Phật Giáo là gì…

  1. LÀM THẾ NÀO MỚI CÓ THỂ XA RỜI KHỔ ĐAU VÀ ĐẠT ĐƯỢC AN LẠC?

Trong kinh Phật dạy, khổ đau và phiền não đều do từ mê muội mà tự chiêu cảm lấy. Nguyên nhân mê lầm là do hoàn cảnh sinh hoạt mà có, vì chúng ta không hiểu rõ ràng về chân tướng sự vật. Ngày ngày chúng ta chỉ có vọng tưởng, đã vọng tưởng thì suy nghĩ, xem nghe, thấy biết tất cả đều hoàn toàn sai lầm. Từ chỗ thấy biết sai lầm, việc làm tạo tác mê lầm cũng theo sau. Chúng ta nên biết tư tưởng, suy nghĩ chỉ đạo hành vi. Tư tưởng sai lầm nhất định hành động sẽ sai lầm, hành động sai lầm đương nhiên sẽ mang lại kết quả khổ đau. Phật dạy nếu muốn giải quyết hết tất cả khổ đau cho chúng sinh, nhất định phải giúp họ giác ngộ, chân chính hiểu biết về cuộc sống. Quan điểm hiện đại ngày nay không như người xưa. Người xưa có quan niệm an tâm với phận nghèo để giữ đạo, vì thế họ sống rất hạnh phúc. Con người ngày nay hoàn toàn ngược lại, lòng ham muốn không bao giờ biết dừng, nếu thế làm sao không tránh được khổ đau! Có thể bình tĩnh suy nghĩ, mỗi ngày chúng ta vất vả làm việc, cuộc sống chúng ta tìm được những gì? Hãy xét lại chính mình, chúng ta sẽ thấy được sai lầm rất lớn. Lúc trẻ tôi học Phật, có lão Hòa thượng kể cho tôi một câu chuyện có thật. Tại Giang Tô, Tần Châu, có một người xin ăn rất đáng thương. Ông có một người con buôn bán rất giàu có. Người con này bị bạn bè trách mắng là giàu sang phát tài chỉ biết lo hưởng thụ, trong khi để cho cha mình đi xin ăn mà không biết. Anh này rất khó xử nên cho người đi tìm và đưa cha về nhà, sau đó tiếp đãi rất nồng hậu. Sống với con được một tháng, ông lại lén lút trốn nhà tiếp tục đi xin ăn. Có người hỏi: “Tại sao ông không ở nhà hưởng thụ cho sung sướng, lại đi xin ăn chi cho cực khổ”. Ông đáp: “Tôi ở nhà có bao nhiêu người trọng đãi với tôi ắt tôi mang tội, trong khi tôi lại không muốn ăn những gì mà người khác phải hy sinh cho mình ăn, càng không muốn mặc những gì mà người khác hy sinh cho mình mặc. Sống cuộc đời ăn xin, rày đây mai đó, có thể dạo núi ngắm sông. Đói thì xin một bát cơm ăn, chiều về tùy theo địa phương kiếm một chỗ nào đó mà ngủ. Tôi rất vui thích với đời sống như vậy, rất tự tại, rất an lạc”. Đó là một người có quan niệm sống hoàn toàn khác so với đời sống thế tục ngày nay của chúng ta. Người này không học Phật, nếu ông ta học Phật chắc cũng sẽ thành Phật. Trên thực tế, ông này là một Bồ tát thị hiện làm kẻ ăn xin. Người ăn xin giác ngộ không tranh chấp với đời, không mong cầu nên sống vô cùng tự tại. Một người có được sự nhận thức như vậy, quay đầu nhìn lại sự giàu sang của con cái thật không thẹn. Đó là một nghệ thuật sống giúp chúng ta tránh khổ đau mà đạt được sự an lạc.

