Một nếp sống lành mạnh trong sáng, Một phương pháp giáo dục hướng thượng
Hòa thượng Thích Minh Châu – Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên, 1993
Thiền nguyên thủy hay pháp môn niệm hơi thở vô hơi thở ra đơn giản và thuần nhất; không gây một tác hại gì cho thân tâm. Không sợ bị điên loạn, nổ mắt, đau tâm thần. Trái lại là một phương pháp hiền thiện, điều hòa thân, điều hòa hơi thở, điều hòa tâm, giúp cho người hành Thiện được phấn khởi, có sức khoẻ, nhờ nếp sống lành mạnh, nhờ tâm tư an lạc nên ngủ ngon giấc, không có ác mộng, thân thể được khoẻ mạnh, con mắt được sáng lên.
Nhờ tu tập về niệm, trí nhớ được huấn luyện nên nhớ lâu, nhớ nhiều rất lợi cho học viên học hành và có khả năng phát triển trí tuệ rất lớn.
Nhờ tu tập về Thiền, người hành Thiền được Thiền lạc, thân tam thường được hoan hỷ, sảng khoái, phấn khởi, tác động tốt cho sức khoẻ thân và tâm.
Nhờ tu thiền người hành giả có được Thiền lực, dồi dào ý chí và nghị lực, đối trị được sợ hãi và rụt rè, có sức mạnh để vượt qua những khó khăn và đạt cho được lý tưởng tối thượng.
Chúng tôi xin trích một số Kinh đề cập đến Hành Thiền và kết quả của hành Thiền trong Kinh tạng Pàli:
I. Niệm hơi thở ra, hơi thở vô, có quả lớn (Tương Ưng, V)
1. “Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô hơi thở ra, có quả lớn, có lợi ích lớn.
2. “Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô hơi thở ra, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả lợi ích?”.
“Ngay trong hiện tại lập tức thành tựu chánh trí. Nếu ngay trong hiện tại, không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi mệnh chung thành tựu chánh trí. Nếu khi mệnh chung không thành tựu chánh trí, thời sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được trung gian Niết Bàn, được tổn hại Bát Niết Bàn, được vô hành Niết Bàn, được hữu hành Bát Niết Bàn, được thượng lưu, đạt đến sắc cứu cánh thiên”.
“Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn như vậy, niệm hơi thở vô hơi thở ra, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích này”.
II. Kinh Kappina (Tương Ưng, V)
1. “Tại Savathi… nói như sau:”
2. “Lúc bấy giờ tôn giả Mahà Kappina đang ngồi kiết già, không xa bao nhiêu, thân thẳng, để tưởng niệm trước mặt”.
3. “Thế Tôn thấy tôn giả Mahà Kappina ngồi kiết già, không xa bao nhiêu, thân thẳng để niệm trước mặt, thấy vậy liền gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ kheo, các người có thấy Tỷ-kheo ấy, thân có rung động hay có giao động không?”.
“Bạch Thế Tôn, chúng con thấy vị tôn giả ấy ngồi giữa tăng chúng hay ngồi một mình, độc cư, chúng con không thấy vị tôn giả ấy thân bị rung động hay giao động”.
4. “Ðối với một vị có thiền định như vậy, này các Tỷ kheo, nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn, nên thân vị ấy không rung động hay giao động, nên tâm vị ấy không rung động hay không giao động. Ðối với Tỷ kheo ấy, được định như vậy, không có khó khăn, không có gian nan, không có mệt nhọc”.
5. “… Này các Tỷ kheo, do vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra nên thân không rung động hay không giao động hoặc tâm không rung động hay không giao động.
III. Kinh Ngọn đèn (Tương Ưng, V)
1. “Này các Tỷ-kheo, Ta trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác khi còn là Bồ-tát. Ta trú nhiều với trú nà. Này các Tỷ kheo, do Ta trú nhiều với trú này, thân Ta và con mắt không có mệt nhọc, và tâm Ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”.
2. “Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu Tỷ kheo ước muốn rằng: “Mong rằng: Thân và mắt khỏi bị mệt mỏi, và mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này cần phải khéo tác ý”.
3. “Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu Tỷ kheo ước muốn rằng: “Mong rằng: các niệm các tư duy của Ta được đoạn tận”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”.
4. “Do vậy, này các Tỷ-kheo, nêú vị Tỷ-kheo ước muốn: “Mong rằng: Ly dục, ly pháp bất thiện, tôi sẽ chứng đạt và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”.
5. “Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu Tỷ kheo ước muốn: “Mong rằng: Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh, nhất tâm”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”.
6. “Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu Tỷ kheo ước muốn: “Mong rằng: Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tôi sẽ chứng đạt và an trù thiền thứ ba”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”.
7. “Do vậy, này các Tỷ kheo, nếu Tỷ kheo ước muốn: “Mong rằng: xả lạc, xả khổ, chấm dứt hỷ ưu, đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”.
8. “Trong khi tu tập định niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi làm cho sung mãn như vậy, vị ấy cảm giác lạc thọ. Vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết.: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan hỷ thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan hỉ thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm giác không khổ không lạc thọ, vị ấy rõ biết: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy rõ biết: “Không có chấp trước thọ ấy”. Vị ấy rõ biết: “Không có hoan hỉ thọ ấy”.
9. “Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm thọ, không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy được cảm thọ, không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm giác không khổ, không lạc thọ, thọ ấy được cảm thọ, không bị trói buộc. Khi vị ấy đang cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy rõ biết. “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng”. Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: “Ở đây tất cả mọi cảm thọ đều trở thành thanh lương”.
10. “Ví như, này các Tỷ kheo, do duyền dầu, duyên tim, một cây đèn dầu được cháy sáng. Nếu dầu và tim của ngọn đèn ấy đi đến tiêu diệt, nhiên liệu không được mang đến, thời ngọn đèn sẽ tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi Tỷ-kpheo cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy rõ biết: “Tôi cảm giác một cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng”. Khi thân hoại mạng chung, vị ấy rõ biết: “Ở đây tất cả những gì cảm thọ đều trở thành thanh lương”.