Xa xa, thấp thoáng một bóng người đi trong vội vàng và hấp tấp trên một con đường mòn quen thuộc, chúng tôi lại trầm ngâm trong suy tư, lặng lẽ, để tìm cho mình một câu giải đáp,
-Họ là ai ?
-Là người như thế nào?
-Họ đang đi đến một phương trời nào?
-Vì mụch đích gì?
Nhưng cuối cùng, chúng tôi lại vô vọng, vì không thể tìm ra cho mình một câu giải đáp đích thực. Và chính sự tò mò, thương cảm này, nó đã đeo đuổi chúng tôi đi hết chặng đường từ vườn Lâm Tỳ Ni về Chùa của chúng tôi. Hình ảnh của người mẹ đáng thương ôm đứa con trong vòng tay của Bà khiến chúng tôi phải thao thức trong lặng nhìn. Khi trở về lại Ngôi Chùa, mà hình ảnh người mẹ vẫn còn đọng lại trong tâm trí, với hình dáng gầy mòn héo hon của một người cùng khổ, đang đi tìm cho bà và đứa con đáng thương một sự sống còn trong cảnh đời bôn ba xuôi ngược, chúng tôi lại phải cuối đầu để lắng nghe nỗi đau khổ tận cùng của kiếp người. Rồi tôi lại tự hỏi chính mình,
-Tại sao trên thế gian này lại lắm có kẻ phải chịu những cảnh gian truân đọa đày?
-Có phải đây là nghiệp lực từ nhiều kiếp trước họ đã gây tạo theo như giáo lý nhân quả của Phật giáo chăng ?
Nhưng dù sao, tấm lòng thương kính của chúng tôi đối với người mẹ cùng khổ ôm đứa bé trong lòng vẫn toát lên được một nhịp cầu thông cảm. Qua cuộc gặp gỡ đáng thương này, chúng tôi còn nhớ lại một câu chuyện có thật xảy ra tại quê hương của chúng tôi cách đây hơn 20 năm về một người bạn thân của chúng tôi, tên Minh, khi chú chỉ mới vừa 8 tuổi trong cảnh nhà thiếu thốn .
Chúng tôi không sao quên được những hình ảnh thật đáng thương, luôn luôn là những chiếc bóng trong những cảnh đời khổ cực của kiếp người. Dù phải sống trong cảnh đời vất vả, nhưng ở những con người ấy luôn giữ được tấm lòng nhân hậu, đáng quý. Suốt cuộc đời của họ chỉ biết làm lụng vất vả suốt tháng, quanh năm trong cái xóm làng tối lửa tắt đèn để tìm cầu một sự sống. Trong cảnh đời bôn ba xuôi ngược này, không biết bao nhiêu người đáng kính quý và đáng chân trọng, ngay cả những trẻ thơ phải sống trong cảnh đời nghèo khó. Mới chừng độ tuổi ấy mà Minh phải hy sinh cả khoảng đời trẻ thơ của Minh trong những công việc buôn chạy, bán bưng với niềm hy vọng rằng Minh sẽ giúp được gánh nặng cho Bố Mẹ, vậy mà cuộc đời vẫn cứ bao phủ lấy Minh một bóng tối của sự nghèo đói, bần cùng. Tuy vậy, nhưng Minh vẫn không nản lòng, Minh vẫn luôn vui cười với thời gian trẻ thơ của Minh.
Chúng tôi luôn nghĩ rằng dù sao cuộc đời vẫn dành cho Minh một niềm vui trong cuộc sống đầy mồ hôi và nước mắt. Tuy Minh sống cơ cực với thân xác khổ nhọc của Minh, nhưng tâm hồn của Minh an lạc vô biên, vì Minh biết an phận với những gì Minh đã có mà không bao giờ tự ty mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa hay với những người giàu có hơn Minh. Cũng chính vì bản tánh an phận của Minh, nó đã khiến cho Minh có được những chuỗi ngày thật hạnh phúc. Cứ mỗi buổi sáng, khi bình minh ló dạng, một mình, Minh đã lang thang dọc ven biển, để ngắm nhìn những tia nắng ban mai tỏ chiếu xuống làn sóng biển, tạo thành những gợn sóng li ti, trông như một tấm thảm thiêng nhiên. Xa xa tận ngoài khơi, những chiếc thuyền đang lao ra khơi trên những chú sóng bạc đầu. Liền lúc đó, Minh đã nghĩ ngay về người cha đáng thương của Minh, cứ mỗi ngày phải vượt sóng biển ra khơi để đi tìm sự sống cho mình và cho những người thân. Và Minh còn nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, cũng tại bãi biển này, Minh cùng với những người Cô Minh luôn luôn đứng trông chờ những con thuyền từ ngoài khơi vào bờ và Minh cũng đã từng cùng với những bạn bè trang lứa chơi trò đánh ấp. Cũng chính nơi đây, những người cô Minh đã ra đi,từ đó mãi mãi Minh không còn được nhìn thấy họ và chú cũng không còn được sống trong vòng tay thương mến của họ nữa. Những giây phút suy tư trong thầm lặng, bỗng đâu những giọt nước mắt tuông chảy từ trên đôi mắt long lanh, sáng ngời của Minh. Có lẽ, Minh quá xúc động vì tuổi đời đen tối hay Minh đã tủi phận cho cảnh nghèo nàn của gia đình Minh? Nhưng không! đó chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ của chúng tôi. Đối với một người như Minh, dù tuổi đời còn thơ dại, nhưng tâm hồn của Minh vẫn trong sáng, vẫn hồn nhiên, vô tư và chứa đựng cả một bầu nhiệt huyết, một ý chí. Minh không bao giờ uỷ mị hay khóc than để cầu xin một sự thương hại từ những người có địa vị và giàu có hơn gia đình Minh. Minh đã sẵn sàng chấp nhận với cái nghèo, cái túng thiếu và cả những gì đau khổ sẽ đến với Minh từ cuộc đời.
