Những Câu Chuyện Thiền Môn – Trà Đạo

Thường lệ, sau giờ công phu, chú Huệ Minh hay nấu nước pha trà cho Thầy. Việc pha trà và hầu trà đối với chú bây giờ không còn khó khăn như hồi trước nữa. Vì chú đã học hỏi từ vị sư huynh của mình. Năm xưa, khi thầy Huệ Văn mới vào chùa, thì đã được vị sư phụ chỉ dạy về cách thức pha trà. Bởi pha trà cũng là một nghệ thuật. Dù trà có ngon mà không biết cách pha cho đúng mức, thì trà ngon cũng trở thành dở. Nhờ pha trà thường cho Thầy, nên thầy Huệ Văn đã trở thành một tay thiện nghệ pha trà. Nhà sư trụ trì rất ưng ý hài lòng về cách pha trà của người đệ tử của mình. Khi chú Huệ Minh vào chùa được một năm, thì thầy Huệ Văn trao nghề pha trà lại cho chú. Chú được vị sư huynh chỉ dạy thật tỉ mỉ. Từ việc súc bình trà, rửa tách, nấu nước, chọn loại trà, cho đến việc bỏ trà vào bình và chế nước sôi vào, mỗi mỗi thầy Huệ Văn đều chỉ cho chú rất kỹ càng.

Cứ mỗi lần pha trà xong, chú đều mang đến cho sư phụ. Nhà sư thích uống trà vào mỗi buổi sáng sớm. Khác hơn mọi khi, hôm nay sau khi mang trà đến, nhà sư bảo chú đi mời thầy Huệ Văn đến để nghe nhà sư giảng dạy đôi điều. Chú vâng lời đi tìm mời vị sư huynh của mình. Hai huynh đệ đến trước mặt nhà sư và thi lễ kính cẩn cúi đầu xá chào sư phụ. Nhà sư bảo hai người kéo ghế ngồi xuống và lắng nghe.

Nhà sư vừa rót trà vào tách và nói, hôm nay thầy gọi hai con đến đây để thầy kể cho hai con nghe một vài việc có liên quan đến trà và nghi cách thưởng thức trà. Từ trước tới nay, thầy chỉ dạy cho Huệ Văn về cách chọn và pha trà, nhưng thầy chưa có nói đến việc phát triển nghệ thuật trà đạo. Các con nên biết, trà đạo phát xuất ở Nhật Bản, tuy thầy chưa rõ nguồn gốc của nó như thế nào, chỉ thấy sách ghi lại là trong văn hóa Nhật Bản trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12.

Nhà sư nói đến đây, thì thầy Huệ Văn như tò mò muốn biết về truyền thống trà đạo của Nhật Bản nên Thầy liền hỏi sư phụ:

– Bạch sư phụ, xin sư phụ có thể cho chúng con biết ai là người phát khởi ra việc sản xuất trà và nghi cách uống trà ở Nhật Bản?

Nhà sư chậm rãi, hai tay bưng nhẹ tách trà lên như để thấm giọng rồi từ từ khẻ nói: “Theo truyền thuyết Nhật Bản cho rằng vào khoảng thế kỷ 12 như đã nói, có một nhà sư người Nhật tên là Eisai ( 1141 – 1215 ) sang Trung Hoa tham vấn học đạo. Khi về nước, ông có mang theo một số hạt trà về trồng ở vườn chùa. Về sau ông có sáng tác một tác phẩm: “Khiết Trà Dưỡng Sanh Ký”. Trong đó, ghi lại những việc liên quan đến thú uống trà. Từ đó trà được phổ biến dần trong dân gian, tuy nhiên cũng chưa được phổ cập rộng rãi lắm. Nghệ thuật uống trà tạo phong cách tình cảm riêng của người Nhật Bản. Điều lý thú, là họ khéo kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền Phật giáo, điều đó đã nghiễm nhiên trở thành một nghệ thuật trà đạo. Và chính nghệ thuật trà đạo nầy trở nên đặc sản của người Nhật.

Như không để nhà sư nói tiếp, chú Huệ Minh nhanh miệng liền hỏi:

– Bạch sư phụ, sư phụ có thể cho chúng con biết thêm về tiến trình của trà đạo như thế nào được không?

