V. Nhập Lưu (Tu Đà Huờn)
Sau khi giải thích về ba đặc tướng, bây giờ ta trở lại kinh Silavanta Sutta hay “Kinh Giới Hạnh.” Chúng ta đã ngưng ở đoạn Đại Đức Xá Lợi Phất trả lời câu hỏi của Đại Đức Mahakotthika, rằng một vị tỳ khưu giới hạnh và có kiến thức phải cẩn trọng quán sát ngũ uẩn đối tượng của sự dính mắc là vô thường, là khổ, là bịnh.
Ta tiếp tục với tám đặc tướng khác, tổng cộng là mười một đặc tướng của ngũ uẩn. Trong đó ta xem xét về tính vô thường, khổ, và không có thực chất hay không có cốt lõi. Đặc tướng kế tiếp là sự diệt. Vị tỳ khưu phải quán sát ngũ uẩn là hoại diệt là tan rã.
Có hai thứ hoại diệt: hoại diệt từ khoảnh khắc nầy sang khoảnh khắc khác, và hoại diệt cuối cùng của cuộc đời. Ta phải thấy ngũ uẩn thủ hoại diệt từng chặp từng sát na. Thấy sự hoại diệt từng khoảnh khắc một, ta mới thấy được sự hoại diệt cuối cùng của cái mà ta gọi là đời sống. Sự hoại diệt cuối cùng của cuộc đời và sự hoại diệt trong mỗi khoảnh khắc thực ra giống nhau.
Vị tỳ khưu phải thấy ngũ uẩn thủ là hoại diệt. Khi thấy đặc tướng vô thường của các uẩn, vị ấy thấy luôn cả sự sanh và sự diệt. Khi thấy sự hoại diệt, vị ấy thấy đặc tánh vô thường, đặc tướng vô thường là không hiện hữu sau khi phát sanh.
Đặc tướng kế đó là rỗng không. Vị tỳ khưu phải thấy ngũ uẩn thủ là rỗng không. Ở đây rổng không, không có nghĩa là không có gì cả. Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ, nó có nghĩa là không có cái ngã, không có cái tự ngã hiện hữu hay thực chất. Khi vị tỳ khưu quan sát năm uẩn, và chỉ thấy có năm uẩn, và không có gì khác hơn có thể gọi là ngã hay linh hồn.
Mỗi khoảnh khắc ghi nhận vị tỳ khưu biết chỉ có vật được ghi nhận và tâm ghi nhận. Hai yếu tố nầy đi chung một cặp, không có gì khác hơn, chỉ có vật được ghi nhận và tâm ghi nhận. Vị tỳ khưu không thấy gì gọi là ngã hay linh hồn. Thấy như vậy, mới gọi là thấy đúng.
Đaị Đức Xá Lợi Phất mô tả ngũ uẩn thủ là vô thường, khổ, bịnh, ung nhọt, mũi tên nhọn, đau khổ, cơn bịnh, người lạ, hoại diệt, rỗng không, và vô ngã. Danh sách mười một đặc tướng có thể được xác nhận là giáo pháp trung thực, vì chúng được tìm thấy trong những bộ kinh giảng dạy chính do Đức Phật. Mười một đặc tướng nầy được cô đọng lại thành ba đặc tướng. Làm sao được như vậy? Vô thường và hoại diệt thực sự có cùng một nghĩa, vô thường , anicca. Khổ, bịnh, ung nhọt, mũi tên nhọn, đau khổ và cơn bịnh, tất cả là đặc tánh của khổ. Người lạ, rỗng không, không có ngã tất cả là đặc tánh của vô ngã anatta. Ở đây ta gặp lại ba đặc tướng.
Có được sự hiểu biết trên cũng cần thiết, nhưng cũng rất đủ nếu ta hiểu biết ngũ uẩn thủ là vô thường, khổ, và vô ngã. Nhưng nếu cho rằng kiến thức trên là quá ít, và muốn hiểu biết nhiều hơn, quí vị có thể xem Thanh Tịnh Đạo trong đó diễn tả minh sát tụê, liệt kê bốn mươi phương thức để quán sát ngũ uẩn thủ, hay thân và tâm.
