100 Cây Thuốc….

 10.  CÁC LOẠI HOA

108.  HOA BÁCH NHẬT

Tên khác:  Bách Nhật hồng, Nút áo, Cúc Bách nhật

Tên khoa học:  Gomphrena globosa

1.     Tính vị:  Vị ngọt, không độc.  Tính ôn A

2.     Hoạt chất:  Có chất béo, glucoside.  Các chất khác còn đang nghiên cứu.

3.     Dược năng:  Thanh huyết, sát trùng.

4.     Chủ trị:  Trị nhức đầu do phong thấp hành, tiêu đàm, cầm tả.  Trị các chứng chân tay ra nước.  Giúp sáng mắt, tỉnh tai.

5.     Xử dụng:  Hoa nấu uống:  tươi 30-40gr, khô 10-15gr với nửa lít nước.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ HEN SUYỄN:  Bách Nhật hoa khô 20gr, Cóc Mắn khô 15gr, củ Sả 10gr, Táo ta 15gr, gừng sống 5gr, hương nhu 10gr, nấu một lít nước, uống mỗi ngày hai ba lần trong 5 ngày.

*SỐT CAO ĐỘ, MÊ SẢNG:  Hoa Bách nhật khô 10gr, lá Dừa tươi 40gr sao vàng, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2, 3 lần, cho đến khi hạ cơn sốt.

109.  HOA CÚC VẠN THỌ

Tên  khác:  Cúc hoa, Hoàng Cúc hoa

Tên khoa học:  Tagetes erecta

1.     Tính vị:  Vị đắng, te, thơm, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu crisanterine.

3.     Dược năng:  Giảm đau, giải nhiệt, giải độc.

4.     Chủ trị:  Trị cảm mạo, các chứng:  hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.  Trừ cả phong nhiệt trên đầu mặt, nóng mắt, ù tai, các chứng đau bụng tiêu chảy, các chứng đinh độc và huyết áp cao.  Uống nhiều nhẹ người, trẻ lâu, da dẻ mịn màng.

5.     Xử dụng:  Hoa phơi khô nấu nước uống.  Có thể dùng tươi, nhưng có mùi hắc, hơi khó uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ NHỌT ĐỘC:  Lá và hoa tươi, giã lấy nước cốt, pha chút muối uống, bã đắp chỗ sưng đau.

*TRỊ ĐAU BỤNG:  Hoa Cúc khô 15gr, gừng  khô 3gr, nấu nửa lít nước uống.  Hết đau thì ngưng uống liền.

110.  HOA DÂM BỤT

Tên khác:  Mộc cẩn hoa

Tên khoa học:  Hibiscus syriacus

1.     Tính vị:  Vị  ngọt, nhớt, không độc.  Tính bình D

2.     Hoạt chất:  Có glucose, pectine…

3.     Dược năng:  Thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng tràng phong, kiết lị, tả huyết, hạ huyết, ghẻ lở và nhọt độc, xích bạch đới hạ, trĩ lậu, thoát giang.

5.     Xử dụng:  Hoa có thể ăn sống, mỗi lần 20gr, có thể phơi âm can, nấu nước uống mỗi lần chừng 5-7gr.  Vỏ cây phơi khô, sao vàng, nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ KIẾT LỊ, HẠ HUYẾT:  Hoa tươi 20gr sao vàng, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2, 3 lần, mỗi lần cách 3 giờ.

*TRỊ XÍCH BẠCH ĐỚI:  Vỏ và rễ cây khô 100gr nấu nửa lít nước, cạn còn một nửa, chia làm 2 phần, uống lúc đói.

*TRỊ GHẺ LỞ:  Vỏ rễ cây nấu đặc 200gr với ½ lít nước, rửa những chỗ lở loét nhiều lần trong ngày.

111.  HOA ĐẠI

Tên khác:  Bông Sứ, Kê đản Tử, Mộc lan hoa

Tên khoa học: Plumeria acutifolia, Plumeria obtusifolia

1.     Tính vị:  Vị đắng, thơm, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Hoa có tinh dầu thơm, toàn cây có chất trụ sinh fulvoplumerine.  Vỏ cây có glucoside agoniadine và Plumeric acid.

3.     Dược năng:  Hoa giúp nhuận tràng, tiêu đàm.  Lá và vỏ sát trùng.

4.     Chủ trị:  Hoa trị ho hen, cảm mạo, hạ huyết áp, tan sạn thận, sạn bàng quang.  Lá và vỏ cây trị thủy thũng, hen suyễn, giun sán, lở loét, sưng đau.

5.     Xử dụng:  Hoa có thể nấu tươi  nấu khô uống.  Vỏ và lá dùng đắp ngoài da.  Muốn dùng để trừ suyễn trừ thũng, phải ngâm nước gạo 3 ngày 3 đêm.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ LỞ LOÉT, SƯNG ĐAU:  Vỏ cây và lá Đại giã nát, băng chỗ sưng đau trong 10-15 phút.