Sau những giây phút suy tư, Minh bỗng chợt nhớ lại những lời dặn dò của mẹ là chiều nay Minh cần phải gánh nước mướn cho bà năm, bà bảy cạnh nhà Minh. Rồi sau đó, Minh cũng phải đội bánh đi bán ở xóm ngoài nữa, vì thế nên Minh đã vội vàng trở lại nhà, vì sợ mẹ trông chờ.
Một điều đặc biệt của Minh, dù rất bận rộn công việc nhà, giúp đỡ mẹ già, nhưng Minh vẫn luôn nuôi ý chí hướng về tâm linh. Minh luôn đặt một niềm hy vọng ở ngày mai, là sẽ trở thành một vị tu sĩ trong việc hoá độ chúng sanh. Một niềm khao khát trong lòng Minh vẫn là sự giúp đỡ cho những người nghèo khổ hay những trẻ thơ mồ côi cha lẫn mẹ. Chính vì vậy, Minh luôn luôn tranh thủ với công việc giúp mẹ và sau đó xin phép mẹ đến chùa để làm công quả. Vì bản tánh siêng năng, cần mẫn của Minh đã khiến cho mọi người trong chùa hết lòng thương mến, đặc biệt là vị Sư trụ trì. Nhưng ngày tháng lại qua mau, hết tháng rồi đến năm, Minh đang sống trong cảnh êm đềm, nhưng bỗng đâu, bóng tối của sự nghèo đói lại tràn đến bao phủ gia đình Minh. Mẹ, cha của Minh đã bôn ba xuôi ngược với cảnh đời, luôn lặn hụp ngoài biển khơi mà vẫn không sao đủ cơm ngày hai bữa. Cuối cùng, tất cả những người, anh, em phải thôi học nữa chừng.
Có lẽ, Minh đã gặp được dịp may. Vì cảm thương cho hoàn cảnh của Minh, mà vị Sư trụ trì đã xin cha, mẹ Minh cho phép Minh được về Chùa. Thế rồi, cuộc đời của Minh đã mở ra một trang sử mới. Từ đó, Minh đã trở thành một chú Tiểu, Pháp danh là Nguyên Chơn sống dưới mái chùa ở một ngôi làng nghèo.
Đến đây, chúng tôi đã ngưng lại những vọng niệm của chúng tôi, vì có tiếng người từ xa vọng lại. Đó là tiếng nói phát ra từ vị Thầy của chúng tôi. Người đã sai chúng tôi ra ngoài mở cổng, vì có người muốn xin vào lễ Phật. Vâng lời Thầy dạy, chúng tôi vội vàng đến bên người khách để mở cổng. Ồ! Thì hóa ra một ông lãọ chống chiếc gậy trong tay, chúng tôi liền cất giọng bằng câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, với sự thương kính vô cùng và chấp tay búp sen để xá chào. Chúng tôi trông người ấy có vẻ đói và mệt nhọc lắm. Chúng tôi liền vội vàng hướng dẫn cụ vào điện Phật. Cầm tay cụ, nhưng chúng tôi luôn có cảm giác là đôi tay cụ run run. Sau khi lễ Phật xong, chúng tôi liền đưa cụ xuống tận gốc bàn nhà khách và mời cụ dùng cơm. Có lẽ, cụ cũng đang quá đói. Chăm chú nhìn cụ ăn cơm, mà đôi hàng nước mắt của chúng tôi rơm rớm chảy, vì cảm thương cho một người già đã quá nhiều ngày dường như không có một hạt cơm trong bụng. Chúng tôi liền ngồi gần bên cụ và thỏ thẻ từng câu hỏi cụ.
