Cuộc sống có đủ hỷ nộ ái ố đã được sân khấu mang lên biểu diễn, thuyết phục người xem. Người ta đồng cảm, chia sẻ, thậm chí… bắt chước. Nhưng, giữa kịch và đời vẫn là một khoảng cách, nếu không tỉnh táo thì sẽ ngộ nhận. Đặc biệt, nếu nhìn với con mắt Phật pháp thì những khoảng cách ấy có khi rất nguy hiểm…
Vở 29 anh về – Ảnh: H.K
Tình yêu là chủ đề mạnh nhất trên sân khấu, rất nhiều vở được dàn dựng và bán vé đắt hơn các chủ đề khác. Bởi chữ ái bao giờ cũng mạnh nhất trong cuộc sống con người. Thực ra người ta ái (yêu thích) nhiều thứ lắm, tài – sắc – danh – thực – thùy, nhưng ái tình luôn làm người ta chao đảo hơn cả. Và “tình” này là tình yêu nam nữ, đeo đuổi kiếp người, dẫn đi trong luân hồi lục đạo. Nhưng thực tế, nó hấp dẫn vô cùng, và đặc biệt trong văn học nghệ thuật thì nó luôn là chủ đề ăn khách nhất.
Cho nên, sân khấu khai thác chữ tình là lẽ đương nhiên. Nhưng chữ tình này xem ra có những điều phải băn khoăn suy nghĩ. Yêu mà thủy chung, đau đáu như ông Tư đờn kìm (NSƯT Thành Lộc – vở Tía ơi má dzìa! sân khấu IDECAF) cũng đáng ca ngợi. Ông giữ cái áo cưới hơn 10 năm vì ông không tin vợ mình đã chết như lời đồn đãi. Sự thật, bà bị cha mẹ bắt ra nước ngoài lấy chồng khác, đến nỗi bà bị trầm cảm. Rồi bà cũng quay về tìm lại cội nguồn, đoàn tụ với chồng con.
Nhưng trong 10 năm đó ông sống dằn vặt, thậm chí sinh bệnh, khiến cô con gái phải hy sinh ở vậy mà chăm sóc ông, cứ lỡ hẹn với người yêu là một thầy giáo hiền đức. Hai người trẻ bỏ qua 10 năm thanh xuân của họ chỉ vì chữ tình của ông Tư. Liệu có nên chăng?
Rồi cô giáo Diệu Hoài (nghệ sĩ Ái Như – vở 29 anh về, sân khấu Hoàng Thái Thanh) cũng chờ chồng suốt 25 năm đến nỗi ngơ ngẩn, mất trí nhớ. Vì bà lỡ có con với ông Bình, bà mẹ chồng không chấp nhận, bắt ông Bình trở lại miền Trung cưới vợ. Ông cãi mẹ, đánh điện tín cho cô Hoài rằng 29 anh về, rồi quyết mua vé xuôi Nam trong lúc đang bệnh nặng. Ông chết trên đường đi, còn cô Hoài không biết tin, cứ chờ đợi, đau buồn, chỉ biết mỗi tháng đúng ngày 29 thì ra ga ngóng trông. Đứa con là Thương phải bươn chải rất sớm, vừa bán bong bóng kiếm tiền nuôi mẹ vừa học hành đỗ đạt. May cho nó, nếu nó không bản lĩnh thì chắc sẽ thất học, đi bụi, không biết lòng chung thủy của cô Hoài có bù đắp được thiệt thòi của đứa con? Nhưng dù nó không hư hỏng đi nữa thì làm mẹ như cô Hoài cũng là thiếu trách nhiệm.
Vở Đảo thiên đường
Hai hình tượng nhân vật này đã lấy nước mắt khán giả rất nhiều, nhưng khi tỉnh táo lại chúng ta giật mình vì chữ tình đã lấn át lý trí, đến quên cả thực tại là một gia đình cần được vun đắp, những đứa con cần được chăm sóc, bảo vệ. Đời là vô thường, có gì chắc thật đâu mà đặt tất cả tương lai và hạnh phúc của mình vào một ván bài tình yêu duy nhất. Có đau khổ thì xin cứ khóc thật nhiều rồi đứng dậy tiếp tục bước đi.
Chúng ta có quyền đau khổ, có quyền khóc, nhưng đừng gục ngã. Quá khứ là chuyện đã qua, tương lai thì chưa tới, hãy trân trọng hiện tại chính là những đứa con đang cần mình chở che, và bản thân mình phải biết yêu lấy mình, không được hủy hoại nó. Tình yêu mà kéo người ta xuống vực thẳm thì đó không phải một tình yêu lớn. Biết yêu, khi nào người ta biết đứng dậy giữa đau thương, mạnh mẽ làm điều gì đó cho người yêu, cho cả nhân sinh. Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng!
Cho nên ông cậu Xâyxukê (NSƯT Hữu Châu) trong vở kịch Nhật Bản Một cuộc đời bị đánh cắp (sân khấu IDECAF) lại khiến người ta cảm phục. Ông từng trải trong chiến tranh, hiểu tất cả nỗi đau cũng như nhược điểm của cô Kây trong khi hai người đàn ông cùng yêu cô là Xintarô và Âydi chỉ nhìn được một phía và lần lượt rời bỏ cô. Ông vừa thương vừa giận Kây, nhưng chưa bao giờ bỏ rơi cô. Không một lời tỏ tình, ông lẳng lặng song hành với cô trong công việc lẫn phiền lụy gia đình. Ông gánh bớt áp lực cho cô mà cô nào có hay. Mối tình của ông không đòi hỏi, không trả giá, một sự hy sinh toàn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng. Ba-la-mật là ở đây. Liệu có ai yêu mà chấp nhận cả mặt trái mặt phải, cả ưu lẫn khuyết của người yêu? Liệu có ai dám yêu mà không đòi hỏi đền đáp, sở hữu?
