Phật: “Đạo của sự Giác Ngộ”?
Sự “Vĩ đại” của Đạo Phật không phải là sự tranh giành, hay “thánh chiến”; mà là sự vĩ đại trong chân lý, toàn thiện, là đem lại lợi ích cho tất cả mọi người hay nói rộng hơn là tất cả những chúng sinh. Đạo Phật cứ trầm lặng mà đi giống như cái dáng của một nhà sư khoát áo tu hành của mình đi trên đường thiên lý: Lẳng lặng mà đi trong sương sớm, trong hoàng hôn, ngay cả trong bóng đêm, không hận thù, không làm ác, không tranh giành,… Nhưng trong bóng dáng ấy tỏa lên một sự rực rỡ của chân lý và giải thoát, từ bi và độ lượng.
Con người trong Đạo Phật được phân tích như là một phần nhỏ của cái Chơn Tâm, là cái Tâm cá thể cũng như bao nhiêu chúng sinh khác: Tất cả đều có cái Tâm, cái Tâm ấy có thể quay về với cái khởi nguồn của nó bằng cái tên là Phật tánh: Vì nó vốn có thể tìm được nơi cuối cùng bằng sự Giác ngộ. Chỉ do trong một lúc “Vô minh” mà Tâm chúng sinh “vọng động, phân biệt” tách ra khỏi cõi Chơn Tâm để mượn đến tứ đại: Đất, lửa, gió, nước tạo thành thân xác có các giác quan để nhìn ra ngoại cảnh (sáu trần) bằng nhận thức vay mượn từ thức đại. Nếu không vay mượn Không đại thì chúng sinh khó tăng trưởng và lớn lên. Cho nên với thân xác hiện hữu, con người đã vay mượn cả tứ đại lẫn thức và không đại. Cái Tâm đã bị nhốt trong những đại ấy. Có thân xác thì có nhu cầu ăn uống, có ham muốn về tinh thần lẫn vật chất ngay cả đến xác thịt nữa. Có sinh ra, có lớn lên, già, bệnh rồi chết. Những cái đau khổ đó tiếp nối không cùng với những hậu quả từ hành động của tham, sân, si.
Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên phân tích cho chúng ta biết rằng: Chính sự Vô Minh tức là sự “mê muội, ngu si” hay “không biết” về Sự và Lý của Pháp mà Tâm đã vượt thoát ra khỏi tình trạng sung sướng, an nhiên tự tại lúc ban đầu bằng những hành động chạy theo vọng tưởng và phân biệt; tiếp theo đó là một chuỗi duyên sinh: “Cái này có thì cái kia có, cái này là nguyên nhân của cái kia xảy ra tiếp theo” . Một sự tiếp tục vô cùng tận! Thân mượn từ tứ đại, kiến đại và không đại mà cứ tưởng là thân thật của mình, chúng sinh phải vất vả cung phụng cho sự sống của nó. Có nó con người hay chúng sinh cần phải được sinh ra, lớn lên, già bệnh rồi chết đi. Tùy theo những hành động của mình trong lúc sống mà nghiệp đi theo với mình không rời, ngay cả khi chết nghiệp lại được mang theo. Nghiệp quyết định nơi mình sẽ phải tái sinh cho kiếp sau để trả quả cho những nhân mình đã gieo. Với những nghiệp ấy chỉ mình mới có thể cứu gỡ hoặc trả quả, và mình có muốn thoát khổ hoặc vượt ra khỏi vòng luân hồi hay không mà thôi! Chính điều ấy, con người hay chúng sinh phải tự hoàn thiện cho mình, cho nên giáo lý của nhà Phật là giáo lý “thiện ở chặng đầu, chặng cuối và thiện ở chặng giữa” là như thế! Dù trong nghiệp còn chút ít nghiệp ác đã gieo thì vẫn phải trả quả, vì “chủng tử” ấy cần phải được “mọc” lên!