Chúng ta mong muốn những gì khi thấy ngũ uẩn thủ là vô thường, khổ, và vô ngã? Theo Đại Đức Xá Lợi Phật, “Khi một vị tỳ khưu giới hạnh và có kiến thức quán sát thấy ngũ uẩn đối tượng của sự dính mắc, vị nầy có thể đạt được quả của tầng thánh nhập lưu.” Nghĩa là khi thấy năm uẩn là vô thường, vân vân… vị tỳ khưu nầy có thể trở thành Tu Đà Huờn.
Để trở thành Tu Đà Huờn phải làm những gì? Phải quán ngũ uẩn thủ là vô thường, là khổ, là vô ngã. Điều nầy rất quan trọng khi hành thiền minh sát, phải thấy ba đặc tướng của ngũ uẩn thủ gồm có tâm, thân và các pháp có điều kiện. Khi thấy được các đặc tướng đó, sẽ bắt đầu kinh nghiệm sự nhàm chán đối với ngũ uẩn.
Thấy vô thường, khổ, và vô ngã, nghĩa là thấy sự sanh và diệt của ngũ uẩn. Khi thấy sự sanh và diệt, nhứt là khi thấy diệt, thực chứng rằng năm uẩn diệt từng khoảnh khắc, rất đáng sợ và nguy hiểm. Chúng hoại diệt hay tan biến từng khoảnh khắc, nhưng nếu chúng ngưng sanh và diệt thì sao? Thế có nghĩa là chết.
Cái chết có thể đến với ta bất kỳ lúc nào, đó là một sự đáng kinh sợ của năm uẩn. Khi nhận ra các uẩn là nguy hiểm, ta thấy sự bất toàn và ta trở nên nhàm chán chúng. Ta không còn muốn bám níu hay ham muốn chúng. Ta lánh xa chúng. Tâm nhàm chán năm uẩn nầy rất quan trọng, được gọi là minh sát tuệ vững mạnh.
Trước đó, minh sát tuệ còn yếu. Ở thời kỳ thấy các uẩn sanh và diệt và thấy chúng đáng ghê sợ, thiền sinh chưa phát triển tuệ minh sát mạnh. Chỉ khi nào phát sanh sự nhàm chán đối với năm uẩn, lúc đó mới được gọi là có minh sát tuệ mạnh.
Minh sát tuệ mạnh sẽ dẫn hành giả đến sự đạt đến giác ngộ, đạt tới tầng thánh nhập lưu. Vì khi ta trở nên nhàm chán với năm uẩn, ta muốn vứt bỏ chúng, muốn ném liệng chúng.
Thiền sinh dành nhiều thời gian và kiên trì thực tập, để rồi sẽ thấy ngũ uẩn thủ là rỗng không. Như khi thiền sinh thấy năm uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, mới có thể đat đến trạng thái tâm nhàm chán ngũ uẩn.
Câu nói trở nên nhàm chán ngũ uẩn qua sự thấy ba đặc tướng được giảng giải trong một câu chuyện ngụ ngôn nói về một người nọ đi câu cá. Câu chuyện nầy được viết rất chi tiết trong chương thứ hai mươi mốt trong Thanh Tịnh Đạo.
Muốn bắt cá, người kia đặt lưới xuống nước. Một lúc lâu sau nghĩ rằng có một con cá trong lưới người bèn đút tay vào trong lưới để nắm lấy con cá. Nhưng khi dở lên xem thì thấy ba dấu trên mình con vật, nhận ra rằng vật mà mình nắm trong tay không phải là con cá mà là con rắn độc. Ngay khi đó ta cảm giác như thế nào? Trước hết ta cảm thấy sợ hãi, vì đó không phải là con cá mà là con rắn độc nó có thể cắn chết.
