Quan Thế Âm Bồ-tát Trong Tín Ngưỡng Thần Tài Của Người Trung Quốc

Lễ vật có: Nhang, nến, áo Quan Âm, tiền giấy, trà, nước, ngũ quả: chuối (chiêu tài), nho (phú quý), cam (tất cả mong muốn đều thành sự thật), dứa (thơm) (tài vượng), quýt (cát tường, lợi lạc) hoặc các loại khác, tùy tâm. Sau khi bái lạy thì dâng hương, nến và niệm chú Quan Âm, có thể 18 lần hoặc 108 lần. Cầu mong được sự bảo hộ, sức khỏe, tài vận hanh thông, mua may bán đắt…

Ngoài tập tục “Quan Âm khai khố” kể trên, trong dân gian Trung Quốc còn diễn ra một tập tục khác, gọi là “Sinh Thái hội” hay “Sinh Tài hội”. Nhưng so với “Quan Âm khai khố”, thì tập tục này ít phổ biến hơn và chủ yếu diễn ra ở các địa phương: Quảng Châu, Nam Hải Phật Sơn, Thuận Đức, Đông Hoàn thuộc tỉnh Quảng Đông. Và nếu như ngày “Quan Âm khai khố”, giữa các địa phương này có sự tương đồng về mặt thời gian (26 tháng Giêng), thì “Sinh Thái hội” lại có sự khác biệt. Bởi “Sinh Thái hội” được tổ chức đúng vào ngày Quan Âm đản sanh, mà ngày này giữa các địa phương là không giống nhau. Có nơi cho rằng đó là ngày 26 tháng Giêng, nhưng có nơi cho là ngày 24 tháng Giêng. Chính vì vậy mà thời gian, địa điểm, nghi thức tổ chức giữa các địa phương này là hoàn toàn khác nhau. Nhưng ý nghĩa của lễ hội thì cơ bản giống nhau, đó là: cầu tài, cầu con, tích phúc, cầu mong sự bình an, sức khỏe, cầu cho gia tộc phồn vinh, thịnh vượng… Những nội dung này so với “Quan Âm khai khố” thì phong phú hơn, bởi nội dung chủ yếu của “Quan Âm khai khố” chỉ là cầu tài.

quan the am bo tat, quan am tu, tp con minh, tinh van nam.JPG

Quan Thế Âm Bồ tát, chùa Quan Âm, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Thái Hòa

Các hoạt động trong “Sinh Thái hội” bao gồm: Mượn tiền Quan Âm, Quan Âm xuất du, diễn kịch, múa lân,… và đặc biệt là tập tục ăn món “bánh (cải) xà lách”. Xà lách trong tiếng Hoa là “生菜”, phiên âm Hán Việt là “Sinh Thái”, có ý là sinh tài. Món bánh này với nguyên liệu chủ yếu là: Xà lách, thịt nghêu, hẹ, với hàm ý: Trong chữ Xà Lách, có chữ Sinh, là tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, có (đường) hướng Sinh tài; Thịt nghêu (“蚬肉”phiên âm Hán Việt là ‘hiển nhục’) có nhiều chất béo, tượng trưng cho việc phát tài, tục gọi là “Phát tài hiển nhục”, hoặc “Hiển nhục đại phát”; còn Hẹ, tiếng Hoa là “韭菜”, phiên âm Hán Việt là Cửu Thái. Chữ Cửu (trong Cửu Thái) đồng âm với Cửu(久)có nghĩa là lâu dài, vì thế mà Hẹ ở đây tượng trưng cho sự trường cửu. Do vậy, ý nghĩa của món bánh này là: “Sinh tài, Phát tài, Trường cửu”.

Theo quan niệm dân gian, việc ăn “bánh xà lách” thể hiện hy vọng của con người và tài vật đều hưng thịnh, phát đạt và lâu dài. Thế nên, ăn càng nhiều thì phát tài càng nhiều. Ngoài ra, ăn “bánh xà lách” còn liên quan đến tâm lý chia sẻ thức ăn cho mọi người và mọi vật cùng thụ hưởng, để cầu mong được Thần, Phật phò hộ, độ trì. Nhưng điểm đáng chú ý ở đây là ngày Quan Âm đản sanh thì phải ăn chay, song trong món bánh này lại có thịt (nghêu), điều này cho thấy “quan niệm về thần linh trong tập tục của dân gian đã tương đối nhạt nhòa(9).

Ngoài ra, ở Trung Quốc hiện nay còn có nhiều địa phương khác như tỉnh Hồ Nam, Vân Nam… thờ phụng Quan Âm và xem Quan Âm như một Văn Thần Tài trong việc bảo hộ, ban tài, phát lộc. Đặc biệt là trong các cửa hàng buôn bán, Quan Âm được thờ chung với các vị Thần tài khác của dân gian, có khi là tranh vẽ, ảnh chụp, nhưng đa số là tượng ngồi, có kích thước nhỏ với nhiều chất liệu khác nhau…

Như vậy, Quan Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn được kính ngưỡng không chỉ trong Phật giới, mà còn cả trong tâm thức của dân gian nhiều địa phương ở Trung Quốc. Bởi với họ, Quan Âm còn là một vị Thần tài trong cuộc sống hàng ngày, trong kinh doanh buôn bán, trong tâm nguyện, ước mong về một cuộc sống sung túc, đủ đầy… Điều đó được thể hiện qua việc thờ phụng, qua các truyền thuyết và cả tập tục “Quan Âm khai khố” vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. Và tập tục này, không chỉ diễn ra tại Trung Quốc, mà còn theo các lưu dân lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới có cộng đồng người Hoa sinh sống, trong đó có cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.

Chú thích

(1) http://www.phatviet.com/dichthuat/httrithu/tntttt/kinh/kinh_09.htm

(2) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(3) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(4) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(5) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,116 页。

(6) 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(7) 陈支平,詹石窗 (2004),“透视中国东南:文化经济的整合研究”(下册),厦门大学出版社,888-889 页。

(8) 刘居上 (2003),“阜峰岐水”,澳门:国际港澳出版社,49 页。

(9) 冯沛祖 (2009),“慈爱人间–广东观音诞与观音开库”,广东教育出版社,134页。

Nguyễn Thái Hòa

 http://giacngo.vn/nguyetsan/triethoc/2012/08/07/3B5651/

__________________________________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 刘居上 (2003), “阜峰岐水”,澳门:国际港澳出版社。

2. 陈支平,詹石窗 (2004), “透视中国东南:文化经济的整合研究”(下册),厦大学出版社。

3. 刘辉(2008),“观音信仰民俗探源”,成都,四川出版集团巴蜀书社。

4. 马书田,马书侠(2008),“全像福寿财神”,南昌:江西美术出版社。

5. 冯沛祖 (2009),“慈爱人间–广东观音诞与观音开库”,广东教育出版社。

6. 李跃忠(2009),“财神”, 北京:中国社会出版社。

7. 周秋良(2011),“观音故事与观音信仰研究”,广东高等教育出版社
This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.