Kiếp Nghèo

Sau khi nghe Ngài hỏi, bà vô cùng ngạc nhiên và lúng túng. Bà liền đáp lại rằng,

-Tôi đâu còn gì để bán.

Ngài liền nói,

-Bà có một thứ để bán cho tôi.

-Bà lão liền nhìn quanh để tìm kiếm khắp nơi mà không thấy có gì xứng đáng để bán cả, duy chỉ có bát cháo thiu.

-Bà liền trả lời.

-Thưa Ngài! Tôi không còn gì để bán cả, ngoài một bát cháo thiu mà tôi vừa xin được tại đầu đường vào ngày hôm qua. Tôi vẫn chưa dùng.

-Ngài bèn nói trong giọng từ tốn và khoan thai. Tôi muốn mua bát cháo thiu đó.

-Bà có chịu bán nó không?

-Bà đáp lại trong chất giọng buồn bả.

-Làm sao Ngài có thể ăn được bát cháo thiu này?

-Ngài nói lại.

-Nếu bà chịu bán, thì tôi có thể dùng được.

Ngập ngừng một hồi, bà lão liền nâng bát cháo lên thành kính cúng dường cho Ngài với tâm vô cùng hoan hỷ. Ngài Xá Lợi Phất đã thọ nhận bát cháo và độ trước mặt bà lão một cách an nhiên và hoan hỷ. Ngài quán thấy căn cơ của bà lão đã sắp chín mùi. Đã đến lúc độ cho bà lão, Ngài liền giảng một bài pháp hợp với căn cơ của bà lão. Sau khi nghe xong thời pháp của Ngài, tâm của bà lão vô cùng hoan hỷ. Vài ngày sau, khi bà lâm chung, bà liền sanh lên cảnh giới chư thiên, nhờ công đức cúng dường cho Ngài bát cháo thiu.

Qua câu chuyện này, tôi cảm thấy ông cụ có một hoàn cảnh như bà lão. Điều đáng thương cho ông cụ là không được may mắn sanh cùng thời với Đức Phật và hàng Thánh Tăng. Chúng tôi ngậm ngùi và xót thương cho hoàn cảnh thật bi đát của ông cụ. Nhưng biết làm gì để giúp cho ông thoát được cảnh nghèo đói này, trong khi chính chúng tôi cũng còn nghiệp dày phước mỏng, chúng tôi chỉ biết học theo gương Ngài Xá Lợi Phất bằng sự an ủi cho ông cụ bớt đi tủi thân trong cảnh đời gian khổ của cụ. Chúng tôi đã khuyên cụ là hãy nên thực hành theo lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất, là hãy bán đi cái nghèo của cụ bằng sự hái những cành hoa tươi dọc bên đường để dâng lên cúng dường Chư Phật mười phương tại Thánh địa Lâm Tỳ Ni hoặc cúng dường cho Tăng chúng, thì đời sau cụ sẽ không còn nghèo như kiếp này nữa. Sau một hồi lâu suy tư, ông cụ vô cùng hoan hỷ và không còn buồn nữa. Sau đó, ông cụ đã xin phép Thầy và chúng tôi ra về.

Thầy dạy chúng tôi lấy cho ông cụ thức ăn cũng như đồ mặc, để cụ có thể mặc trong mùa lạnh này. Nhận những thứ mà Thầy tôi cho, cụ vô cùng xúc động trong nghẹn ngào. Khi ông cụ ra đi rồi mà chúng tôi vẫn còn nhớ lại những hình ảnh thật đáng thương.

Qua những hình ảnh điển hình mà chúng tôi đã gặp ở khắp đó đây, họ chính là những tấm gương tiểu biểu cho tầng lớp nghèo trong xã hội. Dù vật chất có thiếu thốn, nhưng họ không bao giờ tự ti mặc cảm cho thân phận của mình. Họ vẫn sống với những chuỗi ngày thật an vui bên túp lều tranh hay bên vỉa hè đường, xó chợ. Họ vẫn luôn luôn khao khát sống hoà nhịp cùng với xã hội trong nhiều hoạt động, nhưng chính cái nghèo bắt buộc họ phải an phận trong những chuỗi ngày đạm bạc với muối rau. Cái nghèo bản thân của nó không có tội lỗi, nhưng do con người còn phân biệt, còn khinh khi miệt thị, để rồi tự nó phải xa lánh, phải tủi phận. Chúng tôi vẫn còn nhớ lời dạy của Sư Viên Minh trong lá thư gởi cho học trò với những lời hết sức cảm động sau đây:

-“Khi con gặp những người có vẻ hạnh phúc vui tươi, như đang hãnh diện với địa vị, giàu sang của mình, con đừng tự ti mặc cảm mà hảy thương họ! Họ mới là kẻ đang bị đắm chìm, vì chìm đắm là thoả mãn của hạnh phúc mà không tự biết mình đang bị chìm đắm.” (Lá thư thứ nhất)

Chúng ta hãy nhìn lại tấm gương cao thượng của Đức Phật. Ngài xuất thân từ một gia đình vua chúa, luôn luôn được sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh. Vậy mà, Ngài vẫn từ bỏ tất cả để tìm cầu Đạo giải thoát cho nhân loại, cho chúng sinh và sống một cuộc đời đạm bạc với ba y, một bát, nhưng tâm hồn của Ngài tràn đầy niềm an vui, giải thoát.

      “Một bát cơm ngàn nhà, 
      Thân đi muôn dặm xa, 
      Mắt xanh xem người thế, 
      Mây trắng hỏi đường qua.” 

Phật giáo luôn là nơi sẵn sàng tiếp nhận tất cả mọi chúng sanh, dù họ xuất thân từ một giai cấp thấp kém nhất xã hội. Giáo lý của Đạo Phật cũng không bao giờ dạy con người phân biệt kẻ nghèo, người giàu, mà chỉ dạy mọi người phải kính thương yêu nhau và giúp đỡ lẫn nhau và nên tránh xa mọi cái xấu, cái ác và sự tị hiềm của con người. Những người tuy lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn, nhưng nếu họ biết vươn lên bằng ý chí của mình, bằng sức mạnh từ đôi bàn tay của họ, thì cuộc đời của họ sẽ mỗi ngày một tươi sáng hơn. Và nếu họ biết kính tin nơi Tam Bảo bằng tâm niệm thiện, bằng tâm buông xả cái nghèo, thì họ sẽ gieo được thiện duyên ở ngày mai.

Là những Tăng sĩ, chúng ta nên có một tầm nhìn rộng trong việc đem Đạo vào đời để tạo cơ hội giúp đỡ những người không may không thể tự mình vươn lên được, bằng những công việc từ thiện và khuyên họ hướng tâm về con đường giác ngộ, là tránh ác, tu thiện. Vì nếu chúng ta phục vụ chúng sanh, tức là chúng ta đã cúng dường Chư Phật vậy.

Lâm-tỳ ni, mùa thu, ngày 25 tháng 2 năm 2001.

Thích Thông Lý

http://www.tangthuphathoc.net/truyenpg/kiepngheo.htm

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.