  1. KHI GẶP HOÀN CẢNH KHÔNG VUI NÊN XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Trong Kinh Kim Cang, Phật có dạy: “Phàm những vật có hình tướng đều là hư vọng”. Muôn người và muôn vật chỉ tồn tại trong nhất thời, như mây khói bay qua, hà tất gì cần phải phóng tâm theo nó, tự mình cũng có thể vượt qua. Đó là sự ngu si của chúng ta. Thường nghĩ mọi người đều tốt, không nghĩ đến việc xấu của người thì chúng ta sẽ có an lạc. Ngược lại, ngày ngày chỉ biết nhìn lỗi người, không muốn mọi người tốt như mình, đó là tự chiêu cảm lấy khổ đau. Mọi người có liên can đến mình hay không? Khổ đau không phải do người khác đem đến cho mình, chỉ tự mình đi tìm lấy nó. Người như vậy thật là ngu si. Trong kinh gọi là điên đảo mê lầm. Hãy suy nghĩ kỹ lời Phật dạy. Chúng ta muốn được nhiều phước báo, phải luôn luôn nhớ nghĩ đến việc tốt của người, không nên nhìn lỗi của người. Dù người có lỗi lầm, dù người có làm việc xấu, chúng ta cũng như luôn nhớ nghĩ đến những việc tốt của họ đã làm. Dùng thái độ lương thiện đối xử với người như vậy, chẳng những tự mình được phước mà còn có thể giúp người ác chuyển thành người lương thiện, đó là vô lượng công đức. Không làm ác cho người mà đối xử tốt với người, chúng ta mới có thể chân chính đạt được hạnh phúc an vui.

  1. LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ KHỐNG CHẾ ĐƯỢC VỌNG TƯỞNG ĐỂ KHAI MỞ TINH THẦN?

Đây là một hiện tượng rất phổ biến. Sống trên đời này ai cũng có. Theo Phật dạy thì nguyên nhân chính là do tập khí chúng ta quá sâu, phiền não quá nặng. Đôi khi có nhiều người đã hiểu được Phật pháp, nhưng hiện tại vẫn không khắc phục được, vẫn như cũ không thay đổi. Phật dạy có rất nhiều phương pháp để khắc phục. Trong lúc tụng kinh, nếu phiền não khởi lên, tâm không được định thì chúng ta nên tiến hành đọc qua kinh một lần chắc chắn tinh thần sẽ trở nên ổn định. Vì vậy, chúng ta có thể dùng phương pháp đọc kinh, trì chú hay niệm Phật. Thậm chí không dùng các phương pháp trên mà có thể dùng các phương pháp thế gian như nghe nhạc. Lúc nghe nên chú tâm vào âm thanh bài nhạc, tâm chúng ta cũng có thể an tĩnh trở lại. Cho nên, phương pháp khắc phục không nhất định, miễn sao chúng ta cảm thấy phương pháp đó có hiệu quả với mình thì nên vận dụng. Tóm lại, làm lắng đọng vọng tưởng của chính mình là một việc rất quan trọng. Đó cũng là điều trọng yếu mà người tu hành chúng ta cần phải nhận thức.

  1. NGƯỜI TẠI GIA NÊN TỰ TU NHƯ THẾ NÀO?

Người bắt đầu học Phật nhất định phải học theo từng bước cho vững bền. Những năm gần đây, trong nước cũng như ở hải ngoại, chúng tôi có đề xướng và vận động bốn việc tốt, đó là tâm tốt, làm việc tốt, nói lời hay và làm người tốt. Đó là bốn tiêu chuẩn làm người tốt. Nhất là làm việc lợi ích cho xã hội và đại chúng, không phải là lợi ích cho bản thân. Nếu một người chỉ biết làm lợi ích cho bản thân mà dẫm đạp lên lợi ích của tập thể, lợi ích đại chúng, làm sao có thể tốt được. Niệm niệm vì lợi ích cho xã hội, niệm niệm vì lợi ích cho đại chúng, vì chúng ta cũng là một thành viên của đại chúng. Nếu mọi người tốt tất nhiên chúng ta sẽ tốt. Nếu chúng ta tốt mà mọi người không tốt chúng ta vẫn gặp tai nạn, không có phương pháp gì tránh được tai nạn. Cho nên, tiêu chuẩn để làm một người tốt, phải vì lợi ích xã hội và đại chúng, đó là nền tảng cơ bản đầu tiên. Người sơ học nên bắt đầu học từ đâu? Quá khứ của Ấn Quang đại sư, cả đời Ngài cật lực đề xướng dạy người Liễu Phàm Tứ Huấn, đây là một cuốn sách học phổ biến tại Đài Loan. Trước đó cũng đã từng giảng giải rất tỉ mỉ, có thâu băng và cũng đã in thành sách để phát hành, chúng ta có thể xem qua để học tập. Người sơ học tại gia trước tiên phải lấy đó làm cơ sở tu học mới có hiệu quả, sau đó mới tiến hành nghiên cứu sang kinh sách. Quá trình nghiên cứu kinh sách rất khó khăn, tốt nhất chúng ta nên đọc kinh Vô Lượng Thọ. Bộ kinh không dài, rất thích hợp cho người tu học trong thời đại ngày nay. Phương pháp lý luận và cảnh giới của kinh tương đối viên mãn. Có thể nói đây là một bộ kinh hay về mọi mặt.

