Thức Biến Và Chuyển Thức

2- Chuyển thức

Chúng ta đã đi lạc vào trong một thế giới hạn hẹp. phân mảnh, sanh diệt, và do đó không thật, bất toại nguyện– những đặc tính của Khổ đế. Nguyên nhân của thế giới không thật, bất toại nguyện ấy là do thức biến. Với một tâm thức đầy nhiễm ô bởi phiền não, thành kiến, chia cách, phân mảnh, tham sân, hôn trầm, loạn động … chính tâm thức ấy đã biến hiện ra thế giới không thật và bất toại nguyện này. Bởi thế, để hoàn nguyên lại thế giới thực, thế giới đúng như nó là, chúng ta phải giải trừ đi đến loại bỏ sự biến hiện méo mó của thức, chúng ta phải chuyển hóa thức.

Sự chuyển hóa này Duy Thức Tông gọi là “chuyển thức thành Trí”. Thức A-lại-da, chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí, thức Mạt-na chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí.ý thức chuyển hóa thành Diệu quan sát trí, và năm thức giác qua chuyển hóa thành Thành sở tác trí. Luận Đại Thức Khởi tín nói là chuyển Sanh diệt môn thành Chân Như Môn.

Kinh Lăng Nhiêm nói là “ Chuyển năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, bảy đại về Như Lai tạng”.

Hệ thống Bát nhã gọi là “chuyển sắc, thọ, tưởng, hành, thức …thành tánh Không” vì vô tự tánh nên tánh Không, vì như huyễn nên quán Huyễn.

Hệ thống Tantra, mẹ của Mật giáo nói là “chuyển tất cả các thức vể Tịnh Quang, Ánh Sáng Căn Bản, Tâm Nền Tảng” (skt: prabhasvara, TT: odgsal,Clear Light).

Quá trình chuyển hóa này được các tông phái gọi chung là sự “tịnh hóa”.

Ngài Trí Khả người sáng lập Thiên Thai tông, phân định quá trình thực hành là Lục Diệu Pháp Môn: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán Hoàn, Tịnh.

Đại sư Pháp Tạng của Hoa Nghiêm tông gọi là “Vọng tận hoàn nguyên quán”.

Đại sư Duy Khơ của Duy Thức tông nói Duy Thức có năm lớp quán là “Khiển hư tồn thật, Xả lạm lưu thuần, Nhiếp mạt quy bổn, Ẩn liệt hiền thắng, Xả tướng chứng tánh.

Tóm lại những phương pháp thực hành của Phật giáo đều đề: “chuyển sanh tử thành Niết –bàn”. Chuyển thấy lầm con rắn “trở thành” thấy đúng sợi dây thừng”. Chuyển cái thấy phân biệt “tất cả chỉ là sóng xung đột nhau” thành cái thấy “tất cả sóng đều là nước đại dương một vị ”Chuyển tâm thức đóng băng cứng đặc trở lại thành nước, chuyển muôn ngàn bóng thương ghét trở lại thành gương. Thấy hoa đốm loạn xạ giữa hư không cũng chính là hư không … chuyển tướng thành tánh, thấy tất cả tướng thành tánh.

Nguyên nhân của thức biến, tạo ra kết quả, là hiện ra một thế giới với không gian và thời gian hạn hẹp, cắt đứt mà chúng ta gọi là sanh tử. Không sanh diệt biến thành có sanh diệt, thanh tịnh biến thành bất tịnh, không thể phân chia biến thành phần hạn xung đột nhau.

Cái chúng ta gọi là không gian, Kinh Lăng Già nói:

“ Thấy nhiều hình tướng khác nhau, ví như vàng chuyển biến thành các đồ dùng thì thấy có nhiều hình dạng, mà chẳng phải tánh vàng có biến đổi… Nên biết vọng tưởng chuyển biến như bơ và sữa, rượu và trái cây… đã chín mà thành. Hoặc có hoặc không tất cả tự cho tự tâm hiện, vô tự tánh, thật ra chẳng có sự chuyển biến. Đại Huệ như thế chúng sanh phàm ngu tự vọng tưởng mà snh ra sự tu tập. Đại Huệ không có pháp hoặc sanh hoặc diệt, tất cả giống như thấy sự vật sanh trong mộng huyền vậy”.

Về thời gian của chúng ta, Kinh Lăng Già nói:

“ Sát-na (khoảnh khắc) là A-lại-da trong Như Lai tạng, thức cùng ý chúng sanh là tập khí sát-na. Tập khí vô lậu thì chẳng phải sat-na, cẳng phải chỗ người thường có thể biết. Người thường chấp trước Sat-na luận, chẳng biết tát cả sat-na, chẳng phải là (phi) sat-na, rồi khỏi đoạn kiến phá hoại vô vi Niết-bàn”.

Kinh Lăng Già kết luận: “ Khéo biết tự tâm hiện, chẳng đắm trước. Lìa tất cả vọng tưởng của tâm ý, ý thức gọi là Niết-bàn”.

Phương pháp thực hành nào cũng đều có mục đích chuyển thức cả. Chẳng hạn bố thí Bà-la-mật là bố thí mà y cứ trên tánh Không.

“Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” là Bồ-đề tâm nguyện và Bồ-đề tâm hạnh của người tu đạoBồ-tát. Công việc ấy không rời lìa tánh Không vô tự tánh và như huyễn.

Lòng bi không rời lìa tánh Không vô tự tánh và như huyễn thì mới là Đại Bi. Nghĩa là Đại Bi thì hợp nhất với tánh Không.

Kinh Kim cương nói: “ Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào phát tâm vô thượng Bồ-đề thì phải sinh tâm như vậy, ta phải độ thoát tất cả chúng sanh, độ thoát tất cả chúng sanh rồi mà thật không có một chúng sanh nào được độ thoát”.

Vì sao thế ? Bởi vì “Chúng sanh, chúng sanh ấy, Như Lai nói rằn, phải chúng sanh đó gọi là chúng sanh”.

Chúng sanh mà thật chẳng phải là chúng sanh, đây là sự chuyển thức được Duy Thức học nhấn mạnh nhiều nhất. Với sự nhấn mạnh ấy Duy thức học đóng góp rất nhiều cho con đường tu Bồ-tát đạo. Một thí dụ: vô tự tánh, như huyễn giống như sự biết bơi. Người biết bơi không thể nhảy xuống dòng sông sanh tử để cứu người. Còn người biết bơi, có cái thấy vô tự tánh, như huyễn, thì có thể nhảy xuống nước, hoạt động trong nước mà không chìm để cứu người.

Có lẽ, bất cứ người nào thực hành Bồ-tát đạo cũng thường ngân nga trong lòng mình bài kệ, mở đầu Kinh Lăng Già, nhân nga như một bài ca của con đường Bồ-tát:

Thế gian lìa sanh diệt
Như hoa giữa hư không
Trí chẳng đắc có không
Mà hưng tâm đại bi

Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa khỏi tâm thức
Trí chẳng đắc có không
Mà hung tâm đại bi

Xa lìa tưởng đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Trí chẳng đắc có không
Mà hung tâm đại bi

Biết nhân pháp vô ngã
Phiền não trướng, sở tri
Thường thanh tịnh vô tướng
Mà hưng tâm đai bi

Tất cả không Niết-bàn
Không có Niết-bàn (của) Phật

Không có Phật, Niết-bàn (nhập diệt)
Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có hoặc không có
Là tất cả đều lìa

Thấy Mâu-ni tịch tĩnh
Ấy là xa lìa sanh
Đây gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau tịnh.

Nguyễn Thế Đăng – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.