100 Cây Thuốc….

4.  CÁC LOẠI CÂY NHỎ

30.  CÀ DƯỢC

Tên khác:  Cà độc dược, Man đà la

Tên khoa học:  Datura metel

1.     Tính vị:  Vị cay, nhiều độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có 2 chất chính là Hyoxine và atropine, gây phản ứng thần kinh mạnh, có vài ba alcaloids.

3.      Dược năng:   Ảnh hưởng tới phế kinh, khu phong, trừ thấp khí.

4.      Chủ trị:  Trị các bệnh thần kinh da, tê dại, hàn lãnh; các chứng suy nhược thần kinh gây sợ hãi.  Đặc biệt trị ho hen, đàm suyễn nôn mửa, say sóng;  giảm đau các chỗ sưng nhức.

5.     Xử dụng:  Nấu nước ngâm chân và rửa các chỗ tê dại, co giật.  Lá phơi khô cuộn thành thuốc lá hút 1-2gr mỗi ngày.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ THẦN KINH DA:  200gr toàn cây, nấu sôi với 4 lít nước, để nguội 40 độ, ngâm chân 15 phút và rửa những chỗ tê.

*TRỊ HO HEN, ĐÀM SUYỄN:  Lấy lá và bột trái  khô cuốn lại như điếu xì gà, hút cầm chừng từng hơi, mỗi ngày chỉ xài 1, 2 điếu 1-2gr.  Nếu thấy phản ứng khó chịu, phải thôi ngay.

 31.  CẢI TRỜI

Tên khác:  Hạ khô thảo, Rau tàu bay, bọ xít, Thiên thái thảo

Tên khoa học:  Blumea glandulosa

1.     Tính vị:  Vị đắng, ngọt, thơm, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có alcaloide, sinh tố K.

3.     Dược năng:  Giải độc, tiêu viêm, cầm máu, sát trùng, bổ dương.

4.     Chủ trị:  Giúp sáng mắt, thông tiểu tiện.  Đặc biệt trị tràng nhạc mã đao, ung nhọt, chảy máu cam, băng huyết.

5.     Xử dụng:  Lá luộc hay nấu canh ăn.  Rễ và lá phơi khô (âm can), nấu nước uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ TRÀNG NHẠC, NHỌT ĐỘC:  Lá tươi 30gr (khô 10gr) nấu uống, có thể nấu đặc thành cao, dán hay băng ngoài da.

*TRỊ HUYẾT BẠCH:  Cải trời tươi 30gr (khô 10gr) tán thành bột ăn với nước cơm.

*TRỊ THƯƠNG TÍCH:   Lá tươi giã nát băng vào vết thương, mỗi ngày thay một lần.

32.  CAM THẢO ĐẤT

Tên khác:  Dã Cam thảo

 Tên khoa học:  Scoparia dulcis

1.      Tính vị:  Vị đắng, ngọt, không độc.  Tính mát D

2.      Hoạt chất:  Có amelline, alcaloide, sillicic acid.

3.     Dược năng:  Mát huyết, nhuận phế, giải độc.

4.     Chủ trị:  Thanh lọc gan phổi; chữa tức ngực, khó thở; giải ban, giải độc cơ thể.  Chủ trị các chứng bệnh về phổi:  ho khan, ho đàm, các bệnh phụ nữ:  kinh thống băng huyết và trĩ lậu.

5.     Xử dụng:  Lá và thân cây để tươi sao vàng, nấu nước uống mỗi lần 40-50gr.  Khô thì 15gr.

6.     Toa thông dụng:

*MÁT PHỔI, TRỊ TỨC NGỰC:  Cam thảo đất 15gr, trắc bách diệp 15gr, cam thảo 5gr sao vàng, nấu nửa lít nước uống ngày 2, 3 lần.

*TRỊ HUYẾT BẠCH, ĐIỀU DINH:  Cam thảo đất 15gr, cỏ mần chầu 15gr, nấu nửa lít  nước, uống mỗi ngày 3 lần.

