Phật Học Ngụ Ngôn – Bách Dụ Kinh

70. NẾM QUẢ AM-BÀ-LA

Xưa có ông trưởng-giả muốn ăn quả Am-bà-la (Àmra) [34] mới sai người đến một vườn nhà kia mua và dặn phải mua quả ngon.

Người được sai đem tiền đi mua, người chủ có quả bảo: “Quả Am-bà-la nhà tôi đều ngon không có quả nào xấu, ông nếm thử một quả thì biết tất cả!” Người mua quả nói: “Mỗi quả tôi phải nếm một tí xem sao rồi tôi mới lấy, chứ nếm một quả sao biết cả được!” Tức thời người ấy hái quả, mỗi quả nếm một tí rồi đem về nhà. Vê nhà, ông trưởng-giả trông thấy tởm quá, bực không ăn, vứt tất cả.

Người đời nghe giữ giới và bố-thí sẽ được giầu-có, vui-vẻ nhiều và thân thường được yên-ổn không bị các tai-hoạn, người đời không tin nói: “Nếu bố-thí được giầu-có, tôi được thực tôi mới tin!” Mắt thấy đời nay giầu-sang, nghèo-hèn, đều do nghiệp trước mà được quả-báo nhưng, không biết suy một sự ra muôn sự để tìm nhân-quả, lại mang lòng bất-tín…, một mai mệnh mất đi, của-cải tan-nát, như người ngu nếm quả thành bỏ hết cả!

71. VÌ VỢ MẮT MÙ

Xưa có người đàn-ông lấy hai vợ, nằm gần người này người kia giận. Không sao chấm dứt được cảnh-tượng ấy, người kia đành nằm ngửa giữa hai vợ. Không may gặp lúc trời mưa nhà dột nước, đất đỏ xuống mắt, người kia vẫn không dám cựa-cậy, vì trước người kia đã cam-kết với hai vợ là không ngả-nghiêng sang bên nào, thành hai mắt bị mù.

Phàm-phu gần-gũi bạn tà, tập làm những sự phi-pháp, gây ra những nghiệp triền-phọc, phải sa vào ba đường ác ở mãi nơi sinh-tử, mất con mắt trí-tuệ, như người chồng ngu-si, vì hai vợ mà hai mắt đều hỏng!

72. ĂN VỤNG GẠO

Xưa có anh chàng rể đến nhà bố vợ, thấy giã gạo, anh ta đến bốc trộm một nắm bỏ vào mồm ăn. Vừa bỏ vào mồm, vợ ra thấy chồng mừng quá, muốn được nói chuyện. Nhưng, miệng chồng đầy gạo không nói được. Lại sợ xấu-hổ không dám nhả ra, nên anh ta cứ ấp-úng không nói. Vợ lấy làm lạ, mới lấy tay vẽ, hỏi thì chồng nói là miệng bị sưng. Vợ vội-vàng chạy đi nói chuyện với cha: “Thưa cha, chồng con vừa lại đây, bỗng dưng miệng sưng không nói được!” Người cha thấy thế cho gọi thầy thuốc chữa. Thầy thuốc tới xem bảo: “Bệnh này nặng lắm, phải lấy dao cậy mồm ra đắp thuốc mới khỏi được!” Nói rồi, thầy thuốc liền lấy dao cậy mồm, gạo đổ ra, việc bại-lộ.

Người đời làm mọi hành-vi tàn-ác, phạm giới thanh-tịnh, che-giấu lỗi lầm không chịu tỏ-lộ phải sa vào địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh. Như người ngu kia, vì chút thẹn-hổ không chịu nhả gạo ra, phải lấy dao cậy mồm mới tỏ lỗi-lầm vậy!

73. NGỰA ĐEN ĐUÔI TRẮNG

Xưa có người cỡi ngựa đen ra trận đánh giặc. Vì sợ quá không chiến-đấu được, người ấy lấy máu của những người đã chết hòa với cát bôi lên mặt mũi rồi nằm lẫn vào đám xác chết trước, giả chết. Người ấy nằm xuống, con ngựa đen bị người khác đuổi mất.

Lúc quân-lính về hết người ấy dậy đi cắt lấy đuôi ngựa trắng của người khác còn đấy đem về làm tin. Về nhà có người hỏi: “Ông để ngựa đâu không cưỡi về?” Người ấy đáp: “Ngựa tôi bị chết rồi, tôi chỉ cắt đuôi đem về thôi!” Người hàng xóm trông thấy nói: “Đuôi ngựa của ông đen sao đuôi này lại trắng?” Người ấy im-lặng. Ai cũng bật cười.

Người đời tự nói là mình tu-hành khá lắm, có tâm từ-bi không uống ăn tửu-nhục nhưng, hay giết-hại chúng-sinh, làm nhiều điều độc-ác. Tự dối là thiện, không việc ác nào không làm thời như người ngu kia nói dối ngựa chết không khác!

74. THAM-CẦU LỢI-DƯỠNG

Xưa có ông vua đặt ra pháp-chế về sự “tẩy-tịnh” [35] đối với các người Bà-la-môn… ở trong nước. Ai trái lệnh phải đi làm các việc vất-vả.

Khi ấy, có người Ba-la-môn xách bình tắm không, nói dối là nước của người tẩy-tịnh đem đổ đi, người ấy nói: “Tôi chẳng tẩy-tịnh, nhà vua tự tẩy lấy! Vì theo ý nhà vua, tránh sự phục-dịch, tôi nói dối là tẩy-tịnh, chứ thực không phải tẩy-tịnh chi cả!”