Thế nên người kia sợ hãi và thấy sự nguy hiểm. Khi thấy sự nguy hiểm, trở nên chán ghét và không muốn giữ cái mới bắt được. Người kia muốn quay lưng, để trốn tránh nó, vứt nó ngay và để được thoát khỏi nó. Nhưng trước hết phải làm gì để ngăn ngừa không để nó cắn. Người kia tóm lấy con rắn, nắm ngay đầu nó và quay mấy vòng, rồi quăng nó đi thật xa.
Cùng thế đó, để trở nên nhàm chán đối với năm uẩn, hành giả phải quán sát ba đặc tướng luôn luôn, để đừng chịu dưới ảnh hưởng của chúng. Để tránh bị cắn chết do sự không thấy ba đặc tướng trên, thiền sinh nên quán vào chúng thường xuyên. Rồi một ngày sẽ đến khi tâm phóng thẳng vào sự chấm dứt của tất cả các pháp có điều kiện. Sự phóng thẳng vào cái trạng thái vô điều kiện của các pháp, ở đây có nghĩa là đạt đến giác ngộ lấy Niết bàn làm đối tượng.
Câu chuyện cá-rắn trên rất thích đáng. Chỉ khi nào thấy nguy hiểm, ta không muốn lánh xa vật ấy. Chỉ khi nào thấy nguy hiểm hay thấy việc gì sai trái, ta mới chịu trốn tránh xa lánh nó. Chẳng hạn khi muốn bỏ hút thuốc, phải thấy sự nguy hiểm của việc hút thuốc. Nếu muốn bỏ uống rượu, phải thấy sự tai hại của rượu. Đây là một diễn tiến tự nhiên và hợp lý, chớ không phải là một lý thuyết suông của một người nào cả.
Trước hết cần phải thấy rõ đối tượng, kế đó cần phải thấy đối tượng nầy không có gì để dính mắc, vì nó là giả, vô thường vân vân… Chỉ khi nào thấy đặc tánh giả hay thay đổi, mới muốn tránh xa nó. Điều vô cùng quan trọng trước nhứt là thấy được ba đặc tướng để đạt đến trạng thái nhàm chán đối với năm uẩn.
Đại Đức Xá Lợi Phất dạy rằng, “Nếu vị tỳ khưu giới hạnh thấy ngũ uẩn thủ là vô thường vân vân… vị nầy có thể đạt đến tầng thánh nhập lưu và trở thành Tu Đà Huờn.”
Nghĩa của “nhập lưu” là gì? Tiếng Anh “stream entry” được dịch từ tiếng Pali Sotapatti, gồm có hai phần, sota và apatti. Chữ sota thật ra không có nghĩa chỉ là dòng nước; mà nó có nghĩa là dòng nước trôi chảy của con sông, hay một dòng nước chảy. Apatti nghĩa là “đạt đến đầu tiên.” Sotapatti nghĩa là “đầu tiên đạt đến dòng nước chảy.” Khi cái gì chảy vào dòng sông, chắc chắn nó sẽ đi đến biển cả. Cùng thế ấy, khi một người đạt đến dòng sông của Thánh Đạo, người ấy chắc chắn sẽ đạt đến Niết Bàn.
Khi một người trở thành Tu Đà Huờn, sẽ không bao giờ đi trở ngược lại. Vị ấy càng tiến gần Niết Bàn, và trong vòng bảy kiếp vị ấy sẽ đạt đến Niết Bàn. Nhập lưu, nghĩa là vào dòng sông lần đầu tiên. Lúc nào người ấy vào được dòng sông? Người ấy vào dòng sông lần đầu tiên khi sự hành thiền minh sát của vị ấy trở nên thành tựu, và hoàn mãn–khi vị ấy giác ngộ lần đầu tiên.
Trong lúc nầy, tự nơi tâm của vị ấy phát sanh một loại tâm mà vị ấy chưa hề kinh nghiệm trước kia. Tâm nầy khởi sanh vào lúc cuối của sự thực hành thiền minh sát, tâm nầy đi sau loạt tâm minh sát hay chặp tư tưởng minh sát. Khi Đạo tâm nầy phát sanh, nó lấy Niết Bàn làm đối tượng. Nghĩa là nó nhảy vọt vào sự chấm dứt mọi đau khổ. Nó lấy Niết Bàn làm đối tượng đồng thời nó tiêu diệt được tâm ô nhiễm.