33.  CAM THẢO DÂY

Tên khác:  Chi chi, Dây cườm cườm, Hạt:  Tương tư tử

Tên khoa học:  Abrus precatorius

1.     Tính vị:  Vị ngọt, thơm, không độc.  Tính bình  AD

2.     Hoạt chất:  Có glycyrrhizine.  Hạt có một proteide độc, có glucoside palmitic acid, arachidic acid.

3.     Dược năng:  Giải độc, tiêu viêm, sát trùng hạ khí.

4.     Chủ trị:  Sinh tân dịch, điều hòa các thuốc; trị cảm ho mất tiếng, hoàng đản; phục hồi dạ dầy;  trị kiết lị và rắn rết cắn.

5.     Xử dụng:  Cam thảo pha vào các dược vị để điều hòa âm dương và dễ uống.  Nên nhớ các vị sau đây kị cam thảo:  dấp cá, rong biển nguyên hoa, đại kích, cam toại.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ BỆNH DẠ DẦY:  Cam thảo 5gr, đậu xanh 50gr, nấu nhừ ăn, mỗi ngày 2 lần, trong 5  ngày.

*HẠ HUYẾT:  Cam thảo 5gr, chè tàu 5gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 3 lần.

34.  CÁNH CÒ

Tên khác:  Kiến cò, Cò bay, Bạch Hạc

Tên khoa học:  Rhinacanthus nasutus, Rhinacantus communis

1.     Tính vị:  Vị đắng, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có chất Rhinacantin, các chất khác đang nghiên cứu.

3.     Dược năng:  Sát trùng, giải nhiệt, giảm đau, tiêu viêm.

4.     Chủ trị:  Đánh tan chỗ sưng đau, trị bệnh ngoài da, các chứng phong thấp:  đau lưng, đau đầu gối, nhất là các chứng xung huyết, căng máu, đái đường.

5.     Xử dụng:   Lá cánh cò tươi 30gr (khô 10gr) nấu uống đều tốt.  Rễ phơi khô nấu uống hay ngâm rượu uống.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ CĂNG MÁU:  Lá cánh cò tươi 30gr, lá vú sữa tươi 30gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần, trong 3 ngày.

*TRỊ PHONG THẤP:  Rễ cánh cò khô 10gr, vỏ khoai mì khô sao vàng 15gr, nấu nửa lít nước uống hằng ngày.

*TRỊ ĐÁI ĐƯỜNG:  Lá cánh cò tươi 30gr, lá râu mèo tươi 30gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi  ngày 2, 3 lần.

 35.  CÚC ÁO

Tên khác:  Nụ áo, Nút áo, Cỏ the

Tên khoa học:  Spilanthes acmella

1.     Tính vị:  Vị te, thơm, không độc.  Tính ấm D

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu thơm cay, có chất spilanthol.

3.     Dược năng:  Giảm đau, tiêu độc, tiêu đàm, sát trùng.

4.     Chủ trị:  Trị nhức đầu, đau răng, sâu răng, ho gà, các chứng phong thấp:  nhức xương, tê bại.  Trị cả sạn thận, sạn mật.

5.     Xử dụng:  Có thể nấu tươi nấu khô uống, có thể nhai đắp chỗ sưng đau.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ ĐAU RĂNG, SÁT TRÙNG:  Nhai hoa tươi với muối, ngậm vào chỗ răng đau, hay băng vào chỗ sưng đau.

*HO GÀ, HO SẢN HẬU:  Dùng cả hoa lá rễ nấu tươi 20gr (khô 6gr)  với nửa lít nước, uống mỗi ngày 2, 3 lần.

*TRỊ PHONG THẤP:  Nấu 1 lít nước với 200gr, xông chỗ sưng đau và xoa bóp chỗ sưng đau mỗi ngày 2, 3 lần, mỗi lần 10 phút.

36.  PHÂN LỢN

Tên khác:  Cứt heo, bọ xít, bông thúi, Trư thí thảo

Tên khoa học:  Ageratum conyzoides

1.     Tính vị:  Vị đắng, cay, thơm, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  có nhiều darutin, tinh dầu thơm hắc.

3.     Dược năng:  Lưu thông huyết mạch, tan ứ huyết tích tụ.

4.     Chủ trị:  Trị vết thương, vấp ngã.  Trị nhức đầu, nóng mắt, ù tai.  Giải trừ phong thấp nhức mỏi.  Trừ cả sốt rét, tả lị.

5.     Xử dụng:  Cây lá phơi khô nấu nước uống, hoặc nhai sống đắp chỗ sưng đau, hoặc nấu nước ngâm chân.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ NHỨC ĐẦU, HÀNH HUYẾT:  Lá khô 10gr nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần.