Phàm-phu tu đạo giải-thoát, hình-tướng bề ngoài đầy-đủ nhưng, bề trong hư-hỏng, tham-cầu lợi-dưỡng và trốn-tránh sự phục-dịch khác gì người cầm bình không kia, có tướng mà trong không vậy!

75. CON LẠC-ĐÀ VÀ CÁI VÒ

Xưa có người đựng thóc trong vò sành, con lạc-đà rúc đầu vào ăn không rút ra được. Người ấy thấy thế lo. Tình cờ có một ông lão tới, bảo: “Ngươi đừng buồn, ta có phương-pháp làm nó rút đầu ra nhanh được. Giờ ngươi nên chặt đầu nó đi, nó sẽ ra được ngay!” Người ấy tin thực, lấy dao chặt đầu lạc-đà. Mất cả lạc-đà, vở cả vò. Người đời ai cũng chê cười.

Tâm phàm-phu mong cầu đạo-quả Bồ-đề [36], giáo-pháp Tam-thừa [37] thời cần phải giữ giới cấm, đề-phòng mọi điều ác. Song, họ bị ngũ-dục phá-hủy tịnh-giới. Phạm giới rồi họ bỏ rơi Tam-thừa, buông-lung tâm-ý, gây mọi việc ác. Đạo-pháp và tịnh-giới đều bỏ, như người ngu làm lạc-đà và vò đều hỏng.

76. ĐIỀN-PHU NHỚ VƯƠNG-NỮ

Xưa có anh điền-phu đi chơi thanh trông thấy con gái vua đẹp quá về nhà ngày đêm tưởng-nhớ, nghĩ cách thông-giao không được thành bệnh. Những người thân-thuộc thấy thế, hỏi. Anh đáp: “Bữa trước tôi ra thành trông thấy con gái vua đẹp quá, tôi tương-tư, nghĩ cách thông-giao với nàng không được nên thành bệnh. Nếu không được toại-nguyện, tôi chết mất!” Những người thân-thuộc nói: “Anh đừng buồn, chúng tôi sẽ tìm phương-tiện cho anh, để anh được toại-nguyện!”

Hôm sau những người thân-thuộc tới thăm nói: “Việc anh, chúng tôi đã nói rồi nhưng, cô ấy không muốn!” Anh điền-phu nghe, vui cười cho là việc đã quyết-định.

Người ngu không phân-biệt thời-tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trong mùa Đông đem gieo hạt giống xuống đất, mong được hoa-quả chỉ uổng công vô-ích vì trời rét mầm lá, cành rễ đều hỏng. Người ngu tu-tập được ít chút phúc đã cho là đầy-đủ, cho là thiện-căn Bồ-đề có thể chứng được, như anh điền-phu hy-vọng con gái vua không khác!

77. TRANH VẮT SỮA LỪA

Xưa người mọi không biết con lừa làm sao, chỉ nghe người ta nói là sữa lừa rất ngon mà không ai biết cả. Một hôm họ được con lừa đực, họ muốn bú sữa, họ tranh nhau: người nắm đầu, người nắm tai, người nắm đuôi, người nắm chân… và đều muốn bú trước cả. Kết-cục, mọi người hì-hục, mỏi-mệt, vất-vả, không được gì cả. Người đời chê cười.

Phàm-phu, ngoại-đạo nghe nói đến đạo, họ không muốn tìm-hiểu đến nơi đến chốn, sinh tưởng niệm-càn, khởi mọi tà-kiến (tư-tưởng tà-vạy), nào: khỏa-hình, nhịn đói, gieo mình nơi ghềnh đá, đâm đầu vào đống lửa… bởi những tà-kiến ấy phải sa-đọa vào đường ác, như những người mọi vọng-cầu sữa lừa vậy!

78. CHA CON HẸN NHAU

Xưa có người cha đêm nằm bảo con: “Mai con đi cùng cha đến làng kia mang ít đồ vật về với cha!” Đứa con nghe rồi, sáng mai dậy lủi-thủi đi đến làng kia không hỏi gì cha cả. Đến nơi, người mệt, đói-khát không được gì lại quay trở về. Về gặp cha, cha mắng: “Mi ngu quá, không biết chi cả. Sao mi không đợi ta, để đến nỗi đi không về rồi, chịu khổ-cực, lại bị người ta chê cười cho!”

Phàm-phu cũng thế, được xuất-gia, mang hình-tướng người xuất-gia nhưng, không cầu minh-sư để học-hỏi đạo-pháp, làm tổn mất các công-đức đạo-phẩm, thiền-định cùng các đạo-quả của bậc Sa-Môn. Như người ngu đi không về rồi, tự mỏi-mệt, thời người mang hình-tướng tựa Sa-Môn, không hiểu biết gì, cũng không được gì vậy!

79. VÁC KỶ CHO VUA

Xưa có ông vua muốn vào vườn Vô-ưu chơi vui, mới sai một viên quan cầm cái kỷ để ngồi nghỉ. Viên quan sợ xấu-hổ không cầm, mới tâu: “Tôi không cầm được, tôi chỉ vác những thứ vác được thôi!” Ông vua có vẻ bực, sai người lấy ba mươi sáu cái kỷ chất lên lưng viên quan kia bắt vác. Mọi người đều cười.

Phàm-phu chấp-trước, thấy một sợi tóc nữ-nhân rơi ở đất không dám nhặt, tự cho là giữ giới. Nhưng, sau bị phiền-não mê-hoặc, ba mươi sáu vật nơi thân-thể họ như: tóc, răng, đại, tiểu bất-tịnh v.v… không cho là xấu, xông-xáo tất cả, không sinh thẹn-hổ và, đến chết cũng cố-thủ không bỏ, như người ngu vác kỷ vậy!

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.