Mục lục
– Lời tựa……………………………………………………………………………..7
– Đâu là chơn hạnh phúc……………………………………………….11
– Học hạnh mẹ tôi………………………………………………………..29
– Tôn Ngộ Không và các khối đá có số tuổi một triệu năm……..35
– ý nghĩa Hoa Sen trong Đạo Phật…………………………………….53
– Mùa xuân và trí tuệ biện tài vô ngại……………………………….69
– Trên trời dưới đất ta là ai…………………………………………….79
– Thuốc là năng lượng…………………………………………………..89
– Tùy bút-Một ngày đầu xuân…………………………………………97
– Bồ Tát và không gian tâm thức……………………………………105
– Nếp sống bình an…………………………………………………….127
– Cõi tâm và 33 bức tranh sơn dầu Quán Thế Âm Bồ Tát……..149
– Lối về…………………………………………………………………….157
– Chơn như tuyệt tướng quán……………………………………….169
– Đưa vào lửa tìm màu nguyên thủy “có và không”…………….183
– Hội luận về Từ Bi và Trí Tuệ………………………………………..195
– Quán nhân duyên……………………………………………………..213
– Thả ảnh một đường trăng…………………………………………..236
– Hiển mật viên thông………………………………………………… 242
– Tiếng gọi bên kia sông……………………………………………… 252
– Hồi hướng
LỜI TỰA
Con người là một biệt thể sinh động, biệt thể đó phát triển như thế nào tùy thuộc vào duyên nghiệp mà chính họ đan kết vào. Tiến trình của một kiếp sống rất thường thay đổi ở từng phân cảnh, cảm xúc…phần lớn do ý thức tạo ra. Ý thức đóng một vai trò chủ định trong nhiều hoàn cảnh khác biệt đưa đến những kết quả thỏa mãn hoặc không vừa ý trên nhiều bình diện. Căn bản một nếp sống là muốn vươn lên đỉnh cao của ước vọng. Thành quả là chỉ dấu của ước vọng đạt đến. Song, trên thực tế cho thấy mọi kỳ vọng và ước muốn thường ít khi dừng lại. Trừ khi ước vọng cá nhân được mở rộng hay nhân lên thành ước vọng chung vì sự tồn tại của chính mình và của tất cả hay mối dây liên hệ được biết đến theo nghĩa duyên sinh hiện cảnh tiếp cận trên bề mặt cuộc đời.
Xã hội loài người luôn luôn phát triển, do sự phát triển mà xã hội được đánh giá là tiến bộ đến mức độ nào. Cách nhìn của mỗi xã hội tùy thuộc vào nhiều yếu tố để định thành. Cho dù so sánh như thế nào chăng nữa cũng chỉ nằm trong tầm với của ý thức. Chúng ta hiểu rằng cá nhân là một thành phần của thế giới. Thế giới không có các thành phần nhỏ làm sao có thể hình thành một thế giới. Lấy con người làm một biệt thể để phân định, thì mỗi biệt thể là một cá nghiệp hay biệt nghiệp, gồm chung lại gọi là cọng nghiệp. Giữa nghiệp cá nhân và nghiệp cộng đồng hẳn phải có mối dây liên hệ. Bằng chứng chúng ta đang chia chung bầu trời để sống, đều thở bằng không khí giống nhau. Đau khổ thay, đạo đức và tình thương dường như chỉ còn là sản phẩm cất giữ trên cao mặt tình cho bụi thời gian phủ lấp. Nỗi cảm thông này làm người có hiểu biết, mấy ai không xúc động. Xúc động là một yếu tố khiến nẩy mầm lòng bi thiết sống giữa cuộc đời. Đức Phật là một chứng nhân cho chúng ta chiêm nghiệm. Giá như khi còn là Thái Tử, Ngài không dạo chơi các cửa thành để chứng kiến những cảnh sinh, già, bệnh, chết khiến tạo nên nỗi xúc động tận chiều sâu của trái tim, phát tâm tu hành giải thoát, mà từ đó giáo pháp của Ngài mãi tận đến hôm nay vẫn là chân lý cho nhân loại hướng theo; thì tin chắc con người khó lòng trải nghiệm đời mình trên những khổ đau dựa trên sự tu học, đạt đến niềm bình an phúc lạc.
Cuộc sống như dòng chảy không bao giờ ngừng thì cuộc đời của chúng ta cũng song hành cùng cuộc sống. Một mặt tô đắp cho cuộc đời và một mặt cùng xây dựng phẩm hạnh sao cho nội tâm được trong sáng. Đây là cơ bản chủ yếu mang tính trách nhiệm: trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với cộng đồng nhân loại. Trách nhiệm không phải là một món hàng bày bán, và cũng không phải do ai ban tặng. Tự nó là mạch máu luân lưu trong cơ thể nuôi dưỡng châu thân và làm đẹp cho cuộc đời.
Chính bản thân mình hướng về Phật pháp là nói lên ý nghĩa của sự may mắn. Nhờ hiểu Phật pháp nên thường sống trong môi trường trong lành, môi trường cho mình nhiều cơ hội để thăng tiến về mặt nội tâm. Biết áp dụng Phật pháp trong đời sống chúng ta mới cảm nhận được hết các giá trị đích thực không vượt ngoài tầm tay của con người. Chính xác hơn, nó nằm ngay nơi mỗi hơi thở của chúng ta. Do vì mưu sinh mà chúng ta không lưu ý. Hoặc do vì thiếu cơ duyên tiếp cận với Phật pháp nên chúng ta không có dịp được biết đến và mở ra kho tàng vô giá mà làm người mấy ai có phúc duyên tắm mình trong biển trường Phật pháp vi diệu.
