Lan man từ một kiếp sống con người, dù ở đâu hay bất cứ một giai cấp nào đi nữa rồi cũng phải chịu một qui luật chung của “Sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não” rồi cũng tranh đấu giựt giành vì miếng sống hay sự sống. Nếu như con người mãi miết tìm kiếm sự bình yên ích kỷ cho riêng mình ở bên trong thế gian nầy thì họ vẫn phải đối kháng với bao điều phía trước và quanh họ, cho dù có được một chút lợi đắc danh xưng, một chút thỏa mãn của dục cảm bọt bèo. Nếu sự tìm cầu hạnh phúc mà không đúng nghĩa tích cực của nó, thì cũng chính là sự cuộn tròn trở lại trong vòng lẩn quẩn tham ác trói buộc khổ đau để rồi phải chấp nhận vui chịu bao tội lỗi hành phạt, làm tiêu mòn đi nguồn năng lực giác ngộ nơi cuộc đời vô thường mỏng manh nầy.
“Chỉ khi nào nắng đốt
Từ phí long người thôi!”
Cùng đi với người bạn thâm niên, có nhiều đồng cảm, nhưng đã từ lâu phiêu bạt vì chuyện áo cơm, nay có duyên gặp lại trông dáng người cũng lắm dày dạn phong sương nhưng vẫn hiền vui và nhanh nhẹn như thuở nào. Chúng tôi cùng vượt qua biên giới Việt-Miên, tham quan bằng chiếc Vespa xuôi về hướng Gò Dầu. Bấy giờ mới hơn 1 giờ chiều, nên ánh nắng còn gay gắt, nhưng với tốc độ xe khoảng 50 – 60km giờ cũng đủ mát cho người đi lại trên quốc lộ. Dọc hai bên đường từ Trảng Bàng đến Gò Dầu, trông cánh đồng bắp xanh mát đã vào mùa thu hoạch, từng thúng, từng bao, một số đã được nấu chín, hương bắp bốc lên thơm phứt bên cạnh những đống bắp sống, người bán luôn có lời mời gợi cảm với khách qua đường, người mua trông cũng hối hả thời gian.
Đường xá bây giờ trông thoáng đãng lắm, nên việc lưu thông cũng được dễ dàng. Khi đến thị trấn Gò Dầu chợt có cảm giác lạ, vì cách đây gần bảy năm, tôi thường có dịp lên xuống khu vực nầy, cảnh quan bây giờ trông ra sầm uất trù phú hơn xưa nhiều, mọi thứ gần như thay đổi, từ đường phố, khu chợ, khu giải trí.v.v… Đều tạo nên nhiều nét mỹ quan sau thời gian đầu thế kỷ, thể hiện phần nào sạch đẹp văn minh. Chúng tôi hướng xe về cầu Gò Dầu, cây cầu xưa cũ nhỏ hẹp nay không còn nữa, nay đã thi công xong cây cầu mới mà lòng cầu thì khá rộng, bên kia là đường Xuyên Á cũng mới vừa làm xong, bên đường đã dựng lên mô hình qui hoạch tổng thể, cọc phân lô nhú lên trắng phếu, ống dẫn nước, cáp quang điện đã được lắp đặt.
Rẽ vào trung tân huyện Bến Cầu, một huyện biên giới đang đưa vào công trình xây dựng, ngoài những cơ quan chủ lực của huyện, phần còn lại đang thi công và những cơ sở hạ tầng khác, nhịp sống chỉ nhộn lên phần lớn ở khu vực trung tâm, có điều ở đâu rồi cũng thấy lượng người bán vé số khá đông, phài chăng trong thời buổi nầy, đa số con người mong vào sự may mắn (Thần tài gỏ cửa). Đặc biệt ở đây là một huyện biên giới có những loại xe thồ vừa cồng kềnh vừa nặng nề bởi những hàng hóa được đưa sang qua lại từ hai phía Việt-Miên.
