Lợi và hại trong những tập tục lễ tết

Điên trần truồng

Luận Đại trí độ kể rằng:

Ở Nam Thiên Trúc có vị pháp sư giảng về ngũ giới. Trong đó có nhiều ngoại đạo đến nghe. Nghe xong quốc vương nước đó vấn nạn pháp sư:

– Nếu đúng như lời ngài nói, người uống rượu cũng như kẻ cho rượu đều phải chịu quả báo điên khùng, thì đáng ra đời này người điên phải nhiều hơn người tỉnh, sao người điên ít mà người tỉnh lại nhiều?

Hàng ngoại đạo vẫy tay tán đồng:

– Đúng! Đúng! Người tỉnh nhiều hơn người điên. Vua thật là người lợi trí. Lời vấn nạn thâm thúy thay! Nhất định gã trọc đầu ngồi tòa cao kia không thể nào trả lời.

Pháp sư không trả lời mà lấy tay chỉ hàng ngoại đạo rồi nói qua chuyện khác. Vua liền hiểu.

Hàng ngoại đạo xầm xì:

– Lời vấn nạn quá thâm thúy đâu thể trả lời. Xấu hổ nên đưa tay chỉ chỉ rồi nói qua chuyện khác.

Vua nói với các ngoại đạo:

– Pháp sư lấy tay chỉ chỉ là đã nói xong. Vì muốn bảo vệ các ngươi nên không trả lời mà lấy tay chỉ chỉ, là muốn nói lũ điên chính là các ngươi. Điên không phải ít. Các ngươi lấy tro bôi người, trần truồng không biết hổ thẹn. Dùng đầu lâu của người đựng phân mà ăn. Mùa đông thì nhảy vào nước, mùa hạ lại hơ lửa. Các việc làm phi đạo như thế đều là hình thức của điên khùng. Lại vùi mình trong cát mà cho là tiêu hết tội lỗi. Những việc cưỡng nhân trái duyên như thế mà cho là nhân duyên của nhau, không phải điên là gì?

Nói chung, những suy nghĩ và hành động nào trái với chánh kiến, gây tạo nhân quả không phù hợp với những gì kinh Thập thiện đã nói, đều là hình thức của điên cuồng. Phật nói điên đảo. Tổ Long Thọ nói “điên trần truồng”. Nói điên, vì nó trái với quy luật bình thường.

Thế gian này, có những cái điên lộ hẳn ra ngoài, được mời ngay vào nhà thương điên thì dễ thấy rồi. Nhưng cái gọi là “điên trần truồng” đây thì ít ai thấy mà gần như ai cũng có, chỉ là ít hay nhiều, cạn hay sâu mà thôi.

Không tin vào lý nhân quả, giết người hàng loạt để lên Niết- bàn, giết hại sinh vật làm lễ tế tự với mong cầu được sức khỏe, muốn giàu có phải tranh giành chụp giựt, tham nhũng, thỉnh bùa, chú ngải v.v… đều là hình thức của điên trần truồng.

Uống rượu là một trong những cái nhân đưa đến tà kiến. Từ tà kiến mà có hoạn nạn, tai ương, nhưng hiện nay ít ai tin điều đó. Đáng nói là dù rượu đưa đến khá nhiều thảm họa trước mắt, nó vẫn được đa phần mọi giới ca tụng và xem như một thú tiêu khiển không thể thiếu trong các buổi trà tiệc. Thế giới ngày càng đảo điên một phần là đó.

Xuân của bậc đạo nhân

Dù may mắn hay bất hạnh thì xuân về, không phải chỉ mang sự sống và niềm vui đến muôn loài. Niềm vui của loài này có khi là nỗi đau của loài khác. Sự sống của loài này có khi là sự chết chóc của loài khác. Ta hồ hởi đón xuân với những vật phẩm tốt lành nhưng lũ súc vật thì không. Một nỗi sợ hãi và chấm dứt thân mạng khá đau khổ. Niềm vui của ta hình thành một phần từ nỗi đau của kẻ khác, nên cái quả mà ta có được là một thế giới Sa-bà phân ranh, không ngừng chiến tranh, thù hận, nạn tai và chết chóc. Không như xuân của những kẻ miền núi vô sự:

Ở núi, việc không, cửa đóng gài
Độc tọa tâm cùng, dứt thấy nghe
Màn giấy tùng mai trăng rọi sáng
Nhân gian chỉ đó một càn khôn.
(Sơn Cư Bách Vịnh)

Ở núi không người thì xuân về đâu phải tiếp khách mà cửa không đóng, việc cho nhiều? Một mình một chợ thư thả đất trời như chốn không người. Người nhàn cảnh nhàn, người như cảnh như. Vật ngã đều quên, bỉ thử vắng bóng. Tâm không cảnh không thì thấy nghe không tồn tại. Chỉ như trăng sáng chiếu khắp đất trời. Vạn vật đều tỏ như trăng soi bóng nước. Trạm nhiên chưa từng vắng thiếu.

