Tản Mạn Về Phận Nữ Nhi

Trước đây mỗi lần đọc xong Phẩm ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa tôi đều tán đồng với Ngài Xá lợi Phất vè những chướng ngại mà phận nữ nhi thường tình gặp phải khi được sinh ra dù dưới thời đại nào, nhất là ngày nay thế giới ngày càng đông đảo hơn, sự bất an càng có khuynh hướng gia tăng một cách khủng khiếp cho nên có nhiều việc tôi thấy những khả năng tích cực mà tôi có thể đóng góp cho Đời hay Đạo đã bị đóng khung một cách hạn hẹp và từ đó đôi lúc phiền não xảy đến tôi thường ao ước “PHẢI CHI HỒI ĐÓ MÌNH ĐƯỢC SANH RA LÀ MỘT NAM NHI” như các ông anh của mình.

Tuy nhiên từ khi xem lại tiểu sử các nữ danh nhân và mới đây của Margaret Thatcher cũng như nhất là các vụ ly dị xảy ra trong những người thân trong gia đình tôi càng ngày càng gia tăng hơn bao giờ hết, điều này đã khiến tôi nhiều lần phải suy nghĩ và tự hỏi “Thật sự có cần nam nữ bình quyền không ?” Và sự thành công ngoài xã hội của phụ nữ ngày nay ngoài xã hội có đem lại hạnh phúc trong gia đình hay không, hay là chúng ta nên dung hoà giữa quan niệm cũ ” xuất giá tòng phu “ của ngày xưa và nền văn minh tiến hóa hiện đại để gia đình khỏi bị đổ vỡ và những con trẻ không bị nỗi ám ảnh cô đơn không biết nương dựa vào ai khi cần học hỏi và trưởng thành.

Còn nhớ khi vừa trường nữ trung học, các lớp bắt đầu (hiện nay gọi là grade 7, 8) chúng tôi thường có giờ nữ công gia chánh và các giờ dạy về giáo dục gia đình, bà giáo tôi được học là phu nhân của một tâm lý gia và những bài học tôi học được đã giúp tôi và các con tôi sau này được chút bình ổn trong cuộc sống.

Tôi xin đơn cử vài thí dụ sau đây, nếu các bạn thấy không phù hợp hay quá lỗi thời hãy tiếp tục phản hồi để tìm ra một lối thoát chung nhé
Bà khuyên: ” Sau này các em nếu tốt nghiệp và có địa vị cao trong xã hội và khi lập gia đình nếu một khi các em khám phá ra mình tài giỏi hơn chồng mình nhiều khía cạnh, tôi thành thật khuyên các em lúc nào cũng nên nhường lui và giả bộ ngu ngơ trước mọi vấn đề để cho người chồng giải quyết và chỉ khi nào họ bế tắc lúc đó mình mới nhẹ nhàng góp ý và sửa sai kịp lúc đúng thời ngoài ra rất cần giữ mồm miệng đừng chanh chua, nói móc nói vặn, có như thế mọi chuyện gì rồi ra cũng êm thỏa ” .

Còn nữa đừng bao giờ dành hết thì giờ bên ngoài mà quên lo chăm sóc bửa cơm tối gia đình, đây là giờ đoàn tụ và thăm hỏi chăm sóc cho nhau, biểu lộ tình thương của mái ấm gia đình ….

Và nhất là đừng bao giờ phải ngại khi xin lỗi những điều mình làm sai và luôn tán dương khen ngợi những việc thiện lành hữu ích mà người phối ngẫu mình đã làm được đôi khi còn phải khâm phục nữa, người Việt mình rất hạn chế lời khen ….

Bây giờ nhìn lại và nhất là khi học Đạo rồi tôi mới thấy quả là có lý, một gia đình luôn an lành và vang tiếng nói cười mới không xảy ra những trách cứ, hụt hẵng rồi tìm cách trả thù và phá hoại cho tan nát thêm như hiện nay một vài gia đình tôi đã gặp chỉ vì họ đã để mất đi những điều đáng trân quý làm cho phải hối hận và đau khổ sau này.

Như vậy vai trò của người phụ nữ trong gia đình quan trọng lắm và tôi thấy không cần phải tỏ ra mình dũng mãnh oai nghi như nam giới nữa, mà tự biết an phận thủ thường cứ làm trọn vẹn hết nhiệm vụ của mình thì đã là một sự đóng góp cho đời và xã hội rồi.

Và mới đây khi gặp một cô bạn ly dị chồng nhiều năm nhưng vẫn hối tiếc và có đọc cho tôi nghe bài thơ cô sáng tác để nói lên thân phận mình thì tôi không còn nghĩ gì đến phận nữ nhi cả.

XIN TRẢ TÔI VỀ

Xin trả tôi về
      …..  những ngày xưa thân ái
Nền nếp cổ xưa thắm đượm tình người
Khắp đó đây luôn vang tiếng nói cười
Câu chào hỏi chứa chan lòng chân thật

Xin trả tôi về
      …..  dù ngày luôn tất bật
Bên bếp than hồng, tay nắm lấy bàn tay
Tiếng hát như ru…. đi nhẹ vào tai
Chừ đổi thay.. nhớ làm sao kỷ niệm !!

Xin thắp sáng
     …..  Phút giây lung linh mầu nhiệm
Để du hành về thế giới thần tiên
Bên nhau cười thoải mái rất hồn nhiên …
Gió ơi… giữ im đấy nhớ đừng cho lay động

Những ngày xưa thân ái… trân quý biết dường bao

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.