– Từ uống trà, cách uống trà, rồi nghi thức uống trà cho đến trà đạo là một tiến trình không dừng, mà chủ đích cuối cùng người Nhật muốn hướng đến là cải biến tục uống trà trở thành một đạo lý hay một nghệ thuật sống cao đẹp đặc thù của dân tộc họ. Bởi vậy, người Nhật coi việc uống trà không phải chỉ để tiêu khiển đàm tiếu những chuyện phù phiếm vu vơ ở thế gian, mà uống trà với một nghi thức trang trọng nhằm thanh tịnh hóa thân tâm để hòa mình cùng cảnh vật với thiên nhiên, và nâng cao đời sống tâm linh cho phù hợp với lẽ đạo. Do đó, cách uống trà của họ rất là thiền vị.

Nói đến đây, thầy Huệ Văn liền hỏi:

– Bạch sư phụ, như vậy uống trà cũng là một văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Nhật Bản, con muốn biết thêm về quá trình lịch sử trà đạo của họ trải qua những giai đoạn như thế nào? Cúi xin sư phụ từ bi giảng giải cho chúng con được rõ.

– Theo thầy được biết, thì có ba giai đoạn:

Giai đoạn một, sách sử ghi lại: “vào thế kỷ thứ 8 – 14 trà bắt đầu sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc. Lúc đó có các cuộc thi đấu đoán tên trà. Văn hóa uống trà giai đoạn đó được coi như là những trò chơi xa xỉ và tầng lớp quý tộc rất thích dụng cụ uống trà Trung Quốc”.

Trong giai đoạn nầy, việc uống trà đối với họ thật là xô bồ và không có một nghệ thuật giá trị gì. Bấy giờ có một nhà sư tên của ông ta là Murala Juko đã khám phá ra một vẻ đẹp kỳ lạ của việc uống trà, tuy thật giản dị, nhưng rất bổ ích lợi lạc cho đời sống tinh thần và từ đó ông bắt đầu khởi xướng và phát huy trà đạo. Có thể nói, trà đạo bắt đầu có mặt với người dân Nhật từ đó. Như vậy, các con thấy trà đạo bắt nguồn từ trong cửa thiền mà ra.

Chú Huệ Minh hỏi tiếp:

-Bạch sư phụ còn giai đoạn hai thế nào?

Giai đoạn hai, sách sử ghi rằng: “Sau thời Jyoo, đến thế kỷ 16 là thời của Senno Rikiu. Ông nầy là người tạo nên một nghệ thuật văn hóa trà đạo trong giới võ sĩ. Chính ông là thầy dạy trà đạo cho Oda Nobunaga ( người đứng đầu võ sĩ ) của thời Azuchi. Sau khi Oda Nobunaga qua đời, Toyotoni Hideyoshi lên thì Senno Rikyu tiếp tục dạy cho ông nầy. Sự hoạt động của Senno Rikyu gây ảnh hưởng lớn mạnh khá sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ, đồng thời cũng tác động ảnh hưởng mạnh đến chính trị thời đó”.

Nhà sư nói đến đây, thì chú Huệ Minh đứng lên nhẹ nhàng hai tay cầm bình trà và rót vào tách cho Thầy. Theo thói quen, chú rót từ rừ chậm rãi và rất trịnh trọng. Xong, chú thỉnh nhà sư dùng trà.

Nhà sư vừa dùng trà vừa nói tiếp:

Các con biết, giai đoạn ba, là giai đoạn mà người ta thường gọi là trà đạo trong thời hội nhập. Sự tham gia trà đạo đã được mở rộng không còn giới hạn như trước. Đây là giai đoạn mà trà đạo đã biến đổi, nghĩa là trong mỗi phòng trà đều có thiết bị một số bàn ghế gỗ cho khách ngồi. Cách ngồi nầy là dành cho những trà khách phương Tây không quen theo lối ngồi truyền thống của người Nhật.