*PHONG THẤP:  Nhức mỏi, ù tai:  Lá tươi 200gr nấu nước sôi để nguội chừng 40 độ, ngâm chân trong 10 phút, mỗi ngày 1 lần.

*TRỊ VẾT THƯƠNG:  Lá tươi giã nát, pha dầu ăn hay vôi, băng vào vết thương.

37.  HỒNG TIÊN

Tên khác:  Nhãn lồng, Chùm bao, Lạc tiên

Tên khoa học:   Passiflora faedida (hastata)

1.     Tính vị:  Vị nhạt, thơm, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có sinh tố C, hạt có glucose, cyanhydric acid.

3.     Dược  năng:  Giải nhiệt, mát gan, bổ tim, tăng huyết tố.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng ban nóng, đau nửa đầu, thần kinh suy  nhược.  Đặc biệt trị căng máu, to tim, mất ngủ.  Chữa cả lở ngứa.

5.     Xử dụng:  Lá, dây, rễ tươi sao vàng, nấu nước uống, mỗi lần 40gr, dùng khô thì mỗi lần 15gr.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ TIM HỒI HỘP VÀ TO TIM:  Hồng tiên khô 15gr, cam thảo 5gr, rễ tranh (mao căn) 10gr, mía cây 35cm, nấu nửa lít nước uống mỗi ngày 2 lần, trong 5 ngày.

*TRỊ NGỨA:  Hồng tiên 10gr,  lá và dây mướp đắng 10gr, cỏ mần chầu 10gr, nấu nửa lít nước uống ngày 3 lần, cho tới khi hết mụn.

*TRỊ YẾU TIM:  Hồng tiên 15gr, rễ tơ hồng tươi 40gr(khô 10gr) nấu nửa lít nước uống mỗi ngày 2 lần.

38.  KIỀM THẢO

Tên khác:  Chó đẻ, Kiềm, Chó đẻ răng cưa, Kim hoàng thảo, Địa khôi thái

Tên khoa học:  Phillanthus urianria

1.      Tính vị:  Vị đắng, nhạt, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có glucoside đắng, có ít chất trụ sinh rất nhỏ và phyllanthine.

3.     Dược năng:  Sát trùng, tiêu độc, thông kinh, thông tiểu tiện.

4.     Chủ trị:  Trị chung các chứng kinh thống, đau yết hầu, cổ họng, đinh râu, đau răng, ung nhọt, lở ngứa.  Trị cả các chứng hen, đặc biệt có thể trị bệnh gan rất công hiệu.

5.     Xử dụng:  Toàn cây nấu tươi 30gr, khô 10gr với nửa lít nước.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ ĐAU RĂNG:  Lá tươi nhai với chút muối, ngậm chỗ răng đau.

*TRỊ BỆNH GAN:  Lấy 2 miếng gan heo to bằng bàn tay, dầy 3 ly, kẹp vào giữa 10 chùm lá chó đẻ, nấu cách thủy, ăn mỗi ngày 1 lần, trong 3 ngày.

*TRỊ RẮN CẮN, NHỌT LỞ:  Lá tươi nhai nát pha với phèn chua, đắp chỗ đau lở.

*TRỊ HEN:  Lá phơi khô, sao vàng nấu 30gr pha chút muối uống mỗi ngày 2 lần, trong 3 ngày.

39.  CÂY MUỒNG LÁNG

Tên khác:  Muồng lá nhọn, Vọng Giang Nam, Thạch Quyết minh

Tên khoa học:  Cassia laevigata, Occidentalis

1.      Tính vị:  Vị đắng, thơm, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có chất béo, tanin, glucose, pectin và albuminoide.

3.     Dược năng:  Thông tiểu tiện, nhuận tràng, giải nhiệt, điều kinh, hạ khí.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng táo bón, ăn không tiêu, nhức đầu, sốt rét, mắt mờ, ù tai, nhất là trị căng máu và rắn độc hay chó dại cắn.

5.     Xử dụng:  Hạt phơi khô, sao cháy, nấu nước uống mỗi lần 10gr.  Hạt tươi có thể tẩy, có chút độc.  Lá, cây, rễ nấu tươi hay khô, đều có thể được.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ CAO MÁU, AN THẦN:  Hạt muồng láng 10gr, dây hồng tiên 15gr, nấu nửa lít nước uống mỗi ngày 2, 3 lần.