Trong Tâm Lý Học Phật giáo, tâm lý và hành động của con người (hay chúng sinh) đưọc phân tích một cách rõ ràng, cặn kẽ mà chúng ta không thể ngờ được, mặc dù đạo Phật đã trải qua hơn 25 thế kỷ mà tính chính xác hay những ngành tâm lý học hiện nay không thể phủ nhận được điều ấy từ vấn đề thực tế cho đến siêu hình.
Tâm Lý Học Phật giáo giải thích: Con người từ khi được thành hình từ các đại, hay nói cách khác là từ khi có thân xác thì con người đã có các giác quan (năm căn): Mắt (nhãn căn), tai (nhĩ căn), mũi (tỹ căn), lưỡi (thiệt căn), thân (thân căn), ý (ý căn) . Những giác quan này giúp con người tiếp xúc ngoại cảnh, môi trường sinh sống như cảnh vật (sắc trần), âm thanh (thinh trần), hương vị (vị trần), cảm giác va chạm, tiếp xúc từ thân, thân tiếp xúc với cảnh (xúc trần), và những gì mà từ đó sinh ra ý gọi là pháp trần (ý). Để nhận thức được ngoại cảnh (thấy, nghe, hay, biết) con người, chúng sinh mượn từ Thức đại mà Tâm Lý Học Phật giáo gọi là thức; do đó chúng ta có: Nhãn thức (cái biết của mắt), Nhĩ thức (cái biết của tai), Tỹ thức (cái biết của mũi), Thiệt thúc (cái biết của lưỡi), Thân thức (cái biết của thân), và Ý thức để phân biệt nhận định pháp trần. Sáu thức ấy gọi là Tâm Vương.
Ở đây, chúng tôi không muốn làm một cuộc tìm hiểu hay nghiên cứu vào Duy Thức Học mà chỉ dùng các phần trong Duy Thức để chứng minh cho Tâm Lý Học của Phật giáo đã phân tích, diễn giải tâm lý của con người như thế nào tức là làm một cuộc đơn giản hóa để thấy Phật giáo cũng có cái “nhận định về tinh thần con người” hơn những nhà tâm lý và khoa học ngày nay.
Từ các giác quan (sáu căn) nhìn ra, tiếp xúc sáu trần để có nhận định (sáu thức), rồi con người chúng sinh mới nãy sinh những ý nghĩ, tư tưởng (tác ý), mong muốn (thọ), nhớ tưởng (tưởng), và lo nghĩ để hành động (tư) để có hoặc sở hữu cái mà mình đang muốn hay thích.
Nếu trong sự mong muốn đó (dục) mà chúng ta hiểu biết được rõ ràng (thắng giải) ngưng lại, và ghi nhớ (niệm), rồi cùng chuyên chú hơn (định), thì ta sẽ có được “huệ” (sáng suốt) mà lựa chọn, phán đoán, hay thấu dáo vào bản chất sự việc.
Nhưng thói đời nó không đơn giản như vậy! Nếu ai cũng ‘cẩn thận” thì cuộc đời đã không có quá nhiều đau khổ! Điều ấy Đức Phật đã đề cập đến 3 món độc “Tham, sân, si” mà chúng sinh đều mắc phải. Cũng chính 3 món này khiến cho chúng sinh, con người luân lưu trong cõi luân hồi mãi không thôi. Vì có thân xác cho nên nhu cầu ăn uống để nuôi mạng sống, cần có tiền chi phí, cần phải mặc đồ cho ấm để chống chọi với sự lạnh buốt mùa đông; hay những nhu cầu sinh lý đòi hỏi… con người đã phải bỏ nhiều công sức để làm việc nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Nhu cầu càng cao thì sự làm việc phải nhiều hơn nữa để đủ chi phí, trang trải; nếu chỉ ăn no, mặc ấm thì người ta chi phí ít, làm lụng đỡ vất vả; nhưng với nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp thì tiền mua nhiều hơn, người ta phải chi trả nhiều tiền và để kiếm được nhiều tiền thì phải làm việc vất vả hơn nữa. Tâm lý con người có một thì lại muốn có đến hai, ít thì phải có nhiều, đôi khi họ lại muốn phải hơn người khác (tham), nếu những ước muốn của mình không được hay bị người khác cản trở, làm trở ngại cho mình thì nỗi giận (sân), giận quá thì u tối (si) để rồi đi đến những hành động tội lỗi (sát, đạo, dâm, vọng). Thành công thì kiêu hãnh, khinh mạn người khác (mạn), thất bại thì nghi ngờ người ta cản trở, phá hoại (nghi), rồi đâm ra có thành, định kiến (ác kiến), trở nên hiềm thù, giận dữ.