Biên soạn, viết lên những tư duy về Phật pháp với mục đích chia xẻ và trải tấm lòng giữa cuộc đời. Bởi vì cuộc đời là một vẻ đẹp nếu không tô đậm được vẻ đẹp của đời người để làm sáng dậy nội tâm phải chăng đã làm hoang phí một cuộc sống. Nhận thức như vậy để thấy trách nhiệm là một lực đẩy vô cùng mầu nhiệm mà cảm nghe cuộc đời với cả niềm hoan hỉ trong tận cùng đáy lòng.
Các bài viết chuyên chở những thể nghiệm hàm dưỡng hướng đi nhằm xuyên thủng cánh rừng xúc cảm chỉ dấu tiêu cực khiến con người lắm khi lạc lõng, cô đơn ngay chính trên thân phận mình. Sang, hèn, giàu có, hay nghèo nàn thật ra chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài được đánh bóng theo thời đại. Có chiếc áo nào trên cuộc đời này không bị phai nhạt hay tan biến theo thời gian. Thế nên, nhờ Phật pháp mọi người sẽ lấy lại thăng bằng cho chính mình. Thăng bằng đó chính là tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Và trong lòng luôn thanh thản nhẹ nhàng an trú vào bản chất trong sáng của tâm. Qua đó chúng ta nhìn thẳng vào cuộc đời bằng cả trái tim rộng lượng và với sức sống đầy tràn năng lượng.
Tính chất biến đổi của vạn vật giúp chúng ta nhận ra bản thể của chúng là gì. Cũng như đau khổ là điều khó tránh khỏi trong kiếp phù sinh, truy cứu tận nguồn của khổ đau, mọi cảnh trạng được phơi bày nên chi con người dễ dàng khép lại những vết thương vốn dĩ đã rỉ máu từ thân xác đến tinh thần.
Hướng về Phật pháp là một hướng đi nhân bản. Định hướng về Phật pháp là thắp sáng ngọn đèn trí tuệ. Biểu tỏ phẩm hạnh bằng Phật pháp là phương cách thi vị hóa cuộc đời và làm sáng dậy Phật tâm trong mỗi nhân sinh. Trụ vững trên Phật pháp là chuyển hướng biệt nghiệp thành thiện nghiệp còn là mỹ nghiệp trong bối cảnh tương quan, tương liên chung trong cộng đồng xã hội. Từ đó chơn nghiệp biểu lộ, hiểu theo nội cảnh là hành động, cử chỉ luôn ứng hợp chơn lý là sinh phong là niềm tin mãi mãi sáng trong theo nhân thế.
Thành tâm hướng về Phật pháp là đồng nghĩa đẩy lùi bóng đêm vô minh, vô minh không phải từ bên ngoài tạo ra. Vô minh xuất phát từ cõi lòng của con người. Thu phục vô minh là một bước đi cao thượng. Chỉ và đến khi vô minh không còn là một chướng duyên trên hành trình trở về với cõi Tâm, nhờ học, hiểu và thực hành thì đường về tự tánh tâm đâu còn là biên độ để đo lường.
Từ sâu thẳm của niềm tin, từ bước đi nhằm thể nghiệm “phép lạ của sự tỉnh thức” (Nhất Hạnh); từ lòng trắc ẩn giữa cuộc đời đau thương thúc đẩy phát triển bi tâm và từ những bất an của muôn loại trong đó có bản thân mình. Do thế, hướng về Phật pháp xin được như một tấm lòng chan hòa cùng cảnh sống, sâu xa hơn xin được là bạn của những người bạn xa gần như đã biết hay chưa từng biết, cầu mong chúng ta cùng nhau hướng về Phật pháp để làm đẹp xã hội, làm đẹp bản thân, làm đẹp cho nhân thế. Một giọt nước trong mùa hạ tuy nhỏ nhoi nhưng kết hợp thành chuỗi nước có khi là giòng suối ngọt tuôn chảy giữa cảnh đời khô hạn tan thương biến đổi.
Tác phẩm “Con thuyền Phật pháp” xin được là gạch nối giữa tác giả và mọi người. Trên phím đàn của trái tim tình thương, bóng dáng của riêng tư xin mãi mãi được đóng lại, cho những âm ba tình người, bạn pháp luôn được cất cao tan hòa vào không gian vô tận, mang đến hương vị thanh tịnh. Trong thanh tịnh, những bông sen tinh khôi được cung đàn trái tim tình thương quyện đẩy hương thơm thấm sâu vào từng sinh linh bé bỏng. Con thuyền Phật pháp mời gọi mọi người bước lên, quay về cùng bản tánh như nhiên của vạn pháp.
Những khuyết lỗi là điều khó tránh khỏi trong tác phẩm.
Cầu mong tấm lòng khoan thứ rộng mở của mọi giới. Và nguyện cầu Con thuyền Phật pháp ngày một nối kết, mở rộng đến vô cùng, đưa người vượt thoát bến mê.
Trân trọng
Chúc Thanh 2010
Down load Con Thuyền Phật Pháp pdf file
Chúc Thanh Tống Hồ Hòa