Hòa thượng Thường Chiếu bình: “Bậc siêu thoát trí hạnh viên dung, thấy nghe không phân biệt. Xoay thấy nghe trở về tâm. Đây là bậc đại trí đại hạnh. Cảnh giới của Văn Thù, Phổ Hiền toàn bày đầy đủ. Điền địa này siêu tuyệt, ít người vãng lai, vượt khỏi nhị biên, siêu thoát thể nhập. Người đến được đất này thường ngồi trên lưng voi hoặc cỡi sư tử dạo khắp đó đây, tùy duyên hóa độ làm lợi ích chúng sinh…”, rồi nói  kệ rằng(4):

Trên ngọn Diệu Phong rong tự tại
Xem xét mười phương
chúng khổ đau
Khởi từ phương tiện tùy ứng hóa
Đưa chúng đồng lên bờ Niết-bàn.

Mới hay, núi cao một mình không ngoài núi tâm vô sự. Tâm không cảnh không thì ngay chốn thành thị đồng bằng vẫn là trên đỉnh Diệu Phong thong dong tự tại. Từ tâm khai phát thì không vì cái vui của mình mà động đến nỗi đau muôn loài. Không vì sở thích của mình mà phá bỏ cái vui của muôn người. Xuân xuân từ đó khắp nơi. Xuân xuân từ đó mọi thời. Đây là tế đàn mà phần thiết lập tế đàn ít phức tạp phiền nhiễu nhưng quả báo lợi ích thì không gì bằng, như Đức Phật đã nói với Kutadanta:

 – Này Kutadanta! Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, tất cả thế giới, với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhân, lại tuyên thuyết điều đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Nếu có người nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sinh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị này suy nghĩ về đời sống từ bỏ dục lạc ở gia đình. Một thời gian sau, người ấy từ bỏ tất cả, sống đời sống không gia đình. Khi đã xuất gia, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập giới học. Thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Sinh hoạt trong sạch. Giới hạnh đầy đủ. Thủ hộ các căn. Chánh niệm tỉnh giác. Biết tri túc… Đó là tế đàn ít phiền nhiễu nhất mà lợi ích thì lớn lao nhất.

Hay và không hay – Giữ và bỏ

Tập tục truyền lại không phải cái gì cũng hay. Có cái hay mà có cái không hay. Làm lễ tạ ơn trời Phật thần linh vì lòng biết ơn là hay, nhưng sát sinh hại vật làm lễ dâng cúng thì không hay. Làm lễ tạ ơn Trời Phật là hay nhưng giao phó tính mạng của mình vào tay Trời Phật thì không hay. Vấy máu súc vật cùng khắp là không hay nhưng giữ tâm hoan hỷ, không để phiền não hiện hình vào những ngày đầu năm là hay. Sửa soạn nhà cửa, thức ăn dự trữ đầy đủ là hay, nhưng phải đi vay nợ để tạo sự sung túc tạm bợ vì mê tín dị đoan thì không hay v.v…

Hay, nối tiếp giữ gìn thì dễ, vì nó thuận với thói quen và tập tục của mọi người. Nhưng với cái không hay thì từ bỏ không phải dễ. Bởi cưỡng lại thói quen tạo ra sự bất an cho chính mình. Đi trái lại tập tục của tập thể đông đảo cũng tạo ra sự bất an không nhỏ. Do đó chúng ta dễ bị các tập tục xấu trói buộc khiến phải gặt quả xấu trong tương lai. Cho nên, muốn bỏ những tập tục xấu, đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vững mạnh vào những gì Như Lai đã nói. Có trí tuệ để học hiểu và nhìn nhận vấn đề cho chính xác. Tránh tình trạng đi từ cực này sang cực kia, dứt bỏ luôn cả những điều tốt đẹp, rơi vào chấp không nhân quả. Và cuối cùng, cần có định lực và can đảm để dứt bỏ những gì cần dứt bỏ. Tự mình dứt bỏ và động viên người khác dứt bỏ để cuộc sống được an vui thật sự.

Sang năm mới, nguyện cho tất cả chúng sinh có được niềm tin sâu sắc đối với giáo pháp của Như Lai. Tự lợi và lợi tha rộng rãi để thế giới được an bình, nơi nơi được ấm no, đao binh và nạn tai chấm dứt.

Chân Hiền Tâm

http://www.phathoc.net

______________

 Chú thích

(1) Phần lễ tết của các bộ tộc đều được lấy ra từ cuốn Nếp cũ của nhà văn Toan Ánh.

(2) Sau cái chết của ông, có nhiều việc không hay xảy ra trong làng, nên dân làng cho rằng ông chết vào giờ linh mà lập miễu thờ tự.

(3) Đây đang nói đến phước báu Nhân Thiên nên có việc vui trong ngũ dục.

(4) Sơn cư bách vịnh, HT.Thích Nhật Quang chú dịch.

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.