*TRỊ THỦY THŨNG, NHUẬN TRÀNG:  Cạo vỏ, thái mỏng sao vàng, nấu uống mỗi lần 3-5gr.  Uống từ 10 đến 20gr thì có công dụng thuốc xổ.

112.  HOA ĐÀO

Tên khác:  Đào Diệp, Đào Nhân, Đào Hoa

Tên khoa học:  Prunus persica

1.     Tính vị:  Vị đắng, ngọt, không độc.  Tính ôn A

2.     Hoạt chất:  Hoa có chất béo, amidaline, tannin, cumarine, men emucine.  Hạt có dầu béo, amidaline.

3.     Dược năng và Chủ trị:  Lá Đào uống sống tán huyết tu, thông kinh, trị ho, táo bón.  Uống chín, hoạt huyết, trị lở ngứa, đau mắt đỏ.  Hoa thông tiểu tiện đại tiện, tiêu thũng.  Sách cổ dạy:  Hoa Đào trị được bách bệnh.  Nhân hạt Đào trị ho, sốt rét lâu ngày, hôn mê, xán khí, thối tai, cùng các chứng kinh thống:  ứ huyết, nóng huyết, căng máu.

4.     Xử dụng:  Lá phơi khô, sao vàng, nấu uống.  Hoa và hạt không cần sao vàng.

5.     Toa thông dụng: 

*TRỊ CĂNG MÁU:  Hạnh nhân 4 chỉ, Đào nhân 2 chỉ, Chi tử 1 chỉ, một trứng gà âm dương luộc chín, 7 tiêu sọ, 9  hạt gạo nếp, tán nhỏ, luyện đều, chia thành 2 phần, băng vào huyệt Dũng Tuyền trong 2, 3 giờ.

*TRỊ THỐI TAI:  Đào nhân khô sao vàng, tán nhỏ, gói vào bông, đút lỗ tai.

CẤM KỊ:  Các bà có thai không dùng được

113.  HOA ĐƠN

Tên khác:  Bách thiên liệu thảo.  Ba loại:  Đỏ, Vàng, Trắng

Tên khoa học:  Ixora coccinea, stricta, Ixora lutea, Ixora finlaysoniaca

1.     Tính vị:  Vị ngọt, thơm, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có glucose, sinh tố A và C …

3.     Dược năng:  Thanh nhiệt, lọc máu, bồi dưỡng gân cốt.

4.     Chủ trị:  Đơn trắng vàng trị ho nhiều đàm, lọc máu, trừ bệnh huyết bạch.  Đơn đỏ thông kinh, lợi thủy, trừ uế khí, điều hòa khí huyết, dưỡng chân khí, trị xích đới hạ.

5.     Xử dụng:  Hoa dùng sống.  Lá và vỏ cây, rễ nấu tươi hay nấu khô, uống.

6.     Toa thông dụng:

*THIẾU MÁU, NHỨC MỎI:  Ăn nhiều hoa chóng bình phục.  Mỗi lần dùng 30gr, mỗi ngày 1 lần.

*GIÚP TIÊU HÓA, ĂN NGON:  Lá Đơn tươi 30gr sao vàng (khô 10gr) nấu uống thay nước trà.  Có thể thêm 20gr lá Ổi tươi.

114.  HOA HỒNG      

Tên khác:  Mai Khôi, Mân côi, Hồng Hoa

Tên khoa học:  Hồng Bạch:  Rosa Alba, Hồng Hoàng:  Rosa Flava

Hồng Nhung:  Rosa Rubra, Hồng Sen:  Rosa Purpura

1.     Tính vị:  Vị hơi chát, thơm, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có tannin, glucoside, các chất khác còn đang nghiên cứu.

3.     Dược năng:  Giải uất khí, hành  huyết, điều hòa khí huyết.

4.     Chủ trị:  Nhuận Gan, kiện Tì.  Chủ trị các chứng phong tê, thổ huyết, kiết lị, ho đàm và nhũ ung.

5.     Xử dụng:  Cánh hoa phơi âm can, bỏ vào bình đậy kín, để giữ hương và có thể lên hương.  Nấu uống mỗi lần 5-8gr khô hay 25-30gr tươi.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ THỔ HUYẾT:  200gr tươi đổ 2 lít nước nấu sôi kỹ, còn 1 lít gạn ra, đổ thêm 1 lít nước nữa nấu lại.  Cả hai nước nấu sôi cho cô đặc lại, còn ½ lít pha đường uống, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 ly 100ml.

*TRỊ KIẾT LỊ:   Hoa Hồng khô 100gr nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần.

*TRỊ PHONG TÊ:  300gr hoa Hồng khô ngâm 1 lít rượu trong 5 ngày, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ 25cc.

115.  HOA HUỆ

Tên khác:  Bạch Huệ, Bách Hợp

Tên khoa học:  Huệ Ta:  Polianthes tuberosa

Huệ Tây:  Lilium longiflorum

1.     Tính vị:  Vị ngọt, chát, thơm, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu thơm, glucose, protide, chất béo, sinh tố C.