Đến đây, thầy Huệ Văn lại hỏi tiếp:

-Bạch sư phụ, con có nghe nói đến trà thất và những dụng cụ được sử dụng trong trà thất, nhưng con chưa có rõ những việc đó như thế nào, nay cúi xin sư phụ từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

-Trà thất là một căn phòng thông thường có kích thước nhỏ nhất là khoảng 3 mét vuông. Trong phòng người ta thường trải những tấm tatami hay chiếu tre được sắp xếp thành hình vuông trông rất đẹp mắt. Về các dụng cụ được trang trí trong trà thất gồm có các thứ: Tranh, thơ, câu liễn, câu đối v.v… Các bức tranh được trưng bày về những nét đẹp phong cảnh thiên nhiên và những câu thơ, câu liễn, câu đối hay thư pháp, nội dung đều nói lên ý nghĩa siêu thoát. Những thứ nầy người ta treo hoặc dán trên tường làm tăng thêm vẻ đẹp thanh nhã trong trà thất. Ngoài ra, người ta còn chưng bày một vài đóa hoa được cắm trong bình, lọ, hay dĩa nhỏ, được đặt một nơi trang nhã thích hợp. Nó có tác dụng làm cho căn phòng thêm sinh động và tạo cho người ta có một cảm giác thoải mái gần gũi với thiên nhiên hơn. Người ta còn để một lư trầm ở một góc nào đó để cho mùi trầm hương thoang thoảng phảng phất nhẹ nhàng khiến cho mọi người thư giãn tinh thần, thoải mái dễ chịu. Điều quan trọng là người ta bày trí các đạo cụ trên một cách rất gọn gàng tránh sao đừng để chiếm diện tích phòng trà nhiều, tạo sự cân bằng hòa hợp theo phong thủy.

Nói đến đây, nhà sư đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ thấy có một vài tia nắng xuyên qua in trên nền gạch một vài ánh nắng lốm đốm của buổi ban mai. Nhà sư nhìn vào đôi mắt trong sáng của thầy Huệ Văn như thầm ý nhắc nhở người học trò mình có muốn thưa hỏi điều gì nữa không. Như ngầm hiểu được ý sư phụ, thầy Huệ Văn liền đứng lên chắp tay kính cẩn thưa:

– Bạch sư phụ, con còn có một thắc mắc muốn được hỏi sư phụ, mong sư phụ thương xót giải đáp cho chúng con.

– Con có thắc mắc gì cứ hỏi.

– Bạch sư phụ, nãy giờ con chưa nghe sư phụ đề cập đến những đạo cụ dùng trong việc pha chế và thưởng thức trà. Kính mong sư phụ giải thích cho chúng con rõ.

Như thầy đã nói, việc thưởng thức trà đối với người Nhật Bản, họ coi đó không phải là chuyện tiêu khiển thường, theo kiểu trà dư tửu hậu, mà nó rất quan trọng đối với họ. Vì đó là một nghệ thuật sống rất thú vị bổ ích cho đời sống tâm linh của họ. Vì thế, nên tất cả những gì liên quan đến việc uống trà họ đều quan tâm kỹ lưỡng trong việc sử dụng. Chẳng hạn như: nước pha trà, ấm nước, lò nấu nước, hũ đựng nước, chén trà, hũ, lọ đựng trà, khăn fukusa, khăn chakin, khăn kobukusa, muỗng múc trà, cây đánh trà, bình trà, tách trà nhỏ, bánh ngọt… Tất cả những dụng cụ nầy đều phải được sử dụng đến.

Đó là thầy chỉ nêu ra những thứ mà họ thường dùng. Bây giờ thầy nói rõ thêm từng thứ một cho các con hiểu. Đây là những dụng cụ mà thầy thấy người ta nêu ra trong quyển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia.

Nước pha trà: người ta thường dùng nước suối, nước giếng, nước mưa, hay nước đã qua khâu tinh lọc.

Ấm nước: dùng đun sôi để pha trà, thường được làm bằng đồng để giữ độ nóng cao.

Lò nấu nước: bếp lò bằng đồng thường dùng than để nấu. Nhưng ngày nay người Nhật đã thay than bằng một bếp điện để bên trong lò đồng.

Chén trà: chén dùng để đựng trà cho khách thưởng thức. Chén được làm bằng men, công phu tỉ mỉ và mỗi chén có những họa tiết độc đáo riêng. Những nghệ nhân chế tạo chén thường thì họ họa các cảnh thiên nhiên phù hợp với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông.