*TRỊ SỐT RÉT:  Lá, rễ, hạt phơi khô, nấu 25gr với nửa lít nước, uống mỗi  ngày 2, 3 lần.  Có thể thêm 15gr lá dừa,

CẤM KỊ:  Người thiếu máu không nên dùng.

40.  MUỒNG THƠM

Tên khác:  Muồng hôi, Thảo Quyết minh

Tên khoa học:  Cassia tora

1.      Tính vị:  Vị đắng, thơm, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Hạt có antraglucoside, crysophonol, chất nhầy, chất béo và chất protide.

3.     Dược năng:  Giúp tiêu hóa và bài tiết, an thần, nhuận tràng.

4.     Chủ trị:  Bổ gan, bổ thận, sáng mắt, kị phong.  Trị các chứng đau mắt màng mộng, mắt đỏ, chảy nước mắt, các chứng nhức đầu, táo bón.  Trị cả hắc lào và nám da.

5.     Xử dụng:  Hạt phơi khô, sao chín đen, nấu uống, hay tán thành bột, hãm như cà phê, uống mỗi lần 10gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ TÁO BÓN, AN THẦN, SÁNG MẮT:  Hãm như cà phê uống, mỗi ngày một hai lần, mỗi lần 10gr.

* TRỊ HẮC LÀO, NÁM MẶT:  Hạt phơi khô, sao vàng, ngâm rượu 200gr cho ½ lít rượu, trong 10 ngày, xoa bóp chỗ đau.

CẤM KỊ:  Hay đại tiện lỏng không nên dùng.

41.  PHÈN ĐEN

Tên khác:  Hắc phàn diệp

Tên khoa học:  Phyllanthus reticulates

1.      Tính vị:  Vị đắng, chát, không độc.  Tính mát D

2.     Hoạt chất:  Có sinh tố K, vài glucosides.

3.     Dược năng:  Thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, giải độc, sát trùng.

4.     Chủ trị:  Trị thủy thũng, phong đàm, chết hóc, chữa cả nhọt độc, rắn cắn.  Đặc biệt điều hòa âm dương, khí huyết.  Trị cả cảm sốt, ứ huyết.

5.     Xử dụng:  Lá phơi khô (âm can) sao vàng.  Trái phơi khô, sao vàng, có thể thay được Thổ bối mẫu.  Rễ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, tẩm mật, thay được Thục  Địa.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ PHÙ THŨNG:  Lá phèn đen khô 10gr, thổ phục linh 10gr, thục đậu 15gr nấu nửa lít nước, uống ngày 2 lần.

*ĐIỀU HÒA KHÍ HUYẾT:  Rễ phèn đen 10gr, thiên môn 10gr, Sâm Hoa kỳ 10gr.  Nấu một lít nước uống mỗi ngày 2 lần.

42.  RÂU NGÔ

Tên khác:  Râu Bắp, Ngọc thục thử tu

Tên khoa học:  Zea mais, Sigmata mais

1.      Tính vị:  Vị ngọt, thơm, không độc.  Tính mát AA

2.     Hoạt chất:  Có tinh dầu, saponin, glucoside.  Sinh tố C, K, muối Kali, calcium.

3.     Dược năng:  Giải khát, lợi tiểu, thông khiếu.

4.     Chủ trị:  Trị các chứng viêm Mật, Gan và Tim.  Trị sạn thận, sạn bàng quang, tiểu tiện buốt đau, nước tiểu đỏ, nước tiểu đục.  Chữa cả chứng nghẹt mũi.

5.     Xử dụng:  Có thể nấu tươi nấu khô uống đểu tốt.  Nấu tươi mỗi lần 30-40gr, khô 10-15gr, uống mỗi ngày 3 lần.

6.     Toa thông dụng: 

*TRỊ SẠN THẬN:  Râu ngô tươi 40gr, lá Cối xay 30gr, nấu nửa lít nước uống mỗi ngày 2 lần, trong 3 ngày.

*BÍ TIỂU TIỆN:  Râu ngô khô 15gr, lá Sả khô 10gr, Cam thảo 5gr, nấu nửa lít nước, uống ngày 2, 3 lần, trong 3 ngày.