Tâm lý học Phật giáo còn phân tích những phiền não khác làm cho con người nhiều buồn chán ưu tư, suy nghĩ. Cuộc đời đã nhiều khổ não lại ngấm ngầm nhiều khổ não hơn lên: Từ giận dữ (phẫn), hờn dỗi (hận), buồn phiền (não), ganh ghét (tật) đến che đậy, che dấu (phú), dối trá (cuống), nịnh hót (siểm), hại người (hại) cùng tánh bỏn xẻn (xan) và kiêu căng (kiêu).
Nếu con người còn có “sự mắc cỡ, xấu hổ” (tàm), thẹn thùng với người khác (quí) thì những hành động sai trái, không thiện còn có cơ hội để sửa đổi; nhưng nếu họ không còn biết xấu hổ, mắc cỡ là gì thì họ dễ dàng đi vào con đường bất thiện. Trong Đạo Phật, không khuyến khích chúng sinh làm ác, bất thiện vì đó là những “nhân” khiến cho chúng sinh, người ta càng đi sâu vào vòng luân hồi vì gây nhân tất phải gặt “quả”. Cho nên các tính: Tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, bất hại, khinh an (nhẹ nhàng, thơ thới), không buông lung (bất phóng dật), hay hành xả (không chấp) luôn được đề cao, chú trọng.
Tâm lý học trong Phật giáo đi xa hơn Tâm lý học của Triết học nhân gian có hai phần, đó là Mạt na Thức và A Lại Da Thức. Với những thức này, Đạo Phật giải thích được thuyết nhân quả một cách tường tận hơn. Tất cả những hành động thiện hay bất thiện của con người hoặc chúng sinh làm đều là những “nhân” (chủng tử) được “tàng trữ” trong A Lại Da Thức (Tàng thức). Những nhân ấy, chỉ đợi “nhân duyên” (những điều kiện cần và đủ trong khoa học) đến mà nẫy mầm. Trong khoảng thời gian nào đó các chủng tử nào “được có cùng thời kỳ mọc lên” thì chúng sẽ quyết định kiếp của chúng sinh ấy trong thời gian lúc bấy giờ, cuộc đời họ có sướng vui hay khổ, đẹp hay xấu, hiền hay dữ, lành lặn hay tàn tật… tùy theo các nhân mọc ấy là nhân thiện hay nhân ác nhiều hơn. Và cũng chính chúng mới quyết định chúng sinh ấy sinh về cõi trời, A-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sinh!
Cho nên, trong Đạo Phật chỉ khuyến khích làm việc thiện, thiện từ đầu chí cuối để không còn một nhân bất thiện nào còn trong A Lại Da Thức và với tinh tấn tu tập, hành giả được trở về với cảnh Đại Viên Cảnh Trí (A lại Da Thức không còn nữa mà chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, tên khác của trạng thái Niết Bàn). Đó là những điều giải thích mà Tâm Lý Học Phật giáo có thể chứng minh cho chúng ta biết về những liên hệ đến con người trong cuộc sống thực tế cũng như về siêu hình.