– Mùa xuân, thì họ họa chén có những hoa văn tiêu biểu cho mùa xuân, như hoa anh đào.

– Mùa hạ là mùa nóng bức nên chén trà có độ cao thấp hơn, miệng rộng hơn chén trà mùa xuân để dễ thoát hơi nóng.

– Mùa thu: chén trà có hình dạng giống chén mùa xuân, có hoa văn đặc trưng cho mùa thu như lá phong, lá monizi.

– Mùa đông: là mùa lạnh nên chén có độ dày và cao hơn các chén mùa khác để giữ độ nóng lâu hơn. Màu sắc của men cũng mang gam màu lạnh.

Hũ, lọ đựng trà: bên ngoài cũng được trang trí họa tiết rất đẹp, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, nhưng cũng mang tính thẩm mỹ cao. Trên nắp hũ có nhiều loại hình vẽ khác nhau.

Khăn fukusa và khăn chakin, loại khăn nầy là để lau hũ, lọ, chén, muỗng, trước khi pha trà, được làm bằng vải mùng màu trắng. Còn khăn Kobukusa đặc biệt là dùng để kê chén trà lên trên tay khi mang trà đến cho khách dùng.

Muỗng múc trà: chiếc muỗng bằng tre, dài đầu uốn cong để múc trà.

Gáo múc nước: chiếc gáo bằng tre, nhỏ, dài để múc nước từ trong ấm nước, hũ đựng nước ra chén trà.

Cây đánh trà: dùng để đánh tan trà với nước sôi. Được làm từ tre, ống tre được chẻ nhỏ một đầu thành nhiều cọng tre có kích thước nhỏ khoảng 1 mm.

Bình trà: để pha trà lá.

Tách trà nhỏ: để thưởng thức loại trà lá.

Bánh ngọt: dùng bánh trưóc khi uống trà sẽ làm cho khách cảm nhận hương vị đậm đà đặc sắc của trà.

Sau khi nghe qua nhà sư kể ra những thứ dụng cụ đó, chú Huệ Minh liền vội đứng lên chắp tay hỏi sư phụ:

– Bạch sư phụ, con có nghe nói là những người Nhật thích uống trà họ thường thành lập từng nhóm nhỏ, thậm chí còn có các trường phái uống trà khác nhau, không biết việc đó có đúng không?

– Đúng vậy. Ở Nhật, những người thích uống trà, họ thường kết hợp với nhau thành từng nhóm nhỏ không quá bốn người. Họ chọn địa điểm và ngày giờ để cùng tham gia thưởng thức. Thường họ tổ chức một buổi trà đạo đều có những quy định đặc biệt. Địa điểm có thể là ở vườn nhà hoặc ở trong trà thất, tùy theo thời tiết và sự chọn lựa của họ. Nếu là ở trong vườn thì khung cảnh ở trong ngôi vườn đó phải tao nhã và cảnh trí chung quanh rất nên thơ ngoạn mục. Những gia đình khá giả thì họ xây dựng có nhiều phòng riêng biệt. Như phòng trà, phòng đặt than và phòng nghỉ ngơi của khách. Về thời gian, thì họ tổ chức quy tụ ba buổi trong ngày: sáng, trưa và chiều tối. Họ quy định thời khắc rất rõ ràng. Khách được mời đến tham gia buổi trà đạo phải đến đúng giờ. Chủ nhân là người phải sành điệu và nghệ thuật cao trong việc pha trà.

Về các trường phái trà đạo, theo chỗ thầy biết, thì gồm có ba trường phái lớn ở Nhật là: Risenka, Hyosenka và Bushakoro Senka. Mỗi trường phái đều theo chế độ gia truyền, tức là con thường kế nghiệp cha làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.