Khi qua cửa khẩu Mộc Bài độ hơn 500 mét, thấy vẽ đẹp kiến trúc có một nét riêng từ cổng tam quan cửa khẩu cũng như những công trình khác của đất nước xứ chùa tháp (Campuchia), với sức nắng gay gắt chan chan của xứ gần đường xích đạo, con người cũng phải đổi lấy bao nhiêu công sức, mồ hôi đổ ra để kiếm lấy miếng sống, trang trải chuyện áo cơm, nhà cửa… hình ảnh ấy ở đâu cũng thế, đi một đổi xa hơn thì đến khu chợ B’Wach, trông cái cảnh như chìm vào không gian lặng lẽ và ánh nắng xế bên thềm, mấy cô bán hàng ngồi chống cằm nhìn ra với ánh mắt đầy vẽ đăm chiêu như mơ khách đến mua hàng, có người nghẻo đầu lim dim tựa vào thành ghế bố hoặc ghế dựa, bên một quán cà phê giải khát đối diện có năm ba người đàn ông lớn có, nhỏ có đang phì phà điều thuốc trông vẽ mơ màng đến việc gì, nơi góc chợ phía bên cạnh là bến xe “ôm”, mấy bác tài dáo dác đưa mắt tìm khách, có lúc thả hồn theo sợi khói thuốc mong manh luồn trong màn bụi mỏng khi có cơn gió nhẹ đi qua bên đường, có người đàn bà đứng tuổi trên vai nặng gánh rau câu, có người với gánh chè, gánh trái cây đủ loại, tiếng leng keng của người đẩy chiếc xe cà rem, chiếc xe bánh mì .v.v… Tất cả đều toát ra một cảnh sinh hoạt của những lớp người nghèo, bình dân giữa đời thường, họ cũng cảm nhận những vui tươi hạnh phúc và bao nỗi nghiệt ngã buồn bã khổ đau thất vọng mất mát trong cuộc sống, cũng biết chấp nhận và từ chối, cũng biết tham muốn và giận hờn của một kiếp người.
Mặt trời đã treo nghiêng đầu ngọn cây xa và sắc nắng đã ngả màu thời gian, chúng tôi quay trở về lại cửa khẩu, nghe như có khoảng cách khác lạ của cảm giác tâm hồn giữa bên đây và bên kia bờ biên giới..
Lại thêm một lần nữa, ngồi bên quán cốc giải khát mà phát sinh dòng suy tưởng đến lời Phật dạy:
“ Cười gì, hân hoan gì
Khi đời mãi bị thiêu
Bị tối tăm bao trùm
Sao không tìm ngọn đèn “
PC. 146.
Lan man từ một kiếp sống con người, dù ở đâu hay bất cứ một giai cấp nào đi nữa rồi cũng phải chịu một qui luật chung của “Sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não” rồi cũng tranh đấu giựt giành vì miếng sống hay sự sống. Nếu như con người mãi miết tìm kiếm sự bình yên ích kỷ cho riêng mình ở bên trong thế gian nầy thì họ vẫn phải đối kháng với bao điều phía trước và quanh họ, cho dù có được một chút lợi đắc danh xưng, một chút thỏa mãn của dục cảm bọt bèo. Nếu sự tìm cầu hạnh phúc mà không đúng nghĩa tích cực của nó, thì cũng chính là sự cuộn tròn trở lại trong vòng lẩn quẩn tham ác trói buộc khổ đau để rồi phải chấp nhận vui chịu bao tội lỗi hành phạt, làm tiêu mòn đi nguồn năng lực giác ngộ nơi cuộc đời vô thường mỏng manh nầy.Thay vì, Phù Dung Thiền sư bảo rằng “Ngộ thanh, ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, Kiến lợi, kiến danh như nhãn trung trước tiết”.(Khi nghe tiếng hay, thấy sắc đẹp trên đời như hoa mọc trên đá, thấy lợi, thấy danh như rác bụi dính vào mắt). Như vậy, những lạc thú hạnh phúc trần gian chỉ là ảo ảnh như bóng mây mù, càng rượt đuổi, ta lại càng xa rời nó, thế nhưng càng xa rời thì ta lại càng rượt đuổi, kiếm tìm vô vọng, những điều ấy cốt để làm giàu cho thế giới ác ma huyền ảo.
Thế rồi, bên đây cửa khẩu Việt, bụi đường vẫn tung mỏng lên bởi những cơn gió mang đến từ những cánh đồng xa, những chiếc ô tô đủ loại đưa đón khách qua lại từ cửa khẩu, không biết bao nhiêu lượt người ngược xuôi trong ngày, những chiếc xe “ôm” chở một chở hai cũng lao vội bên đường lẫn với những xe đạp thồ, ba bánh thồ, thồ những hàng hóa cồng kềnh nặng nề dưới ánh nắng hãy còn sức gay gắt cắt ngang mặt người.