43.  THUỐC DẤU

Tên khác:  Sống đời, Cẩm thạch, Thuốc bỏng.

 Tên khoa học:  Bryophillum pinnatum

1.      Tính vị:  Vị chua, nhớt, không độc.  Tính ôn A

2.     Hoạt chất:  Có nhiều sinh tố A, K, hoạt chất bryophylin.

3.     Dược năng:  Cầm máu, sinh tế bào thịt, giúp ăn da non chỗ có mụn, nhọt.

4.     Chủ trị:  Chuyên chữa các vết thương và các chứng xuất huyết, thổ huyết, huyết áp cao, ho máu di truyền.  Còn có thể chữa các bệnh:  trĩ, ho, ngứa,  phù thủng, lao, sản hậu.

5.     Xử dụng:  Bị vết thương, thì nhai đắp ngoài.  Các chứng khác, thì hoặc nhai nuốt hay giã lấy nước cốt uống 30-50gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ CÁC CHỨNG HO MÁU, MÁU CAM, THỔ HUYẾT:  uống một ly nhỏ (25ml) nước cốt (juice) lá thuốc dấu, chỉ uống 1, 2 lần.

* CAO MÁU, MẤT NGỦ:  Ăn lá chua 30-40gr, mỗi ngày 1 lần trong 2, 3 ngày.

*PHONG NGỨA:  Vò lá thuốc dấu, xát vào những chỗ ngứa, nổi ban dát.

*SỐT RÉT XUẤT HUYẾT:  40gr lá giã lấy nước cốt, pha chút muối uống, ngày 2 lần.

44.  TƠ HỒNG

Tên khác:  Kim ti thảo, Hạt:  Thổ ti thảo

Tên khoa học:  Cuscuta hydrophilae

1.      Tính vị:  Vị ngọt, nhạt, không độc. Tính ôn A

2.     Hoạt chất:  Có glucoside, gọi là Cuscutin, sinh tố C.

3.     Dược năng:  Nhuận phế, nhuận trường, lợi tiểu, trợ tim phổi, gan, thận.

4.     Chủ trị:  Trị ho, nhức đầu, nhức gân xương và các chứng sưng đau, táo bón, tích tụ.  Đặc biệt chữa liệt dương, di tinh, mộng tinh, đau lưng, mờ mắt, ù tai, nước tiểu đục.

5.     Xử dụng:  Có thể giã sống uống mỗi lần 30gr.  Cũng có thể phơi khô nấu nước uống hay tẩm rượu sao vàng nấu uống, mỗi lần 10gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỢ TIM PHỔI:  dây Tơ hồng tươi 30gr, dây Hồng tiên tươi sao vàng 30gr, Cam thảo 5gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần.

*TRỊ HO:  Tơ hồng khô 10gr, hoa Đại khô 8gr, nghệ khô 3gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần, trong 6, 7 ngày.

45.  VÒI VOI

Tên khác:  Tị thảo căn, Độc hoạt

Tên khoa học:  Heliotropium indicum

1.      Tính vị:  Vị đắng, te, hăng, không độc.  Tính ôn D

2.     Hoạt chất:  Có alkaloid, acide cyanhdrique, sinh tố K.

3.     Dược năng:  Thông máu, tiêu viêm, tiêu độc.

4.     Chủ trị:  Chữa cả chỗ sưng phù, mụn nhọt, thương tích.  Trị phong thấp:  sưng đầu gối, sưng cuống họng, lở ngứa, điều kinh.

5.     Xử dụng:  Rễ phơi khô, tẩm mật, dùng theo công dụng của Độc hoạt.  Lá nấu tươi 30gr, nấu khô 10gr.

6.     Toa thông dụng:

*TRỊ MỤN NHỌT, LỞ NGỨA:  Củ thái nhỏ, tẩm giấm, ngâm rượu, xoa bóp chỗ sưng đau, ngứa (200gr với nửa lít rượu).

*TRỊ PHONG THẤP:  Rễ vòi voi khô 15gr, huyết rồng 10gr, thổ Phục linh 10gr, nấu nửa lít nước, uống mỗi ngày 2 lần.

CHÚ Ý:  Có thể điều kinh, nhưng uống quá có thể sảy thai.

 

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.