Có bốn tầng mức giác ngộ và ở mỗi tầng mức, một ô nhiễm được tiêu diệt. Khi Đạo tâm phát sanh, nó đi theo bởi những tâm sở. Có ba mươi sáu tâm sở phát sanh cùng với Đạo tâm ấy. Trong đó có tám tâm sở quan trọng nhứt. Ta có thể đoán chúng là những tâm sở gì rồi. Tám tâm sở của Đạo tâm là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ vân vân… Chúng là những tâm sở phát sanh cùng một lúc với Đạo tâm. Tâm sở thứ nhứt, Chánh kiến, nghĩa là sự hiểu biết hay trí tuệ. Chính cái trí tuệ nầy thực sự tiêu diệt những ô nhiễm.
Trong giáo lý Nguyên Thủy, giác ngộ nghĩa là sanh khởi Đạo tâm cùng lúc với những tâm sở. Đạo tâm cùng những tâm sở lấy Niết Bàn làm đối tượng, và cùng một lúc tiêu diệt những ô nhiễm. Ta gọi đó là giác ngộ. Khi một vị đạt đến dòng sông, vị ấy được gọi là Tu Đà Huờn Sotapanna trong tiếng Pali. Tiếng Anh chữ nầy được dịch là stream winner, stream enterer, stream entrant, Nhập lưu, theo tiếng Việt. Chúng ta có thể dùng chữ nào trong tiếng Anh cũng được, nhưng về nghĩa của nó, chúng ta nên hiểu theo nghĩa trong tiếng Pali.
Khi một vị đạt đến quả vị Tu Đà Huờn, vị ấy không còn là một người phàm nữa, puthujjana. Được Nhập lưu, vị nầy trở thành “người cao thượng tiêu diệt được vài thứ ô nhiễm. Tuy nhiên, chính Chánh Kiến tiêu diệt chúng chớ không phải người tiêu diệt chúng. Nên ta nói rằng vài thứ ô nhiễm bị tiêu diệt ngay trong lúc đầu tiên của quả vị Tu Đà Huờn, khoảnh khắc đầu tiên của giác ngộ. Tiêu diệt nghĩa là hoàn toàn nhổ tận gốc rễ và không bao giờ phát sanh lại ở nơi tâm. Đó là sự hoàn toàn tiêu diệt những ô nhiễm đó.
Vị Tu Đà Huờn cũng cắt đứt được ba giây trói buộc, hay kiết sử, hay cũng gọi là thằng thúc, đó là ba thứ ô nhiễm. Một là tà kiến sakkayadhitthi về thân hay thân kiến, ảo kiến về tự ngã. Thứ hai là hoài nghi về Phật Pháp Tăng và sự tu tập. Thứ ba là giới cấm thủ, tin tưởng về tế lễ thần linh. Đó là ba thằng thúc bị tiêu diệt ngay lúc Đạo tâm Tu Đà Huờn phát sanh.
Trước khi đạt đến sự giác ngộ lần đầu tiên, người thiền sinh cũng có thể dứt bỏ thân kiến hay ảo kiến về tự ngã. Sự dứt bỏ nầy còn tạm thời và không tròn đủ. Nhưng trong lúc giác ngộ vị ấy hoàn toàn tiêu diệt được thân kiến, và nó không bao giờ phát sanh trở lại nơi tâm của vị ấy nửa.
Khi trở thành Tu Đà Huờn, vị ấy có một đức tin không lay chuyển về Phật, Pháp, Tăng. Vì vị ấy thực chứng Pháp bảo và đạt đến quả vị qua giáo pháp của Đức Phật, vị ấy biết rằng Đức Phật là một vị thầy chơn chính, Đức Phật tự giác ngộ và dạy con đường đưa đến giác ngộ. Cho nên vị Tu Đà Huờn có một đức tin vững chắc và tin tưởng nơi Đức Phật.