Hay chữ tình của anh thanh niên Nam Bộ tên Hai Đời (Quang Tuấn) trong vở Đời như ý (sân khấu Thế Giới Trẻ) xuất phát từ chữ nghĩa nhân. Bé Ba bị cưỡng bức, anh đứng ra nhận cái thai hoang, rồi dắt díu nhau đi nơi khác sinh sống. Nương tựa nhau trong cảnh nghèo, tình yêu đến với họ lúc nào không rõ. Trong bóng tối nghiệt ngã của số phận, họ tìm đến tình yêu để có dũng khí sống tiếp, và tha thứ cho kẻ thù của mình. Yêu không khó, tha thứ mới khó. Tình yêu vốn ích kỷ, vậy mà Hai Đời học chữ nhẫn và chữ xả một cách dễ dàng. Nhớ quá khứ đau buồn, chi bằng vui với hiện tại gia đình ríu rít tiếng cười. Và từ bi với đứa trẻ vô phúc, đó chính là tâm Phật còn gì!
Một cực đoan khác, yêu mà hận, và nổi loạn, trốn chạy, cũng không phải là cách giải quyết tốt. Trong vởĐảo thiên đường (sân khấu 5B), có mấy người phụ nữ bị phụ tình, bị đàn áp, đã trốn ra hoang đảo thành lập vương quốc riêng, cấm tiệt đàn ông. Nhưng rốt cuộc, khi gặp hai người đàn ông bị đắm thuyền dạt lên bờ biển, lòng tốt của họ đã giúp các cô trở lại đất liền và thành hôn vui vẻ.
Thực tế, không thiếu người đã tự xây nên “hoang đảo” cho mình ngay trong lòng đất liền và rúc vào đó căm căm nhìn đời bằng “đôi mắt hình viên đạn”, hoặc thờ ơ lẩn tránh, trầm cảm, yếu đuối. Một lần đau thương khiến họ định kiến với cuộc đời, đó là “chấp”. Và mất niềm tin vào thiện căn của người khác.
Chính khi ta đặt tất cả hạnh phúc và lòng tin của mình vào chữ tình, nghĩa là ta mang một cái kính hy vọng màu hồng quá rực rỡ, thì khi gặp sự cố ta sẽ bị thất vọng lớn lao, cuộc đời thoắt cái tối thui như cái kính đen. Cái kính nào cũng có hại. Phải sống trong ý thức trung đạo, chấp nhận đời có tốt có xấu. Ta có thể gặp người yêu tốt, mà cũng có thể gặp người yêu xấu. Đó là nghiệp duyên từ đời kiếp nào đó, giờ vay trả là lẽ đương nhiên. Hiểu được nhân quả ắt sẽ bớt hận thù.
Vở Một cuộc đời bị đánh cắp
Và càng cố thủ trong pháo đài càng chứng tỏ là lòng yêu vẫn còn mãnh liệt, chỉ cần gặp người khác vừa ý là sẽ buông gươm quy hàng ngay. Người nào thực sự không muốn yêu, muốn thoát khỏi chữ ái dẫn đi trong luân hồi, thì họ sẽ không cường điệu như thế. Cứ tự tại bước đi giữa đời nhộn nhạo, cứ uyển chuyển mềm mại ứng xử với danh sắc hấp dẫn. Khi nào không quan tâm tới “tướng chung, tướng riêng” nữa thì mới hết lo về một chữ tình.
Dĩ nhiên không mấy người đạt tới công phu thượng thừa như vậy, nhưng mỗi người đều có thể chuẩn bị cho mình một tư thế nếu bị thất tình, hoặc một bản lĩnh để nói không với chữ yêu. Nói không, không có nghĩa trốn vào “hoang đảo”, mà là quán thân bất tịnh như Phật đã nói thân này như cái túi đựng dồ dơ, phân, nước tiểu, nước mũi, mồ hôi… có gì đáng yêu. Rồi quán vô thường, nay yêu mai ghét là tâm chúng sinh, trách hờn chi họ.
Quán nghiệp duyên nhân quả, thôi thì vay trả cho xong, sòng phẳng không oán thù, nếu còn giận thì kiếp sau còn gặp lại, chao ôi là nguy hiểm. Quán người đó là mẹ cha anh chị em con cháu nhiều đời nhiều kiếp của mình, thì không dám yêu. Còn nhiều phương thuốc nữa Phật đã kê toa trong kinh điển, đọc rồi sẽ thấy. Bao nhiêu đó chắc trị được bệnh yêu của chúng ta hơn là những pháo đài hoặc hoang đảo giả tạo mà ta tự xây rồi cũng tự phá dễ dàng, không có gì bảo đảm.
Tất nhiên, nếu ai yêu mà sống tử tế hơn, hạnh phúc hơn thì Phật không cấm, bởi đó là Tục đế. Nhưng nếu cố gắng vươn tới Chân đế để thoát được ái tình thì quả là tuyệt diệu! Bởi sự thật là chữ tình rất nghiệt ngã, luân hồi lục đạo trong mỗi ngày chứ đâu đợi đầu thai kiếp nào. Lúc vui vẻ thì có thiên đường, khi gây gổ giận hờn lập tức hiển bày địa ngục, khi đói khát dục tình là ngạ quỷ, súc sinh…Quán rồi mới sợ. Không quán chiếu, không nghiền ngẫm thì chữ tình cứ dẫn ta đi!
Diệu Kim
http://www.giacngo.vn/tetquyty2013/vannghe/