Đạo Phật không những giải thích về sự cấu thành con người và những chúng sinh mà còn nói đến sự thành hình cảnh “sum la vạn tượng” của vũ trụ trong Kinh Lăng Nghiêm hoặc phẩm “Thế giới thành tựu” trong Kinh Hoa Nghiêm. Cũng với tuệ giác, Đức Phật đã nhìn thấy trong tất cả những chúng sinh ở các cõi luân hồi từ chư thiên (thiên), A-tu-la, Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và con người thì chỉ có con người mới có thể “tu”, nhưng làm con người thì chỉ có con người của cõi “Nam Diêm Phù Đề” mới có được Phật pháp để mà tu, còn con người các cõi khác như Bắc Câu Lưu Châu, Đông Thắng Thần Châu hay Tây Ngưu Hóa Châu mặc dù họ thông minh, sung sướng ít đau khổ hơn con người ở Nam Diêm Phù Đề nhưng họ không thể tu để thành Phật vì những nơi ấy không có Phật pháp. Nếu muốn thành Phật con người ở những châu ấy cũng vẫn phải tái sinh về cõi Nam Diêm Phù Đề (cõi Ta Bà) của chúng ta. Cho nên con người được sinh ra trên cõi Ta Bà cũng là một phước báu rất lớn: Được cơ hội “ngàn năm một thuở”: Có Phật pháp, có điều kiện để tu. Nói như thế tức là chúng ta đang đứng tại “cửa thoát” của vòng sinh tử luân hồi mà chúng ta không hề để ý đến. Chỉ cần một kiếp sống gây nhiều nhân quả “tệ hại” chúng ta sẽ phải “bị” tái sinh vào cõi khác thì chúng ta sẽ mất đi “cơ hội ngàn năm”, và biết đến khi nào ta có thể có được thân người ở cõi Ta Bà trở lại để mà tiến tu? Vì thế mà câu “Thân người khó đặng” (Nhân thân nan đắc) mới có giá trị đích thực của nó! Nhưng làm con người cũng có rất nhiều cam go: Có tham sân si, ba món độc lôi kéo; có ma vương hiện hình “giả như” Thánh Chúng tạo ra những con đường, những đạo “ảo tưởng” dễ dàng tu tập, để nhằm lôi cuốn con người đi vào mà không hề thoát được vòng kiềm tỏa của chúng; cõi nhân gian còn có những vật chất, nhục dục cám dỗ sẵn sàng đánh ngã con người ở bất cứ lúc nào. Trong những thời đại có nhiều cám dỗ chừng nào (như vật chất, nhục dục..) thì thời ấy “pháp” không được chú trọng, không được nhiều người thực hành theo, hay pháp hoặc người tu bị phỉ báng thì thời ấy chính là thời “mạt pháp” vậy!
Những ma vương luôn chủ trương “bất thiện” (sát, đạo, dâm, vọng) nhằm đưa con người tới chỗ gây nhiều “nhân” trong hiện tại (mà người theo đạo “mộng tưởng” đó tưởng là được hướng dẫn vào con đường giải thoát); có gây “nhân” thì con người còn vướng vào con đường lục đạo sinh tử luân hồi để “trả quả”, như vậy họ không thể thoát được tầm quản lý của chúng ma. Cho nên trong thế giới con người có rất nhiều sự cám dỗ, nhất là đối với những người tu hành sự cám dỗ lại càng mãnh liệt hơn như Đức Phật đã cảnh báo trong Kinh Lăng Nghiêm:
“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng nó cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được lậu tân thông.
Mặc dù chúng đủ năm phép thần thông và sức mạnh, song vẫn còn ở trong vòng trần lao; nếu các ông trong khi tu thiền tâm được thanh tịnh sáng suốt, không vọng động, thì chúng ma kia không làm sao hại được. Cũng như dao chặt xuống nước, gió thổi ánh sáng, hoàn toàn không dính líu gì. Chúng ma kia phải lần lần tiêu diệt như băng bị nước nóng chế vào và tối tăm bị ánh sáng phá trừ; chỉ lo một điều là các ông cũng như chủ nhà, nếu chủ nhà mê muội rồi thì các ma chướng kia như khách dễ bề nhiễu hại, rồi các ông trở thành con cái của ma, sau thành người ma” (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI-VII, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành 1997, trang 270).