Vị Tu Đà Huờn cũng có đức tin không lay chuyển nơi Pháp bảo, ở đây có nghĩa là sự thực hành hay pháp hành, do đó vị ấy đạt đến quả vị Tu Đà Huờn.Vị ấy có đức tin hoàn toàn nơi pháp hành dẩn đến sự tiêu diệt ô nhiễm, đưa đến chứng ngộ Niết Bàn. Vị ấy có đức tin nơi Tăng bảo, cộng đồng của những đệ tử cao thượng của Đức Phật, nghe theo lời giáo huấn của ĐúcPhật, hành thiền và đạt chứng ngộ.
Vị Tu Đà Huờn bây giờ được vào trong vòng những đệ tử cao thượng của Đức Phật. Có được đức tin vững chắc nơi Phật Pháp Tăng, Vị ấy tăng thêm đức tin nơi pháp hành. Trước khi trở thành Tu Đà Huờn, vị nầy đôi khi cũng có hoài nghi không biết là mình làm có đúng không hay hoài nghi không biết Pháp hành có đưa đến sự chứng ngộ Niết Bàn không. Nhưng bây giờ vị ấy đã đạt đến thánh quả Tu Đà Huờn và đạt được kết quả mong muốn, vị ấy không còn hoài nghi gì nửa cả.
Một người đã đạt được sự chứng ngộ biết rằng không có một con đường nào đúng hơn để dẩn đến Niết Bàn. Nếu có ai bảo với vị Tu Đà Huờn hảy hành hạ thân xác mình, hoặc hành động như con chó,con bò có thể đưa đến sự đạt Niết Bàn, vị ấy cũng không bao giờ tin. Vị ấy biết qua kinh nghiệm rằng sự thực hành nào không gồm có Bát Chánh Đạo, đó là con đường sai. Vì thực hành Bát Chánh Đạo và thiền Minh Sát, đạt đến giác ngộ, vị ấy biết rằng đây là con đường đúng. Vị ấy biết rằng pháp hành nào không gồm có Bát Chánh Đạo, hay tám chi, sẽ không thể dẫn đến sự tiêu diệt ô nhiễm.
Nếu có người đến bảo vị ấy rằng chỉ bố thí có thể đạt được giác ngộ, hay chỉ trì giới ta có thể giác ngộ, vị ấy sẽ nói rằng không, và sẽ chỉnh lại người đó. Bố thí rất tốt, vì bố thí được phước báu. Ta có thể chia phước với người khác và nhận được quả của sự bố thí trong tương lai. Nhưng để đạt Niết Bàn, bố thí không đủ. Trì gìới cũng không đủ, tuy ta cần giới trong sạch khi hành thiền. Nhưng chỉ có giới không thể đưa đến giác ngộ. Vị ấy hiểu tất cả những điều nầy qua kinh nghiệm, cho nên vị ấy sẽ không bao giờ đi theo sự thực hành giáo pháp nào mà không gồm có Bát Chánh Đạo.
Tóm lại một vị Tu Đà Huờn tiêu diệt được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Và cũng tiêu diệt nhiều thứ ô nhiễm khác. Có nhiều thứ ô nhiễm khác như tham lam, sân hận, si mê vân vân…
Mục đích chúng ta ở đây ta phải hiểu ô nhiễm có hai thứ. Ô nhiễm thứ nhứt rất trầm trọng có thể đưa ta xuống bốn đường ác đạo. Ô nhiễm thứ hai nhẹ hơn không đưa ta đến bốn đường ác đạo.
Tuy tham lam, sân hận, si mê thuộc về nhóm ô nhiễm thứ nhứt, vị Tu Đà Huờn có thể đoạn trừ chúng. Vị ấy vẫn còn tham lam, sân hận, si mê, nhưng chúng không mạnh đủ hay tệ lắm có thể đưa đến bốn đường ác đạo. Cho nên không những chặt đứt đươc ba thằng thúc, Vị ấy còn tiêu diệt được sức mạnh của các ô nhiễm có thể lôi kéo vị ấy xuống bốn đường ác đạo. Những ô nhiễm còn trong vị Tu Đà Huờn rất yếu không thể đưa vị ấy vào trong khổ cảnh.