Thầy còn nhớ ngày xưa, sư ông của các con cũng thường hay tổ chức những buổi thiền trà, hay trà đàm. Lúc đó, tuy thầy còn nhỏ tuổi, nhưng được sư ông thương nên cho thầy theo bên cạnh để hầu sư ông và được sư ông chỉ dạy cho thầy nhiều điều học hỏi thú vị. Học về cách pha trà và những thứ khác. Mỗi một buổi thiền trà như vậy, thời gian kéo dài cũng khoảng vài tiếng đồng hồ. Những vị được mời tham gia trong một buổi thiền trà hay trà đàm, thường là các bậc Tôn Đức trọng tuổi. Ngày xưa, một buổi thiền trà ít có các vị cư sĩ tham dự. Các vị thị giả hầu trà đa số là các chú Sa di trẻ tuổi. Như thầy năm đó tuổi còn nhỏ hơn chú Huệ Minh bây giờ. Khi hầu trà mình chỉ đứng quạt hầu các ngài và nghe các ngài đàm đạo.

Sư ông thường dạy, uống trà là một nghệ thuật trong cách sống để trưỡng dưỡng đời sống nội tâm. Khi uống trà mọi động tác của trà nhân phải nhẹ nhàng không nên thô tháo. Mọi cử động, nói năng, suy nghĩ đều phải có mặt trời chánh niệm soi sáng. Có chánh niệm, tất nhiên, đó là một hạnh phúc rất lớn. Chỉ cần ngồi bên nhau nâng nhẹ tách trà lên và để tâm thơ thới theo dõi từng hơi thở chánh niệm, thì khi đó chúng ta sẽ có tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc, không cần phải chạy tìm kiếm ở đâu xa. Thực sự nó có mặt ngay trong từng hơi thở của chúng ta.

Lâu nay, chúng ta cứ mãi lo đi tìm kiếm cái hạnh phúc ở bên ngoài. Hạnh phúc bên ngoài làm gì có. Giả sử có được hạnh phúc đi chăng nữa, thì đó cũng chẳng qua chỉ là những thứ hạnh phúc giả trá tạm bợ nhứt thời. Nó chỉ khỏa lấp tạm thời những lỗ trống khát vọng trong tâm thức của chúng ta mà thôi. Như các con xem truyền hình, nghe một bản nhạc hay, ăn thức ăn ngon cao lương mỹ vị, hay ngữi một bông hoa thơm ngát v.v… tất cả những thứ đó có rồi mất, qua rồi không. Không đợi đến qua rồi mới mất, mà ngay tự thể của nó cũng đã không thật rồi. Các con thử thắp đuốc đi tìm khắp nơi trên thế gian nầy, xem có nơi nào mà các con cảm thấy hài lòng hạnh phúc hết không?

Nếu nói trong đạo, thì chùa to Phật lớn, danh lợi địa vị, đất đai vườn tượt, bổn đạo đông đảo, đệ tử đông nhiều, ăn no mặc ấm v.v… thử hỏi những thứ nầy có thực sự hạnh phúc không? Hay chỉ là càng gây thêm rối rắm phiền phức? Nếu thực sự là hạnh phúc thì, Phật Tổ đâu có thật hành hạnh đầu đà phải chịu nhiều kham khổ? Và cũng không có chủ trương người xuất gia phải “Tam thường bất túc”. Như Đức Phật xưa kia ôm bát đi xin ăn, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, lấy đất làm chiếu, lấy sương làm mền. Tổ Ca Diếp suốt đời chỉ mặc một cái y phấn tảo để che thân. Tổ Hiếp Tôn Giả sau khi xuất gia, dù tuổi đã cao, nhưng Ngài vẫn theo hầu Tổ Phục Đà Tôn Giả ( Tổ thứ chín bên Ấn Độ ). Ngài hầu hạ bên Tổ, ngày thời xem ba tạng kinh, đêm lại ngồi thiền, chưa từng ngủ nghỉ, lưng không dính chiếu. Do đó, người đời đặt cho Ngài cái tên là Hiếp Tôn Giả. Còn Tổ Cao Phong Diệu Thiền Sư đời nhà Nguyên, tu khổ hạnh nguyện ba năm không nương giường chõng. Các con thấy, việc ăn, mặc ở đối với các Ngài rất đơn giản và không bao giờ dính mắc đắm nhiễm. Chính đó mới thực sự có hạnh phúc và mới thành Phật tác Tổ. Còn bây giờ mình hưởng thụ sung sướng nhiều quá, tâm ý buông lung theo ngũ dục, lục trần, thì thử hỏi làm sao thành tựu được đạo quả?! Cho nên các con muốn tiến đạo nghiêm thân, thì phải nhớ lời Phật Tổ dạy: “Tam Thường Bất Túc”. Nghĩa là ba thứ ăn, mặc và ngủ nghỉ phải vừa đủ không nên thụ hưởng quá nhiều.