-Thưa cụ ! mấy ngày nay cụ có ăn gì không?
Cụ đáp bằng giọng yếu ớt nhưng nhẹ nhàng.
-Đã ba, bốn ngày, tôi không ăn gì cả.
Tôi lại hỏi.
-Tại sao cụ phải nhịn đói như vậy?
Cụ đáp,
-Vì tôi không có nhà cửa và họ hàng chi cả. Mỗi ngày, tôi phải chống gậy đi xin ăn. Nhưng ba, bốn ngày rồi, khí trời lạnh buốt, tôi ngồi bên vệ đường để chờ những khánh hành hương, mà vẫn không sao thấy được một bóng người qua lại. Vì đói, nên tôi vào xin Thầy một bữa cơm đạm bạc.
Chúng tôi lại hỏi –
-Tại sao ông cụ biết nơi đây mà đến ?
Ông cụ liền đáp,
-Vì tôi có nghe nhiều người nói về sự nhân đức của vị Thầy trụ trì ở đây. Ngài có xây cho người dân chúng tôi một chiếc cầu và thỉnh thoảng Người còn cho chúng tôi thức ăn và đồ dùng cá nhân nữa, vì thế tôi mới biết nơi này.
Sau khi dùng cơm xong, tôi đã mời ông lão uống nước. Ông lão từ từ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đau khổ của ông.
Cụ nói,
-Cụ chỉ có một đứa con gái, năm nay, nó chỉ khoảng chừng 15, 16 tuổi. Nhưng không may, nó phải lâm vào cơn bệnh hiểm nghèo. Vì gia đình của chúng tôi quá nghèo, không có tiền chạy chữa thuốc thang, nên nó phải qua đời trong tuổi đời vẫn còn thơ dại. Nói đến đây, hai hàng nước mắt của cụ rưng rưng chảy. Tôi cũng cảm thấy quá xúc động. Ông cụ đã phải dừng lại trong một giây phút thật lâu, vì trong nỗi niềm xúc động vô hạn của ông. Chúng tôi không dám hỏi gì thêm ở ông cụ và giữ im lặng trong chánh niệm. Sau một lúc, ông lại chậm rãi kể tiếp. Vì buồn thương nhớ con, nên bà nhà của tôi không ăn, không uống chi cả, mà suốt ngày cứ mãi gọi con. Rồi không bao lâu, bà lại phát bệnh theo con gái của tôi qua đời. Nên bây giờ, tôi chỉ sống có một mình bên túp liều cạnh bờ sông. Mỗi ngày, tôi phải đi xin ăn bên vệ đường. Vì tuổi già sức yếu, tôi không thể làm được gì cả. Nói đến đây, ông cụ khóc nức nở mà không nói gì thêm nữa cả. Chúng tôi cũng cảm thấy quá xúc động mà khóc theo ông.
Trong sự đau buồn cho kiếp người, chúng tôi phải cúi đầu, rồi thầm lặng trong suy tư. Bỗng đâu, tôi nhớ lại câu chuyện mà Thầy tôi có kể cho tôi cách đây cũng khá lâu về một bà lão được sanh ra trong thời Đức Phật. Khi ông cụ nhìn tôi bằng đôi mắt trìu mến, đáng thương, như cặp mắt của bao nhiêu người cha nhìn đứa con thơ, tôi liền kể cho ông cụ nghe về câu chuyện của một bà lão ăn mày.
Tôi nói, Bà lão ấy không khác chi hoàn cảnh của cụ cả. Vì không có con cái họ hàng, nên mỗi ngày bà phải chống chiếc gậy đi ăn xin khắp nơi. Một hôm, bà chỉ xin được một bát cháo thiu. Vì mệt mỏi và kiệt sức, nên bà đã nằm nghỉ bên vệ đường. Tôn giả Xá Lợi Phất hôm ấy đang đi khất thực trên đường. Bỗng đâu thấy một bà lão đang nằm, Ngài liền dừng lại bên cạnh bà lão ăn xin. Chăm chú nhìn bà lão trong giây phút im lặng, Ngài đã quán thấy phước báo của bà không còn và chỉ còn không bao lâu, bà sẽ lâm chung. Vì lòng từ bi của Ngài, nên Ngài đã tìm cách độ bà lão. Khi thức dậy, bà đã nhìn thấy một vị Tu sĩ đang mang một cái bát trong tay và đứng trước mặt bà với phong thái thật nghiêm trang và từ tốn, hiền từ. Bà đưa mắt nhìn Ngài với vẻ đầy ngạc nhiên. Ngài liền cất lên giọng nói chậm rãi để hỏi bà.
-Bà có đồng ý bán cái nghèo của bà không?