Vị Tu Đà Huờn có được bốn phẩm hạnh: đức tin vững vàng nơi Phật, Pháp, Tăng, và giới đức hoàn toàn trong sạch. Ba phẩm hạnh đầu tiên đã được giảng rồi. Bây giờ ta học về phẩm hạnh cuối, giới đức của vị Tu Đà Huờn.
Vị Tu Đà Huờn thụ hưởng một giới đức trong sạch quí báu mà những bậc cao thượng ngợi khen và tán thán. Giới đức của vị ấy hoàn toàn trong sạch và vị ấy giữ giới không đứt ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, và không bao giờ đứt giới hai hay ba lần liên tiếp. Vị ấy giữ năm giới chặc chẻ và trong sạch, không đứt một giới nào cả.
Chú giải nói rằng khi một vị Tu Đà Huờn mạng chung và tái sanh làm người lại ở kiếp sau, sẽ tự động giữ giới trong sạch. Dù còn là một em bé vị nầy sẽ không bao giờ giết một vật có sự sống. Một vị Tu Đà Huờn rất trong sạch giữ năm giới, tránh không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống các chất say.
Thời bây giờ có người tự cho rằng họ là Tu Đà Huờn, và rất khó để biết họ thực sự là Tu Đà Huờn hay không. Vì nó nằm trong kinh nghiệm bản thân, ta không thể vào trong tâm của họ để xem coi họ có phải là Tu Đà Huờn thật hay không. Nhưng cũng có cách để tìm hiểu điều đó bằng quan sát sự giữ năm giới của họ. Nếu người ấy giữ giới luật thật chặc chẽ và không đứt một giới nào, người ấy có thể là vị Tu Đà Huờn. Nhưng nếu thấy người ấy phạm giới uống rượu, hay nói dối ta có thể quả quyết rằng người nầy không phải là Tu Đà Huờn.
Theo chú giải, một vị Tu Đà Huờn không phạm một giới nào trong năm giới cả, nên vị nầy không uống rượu. Nếu khuấy rượu vào nước và cho người ấy uống, chú giải nói rằng chỉ có nước mới đi xuống cổ họng của người ấy, chớ không phải rượu. Đây là một cách để thử. Trộn lẩn rượu và nước, và mời người ấy uống, để xem rượu có đi xuống cổ họng của người ấy hay không?
Có người tự cho mình là Tu Đà Huờn, nhưng họ cũng vẫn uống rượu và làm những việc bất thiện khác. Và họ nói rằng, “Ồ, tôi là Tu Đà Huờn. tôi có thể làm những việc nầy, tôi không bị ảnh hưởng gì cả. Tôi cao rồi không bị tội gì cả nếu có làm những việc bất thiện. Bởi vì tôi là Tu Đà Huờn, có trình độ tâm linh cao.”
Nếu tin những người như thế, ta rất si mê. Là một Tu Đà Huờn không có nghĩa là vị ấy được che chở bảo vệ không đi địa ngục, và vị ấy muốn làm gì thì làm. Nếu vị nầy có khả năng làm những việc gì có thể đưa vị ấy đi đến khổ cảnh, vị nầy không phải là Tu Đà Huờn và sẽ tái sanh nơi khổ cảnh, chớ không phải ở thế gian nầy. Cho nên là một Tu Đà Huờn không có nghĩa là vị nầy muốn làm gì thì làm, và được bảo đảm không đi địa ngục.
Đối với một vị Tu Đà Huờn thì cửa của các ác đạo đã đóng lại. Nghĩa là vị nầy sẽ không tái sanh trong bốn đường ác đạo. Vị nầy sẽ không tái sanh ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ hay a tu la. Vị nầy không tái sanh vào khổ cảnh vì giới luật trong sạch bảo vệ, và giúp vị nầy không làm bất thiện nghiệp, không làm những gì có thể đưa vị nầy vào khổ cảnh.
Có nhiều phước báu trong Tu đà huờn đạo có ghi trong Thanh Tịnh Đạo. Một trong những phước báu đó là Cửa vào khổ cảnh được đóng lại.