Còn ở ngoài đời thì các con thấy, nhà cao cửa rộng, tiền kho bạc đụng, giàu có sang trọng, quyền uy tột bực, thế lực hơn người,vợ đẹp con ngoan, xe hơi đắc tiền quý giá v.v… tất cả những thứ đó có đem lại cho người ta thực sự hạnh phúc không? Nếu như những thứ đó thực sự là hạnh phúc, thì thái tử Sĩ Đạt Ta xưa kia không bỏ hoàng cung đi xuất gia. Và ông cư sĩ Bàng Long Uẩn đời Đường cũng không có dại dột gì mà đem vàng ròng đổ xuống sông hết. Ông vua thởi nhà Trần là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn cũng không từ bỏ ngôi vua đi xuất gia. Nếu như vật chất tiền bạc của cải, địa vị quyền uy v.v… đem lại hạnh phúc thực sự cho con người thì đâu có ai than khổ?! Có nhiều người tỷ phú, nhưng họ cũng vẫn cô đơn đau khổ cùng cực. Chắc chắn là họ sẽ không có được cái hạnh phúc như ba thầy trò của chúng mình đâu. Thầy hỏi các con trong đời nầy có ai được hạnh phúc cao tột như chư Phật chư Tổ không?

Chú Huệ Minh nhanh miệng liền đáp:

– Dạ thưa không.

– Như vậy thì các con nên đi tìm hạnh phúc ở đâu?

Thầy Huệ Văn không ngần ngại trả lời:

– Dạ, bạch sư phụ tìm hạnh phúc lại ở nơi chính mình.

– Chú Huệ Minh liền nói xen vào: Dạ, bạch sư phụ hạnh phúc ở nơi tách trà mà mình đang uống.

Nhà sư hỏi:

– Tại sao con nói ở nơi tách trà mình đang uống?

– Vì uống trà trong chánh niệm với sự có mặt thân tâm của mình ngay trong giây phút hiện tại. Mình không suy nghĩ đến chuyện quá khứ hay tương lai, mình chỉ sống ngay trong giây phút hiện tại thôi, như vậy không phải là hạnh phúc tuyệt vời lắm sao? Chỉ có sống được như vậy mới thực sự là siêu nghệ thuật và không còn lời gì để diễn tả là hạnh phúc hay không hạnh phúc nữa cả.

Nghe sư đệ của mình nói thế, thầy Huệ Văn thật không ngờ chú Huệ Minh lại thông minh và tiến bộ nhanh chóng trong sự tu tập như thế. Thầy nghĩ, mình không nên đánh giá con người qua tuổi tác. Và cũng không thể đánh giá con người qua sự học hỏi. Có những cái hiểu biết không phát sanh từ sách vở mà nó phát sanh từ năng lực của thiền định. Thầy nhìn vào đôi mắt trong sáng và ẩn chứa đầy sự hiền lành của chú Huệ Minh mà thầy thầm thán phục.

Còn nhà sư tuy trong tâm rất ưng ý hài lòng qua câu trả lời đầy thông minh của người học trò mình, nhưng ngài cũng không để lộ ra sự vui mừng hay khen ngợi. Quả đó là một sự tế nhị của nhà sư. Vì nhà sư không muốn cho người đệ tử của mình sanh tâm cống cao ngã mạn. Bởi một lời khen cũng có thể gây ra tác hại cho người đệ tử. Trong nhà thiền các vị Thiền sư không bao giờ khen ngợi ca tụng một đồ đệ trước mặt những người khác. Điều đó, tối kỵ trong nhà thiền. Vừa suy nghĩ tới đây, bỗng nghe ba tiếng kẻng từ trai đường vọng lên. Đó là ba tiếng kẻng do bà bảy đánh báo hiệu cho mọi người biết là đã tới giờ dùng sáng. Thế là ba thầy trò cùng nhau lặng lẽ cất bước đến trai đường thọ thực…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.