3.     Dược năng:  Giải khát, trừ nhiệt, bổ phổi, tăng cường sinh khí.

4.     Chủ trị:  Trị chứng ho nhiều đàm, sốt rét và thổ huyết.  Đặc biệt trị các chứng do thần kinh suy nhược.

5.     Xử dụng:  Hoa phơi khô nấu nước uống, mỗi lần 10gr.  Nấu tươi thì dùng 30gr, nên sao vàng trước.

6.     Toa thông dụng:

*GIẢI KHÁT:  Hoa Huệ khô 10gr, hoa Hồng 10gr, nấu 2 bát nước, sôi kỹ còn 1 bát, chia làm 2 lần uống trong ngày.

*TRỊ MÁU CAM, THỔ HUYẾT:  Hoa Huệ tươi 30gr, Trắc bách diệp tươi 30gr, giã lấy nước cốt (juice) uống.

*TRỊ HO THIÊN THỜI:  Hoa Huệ khô 10gr, hoa Đại khô 8gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày ba lần, trong 3 ngày

116.  HOA MÀO GÀ

Tên khác:  Mồng Gà, Kê Quan Hoa

Tên khoa học:  Trắng:  Celosia argentea

Vàng:  Celosia flava

Đỏ:  Celosia cristata

1.     Tính vị:  Vị nhạt, ngọt, không độc.  Tính mát A

2.     Hoạt chất:  Có vitamin K.  Hạt có chất béo, các chất khác còn đang nghiên cứu.

3.     Dược năng:  Giải nhiệt, cầm máu, tiêu viêm.

4.     Chủ trị:  Trừ phong nhiệt, trị  máu cam, thổ huyết, xuất huyết, rắn rết cắn.  Trị gan nhiệt:  ngứa, trĩ lậu.  Giúp sáng mắt.

5.     Xử dụng:  Hoa lá nấu tươi uống:  trị xích lị, hạ huyết, đàm có máu, trĩ.

Lá giã với muối đắp, trị dinh râu, các thứ nhọt độc.

                  Lá hoa đỏ nhai nuốt nước, bã đắp cho rắn rết cắn.

                  Hoa đỏ nấu đặc rửa mụn nhọt, lở loét thay thuốc Tím và thuốc Đỏ, nhất là những vết thương.

6.      Toa thông dụng: 

*BỆNH PHỤ NỮ:  Loại hoa Đỏ và Mào gà rừng trị xích đới, băng huyết.  Còn hoa Vàng và Trắng trị bạch đới.  Mỗi lần  nấu 30gr tươi, uống.

*CÁC CHỨNG TRĨ:  Hoa và Hạt tươi 30-40gr, khô 10-15gr, nấu nửa lít nước, uống 2, 3 lần trong ngày.

117.  HOA NHÀI

Tên khác:  Mạt Lợi Hoa

Tên khoa học:  Jaminum fragans, Jasminum nobile

1.     Tính vị:  Vị thơm, ngọt, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu thơm, chất béo, parafine, formic ester và anthranilic ester.

3.     Dược năng:  Giảm đau, an thần, nhuận trường, lợi tiểu.

4.     Chủ trị:  Khoan giãn cơ thể, trị táo bón và kiết lị, đau mắt màng mộng.  Trị Sởi trẻ em và nóng sốt.

5.     Xử dụng:  Hoa phơi khô nấu uống, mỗi lần từ 10 đến 15gr.

6.     Toa thông dụng:

*BỆNH MẮT:  3-5 chiếc hoa khô, hãm một tách nước sôi, uống một nửa còn một nửa rửa mắt.

*TRỊ BAN SỞI:  Lá tươi 15gr sao vàng, hạ thổ nấu một bát nước, uống ngày 2 lần.  Dùng khô thì 5-8gr.

*GIẢM ĐAU, AN THẦN:  Rễ cây Nhài, phơi khô nấu nước uống, mỗi ngày 1 lần 3-6gr.

 

118.  HOA SEN

Tên khác:  Liên Hoa

Tên khoa học:  Nelumbo nucifera, Nelumbium speciosum

1.     Tính vị:  Vị đắng, chát, thơm, không độc.  tính mát D

2.     Hoạt chất:  Hoa Sen có chất béo, sinh tố C và protide.  Ngó Sen có asparagines, argine, glucose và vitamin C.  Đài Sen có tannin, vitamin C và protide.  Lá Sen có tannin và alcaloide.

3.     Dược năng:  Hoa Sen cầm máu, giúp đẹp da và dễ tiêu hóa.  Lá Sen và Đài Sen cũng giống thế.

4.     Chủ trị:  Hoa Sen trị mất ngủ, giúp ăn ngon.  Đặc biệt trị các chứng xuất huyết và băng huyết.  Đài Sen trị bệnh đại tiện ra máu.  Lá Sen công dụng như đài Sen

5.     Xử dụng:  Hoa, Đài và Lá nấu tươi 30-40gr, khô thì 10-15gr, uống ngày 2 lần.

6.     Toa thông dụng:

*BỔ DƯƠNG, AN THẦN:  Hoa Sen tươi 30gr, lá Dâu tằm tươi 40gr sao vàng và Cam thảo 5gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần.

 

 

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.