Họ qua lại biên giới với những hàng thồ thích hợp hay không hợp lệ, khi đi cũng như lúc trở về. Cùng một cách nghĩ ấy, chúng ta đến với cuộc đời nầy, sự có mặt trong cuộc đời, ta cũng chở đầy bởi những kiện hàng “duyên nghiệp, tội phước, vay trả ân oán, hạnh phúc hay đau khổ” từ bao đời, nó cũng thích hợp hay không thích hợp khi chúng ta thồ đến (sanh thân) hoặc lúc chúng ta thồ đi ( mạng chung), để rồi mãi mãi thênh thang trong cõi tử sinh vô cùng.
Sự hân hoan của một trạng thái cảm thọ nhất thời từ một kết quả nào đó do lòng tham muốn (dục niệm) mà có được, nhưng họ có biết đâu rằng : Đó chỉ là một trạng trái khoái lạc thỏa mãn giả tạm giữa đời thường của chúng sanh. Một khi cuộc đi của một đời người càng kéo dài sự tham cầu bất chính, thì khi ấy lại càng tăng dần thêm bao thiêu đốt, bào mòn tâm linh tánh giác của chính mình, giống như con vật càng kéo lê thùng xe phía sau thì bánh xe càng in dài vết lăn của của cái bánh xe bấy nhiêu. Có điều nếu chúng ta không còn chạy theo những ước muốn tham cầu dung dưỡng bởi những lạc thú thường tình trong thế gian, không bắt tay vào những việc bất chính, phi nhân, phi nghĩa, đánh mất đi nguồn mạch đạo đức nhân luân, là một gánh nặng xã hội con người, khi ấy chúng ta không còn tạo tác những nghiệp ác xấu quấy nơi “Thân, Khẩu, Ý” nữa, những nỗi bất an, lo âu và sợ hải sẽ không có lý do nào sanh khởi nơi tâm hồn của chính mình và cho cả mọi người. Chúng ta hãy nghe lời của Đạo Sư Tịch Thiên (Shantideva) Ngài cho biết “ Phật, đấng luôn nói lên sự thật, đã dạy rằng: Tất cả những nỗi lo sợ cùng vô lượng thống khổ đều nơi TÂM mà sinh ra” (Nhập Bồ Tát Hạnh, 6. 56.).
Trở lại vấn đề, biên giới là chỉ cho hai quốc gia liền ranh với nhau, chia nhau hai vùng để kiểm soát, bởi vì nó có hai sở hữu, hai chủ quyền, hai tổ chức chính trị, hai ý thức truyền thống tập tục văn hóa khác nhau.v.v… Thế nhưng, với cái nhìn đại thể trong cộng đồng nhân loại của những nhà đạo đức tâm linh, của những bậc Thánh đi vào đời thời chúng ta thấy rằng; không những nó siêu vượt tằm nhìn về biên giới mà còn trải rộng mầm hạt yêu thương cho những cánh hoa thời gian và không gian mãi mãi thắm tươi và truyền đi ngàn hương sắc.
Trong thế gian nầy, ở đâu mà không có sự sống chết, hạnh phúc và đau khổ, ấm lạnh và buồn vui, thành công và thất bại, giàu và nghèo, cao sang hay thấp hèn, bất công và lẻ phải. Nếu có sự chấp nhận hay khước từ do lực chiêu cảm từ dòng nghiệp thức hoặc đẩy ra, thì đây cũng chính là mỗi chúng ta tự chuyên chở đến hay đi bởi những nghiệp thiện hay bất thiện. Sự đốt cháy nghiệt ngã của dòng đời thiết nghĩ nó đâu đủ sức tuyệt đối đánh ngả chúng ta rơi vào vực sâu của tội lỗi, tham ác hận thù, chỉ sợ rằng chính ta lại là những chất liệu “bổi” để tự đốt cháy nơi mình mà thôi!, sự đốt cháy ấy mới là điều đáng lo ngại hơn bao giờ hết.
“Chỉ khi nào nắng đốt
Từ phía lòng người thôi !”
Bấy giờ, cả hai chúng tôi lên xe trên đường trở về, ngoảnh lại trông ánh nắng vẫn còn mênh mông ỡ giữa hai bờ biên giới.
Mặc Phương Tử (Tp. Hồ Chí Minh, tháng 12.2012)
http://www.daophatngaynay.com