  1. LÚC ĐỌC KINH PHẢI CÓ QUY CỦ VÀ CẤM KỴ GÌ?

Phật giáo là nền giáo dục dạy học, không phải là một tôn giáo. Nói như thế không phải Phật giáo không có quy củ, không có gì hay, không có đạo lý. Phật là một con người bình thường, vẫn còn khởi tâm động niệm, nói như thế không có nghĩa là phàm phu. Nói không có quy củ và cấm kỵ nghĩa là chúng ta phải tùy duyên, tùy cảnh, tùy nơi chốn mà đọc. Quan trọng là trong khi đọc, tâm chúng ta buông dứt muôn duyên chú tâm vào mà đọc là tốt. Trong lúc tu cùng đại chúng, tất nhiên chúng ta phải tuân thủ nội quy. Nếu không tuân thủ nội quy đạo tràng đó sẽ loạn. Chúng ta đọc tụng như thế nào phải cùng với nhịp mõ đều đặn, người nghe cảm thấy thích thú và chú tâm nghe, không thể tự ý mình thích làm gì thì làm.

  1. TRONG ĐỜI SỐNG KHI GẶP CẢNH KHÔNG HÒA THUẬN NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Trước tiên cần phải tìm nhân tốt gầy dựng rồi sau mới có thể giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân chính vẫn ở chỗ giáo dục. Vì sao nền giáo dục trong quá khứ lại an định trong một thời gian dài như vậy? Vì nền giáo dục thời đó rất đắc lực. Trước đây, nền giáo dục chỉ chú trọng dạy người ta phương pháp làm người. Muốn biết nền giáo dục cổ đại, chúng ta có thể xem qua tam lễ, nền giáo dục Phật giáo cũng có đề cập đến. Kinh luận dạy chúng ta nghệ thuật sống, dạy mối quan hệ giữa người và người, giữa vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi,… nói theo góc độ ngày nay là người lãnh đạo và người chịu lãnh đạo, nền giáo dục Phật giáo đều có dạy những điều đó. Theo Trung Quốc gọi là ngũ luân bát đức, đó là nền giáo dục trung tâm, cho nên Khổng Tử dạy đức hạnh là hàng đầu, là căn bản để làm người. Sau đó mới bàn đến chuyện học hành, mưu sinh, dạy văn học, nghệ thuật, đề cao tinh thần sống. Nguyên nhân căn bản của vấn đề trên là nền giáo dục ngày nay đã đi lạc hướng. Chúng ta chỉ chú trọng nhiều về phương diện khoa học và kỹ thuật mà không chú trọng ở nhân nghĩa và văn hóa, không hiểu được mối quan hệ giữa người và người. Tuy đời sống sinh hoạt giàu có sung túc, nhưng trên phương diện nhân sự lãnh đạo, nếu không có đầy đủ đức hạnh và tài năng vĩnh viễn sẽ không giải quyết được gì. Muốn cứu vãn tình hình này, chúng ta cần bổ khuyết và chú trọng vào nền giáo dục. Phương pháp hữu hiệu nhất là chú trọng giảng dạy nhân quả báo ứng cho con người. Nếu tất cả mọi người đều có thể nhận thức gieo nhân thiện nhất định gặt hái quả thiện, ngược lại làm việc ác chắc chắn phải chịu quả báo ác, như thế thì khi hành động, khởi tâm động niệm hay tạo tác bất cứ việc gì, người ta đều biết cân nhắc nhân quả của nó, và khi đó, xã hội mới có thể trở nên thuận hòa được. Cho nên, đại sư Ấn Quang, tuy là vị đệ tử xuất gia của Phật, Ngài lại không giảng kinh điển, không hoằng dương Phật pháp, chỉ chú trọng phương pháp hoằng dương Liễu Phàm Tứ Huấn hoặc Cảm Ứng Thiên. Vì những tập sách này đều khuyên răn người ta làm thiện, nói đến đạo lý nhân duyên quả báo rất có đạo lý. Điều đó đủ chứng tỏ Hòa thượng có trí tuệ thật viên mãn và từ bi muốn cứu vãn xã hội. Chúng ta hiểu được lý luận và phương pháp rồi, phải cố gắng tích cực dốc hết toàn tâm lực mà làm cho tốt.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.