Lời dạy thứ hai là lời khuyên hành Thiền của đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có sanh lòng hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các người”. Và khi sắp Niết-bàn, đức Phật nhắc đi nhắc lại nếp sống của một Tỷ-kheo tối thắng là tu Thiền định, Thiền quán:
“Và này Ananda, ở đời Tỷ-kheo quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ…. quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ưu ở đời. Như vậy này Ananda, Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một vị khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta” (Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Bát Niết Bàn). Lời dạy nầy của đức Phật chính là một lời khuyên tu Thiền và hành Thiền.
Với một bậc Ðạo sư, trước khi thành Ðạo đã có nhiều kinh nghiệm về Thiền như vậy, đã khám phá ra con đường Giới Ðịnh Tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát, trong ấy Thiền chiếm một vị trí quan trọng, cho đến khi thành Ðạo và nhập Niết-bàn, cũng điều là những kinh nghiệm bản thân về Thiền định. Hơn nữa, từ khi thành Ðạo cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài sống một đời sống hằng ngày hành Thiền để hiện tại lạc trú và sách tấn các đệ tử tu hành, cho đến trong suốt 45 năm thuyết pháp, lời giảng dạy của Ngài chính là hành Thiền. Ðến giờ phút gần nhập Niết-bàn, lời khuyến khích cuối cùng cho các đệ tử cũng là những lời khích lệ hành Thiền. Ðối với một bậc Ðạo sư như vậy, tự nhiên hành Thiền chiếm một địa vị vừa ưu tiên, vừa quan trọng trong những kinh điển Ngài dạy.
Vậy nay, chúng ta hãy tìm hiểu Thiền là gì, và hành tướng của Thiền là như thế nào? Chữ Thiền từ chữ Pàli là Jhàna, từ chữ Sanskrit là Dhyàna, được Ngài Buddhaghosa định nghĩa như sau: “Aramman, ùpanijjhànato paccanika – jhàpanato và jhapam” (Thanh Tịnh Ðạo, 150) nghĩa là do Thiền trên các đối tượng lựa chọn, và do đốt cháy những gì đối nghịch nên gọi là Thiền. Như vậy, Thiền là có nghĩa lựa chọn một đối tượng rồi Thiền tư trên đối tượng ấy, khiến cho khả năng đốt cháy, thiêu hủy các pháp đối nghịch, ở đây, chỉ cho các triền cái và các kiết sử phiền não.
Ðịnh nghĩa về Thiền trong các kinh điển thường lồng vào trong khung cảnh Giới Ðịnh Tuệ, và đề cập đến Ðịnh tức là Thiền định, tức là Thiền. Những định nghĩa này có rất nhiều chi tiết và ví dụ, và có thể được phân tích thành những giai đoạn như sau:
– Sửa soạn hành Thiền
– Ðoạn trừ các triền cái
– Chứng Sơ thiền cho đến Tứ thiền
A. Sửa soạn hành Thiền
Sau khi thành tựu Giới uẩn, nghĩa là thành tựu hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, hành giả: “Lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú niệm trước mặt”. (Kinh Trung Bộ).
Trong sự sửa soạn hành Thiền, chúng ta thấy rõ hành giả phải giữ Giới, tức là phải sống một nếp sống trong sạch và lành mạnh, mới có thể hành Thiền. Nói một cách khác, hành Thiền chỉ có hiệu quả khi nếp sống của hành Thiền là phải ly dục, ly bất thiện pháp. Những ai ăn nhiều, ngủ nhiều, tất nhiên khó hành Thiền; những ai say đắm năm dục, say đắm về rượu men rượu nấu, làm các hạnh bất thiện về thân, về lời, về ý, tất nhiên khó hành Thiền. Nói tóm lại, người hành Thiền phải sống một đời sống lành mạnh và trong sạch, thời hành Thiền mới có kết quả.
B. Ðoạn trừ các Triền cái
“Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gội rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gội rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, với tâm hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gội rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gội rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát ly khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gội rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp” (Kinh Trung Bộ).
Năm triền cái này có khả năng làm uế nhim tâm và làm yếu ớt trí tuệ, nên phải trừ khử để được sáng suốt và để trí tuệ được phát triển. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật có nêu rõ những pháp giúp đoạn trừ năm triền cái này:
“Tướng bất tịnh, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa sanh không sanh khởi và dục tham đã sanh được đoạn tận… Từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận… Người tinh cần tinh tấn, này các Tỷ-kheo, hôn trầm nhụy miên chưa sanh không sanh khởi, hôn trầm thụy miên đã sanh được đoạn tận… Người có tâm tịnh chỉ, này các Tỷ-kheo, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi, hay nghi hoặc đã được sanh đoạn tận”.
“Này các Tỷ-kheo, như một người mắc nợ, liền làm các nghề nghiệp, những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia mắc nợ nên ta làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được các nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi vợ”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người bị bệnh đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người bị nhốt trong ngục, người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người giàu có nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng hoan hỷ.
Cũng vậy này các Tỷ kheo, vị Tỷ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bịnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỷ kheo, cũng như không mắc nợ, như không bị bệnh tật, như được khỏi tù tội, như được tự do, như được đất lành yên ổn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái, khi chúng được diệt trừ”.
Như vậy đối với người hành Thiền, năm triền cái có tác dụng như một gánh nặng, như một trói buộc và giải thoát chúng có nghĩa là làm vơi nhẹ những gánh nặng và làm giải tỏa những trói buộc. Khi năm triền cái đã đoạn trừ, người hành Thiền mới thật sự bước vào Thiền định, do một tiến trình din tiến như sau, như được din tả trong kinh Trường Bộ: “Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái, hân hoan sanh. Do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an, do thân khinh an lạc thọ sanh. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh”.