Ở Kinh Duy Ma, phẩm Phương Tiện, Thiên Thai sớ có ghi:
“Nói Tám nạn thì Thứ nhất là Địa ngục, Thứ hai là Ngã quỉ; Thứ ba là Súc sinh; Thứ tư là Bắc Uất Đan Việt tức là người ở châu Bắc Câu Lư sống sung sướng nên không ham tu học. Thứ năm là Trường Thọ Thiên; người ở đây không có tâm tưởng nên không tu học được. Thứ sáu là đui điếc câm ngọng. Thứ bảy là thế trí biện thông, cậy mình thông biện, theo đòi thế sự nên không tu học. Thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật”
Theo như vậy, khi được sinh ra ở cõi Nam Diêm Phù Đề tức là chúng ta đã thoát được những cảnh đau khổ của chúng sinh trong thế giới Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh; thoát được cảnh sung sướng mà không ham tu học, hay loại người không thể tu học. Và khi làm con người mà chúng ta không bị tàn tật: Câm, ngọng, đui, điếc cũng là những điều may mắn; Chúng ta không sinh trước Phật tức thời kỳ chưa có Phật pháp; Mặc dù chúng ta sinh sau Phật, nhưng chúng ta còn có Phật pháp Phật để lại nên có thể tu hành để mong cầu sự giải thoát. Chúng ta còn tiếp cận với Phật pháp thì chúng ta cũng hãy còn “duyên” dù chúng ta chưa là thành phần trí thức học cao (thế trí biện thông) mà không hề để ý đến Phật pháp. Đó là tám nạn mà con người đã có dịp may thoát khỏi để có thể tìm được cho mình cái cửa ra thoát khỏi vòng “luân hồi” trong lục đạo.
Xem thế, được làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề mặc dù chịu nhiều đau khổ, nhưng lại là một kiếp người đáng quý. Vì cơ hội ấy là cơ hội của ngàn năm. Chỉ cần trong kiếp này, con người vì hành động sai lầm; hay theo những “đạo” của chúng ma gây những nhân ác từ sát, đạo, dâm, vọng để rồi những kiếp sau họ lại trả quả. Họ không còn là con người của cõi Ta Bà này nữa để có dịp mà tu. Biết đâu, với dòng nhân quả ấy, cả ngàn kiếp sau họ vẫn chưa được trở lại làm “con người của cõi Nam Diêm Phù Đề”, vẫn chưa đứng được tại cửa ra của vòng luân hồi một lần nữa, thế là họ đã mất đi “một cơ hội ngàn năm”! Đạo Phật thì nói thế, nhưng tùy theo trình độ và căn cơ của từng chúng sinh mà họ ở một vị trí nào trong quá trình đi lên của họ. Trình độ của họ chỉ đến mức để đi chung với ma, thì họ tin vào ma; trình độ của họ được giác ngộ, thì họ ngộ một cách dễ dàng. Nhưng Đức Phật cũng “vi diệu” pháp của mình đã chứng ngộ được bằng cách “tùy theo căn cơ của chúng sinh” để mà nói pháp, và tất cả pháp “đều có một vị mặn, một hương vị hướng đến giải thoát”, cho nên người sinh cùng thời với Đức Phật và có duyên với Đức Phật được nhiều lợi ích là như thế. Do đó, Pháp của Đức Phật tưởng nhiều nhưng thật chỉ có “một” mà thôi! Và sự thành đạo cũng chỉ có một con đường để đến, nương theo con đường ấy mà Đức Phật thích Ca đã chứng nghiệm, các Đức Phật trong thời quá khứ, hiện tại và tương lai cũng phải đã, đang và sẽ đi qua để đạt được đạo “Vô Thượng Bồ Đề”!
Do đó, trong Đạo Phật, con người là chủ thể rất quan trọng để đạt được thành quả tu hành, và cũng là “đang” ở tại vị trí “cánh cửa giải thoát” cho mình thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Bởi thế, cho nên trong Kinh Tạp A Hàm, Đức Phật đã nói:
“Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng”.
Đó là một chân lý “hiện thực” chứ không ở một câu chuyện thần thoại “mơ tưởng” xa xôi! Cho nên Đạo Phật bao giờ vẫn cũng giữ được Chân Lý nhất định của nó. Đó là một sự bất di bất dịch!
Nguyên Thảo
http://www.buddhismtoday.com